Phật Thuyết Kinh đại Thừa đảnh Vương - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA ĐẢNH VƯƠNG

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần  

PHẦN HAI  

Bấy giờ, Tôn Giả Phú Lâu Na Di Đà La Ni Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Đồng Tử Thiện Tư Duy ở trong pháp thâm diệu ấy đã có được trí tuệ thông tỏ.

Phật bao Phú Lâu Na: Đúng vậy, đúng vậy! Như lời ông nói.

Phật nói với Đồng Tử Thiện Tư Duy: Vì ý nghĩa gì mà con cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác?

Đồng Tử Thiện Tư Duy nói kệ:

Vô thượng nơi Trời, Người

Biết rồi mà vẫn hỏi

Như Đức Phật đã dạy

Ai sẽ có mong cầu?

Con nay không mong cầu

Chỉ cầu pháp vô ngại

Pháp sâu xa vô thượng

Thanh tịnh lìa các lậu.

Chúng sinh không nắm bắt

Phi chúng sinh cũng thế

Ở đây không chìm mất

Nên trụ nơi thế gian.

Người biết được như vậy

Pháp sâu xa vô thượng

Đồng nhất và dị biệt

Như trên nêu cõi thật.

Giác ngộ cho chúng sinh

Chúng sinh không thủ đắc

Do chẳng có chúng sinh

Nên không người giác ngộ.

Trí tuệ và chúng sinh

Tự tánh không nắm bắt

Người biết được như vậy

Thì gọi là bậc trí.

Thế Tôn, con cũng vậy

Tự nhiên được giác ngộ

Vì tất ca chúng sinh

Mà thuyết pháp vô thượng.

Khi ấy, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật hết sức hy hữu! Đồng Tử Thiện Tư Duy nhờ biện tài sâu xa này mà ở trong pháp vô chứng, vô đắc đã có thể giải thích giảng nói. Tất cả hàng Trời, Người, A Tu La nơi thế gian ở trong pháp này đều sinh kinh sợ.

Bạch Thế Tôn! Ai là người đối với pháp này mà chẳng tu học?

Đây là pháp thâm diệu nên cần phải tu học trước tiên.

Tôn Giả Tuệ mạng A Nan nói kệ:

Đồng Tử Thiện Tư Duy

Ở trong đại chúng này

Như núi báu Tu Di

Người thấy đều ưa thích.

Ví như núi Tu Di

Sừng sững giữa biển lớn

Khéo thuyết pháp như vậy

Chỗ ưa thích của đời.

Chẳng phải danh, không danh

Lơi Đồng Tử đã nêu

Giảng nói pháp cõi thật

Không phải cõi thế gian.

Khi nêu bày như thế

Không sinh tâm kinh sợ

Đồng Tử vì ta nói

Làm sao biết như thế?

Đồng Tử Thiện Tư Duy liền nói kệ:

Con không tiếc thân mạng

Để cầu pháp giải thoát

Cầu bồ đề như vậy

Bậc Đa văn nên biết.

Do dục tạo loạn động

Thế gian chịu các khổ

Con đã không tham vướng

Gặp Đạo Sư của đời.

Cảnh giới Chư Phật ấy

Cứu giúp người thế gian

Nay ở trước Đức Phật

Thân không có lầm lỗi.

Hư không và thân con

Hai đều không nắm bắt

Nếu không pháp nắm bắt

Đối với pháp sợ gì?

Hư không và Đức Phật

Cả hai không thủ đắc

Người nhẫn được như vậy

Đối pháp không lo sợ.

Hư không cùng đại địa

Tự tánh không nắm bắt

Tự tánh của Thiện Tư

Với pháp không lo sợ.

Thiện Tư, hư không, địa

Xưa không, nay cũng không

Không tự tánh, không sinh

Người sợ: Không tự tánh.

Hư không chẳng cao, thấp

Rốt ráo không nắm bắt

Người biết pháp như vậy

Với pháp không còn sợ.

Bấy giờ, Thế Tôn hỏi Đồng Tử Thiện Tư Duy: Con không sợ gì chăng?

Bạch Thế Tôn! Con không còn sợ gì cả.

Con không kinh sợ thật sao?

Bạch Thế Tôn! Con không hề kinh sợ.

Phật bảo Đồng Tử: Lành thay! Lành thay! Con có thể ở trong pháp thâm diệu này mà không hề sợ hãi.

Đức Phật nói kệ:

Đối Thể sinh lo sợ

Thể này không thủ đắc

Thường nhẫn được như vậy

Người ấy cầu bồ đề.

Nói về tưởng chúng sinh

Chúng sinh không thủ đắc

Nếu biết được như vậy

An trụ ở thừa này.

Nếu không chứng bồ đề

Không chứng phi bồ đề

Càng không có chỗ chứng

Người ấy không lo sợ.

Nếu người rõ như vậy

Chẳng vướng trong có, không

Con nên biết như thế

Đạo này là bồ đề.

Này Thiện Tư Duy! Bồ Tát muốn mau chứng được đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, muốn nhận biết rõ các tưởng về thường, tưởng về lạc, tưởng về tịnh, tưởng về chúng sinh, tưởng về người thì phải tu tập đạo này mới có thể hướng đến quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác.

Khi Như Lai hành đạo Bồ Tát cũng thường tu học hạnh như vậy. Sau khi Như Lai chứng đạo vô thượng này rồi thì không thủ đắc một pháp nào gọi là chứng bồ đề.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ta nói về tưởng thường

Thể thường không thủ đắc

Thường, vô thường đều không

Cầu chúng chẳng thể được.

Tưởng lạc về chúng sinh

Không biết nơi tưởng lạc

Đấy là tưởng điên đảo

Phân biệt sinh nơi người.

Nên chúng sinh có tưởng

Thọ mạng cùng với người

Nếu có kẻ biết pháp

Kia, đây không thủ đắc.

Phi đạo chứng bồ đề

Phi đạo cũng chẳng đạt

Đây là tánh các pháp

Cầu pháp không chấp giữ.

Tánh cùng với sự thật

Bậc trí không phân biệt

Con nên biết như vậy

Đạo này là bồ đề.

Không hành thừa diệu này

Phật thừa là vô thượng

Ở đây sinh phân biệt

Là người không biết pháp.

Không hành thừa diệu này

Phật thừa là vô thượng

Người không tu hạnh ấy

Định sâu xa khó chứng.

Các pháp không sự thật

Sự thật không thủ đắc

Nếu không có sự thật

Làm sao chứng được lạc.

Hoặc vui, hoặc là khổ

Như dấu trong hư không

Bậc trí biết như thế

Tâm họ được giải thoát.

Ta giảng thuyết có ngã

Pháp ấy không sự thật

Do vì không có ngã

Nên không có người biết.

Không có người biết được

Cảnh giới trí tuệ này

Đây do thuyết tưởng mạng

Rốt ráo không thủ đắc.

Hoặc ngã hoặc là mạng

Tự tánh không sự thật

Bậc đại trí biết rõ

Trí kém bị mê lầm.

Tánh cùng với sự thật

Cảnh giới của phàm phu

Không biết trong thừa này

Phật thừa không nghĩ bàn.

Tu Đa La sâu xa

Không nghe, không thọ trì

Ở trong pháp môn ấy

Không pháp để giảng thuyết.

Ta không chứng pháp nào

Cũng không pháp dể thuyết

Khi ta ngồi Đạo Tràng

Không chứng đắc trí tuệ.

Không trí cũng như vậy

Bồ đề không thủ đắc

Bồ đề và Đạo Tràng

Khi nói không chấp giữ.

Phàm phu khởi phân biệt

Tán thán Phật thuyết pháp

Đây là lời bí mật

Phật thuyết giảng sâu xa.

Nếu không nghe pháp này

Bậc tối thắng đã nói

Chỗ thâm diệu và Phật

Cho là cảnh giới ma.

Người ấy không biết nghĩa

Chấp giữ nơi các pháp

Tất cả chúng Bồ Tát

Đã hiểu rõ pháp này.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần