Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Da Xá, Đời Chu

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA ĐỒNG TÁNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Da Xá, Đời Chu   

PHẦN BỐN  

Bấy giờ, trong biển chúng, hoặc có những vị Trời, Rồng, A Tu La chứng pháp và đắc quả. Hoặc có những vị Dạ Xoa, La Sát phát tâm bồ đề. Hoặc có những vị Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, đối với các pháp của Phật, được sự không nghi ngờ. Hoặc có những vị Ca Lầu La, Càn Thát Bà cùng các chú thần đắc Đà La Ni, chứng pháp và đắc quả.

Hoặc là đối với tất cả các pháp, có vị đạt được sự không thoái chuyển. Tức thời, đại địa chấn động, ánh sáng tự nhiên chiếu khắp cả Cõi Phật cho đến các khoảng trống trong núi Thiết Vi, lớn nhỏ cũng đều chiếu sáng. Tất cả các khổ ở ác đạo thảy đều chấm dứt.

Ở giữa không trung, mưa xuống các hoa trời. Âm vang tiếng trống Trời phát ra đủ tiếng. Và các y phục mềm mại tự nhiên hiện ra. Vô số những việc như vậy không thể nghĩ bàn.

Lúc ấy, Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na, xem xét các chúng của mình như thế, rồi liền bảo: Các ngươi hãy cùng nhau hòa hợp, hướng về Thế Tôn, sinh tâm cung kính, phát tâm đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi đó, vô lượng trăm ngàn chúng La Sát kia cùng nhau hòa hợp hướng về Phật, chắp tay thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng con từ nay trở đi sẽ cùng nhau tụ tập hòa hợp quy y Phật, Pháp, Tăng. Đồng phát tâm bồ đề, thực hành hạnh đại thừa.

Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện sẽ đạt thành Chánh Giác ngay trong cõi Ta Bà này. Vào đời vị lai, dứt sạch ác nghiệp, thành bậc vô thượng, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Chúng con cúi xin Thế Tôn hãy chứng tri.

Phật nói: Thật lành thay! Nếu có khả năng phát tâm bồ đề, các ông nên hành bốn loại pháp lành. Người khéo thực hành bốn pháp này sẽ đạt được sự không quên mất tâm bồ đề.

Bốn pháp đó:

1. Tất cả những nguyện hạnh không trái, không mất.

2. Đối với các chúng sinh, thường hành tâm lành.

3. Một ngày ba thời, cúng dường Tam Bảo, ngày đêm không dứt.

4. Không nguyện cầu quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Đối với bốn pháp trên, nếu các ông thực hành đầy đủ thì sẽ không quên mất tâm bồ đề kia.

Lúc bấy giờ, Hải Long Vương, từ chỗ ngồi, đứng dậy, trịch vai áo bên phải, gối phải chạm đất, hướng về Phật, chắp tay thưa: Bạch Thế Tôn! Khi xưa Vua Tỳ Tỳ Sa Na Lăng Già đã tạo căn lành gì mà có khả năng như vậy?

Có đồ cúng dường đầy đủ để cúng dường Phật, cùng vô số chúng Thanh Văn, Bồ Tát. Sau khi cúng lại phát tâm bồ đề, phát tâm bồ đề rồi, chứng được Bất thoái chuyển, được thọ ký thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi nghe nói vậy, Phật bảo Hải Long Vương: Này Long Vương! Khi xưa, trải qua vô lượng số A tăng kỳ kiếp, có vị Phật hiệu là Đại Từ Sở Sinh Trí Tướng Tràng Như Lai, Chí Chân Chánh Đẳng, Chánh Giác, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Vị Như Lai ấy cũng trở lại sinh vào trong đời năm trược của Thế Giới Ta Bà này. Ở trong chúng sinh, vị Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng, Chánh Giác ấy, diễn thuyết phân biệt pháp tam thừa.

Này Long Vương! Khi đó vị Như Lai kia, cũng trở lại trụ trên đỉnh núi Ma La Da này Ngài đã thuyết pháp cho năm trăm chúng Tỳ Kheo, đại Thanh Văn và vô lượng trời, rồng và phi nhân.

Này Long Vương! Lúc ấy, có La Sát Đồng Tử tên Tỳ Tỳ Sa Ca, cũng trở lại trụ ở thành lớn Lăng Già này, hình dáng dữ tợn, bụng lớn mạnh mẽ, tánh khí hung bạo, mặt mày xấu xí, chỉ ăn thịt uống máu, răng nanh gớm ghiếc.

Long Vương! Lúc ấy, Đồng Tử La Sát Tỳ Tỳ Sa Ca nghe Phật Thế Tôn, trụ ở trên núi Ma La Da, liền suy nghĩ: Ta không muốn vị Sa Môn này, cùng chúng Tỳ Kheo ở trên đỉnh núi Ma La Da.

Vì sao?

Vì nếu vị Sa Môn này, trụ trên đỉnh núi Ma La Da thì ta không thể tóm thâu các loài trong biến lớn, cũng không có loài nào để ta giết hại cả. Nay nếu ta cứ ở đây, thì chắc chắn sẽ bị nhịn đói.

Này Long Vương! Bấy giờ, Đồng Tử Tỳ Tỳ Sa Ca La Sát kia, liền nói với chúng La Sát của mình: Các ngươi, ai mạnh mẽ, hãy mau nghiêm chỉnh mặc giáp trụ, cầm các loại vũ khí như dao, gậy, chùy, nỏ, búa, kích, cung, tên, mâu, thuẫn và chày kim cương, đấu luân, giáo dài… vì sao?

Vì nay, ta phải đuổi ông Sa Môn kia cùng với chúng Sa Môn của ông ta, đi khỏi cảnh giới của ta khiến họ phải rời xa nơi mà ta đang ở.

Long Vương! Bấy giờ La Sát Đồng Tử Tỳ Tỳ Sa Ca mang giáp trụ tốt, cùng với chúng La Sát, mỗi vị cầm mỗi loại vũ khí, gậy gộc khác nhau, lướt không trung, bay tới chỗ Đại Từ Sở Sinh Trí Tướng Tràng Như Lai kia.

Đến nơi, vẫn đứng ở không trung cùng với đồ chúng của mình, La Sát Đồng Tử nói với Thế Tôn: Hãy đi đi, ông Sa Môn! Ta không cần ông trụ ở đỉnh núi này đâu. Nếu trái lời, ta sẽ giết ông, cùng những người của ông đấy.

Long Vương! Khi đó, Đức Đại Từ Sở Sinh Trí Tướng Tràng Như Lai, liền hiện thần thông. Sau khi Đức Như Lai hiện thần thông rồi, thì La Sát Đồng Tử Tỳ Tỳ Sa Ca cùng đồ chúng của ông ta, đều cảm thấy thân mình, bị năm thứ trói buộc, lại thấy lưới thiếc mười phương bao trùm, muốn trốn chạy nhưng không được nữa, đành đứng lặng im.

Long Vương! Lúc đó La Sát Đồng Tử Tỳ Tỳ Sa Ca cùng chúng La Sát lòng sợ hãi, thầm nghĩ: Bây giờ, chúng ta phải đi đâu đây?

Nương tựa vào ai, cầu cứu ai giải thoát nạn cho chúng ta đây?

Long Vương! Khi ấy, trong chúng của Đức Đại Từ Sở Sinh Trí Tướng Tràng Như Lai, có một Chú Thần Vương, tên là Chánh Định Thâm Mãn Công Đức Oai, trước đây có kết bạn với La Sát Đồng Tử Tỳ Tỳ Sa Ca, đang ngồi ở trong chúng của Đức Như Lai ấy.

Long Vương! Lúc ấy, Chánh Định Thâm Mãn Công Đức Oai Trì Chú Thần Vương, nói với Tỳ Tỳ Sa Ca La Sát Đồng Tử: Này bạn lành! Chư Phật Thế Tôn là bậc duy nhất, đáng tốn quý trong ba cõi, là bậc giáo hóa Trời Người, là người đã đạt được vô lượng các pháp công đức. Ngài thực hành lòng đại bi trong khắp chúng sinh. Bạn hãy cùng chúng La Sát có thể quy y Ngài, cùng Pháp, Tăng. Các bạn quy y Tam Bảo và hãy phát tâm bồ đề, thì tất cả mọi trói buộc sẽ được giải tỏa.

Khi ấy, Chánh Định Thâm Mãn Công Đức Oai Trì Chú Thần Vương do nhờ vào sức giáo hóa, nhờ vào thần lực của Phật, nên vừa nói như vậy xong, tức thời Tỳ Tỳ Sa Ca La Sát Đồng Tử, cùng với chúng La Sát, cùng nhau chắp tay và nói: Nam Mô Đấng Vô Biên Công Đức Trang Nghiêm Thân.

Nam Mô Đấng Tối Thượng đại bi Giác. Chúng con, từ nay về sau, quy y Phật, cùng với Pháp, Tăng. Chúng con thường hành quy y Tam Bảo, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Long Vương! Tỳ Tỳ Sa Ca La Sát Đồng Tử, cùng với tất cả chúng La Sát, sau khi nói lời như vậy rồi, tất cả mọi trói buộc tức thời được giải tỏa. Rồi từ trên không trung, hướng đến Đức Đại Từ Sở Sinh Trí Tướng Tràng Vương Như Lai hạ xuống, đến chỗ Đức Thế Tôn, đi nhiễu ba vòng.

Lúc này, Tỳ Tỳ Sa Ca Đồng Tử, cùng chúng La Sát, tất cả đều cùng đảnh lễ dưới chân Phật, cầu xin sám hối. Sám hối xong, đều cùng nhau trở về chỗ cũ.

Long Vương! Ý ông thế nào?

Nay ông nên biết! Tỳ Tỳ Sa Ca La Sát Đồng Tử lúc ấy, nào ai khác đâu, chính là Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na đấy. Còn chúng La Sát lúc đó lại cũng chẳng phải là chúng nào khác, mà nay chính là chúng La Sát của Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na đây.

Long Vương! Ý ông thế nào?

Vào thời đó, Chánh Định Thâm Mãn Công Đức Oai Trì Chú Thần Vương cũng chẳng là ai khác, mà chính là Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông.

Khi nói như vậy rồi, tam thiên đại thiên Thế Giới, tức thời chấn động, giống như thuyền bè chao động giữa làn sóng biển mênh mông vậy. Chúng sinh trong đó, không còn thấy sự sợ hãi và bị hại mà chỉ thấy được tất cả mọi sự an ổn sướng vui. Tất cả chúng sinh thực hành theo mười điều lành.

Lúc đó, ở Cõi Phật Ta Bà, những núi cao như Tu Di. Những biển lớn, cõi nước, xóm làng, núi rừng, hải đảo, hắc sơn, hang động, rừng rậm, ao vườn, sông suối, đầm rạch, gò đống, hầm hố, sườn núi, ụ đất, vách đá, muối cát, gai góc, bùn phân hôi thối khó chịu, đều được trừ sạch.

Vàng sông Diêm phù tỏa ánh sáng lớn chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, kể cả những nơi mà tất cả ánh sáng của mặt trăng mặt trời cũng không thể nào chiếu đến. Cho đến những nơi tăm tối nhất trong núi Thiết vi, lớn nhỏ cũng đều được ánh sáng kia chiếu khắp, lấn át cả vầng nhật nguyệt, huống gì là ánh sáng khác, mọi ảnh tượng lúc ấy đều không hiện.

Ánh sáng đó diệt trừ tất cả các khổ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Cùng lúc này, hàng trời, người trong Thế Giới Ta Bà này, nếu có khổ não, thì tất cả đều được an ổn vui vẻ. Nếu có chúng sinh nào đói, thì được ăn. Khát được uống. Khỏa thân được y phục. Nghèo được của báu. Mù được thấy. Điếc được nghe tiếng. Câm được nói. Sáu căn thiếu sót thì được đầy đủ. Nếu bị nhốt trong lao ngục thì đều được giải thoát.

Lúc bấy giờ, các loài chúng sinh không còn có tâm tham lam ham muốn, tức giận, ngu si, bỏn sẻn, ganh ghét. Mà chỉ có mỗi tâm tốt, tâm lành, tâm an vui, giống như là cha mẹ, anh em, chị em.

Vào lúc ấy, tất cả các chúng sinh đều đạt được những tâm như vậy, khiến họ đều có hành động an vui, mừng rỡ hớn hở, biểu hiện đầy khắp cả các căn. Cũng không có nóng lạnh và cả sự buồn rầu. Như vậy, tất cả chúng sinh, tâm vui đầy đủ, không nghe to tiếng và lớn tiếng với nhau.

Lại nữa, đất đai lại bằng phẳng, như bàn tay lưu ly tạo thành, hóa ra nhiều ao đẹp, rộng, sâu, có bảy báu làm bậc thềm, cát vàng rải dưới đáy, nước tám công đức trong sạch tràn đầy. Trong ao ấy, tự nhiên hóa ra vô lượng hoa sen, lớn như bánh xe, các diệu hoa đó, có sắc bảy báu, nở bày đẹp đẽ, lá hoa mềm mại.

Hoặc lại hóa ra vô lượng hoa sen to rộng một do tuần, đủ màu tinh diệu, mùi hương nhu nhuyến, như áo Ca Lăng Già, hoặc lại hóa ra trăm ngàn ức na do tha loại hoa sen trang nghiêm. Hoặc lại hóa ra vô lượng hoa sen rộng hai do tuần. Hoặc ba, bốn, năm, cho đến mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi và cả đến một trăm do tuần. Hoặc lại hóa ra vô lượng hoa sen rộng ngàn do tuần.

Bấy giờ, Cõi Phật Ta Bà nổi lên mưa hương lớn, tưới khắp mặt đất. Mùi thơm của nước mưa, rất là dịu và dễ chịu có thể khiến chúng sinh an vui. Từng luồng gió tốt lành thổi qua, làm các hoa tốt đẹp ở trên Trời tự nhiên đổ xuống.

Những thứ hoa đó như hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hoa Mạn Thù Sa, hoa Ma Ha Mạn Thù Sa, hoa Nguyệt, hoa Đại Nguyệt, hoa Ý, hoa Đại Ý. Mưa tất cả các loại hoa như vậy rồi, lại mưa xuống những hương bột thơm tốt nhất, lại có cả hương Trầm thủy, hương Đa già la, hương Mặc trầm thủy, hương Ngưu đầu chiên đàn. Các làn hương ấy, lan tỏa khắp nơi.

Lại xuất hiện vô lượng trăm ngàn ức na do tha A tăng kỳ số, những cây Đại như ý, được tạo thành bằng bảy báu, chu vi một do tuần, cho đến một trăm do tuần, rất là đẹp đẽ, ngay thẳng ai nấy đều muốn nhìn. Các cây ấy, đều được trang nghiêm bằng những thứ báu như y phục thêu tơ lụa năm màu óng ánh, buông xuống như lưới cùng các chuông rung.

Các loại cây báu ấy, lại mưa xuống các loại bảy báu tinh diệu, đó là vàng, bạc, lưu ly, ma ni, trân châu, xa cừ, mã não, xích trân châu. Mưa nối nhau những thứ như vậy. Các cây báu ấy, lại mưa xuống các loại y phục đủ màu mềm mại như là áo Ca Sa, áo Cụ Sa, áo Kiêu Sa Da, áo Ca Thi Ca.

Lại nữa, các cây báu ấy, lại còn mưa các chuỗi ngọc báu. Tất cả đều được làm bằng vàng sông Diêm Phù, có đủ các loại báu xen kẽ rất tốt đẹp, gồm có vòng xuyến, ngọc châu đeo tai, nón trời, tay ấn, dây ngọc, chuỗi báu, dây chuyền vàng, chuỗi ngọc.

Các vật báu dưới gốc cây như ý, lại hóa ra trăm ngàn ức na do tha Tòa Sư Tử, mỗi tòa đều do các loại bảy báu làm thành. Tòa Sư Tử ấy cao chừng bảy nhận, có Bồ Tát ngồi lên trên, thân có đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm, hình dáng nghiêm trang, ai thấy cũng đều muốn nhìn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần