Phật Thuyết Kinh đại Thừa Hiển Thức - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA HIỂN THỨC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường  

PHẦN HAI  

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Thức nghĩa là gì?

Thức là hạt giống có thể sinh ra mầm mống của các loại báo thân xen lẫn tri giác, tưởng niệm đồng gồm nơi thức. Biết khổ, biết vui, biết thiện, biết ác và cảnh giới thiện ác nên gọi là thức.

Như ông đã hỏi: Vì sao thức xa lìa thân này mà chịu quả báo khác?

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Thức di chuyển nơi thân như hình bóng của khuôn mặt hiện ở trong gương, như chữ nơi con dấu hiện rõ trên bùn. Ví như mặt trời mọc chiếu ra ánh sáng khiến cho những sự tối tăm đều tiêu trừ. Lúc mặt trời lặn, ánh sáng mất đi, bóng tối trở lại như cũ. Bóng tối không có thể chất, hình tướng, chẳng phải thường, vô thường, hay có thể biết được nơi chốn.

Thức cũng như vậy: Không thể chất, không hình tướng, do nơi thọ, tưởng mà hiện bày. Thức ở nơi thân như thể của bóng tối, nhìn không thể thấy, không thể nắm giữ.

Như người mẹ mang thai con, tự mình không thể biết được là trai hay gái, sắc đen, trắng, vàng, các căn: Tay, chân, tai, mắt v.v… đầy đủ hay không đầy đủ, cùng loại hay không cùng loại. Thức an uống nóng, lạnh đưa vào bào thai, đứa con ấy liền phải chịu nhận sự thống khổ.

Chúng sinh đến đi, co duỗi, nhìn trông, liếc ngó, nói cười, bàn luận, phải chịu kết quả về mọi hoạt động, những nghiệp đã tạo cùng với thức hiện ra đầy đủ mà không thể biết chỗ ở của thức, dừng ở trong thân nhưng không biết tướng trạng của nó.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Tự tánh của thức nhận khắp nơi các xứ, nhưng không vì các xứ mà bị nhiễm. Sáu căn, sáu cảnh, năm ấm, phiền não, thức biến hiện khắp nhưng không bị những thứ đó làm ô nhiễm. Do đấy mà công dụng của thức hiện rõ.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Như các bộ phận của cây được buộc giữ nơi một chỗ. Thân tạo ra các thứ nghiệp dụng hoặc đi, chạy, nhảy, đùa giỡn, ca múa.

Ý ông nghĩ sao?

Chỗ tạo tác của các cơ quan là do năng lực của ai?

Bồ Tát Hiền Hộ thưa Phật: Trí tuệ của con hạn hẹp chẳng thể biết rõ.

Đức Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Ông nên biết, tất cả đều là năng lực của nghiệp tạo tác. Sự tạo nghiệp không có hình tướng, nhưng từ nơi trí lưu chuyển. Như vậy, những bộ phận trên thân là do năng lực của thức tạo ra các nghiệp. Tiên đạt thần thông, Càn Thát Bà, Long, Thần, Người, Trời, A Tu La nơi các cõi thảy đều theo nghiệp, nương vào thức có thể sinh ra thân.

Thức như các cơ quan hoạt động không có hình tướng, thể chất, nhưng tồn tại khắp pháp giới, đầy đủ trí lực cho đến có thể biết được các sự việc đời trước. Ví như ánh sáng mặt trời đều soi chiếu một cách bình đẳng nơi các nghiệp ác của chúng sinh, mùi thối của tử thi, những thứ bất tịnh, nhưng không bị những thứ xấu đó làm nhiễm ô.

Thức cũng như vậy, tuy thân ở nơi các nẻo ác, ăn đồ bất tịnh của loài heo, chó, nhưng thức không bị những thứ đó làm nhiễm ô.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Thức lìa thân này, theo nghiệp thiện ác mà thọ quả báo khác. Ví như gió từ núi cao, hang sâu thổi đến rừng hoa chiêm bặc có nhiều hương thơm thì gió ấy thành thơm.

Gió thổi qua vùng ô uế đầy xác chết hôi thối, thì gió trở thành hôi thối. Hoặc gió, hương thơm, mùi hôi cùng bay đi. Với gió thì thơm, hôi cùng gồm đầy, hiện rõ trước. Gió không có hình tướng, thể chất, hương thơm và mùi hôi cũng không có tướng trạng, nhưng bị gió mang đi xa.

Thức bỏ thân này, nhưng giữ lại nghiệp thiện ác, chuyển sang thọ thân khác cũng như vậy. Như gió mang theo hương thơm và mùi hôi bay đến chỗ khác. Lại như người nằm mộng thấy những màu sắc, hình tượng và các việc mà không tự biết mình đang nằm ngủ.

Người có phước đức, lúc chết, thức dời đổi cũng như vậy, được an ổn nhưng không biết. Như mộng chuyển đổi biến hóa không chỗ lo sợ, sự biến đổi rời khỏi thân của thức không phải do cổ, miệng và các lỗ tai, mũi, vì không lường chỗ từ đâu ra, chẳng biết nơi đi tới.

Lúc ấy, Bồ Tát Hiền Hộ thắng thượng đảnh lễ dưới chân Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Như loài gà con, ngỗng con trứng của nó chưa có hơi nóng được bao bọc lớp dày thì thức vào chỗ nào?

Khi con trong trứng chết, vỏ không nứt, không vỡ, không có lỗ thủng thì thức ra từ đường nào?

Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Ví như ép hạt ô ma hoa chiêm bặc tỏa lên hương dầu của nó nổi tiếng. Dầu của hoa chiêm bặc cùng với dầu của hạt phàm ma tốt xấu khác nhau. Dầu trước đó không có hương, do hoa xông ướp của các dầu tạo ra hương.

Hương không phá hạt ô ma mà vào, cũng không phá hạt ấy mà ra, lại không có hình dáng thể chất giữ lại trong dầu. Nhưng do lực của nhân duyên, hương chuyển vào trong dầu, dầu biến thành nước hương. Thức của gà con, ngỗng con ra vào nơi trứng cũng lại như vậy.

Như hương của hoa chiêm bặc chuyển dời vào trong dầu. Sự chuyển vận của thức như ánh mặt trời soi chiếu khắp, như ngọc ma ni tỏa sáng, như cây sinh ra lửa. Lại như hạt giống gieo trồng xuống đất, thể của nó biến hóa trong đất, còn mầm, cành, lá lộ ra bên ngoài, trổ hoa đủ màu sắc trắng, đỏ v.v… có những hương thơm khác nhau.

Cùng một địa đại, đồng hỗ trợ cho bốn đại, đều tùy theo giống nơi mỗi loại mà sinh trưởng khác nhau. Như vậy, một thức nơi pháp giới sinh ra tất cả thân sinh tử, hoặc đen, trắng, vàng, đỏ, lành, dữ khác nhau.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Thức không tay chân, không có các chi phần, ngôn ngữ, do sức mạnh của ý niệm trong pháp giới, chúng sinh khi chết thức bỏ thân này, thức cùng niệm lực làm chủng tử cho đời sau. Tức lìa nơi thức thì không có pháp giới, nếu lìa pháp giới cũng không có thức. Thức cùng với phong đại ở trong cảnh giới của ý niệm vi diệu, cảnh giới của thọ và pháp giới hòa hợp mà dời chuyển.

Bồ Tát Hiền Hộ bạch Phật: Nếu như thế thì vì sao Đức Thế Tôn bảo thức là vô sắc?

Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Sắc có hai loại: Một là nội sắc, hai là ngoại sắc. Nhãn thức là nội sắc, nhãn căn là ngoại sắc. Nhĩ thức là nội sắc, nhĩ căn là ngoại sac. Tỷ thức là nội sắc, tỷ căn là ngoại sắc. Thiệt thức là nội sắc, thiệt căn là ngoại sắc.

Thân thức là nội sắc, thân căn là ngoại sắc. Này Bồ Tát Hiền Hộ, như người mù bẩm sinh mộng thấy sắc đẹp, tay chân, mặt mày, hình dáng đều rất đẹp, liền ở trong mộng cảm thấy rất yêu thích. Đến lúc thức dậy, vẫn là tối tăm không thể thấy.

Đêm đã hết, sáng ngày, mọi người tụ họp, người mù liền kể lại chuyện vui trong mộng: Tôi thấy my nhân hình dáng xinh đẹp, vườn hoa đủ loại, số người có đến trăm ngàn, ăn mặc đẹp đẽ vui đùa, da dẻ tươi thắm, vai lưng tròn đầy, tay thon dài giống như vòi voi. Tôi ở trong mộng có được sự vui thích tràn trề tâm sinh hoan hỷ.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Người mù bẩm sinh này chưa từng thấy vật, làm sao trong mộng có thể thấy sắc đẹp?

Bồ Tát Hiền Hộ bạch Phật: Xin Phật chỉ bày.

Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Sự thấy ở trong mộng gọi là nội nhãn sở nhãn thức là tuệ phân biệt, chẳng phải do nhục nhãn thấy. Nội nhãn sở ấy do niệm lực, cho nên người mù ở trong mộng thấy cảnh hiện ra trong chốc lát. Lại do niệm lực nhận biết và nhớ lại việc đó. Nội sắc của thức cũng như vậy.

Lại nữa, này Bồ Tát Hiền Hộ! Khi thân chết, thức chuyển dời, cũng như hạt giống gieo vào đất bị hủy đi được bốn đại thâu giữ nên thân, cành, nhánh, lá dần dần tăng trưởng. Thức theo niệm lực thọ nhận bốn pháp thiện, bất thiện v.v… để thâu giữ, bỏ thân này chuyển hóa cũng lại như thế.

Bồ Tát Hiền Hộ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp thiện và bất thiện được thâu giữ nơi thức?

Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Ví như ngọc pha lê đẹp đẽ, tùy theo chỗ đựng của nó đen hoặc trắng mà màu sắc của pha lê cũng theo đó mà trở thành trắng hoặc đen. Pháp thiện hay bất thiện được thâu giữ nơi thức cũng như vậy, tùy vào chỗ thâu giữ mà trở thành thiện hay bất thiện, chuyển hóa thọ quả báo.

Bồ Tát Hiền Hộ lại thưa Phật: Vì sao thân này lại thọ nhận nơi thức?

Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Thức này không tích tụ, cũng không sinh trưởng. Ví như hạt nảy mầm, chẳng phải là hạt giống không biến đổi mà sinh mầm, cũng chẳng phải là hạt giống bị hủy hoại mà sinh mầm, nhưng khi hạt nảy mầm thì hạt giống ấy biến đổi, hư hoại.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Ý ông nghĩ sao?

Cái mầm đó tồn tại ở chỗ nào?

Ở nơi hạt, cành, nhánh, lá hay đầu ngọn cây chăng?

Bồ Tát Hiền Hộ bạch: Bạch Thế Tôn! Không phải vậy! Mầm không dừng lại ở một chỗ nào.

Như thế, này Bồ Tát Hiền Hộ! Thức tồn tại nơi thân không dừng lại một chỗ nào, chẳng phải ở nơi mắt, tai, mũi, miệng, thân. Khi hạt giống nảy mầm, như thức có sự nhận biết vi tế cho đến lúc kết hoa, như thức có sự thọ nhận.

Lúc hoa mới nở cho tới lúc kết trái, như thức có thân, thức sinh ra ở thân và khắp các phần cơ thể, tìm kiếm chỗ dừng của thức chẳng có được. Nếu trừ nơi thân thức thì thức không sinh. Như quả chín mùi trên cây có thể làm hạt giống cho cây vị lai chẳng phải là không chín muồi.

Như vậy quả báo hết, thân mất, chủng tử của thức liền hiện ra. Nhân nơi thức có thọ, nhân nơi thọ có ái, sự trói buộc nơi ái liền sinh ra ý niệm. Thức thâu giữ lấy ý niệm theo nghiệp thiện, ác, cùng với phong đại, nhận biết ý niệm của cha mẹ, hòa hợp các nhân duyên, thức liền nương gá vào đó.

Như khuôn mặt người hiện ra trong gương, chẳng phải do mặt sạch, mặt sáng mà hình không hiện. Gương tỏ, mặt đối, hình ảnh mới hiện. Ảnh tượng trong gương không thọ nhận, không nhớ nghĩ mà chỉ lệ thuộc vào mỗi động tác co vào, duỗi ra, cúi xuống, ngước lên, há miệng nói đùa, đi đến, tiến dừng của thân.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Ảnh tượng hiện ra là từ năng lực của ai?

Bồ Tát Hiền Hộ bạch: Bạch Thế Tôn! Năng lực của người ấy, do có mặt nên có hình ảnh của mặt, sắc của ảnh tượng giống như sắc của mặt. Các căn đầy đủ hay không đầy đủ, đều giống như khuôn mặt.

Phật bảo: Mặt là nhân của ảnh, gương là duyên của ảnh, nhân duyên hòa hợp nên ảnh hiện ra. Do thức làm nhân nên có thọ, tưởng, hành và các tâm sở. cha mẹ là duyên. Nhân duyên hòa hợp ma có thân sinh ra. Như thân và gương kia, ảnh trong gương khi thân mất thì ảnh diệt, thân giữ lại ảnh tượng hoặc riêng hiện ra trong nước v.v… thức bỏ thân này, giữ lại nghiệp thiện ác, chuyển sang thọ thân khác cũng lại như vậy.

Lại như hạt giống Ni Cù Đà, Ô Đàm Bà v.v… tuy nhỏ nhưng có thể sinh ra cây lớn, cây lại sinh ra hạt, hạt lìa cây cũ liền sinh ra cây mới. Cây cũ trải qua một thời gian sinh sống sức lực suy yếu, dịch vị cạn kiệt, thân khô mục. Những loại sinh vật nhỏ cũng lại như vậy. Thức bỏ thân mạng nhân nơi nghiệp của mình thọ những thân to lớn khác.

Như cây đại mạch, tiểu mạch, cây ô ma, đậu ma sa và vô số loại cây đều từ hạt giống mà sinh trưởng thành mầm, nhánh, hoa. Như vậy, do có thức, nên tùy theo sự biến chuyển sinh ra nơi chủng loại liền có cảm giác. Do có cảm giác nên thọ giữ các nghiệp thiện ác và thọ các loại thân. Lại như con ong ham thích, luyến tiếc nơi hoa, hút hương vị của hoa để nuôi dưỡng mình. Ong bỏ hoa này lại đến với hoa khác.

Hoặc bỏ hương thơm, hút lấy vị hôi. Hoặc bỏ vị hôi hút lấy hương thơm. Tùy chỗ hiện có mà đều yêu thích, luyến tiếc, nối kết với tham chấp. Thức cũng như vậy, nhờ phước nghiệp nên được thân của Chư Thiên thọ quả báo an lạc, thù thắng. Hoặc bỏ thân Chư Thiên do nghiệp ác nên bị quả báo nơi địa ngục, chịu các quả khổ, luân hồi, lưu chuyển nơi các loại thân. Thức như cây uất kim, hồng lam, cây Phân đà lợi, hạt giống của nó đều trắng.

Bóc hạt giống ra, bên trong không thấy mầm, hoa và các màu sắc khác nhau. Hạt giống gieo vào đất, nhờ có nước thấm nhuần, hạt nảy mầm, thời tiết thuận lợi cây phát triển đâm hoa, kết quả tươi tốt, có các màu sắc trắng hoặc đỏ v.v… Màu sắc cùng mầm không ở trong hạt giống, song lìa hạt giống thì mầm không mọc được.

Thức đã bỏ thân, tướng mạo của nhục thân các căn, các nhập thì trong thức không thấy có nhân duyên hòa hợp. Thức do thấy đẹp, nghe hay, âm thanh tiếp xúc với vị nơi pháp, do đó nhập vào ý niệm biết được chỗ tạo nghiệp thiện, ác của mình, nhân đấy nhận lấy quả báo của thân.

Như tằm làm kén, tự quấn, tự buộc, sự chuyển hóa của thức ở đây cũng như vậy. Thức tự sinh khởi nơi thân, rồi trở lại tự trói buộc vây bọc, tự lìa bỏ thân này lại thọ quả báo khác. Do có chủng tử nên có sắc, hương, vị.

Thức bỏ thân này, tùy theo chỗ chuyển đổi của nó, các căn, cảnh giới, thọ và pháp giới thảy đều tùy theo sự biến đổi của thức. Như ngọc báu như ý, tùy theo sự ưa muốn hiện có mà được đầy đủ. Như ánh sáng tùy thuộc vào mặt trời. Thức cũng như vậy đều tùy thuộc vào sự biến đổi của thọ nhận, cảm giác, tưởng và pháp giới.

Thức bỏ thân, thâu giữ tất cả tánh, nhân của sắc làm thân, không có thân xương thịt, chỉ có các căn, thọ nhận sự nhớ nghĩ tốt đẹp, biết giữ lấy thiện, ác, biết quả các loại cây táo, thạch lựu, am la, am ma lặc, tị loa mọc lên ở chỗ khô cằn, hiếm nước.

Hoặc cay, hoặc đắng, hoặc chua, hoặc chát, hoặc ngọt, hoặc nồng, hoặc rít, mùi vị của mỗi thứ khác nhau. Khi đã chín muồi đem dùng thì công dụng của nó không phải là một. Quả hoại rồi thì mùi vị của mỗi loại tùy theo hạt giống chuyển hóa mà sinh ra.

Như vậy, chủng tử của thức cũng tùy theo chỗ chuyển dời của nó, thọ nhận các niệm thiện, ác, tất cả đều lệ thuộc vào sự biến đổi của thức. Biết bỏ thân này, thọ báo nơi thân khác nên gọi là thức. Biết nghiệp thiện ác, biết nghiệp theo ta, biết ta giữ lấy nghiệp, chuyển hóa thọ quả báo nên gọi là thức. Mọi hoạt động nơi thân thảy đều biết nên gọi là thức.

Ví như gió thổi không có hình tướng để có thể nắm bắt, không có thể chất để có thể giữ lấy, do nhân duyên nên tạo ra các sự việc, biểu hiện là có gió là giữ lại khí lạnh hay khí nóng, di chuyển hương thơm hay mùi hôi, lay chuyển làm rừng cây ngã gãy, hoặc đẩy đập vào cánh cửa tạo ra tiếng động.

Như vậy, thức không có hình tướng, thể chất, chẳng thấy, nghe hay nắm bắt được, nhờ nhân duyên nên tướng của thức hiển hiện đủ. Do thức giữ lấy thân nên thân biết được khổ, vui, với đủ các màu sắc, ánh sáng đi, đến, tiến, dừng, nói, cười, vui, buồn, mọi việc đều được hiện rõ, nên biết là có thức.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần