Phật Thuyết Kinh đại Thừa Hiển Thức - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA HIỂN THỨC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường  

PHẦN NĂM  

Này Vương Tử Đại Dược! Như thấy ánh mặt trời tỏa chiếu sáng rực, các hàng phàm phu không thấy được thể tánh của mặt trơi, thể ấy là màu đen, trắng hay vàng, đỏ đều không thể nhận biết, nhưng do ánh sáng chuyển biến, lúc mặt trời mọc, lặn, nhờ các tác dụng đó mà biết là có mặt trời. Thức cũng như vậy, nhờ vào các tác dụng mà biết có thức.

Vương Tử Đại Dược bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tác dụng của thức?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Thọ giác tưởng, hành, suy xét lo buồn, khổ não, đều là tác dụng của thức. Lại có nghiệp thiện và bất thiện huân tập thành chủng tử, tác dụng của nó hiện rõ nơi thức.

Vương Tử Đại Dược bạch Phật: Thế nào là thức lìa thân liền mau chóng thọ thân?

Thức bỏ thân cũ, chưa thọ thân mới, lúc ấy thức tạo ra hình tướng gì?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Như có bậc trượng phu tráng kiện dũng mãnh, cánh tay dài mặc áo giáp kiên cố, cỡi ngựa chạy như gió xông vào trận, binh khí đã chạm nhau thì tâm tán loạn té xuống ngựa, thế võ luyện tập nhanh nhẹn nên liền nhảy lên.

Thức bỏ thân liền nhanh chóng thọ nhận thân khác cũng lại như vậy. Lại như người yếu kém thấy địch thì sợ hãi cưỡi ngựa chạy lui. Thức tích tụ nghiệp thiện, thấy Thiên Phụ, Thiên Mẫu cùng ngồi một tòa thì nhanh chóng thác sinh vào đó cũng lại như vậy.

Này Vương Tử Đại Dược! Như chỗ ông hỏi, thức bỏ thân cũ, chưa thọ thân mới, bấy giờ, thức tạo ra hình tướng gì?

Này Vương Tử Đại Dược, ví như bóng người hiện ở trong nước, không có thể chất, chẳng nắm bắt được, tay chân, mặt mũi và các hình trạng kia thì cùng với người không khác. Trong hình bóng thì thể chất nơi chỗ tạo nghiệp đều không.

Chẳng lạnh, không nóng, không chạm xúc, cũng không mệt mỏi, các đại phân tán, không có âm thanh của ngôn ngữ, âm thanh của thân, âm thanh khổ vui. Thức bỏ thân cũ, chưa thọ thân mới, tướng trạng cũng lại như vậy.

Này Vương Tử Đại Dược! Người tích tụ nghiệp thiện được sinh vào hàng Chư Thiên.

Vương Tử Đại Dược thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao thức sinh vào địa ngục?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Người tạo nghiệp ác phải vào địa ngục.

Này Vương Tử Đại Dược! Ông nên lắng nghe! Chúng sinh do tích tập căn bất thiện, lúc sắp chết suy nghĩ: Nay ta nơi thân này chết rồi, lìa bỏ Cha Mẹ là chỗ yêu thương của sự thân quen thật vô cùng buồn khổ.

Thấy cảnh các địa ngục và thấy thân mình ứng hợp để vào trong đó, thấy chân ở trên, đầu ngược xuống dưới, lại thấy một chỗ đất thuần là máu, thấy máu đó rồi tâm sinh vướng chấp vào vị, duyên nơi vị ấy, tâm khởi tham đắm liền bị sinh vào địa ngục.

Do sức mạnh nơi nhân của nước thối rửa, mùi hôi, thức thác sinh vào trong đấy. Ví như chỗ có phân ô uế, mùi sữa, rượu thối là lực nơi nhân của các mùi khiến cho loài trùng sinh vào trong đó. Người bị đọa vào địa ngục gá vào mùi hôi thối của vật để sinh cũng như vậy.

Bồ Tát Hiền Hộ thắng thượng chấp tay bạch Phật: Chúng sinh bị đọa vào địa ngục tạo ra sắc tướng như thế nào?

Thân lại ra sao?

Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Sự ham thích chỗ đất có máu sinh vào địa ngục, khắp thân máu tỏa sáng thân như sắc máu.

Sinh nơi ngục Ao nước sôi thân như mây đen. Sinh nơi ngục Sông sữa sôi thân hiện ra những chấm loang lổ xen lẫn tạo thành các sắc thể, hết sức mềm dòn, giống như thân đứa trẻ cao lớn hơn tám khuỷu tay, râu, tóc, lông nơi thân hình dài rủ xuống, tay chân mặt mày đều bị cong khuyết. Người cõi Diêm Phù Đề từ xa trông thấy liền chết.

Vương Tử Đại Dược bạch Phật: Chúng sinh ở địa ngục lấy gì làm thức ăn?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Chúng sinh ở địa ngục không có một chút an vui, lo sợ luôn theo đuổi, từ xa trông thấy nước đồng sôi đỏ sệt, ý cho là máu nên cùng chạy tới.

Lại có tiếng kêu gọi, những kẻ bị đói khát có thể mau đến để ăn, nên họ vội chạy tới đó lấy tay bốc bỏ vào miệng, bị ngục tốt dùng nước đồng sôi đổ vào nơi hai bàn tay, bức ép khiến họ phải uống nước ay vào bụng, xương cốt đứt đoạn, toàn thân phát ra lửa.

Này Vương Tử Đại Dược! Thức ăn của chúng sinh ở địa ngục chỉ làm tăng thêm sự thống khổ, không được một chút an lạc. Sự thống khổ của chúng sinh nơi địa ngục là như vậy, thức không bỏ, cũng không hủy hoại. Thân như đống xương, thức gắn bó theo đấy không lìa.

Nghiệp báo chưa dứt thì thân thọ khổ không rời. Bị đói khát bức bách, nên thấy vườn cây hoa quả rộng lớn tốt tươi, thấy rồi thì vui mừng, cùng nhau bảo: Vườn này xanh tốt, gió mát, chúng ta mau vào đó để tạm vui chơi trong chốc lát.

Lúc ấy, cây lá, hoa quả liền biến thành đao kiếm cắt, chém những tội nhân, hoặc chặt thân làm hai đoạn, hoặc có tiếng gào thét lớn, bốn phía đuổi chạy, đám ngục tốt đứng cầm chày kim cang, gậy sắt, búa sắt, trượng sắt, cắn môi giận dữ, thân phát ra lửa, dùng gậy đánh đập người tội, giữ lại không cho ra. Đây đều do nghiệp cua mình mà thấy những việc như vậy.

Chủ ngục dắt người tội theo sau, bảo: Ông từ chỗ nào đến?

Có thể ở tại đây chớ nên chạy trốn giong ruổi đây đó.

Nay nơi vườn này nghiệp của ông đã tạo nên có thể xa lìa được chăng?

Như vậy, này Vương Tử Đại Dược! Do nghiệp lực nên chúng sinh ở địa ngục chịu vô số các thứ khổ, bảy ngày thì chết, sinh trở lại vào địa ngục. Như ong bay đi hút nhụy hoa rồi trở lại chỗ cũ. Chúng sinh tạo nghiệp tội nên phải vào địa ngục.

Lúc mới chết thấy thần chết tới buộc cổ lôi đi, thân tâm khốn khổ, vào chỗ tối tăm, như bị giặc cướp bắt trói đem đi, nên nói: Ôi thôi tai họa.

Thật khổ thay, nay ta bỏ các người thân thích, bằng hữu ở Cõi Diêm Phù Đề để vào địa ngục, không thấy đường lên Cõi Trời, chỉ thấy toàn sự khổ, như tằm làm kén tự buộc lấy cái chết. Ta tự tạo tội bị nghiệp trói buộc mình, dùng dây thừng buộc vào cổ, kéo đuổi, bức ép dan dắt vào địa ngục.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Chúng sinh tạo nghiệp tội sinh vào địa ngục, với các tướng khổ như vậy.

Bấy giờ, Bồ Tát Hiền Hộ cùng với Vương Tử Đại Dược nghe nói như vậy, thân run sợ, lông tóc dựng ngược, cùng đứng dậy chấp tay thưa: Nay chúng con cùng muốn quy y nơi Phật.

Xin Thế Tôn thương xót cứu giúp, nguyện nhờ công đức nghe pháp này khiến cho những chúng sinh chưa được giải thoát, còn lưu chuyển trong chốn sinh tử, không còn bị đọa lạc nơi ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Bồ Tát Hiền Hộ lại thưa: Bạch Thế Tôn! Con có điều muon thưa hỏi, xin Phật chấp thuận.

Phật bảo: Tùy ý ông hỏi.

Bồ Tát Hiền Hộ thưa: Bạch Thế Tôn!

Thế nào là tích, thế nào là tụ, thế nào là ấm?

Thế nào là thân không dời đổi?

Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Trí giới, kiến giới, ý giới, minh giới, do bốn cảnh giới này hòa hợp thành thân. Bốn giới cùng với cảnh và thức gọi là tích.

Tụ nghĩa là sáu giới, sáu nhập. Nhân của hai nhập, nhân của ba cõi và cảnh của sáu nhập, tức là râu tóc, lông, móng tay, da thịt, máu mủ, nước mắt, nước mũi, đàm dãi, mỡ, sống lưng, tủy, dịch thể, tay chân, mặt, mắt và các chi phần lớn nhỏ trong cơ thể, hòa hợp, tích chứa đầy đủ gọi là tụ. Giống như lúa, đậu, mè, tích chứa dần thành đống lớn gọi là tụ. Địa, thủy, hỏa, phong, không và thức gọi là sáu giới. Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý gọi là sáu nhập.

Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp gọi là cảnh của sáu nhập sáu trần. Tham, sân, si là nhân của ba cõi. Nhân của hai nhập là giới và tín. Lại có hai nhân là xả và thí, tấn và định, thiện và bất thiện. Thọ, tưởng, hành, thức, bốn thứ này gọi là vô sắc ấm.

Thọ nghĩa là lãnh thọ các tướng khổ vui, tướng không khổ không vui, tưởng nghĩa là nhận biết tướng khổ vui, hành là niệm về hiện tại, tác ý và xúc, thức là chủ tể của thân, hành biến khắp nơi các thân thể có sự tạo tác đều do thức dời chuyển.

Nghĩa là thân, miệng, ý thanh tịnh thì chứng được đạo quả. Người này chết rồi, thức từ bỏ hữu ấm, không thọ nhận lại, không lưu chuyển nơi các cõi, hướng đến nơi an lạc bậc nhất không dời đổi nữa, gọi là không chuyển đổi.

Lúc này, Bồ Tát Hiền Hộ cùng Vương Tử Đại Dược đảnh lễ dưới chân Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Phật là bậc nhất thiết trí, thuyết giảng về pháp tụ này, nên ở đời vị lai có thể tạo lợi ích an lạc lớn cho chúng sinh.

Đức Phật dạy: Pháp tụ của Như Lai thường trụ, chẳng đoạn dứt, nhất thiết trí là sự nhận biết mà không tạo tác. Ta đã trải qua vô lượng sự khổ cực siêng năng tích tập ánh sáng của trí tuệ, nay vì các chúng sinh thuyết giảng Kinh này là mặt trời chánh pháp chiếu tỏa ánh sáng rộng lớn, khen ngợi biển Nhất thiết trí với công đức lưu truyền khắp nơi, có thể điều phục tâm một cách trọn vẹn.

Ở chỗ thuyết giảng Kinh này, hoặc đọc tụng, giảng nói đều có các hàng Trời, Quỷ Thần, A Tu La, Ma Hầu La Già cùng đến lễ bái ủng hộ. Các nạn đáng sợ về nước, lửa, Vua, giặc đều không thể làm hại. Các Tỳ Kheo từ nay trở đi, đối với những người không tin chớ nên thuyết giảng Kinh này. Người tìm lỗi của Kinh chớ chỉ bày.

Đối với các bộ phái Ni Kiền Tử nơi hàng ngoại đạo cũng chớ nên thuyết giảng. Người không cung kính, không khát ngưỡng cầu thỉnh, chớ nên giảng nói Kinh này. Nếu trái lời dạy của Ta thì sẽ gây tổn hại cho chánh pháp. Người ấy cùng làm tổn hại đến Như Lai.

Này các Tỳ Kheo! Nếu có người lễ bái, cúng dường Kinh này thì phải nên cung kính, cúng dường người ấy. Đây chính là người giữ gìn tạng pháp của Như Lai.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Phải vượt qua phiền não

Siêng tu chánh pháp Phật

Diệt trừ quân ma chết

Như voi giẫm cỏ lau.

Hành pháp giữ giới cấm

Tinh tấn chớ biếng trễ

Bỏ sinh tử lưu chuyển

Dứt mọi biên vực khổ.

Phật thuyết giảng Kinh này rồi, Bồ Tát Hiền Hộ thắng thượng và Vương Tử Đại Dược cùng các Tỳ Kheo, chúng Đại Bồ Tát, Tám Bộ Chúng, Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà v.v… cùng cả chúng hội nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần