Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bí Mật Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Không Có Hai, Không Ngôn Thuyết

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT

CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI BẢY

PHẨM KHÔNG CÓ HAI,

KHÔNG NGÔN THUYẾT  

Khi ấy Đại Bồ Tát Tịch Tuệ đến trước thưa với Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ: Thưa Bí Mật Chủ! Thế Tôn Như Lai đã thọ ký cho nhân giả rồi ư?

Kim Cang Thủ đáp: Này thiện nam! Đức Phật thọ ký cho tôi, tự tánh cũng như mộng.

Tịch Tuệ hỏi: Nay Bồ Tát được thọ ký, vậy có sở đắc gì?

Kim Cang Thủ đáp: Vì không có sở đắc, cho nên tôi mới được thọ ký.

Tịch Tuệ hỏi: Không sở đắc pháp gì?

Kim Cang Thủ đáp: Ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả đều là không sở đắc. Uẩn, xứ, giới cũng không sở đắc cho đến thiện, bất thiện. Tội, không tội. Hữu lậu, vô lậu. Thế gian, xuất thế gian. Hữu vi, vô vi. Hoặc nhiễm. Hoặc tịnh. Sinh tử, Niết Bàn đều không sở đắc.

Tịch Tuệ hỏi: Nếu không sở đắc, thì tại sao trong đó lại có thọ ký?

Kim Cang Thủ đáp: Do không sở đắc, cho nên trong đó dùng trí thông đạt mà được thọ ký.

Tịch Tuệ hỏi: Trí nào có hai mà có thể quán?

Kim Cang Thủ đáp: Nếu như có thể quán có hai thể được thọ ký, nhưng vì trí ấy có thể quán có hai, cho nên các Bồ Tát ở trong trí không hai đó mà thọ ký như vậy.

Tịch Tuệ hỏi: Nếu trí không hai có thể quán, thì tại sao có chủ thể thọ ký và đối tượng được thọ ký?

Kim Cang Thủ đáp: Hoặc chủ thể thọ ký hoặc đối tượng được thọ ký mà dùng tánh bình đẳng ở trong vô nhị tế đều không có sở đắc.

Tịch Tuệ hỏi: Thưa Bí Mật Chủ! Ở trong vô nhị tế thì làm sao có thọ ký?

Kim Cang Thủ đáp: Nếu tế kia như vậy thì chính là vô nhị tế. Thế nên, ở trong tế ấy thọ ký như vậy.

Tịch Tuệ hỏi: Sao gọi là tế?

Lại đối với xứ nào mới được thọ ký?

Kim Cang Thủ đáp: Thọ ký ngã tế xứ, thọ ký chúng sinh tế xứ, thọ giả tế xứ, nhân tế xứ.

Tịch Tuệ hỏi: Ngã tế xứ ở tại đâu?

Kim Cang Thủ đáp: Tức là Như Lai giải thoát tế xứ.

Tịch Tuệ hỏi: Như Lai giải thoát tế xứ tại đâu?

Kim Cang Thủ đáp: Như Lai giải thoát tế xứ tại vô minh, hữu, ái tế xứ.

Tịch Tuệ hỏi: Vô minh, hữu, ái tế xứ tại đâu?

Kim Cang Thủ đáp: Tại rốt ráo, vô sinh, vô khởi tế xứ.

Tịch Tuệ hỏi: Rốt ráo, vô sinh, vô khởi tế xứ tại đâu?

Kim Cang Thủ đáp: Tại chỗ không biểu hiện.

Tịch Tuệ hỏi: Nếu không biểu hiện thì làm sao khai thị?

Kim Cang Thủ đáp: Nếu có khai thị tức chẳng phải là không biểu hiện.

Tịch Tuệ hỏi: Thế nào là không khai thị?

Kim Cang Thủ đáp: Nếu có biểu hiện, thì không khai thị.

Tịch Tuệ hỏi: Nếu không khai thị thì làm sao dạy dỗ?

Kim Cang Thủ đáp: Nếu có dạy dỗ tức là không khai thị, nếu không khai thị thì không dạy dỗ.

Tịch Tuệ hỏi: Làm sao được dạy dỗ?

Kim Cang Thủ đáp: Tuy là có biểu hiện, nhưng không có tiếp nhận.

Tịch Tuệ hỏi: Sao gọi có biểu hiện mà không có tiếp nhận?

Kim Cang Thủ đáp: Nếu không chấp trước vào văn tự, tức là không tiếp nhận.

Tịch Tuệ hỏi: Thế nào là không chấp trước văn tự?

Kim Cang Thủ đáp: Là nghĩa tùy thuận.

Tịch Tuệ hỏi: Sao lại gọi là nghĩa tùy thuận?

Kim Cang Thủ đáp: Đối với nghĩa mà không có kiến chấp.

Tịch Tuệ hỏi: Tại sao đối với nghĩa mà không kiến chấp?

Kim Cang Thủ đáp: Hoặc là nghĩa, hay chẳng phải nghĩa, nếu ở trong đó mà tìm cầu thì không thể được.

Tịch Tuệ hỏi: Nếu đối với nghĩa, không phải nghĩa tìm cầu thì không thể được, vậy thì tìm cầu ở đâu?

Kim Cang Thủ đáp: Do đối với nghĩa, chẳng phải nghĩa tìm cầu không thể được, cho nên không có pháp để tìm cầu.

Tịch Tuệ hỏi: Nếu không có pháp để tìm cầu, như vậy đối với tất cả đều không tìm cầu sao?

Kim Cang Thủ đáp: Trong đó không có một pháp nhỏ nào để có thể tìm cầu.

Vì sao?

Vì không có pháp để tìm cầu, cho nên pháp tức là không pháp.

Tịch Tuệ hỏi: Vậy trong đó, cái nào gọi là pháp?

Kim Cang Thủ đáp: Tiếng gọi là pháp còn không thể được, thì làm gì có pháp.

Này thiện nam! Phải nên biết như vậy. Nếu nói pháp là đối với văn tự, không trước không hành. Thế nên nói tất cả pháp là không có nói năng.

Này thiện nam! Nếu có người nói và lời được nói ra, thì đó không phải là nói. Do không nói cho nên không có pháp cũng không phải như lý.

Tịch Tuệ thưa: Thưa Bí Mật Chủ! Nếu như vậy thì lời nói pháp của Như Lai cũng không phải là nói ư?

Kim Cang Thủ đáp: Này Tịch Tuệ! Ông không nghe trước ta đã vì ông mà nói rằng Thế Tôn Như Lai không nói một chữ đó sao?

Do không nói cho nên Như Lai mới dùng thần thông nguyện lực tùy theo ý của các chúng sinh mà có nói ra.

Tịch Tuệ hỏi: Nếu có nói ra thì bị lỗi lầm gì?

Kim Cang Thủ đáp: Nếu có nói ra, thì mắc lỗi lầm về ngữ nghiệp.

Tịch Tuệ hỏi: Ngữ nghiệp ấy mắc lỗi lầm gì?

Kim Cang Thủ đáp: Mắc lỗi lầm về chấp trước văn tự tư duy.

Tịch Tuệ hỏi: Vậy thì làm thế nào để lìa lỗi lầm này?

Kim Cang Thủ đáp: Trong tất cả pháp, hoặc có nói ra, hoặc không có nói ra đều không có một pháp nhỏ nào mà có thể biểu hiện rõ. Do không biểu hiện cho nên lìa được lỗi lầm. Lại nữa, đối với bản thân mình mà không có khai thị cũng là lìa lỗi lầm.

Tịch Tuệ hỏi: Căn bản của lỗi lầm ấy là gì?

Kim Cang Thủ đáp: Lỗi lầm ấy thủ là căn bản.

Tịch Tuệ hỏi: Thủ chấp lấy gì làm căn bản?

Kim Cang Thủ đáp: Lấy chấp trước làm căn bản.

Tịch Tuệ hỏi: Chấp trước lấy gì làm căn bản?

Kim Cang Thủ đáp: Lấy phân biệt hư vọng làm căn bản.

Tịch Tuệ hỏi: Phân biệt hư vọng lấy gì làm căn bản?

Kim Cang Thủ đáp: Tăng thượng sở duyên kiến làm căn bản.

Tịch Tuệ hỏi: Tăng thượng sở duyên kiến lấy gì làm căn bản?

Kim Cang Thủ đáp: Lấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm căn bản của tăng thượng sở duyên.

Tịch Tuệ hỏi: Thế nào là không sở duyên?

Kim Cang Thủ đáp: Ái không liên tục tức là không sở duyên.

Tịch Tuệ nên biết! Như Đức Phật đã nói, trong tất cả pháp, nếu đoạn ái tức là không sở duyên.

Lúc Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ nói pháp này, trong hội có năm trăm Tỳ Kheo tâm được giải thoát, hai trăm Bồ Tát được vô sinh pháp nhẫn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần