Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Năm Mươi Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH CỰU TẠP THÍ DỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN NĂM MƯƠI TÁM  

Ngày xưa có một quốc gia, nhân dân thịnh vượng, nam nữ lớn nhỏ đều quen thói làm ác, tánh khí ngang bướng, hung bạo, rất khó giáo hóa. Đức Phật dẫn các đệ tử đến gần nước ấy. Trong đó có năm trăm vị A La Hán tâm thường tự mãn.

Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên đứng trước Đức Phật thưa: Con muốn đến nước kia hóa độ muôn dân.

Đức Phật liền chấp nhận. Tôn Giả đi đến nước đó nói pháp, giảng đạo, khuyên họ nên làm việc thiện, nếu làm việc ác, tội lỗi kia rất khó lường được. Người trong nước ấy họ hùa nhau phỉ báng, không chịu nghe theo lời khuyên dạy ấy nên Tôn Giả phải trở về.

Xá Lợi Phất nói với Tôn Giả Mục Kiền Liên: Muốn giáo hóa người nên dùng trí tuệ như pháp mà sửa đổi, nếu họ hiểu được sẽ tự cải bỏ.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Con muốn đi đến nước kia để chuyển hóa cứu độ muôn dân.

Đức Phật chấp nhận cho ngài đi. Tôn Giả vì mọi người giảng dạy Kinh Luật, họ không nghe theo mà còn nhục mạ.

Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp và các đệ tử lớn gồm năm trăm vị, theo thứ tự lần lượt đi đến nước kia cũng không hóa độ được mà còn bị coi khinh chế diễu.

Tôn Giả A Nan bạch với Đức Phật: Người nước kia hung dữ, không chịu tiếp nhận lời lành, các Thanh Văn đến đó đều bị nhục mạ. Nếu nhục mạ một vị A La Hán, tội ấy rất lớn, huống nữa họ còn đi ngược lại với lời khuyên dạy của các vị, họ sẽ mắc tội rất nặng, bầu trời này khó dung được họ.

Đức Phật dạy: Tội ấy tuy nặng, nhưng Bồ Tát quán sát chỉ thấy có thanh tịnh mà không thấy thật có tội.

Đức Phật liền dạy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đi đến nước kia để giáo hóa.

Khi Bồ Tát đến giáo hóa, họ được nghe và đều tán thán: Việc hướng dẫn, dạy dỗ của Bồ Tát sao mà dễ tiếp nhận quá!

Bồ Tát lại còn vào viếng Vua nước kia, sau khi đàm đạo, Vua rất hoan hỷ, lại còn báo cho các quan, nhân dân đều biết.

Vua tán thán: Bồ Tát là Bậc tinh tấn, dũng mãnh, nhân từ, trí tuệ.

Bồ Tát đi đến đâu, mọi người đều rất hợp ý khen ngợi, tất cả đều rất hoan hỷ, không thể tự kiềm chế.

Họ nói: Đây là bậc Đại nhân, lời dạy rất thần diệu. Bồ Tát lại còn biết được tâm chí của ta, đấy không phải là điều vui thích nhất sao!

Mọi người đều đem vàng bạc, vật báu, hương hoa rải trên người Bồ Tát.

Lại còn đem y phục, lụa là tốt đẹp và đồ ăn trân quý cúng dường Bồ Tát. Sau đó tất cả đều nhờ sự giáo hóa của Ngài mà phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi dạy chúng đệ tử: Các vị cúng dường ta không bằng cúng dường thầy ta. Ngài là Đấng Giác Ngộ. Hãy đi đến phụng sự cúng dường Ngài, phước đức sẽ tăng trưởng vô lượng.

Tất cả mọi người đều vui vẻ chấp thuận, theo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đến yết kiến Đức Phật. Đức Thế Tôn vì họ nói pháp. Ngay khi ấy, tất cả họ đều vào địa vị bất thoái chuyển, ba ngàn Quốc Độ đều chấn động lớn.

Núi rừng, cây cỏ đều thầm khen ngợi: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khéo hóa độ vậy!

Đức Phật hỏi A Nan: Ngươi nói họ mắc tội lớn, nay có còn không?

Sức mạnh của năm trăm vị A La Hán và oai thần của Bồ Tát đã hóa độ như vậy cho nên thường được Đức Như Lai khen ngợi. Nếu chúng ta không biết hồi tâm sẽ làm suy hại dòng giống của Phật, không có lợi ích cho tất cả mọi người.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần