Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Mục Liên
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH MỤC LIÊN
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở trong Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà tại thành Vương Xá. Bấy giờ Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên cũng ở nơi đây.
Lúc ấy, có người xuất gia dòng họ Bà Sa, đến chỗ Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên, cùng Tôn Giả gặp nhau thăm hỏi khích lệ nhau, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên: Tôi có việc muốn hỏi, Tôn Giả có rảnh thì giờ để trả lời cho không?
Mục Kiền Liên đáp lời Bà Sa: Tùy những gì ông muốn hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.
Lúc ấy, Bà Sa xuất gia hỏi Tôn Giả Mục Kiền Liên: Nhân gì, duyên gì mà các Sa Môn, Bà La Môn khác, có người đến hỏi: Thế nào, Như Lai sau khi chết có còn, không còn. Như Lai sau khi chết vừa có, vừa không.
Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có?
Họ đều tùy theo đó mà đáp.
Còn Sa Môn Cù Đàm, nếu có người đến hỏi: Như Lai sau khi chết có còn, không còn. Như Lai sau khi chết vừa có, vừa không.
Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có?
Mà lại không xác định?
Mục Kiền Liên bảo Bà Sa: Các Sa Môn, Bà La Môn khác vì không biết như thật đối với sắc, sự tập khởi sắc, sự diệt tận sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, nên đối với việc Như Lai sau chết có còn, sanh ra chấp trước. Hay sau khi chết Như Lai không còn.
Như Lai sau khi chết vừa có, vừa không. Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có, sanh khởi chấp trước.
Không biết như thật đối với thọ, tưởng, hành, thức,… sự tập khởi của thức, sự diệt tận của thức, vị ngọt của thức, sự tai hại của thức, sự xuất ly thức.
Vì không biết như thật nên đối với việc Như Lai sau khi chết có còn, sanh ra chấp trước. Sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không, sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có, sanh ra chấp trước.
Như Lai, biết như thật đối với sắc, biết như thật đối với sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc.
Vì biết như thật nên đối với việc Như Lai sau khi chết có còn, không chấp trước. Hay sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không có, sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có không sanh chấp trước.
Và biết như thật đối với thọ, tưởng, hành, thức,… biết như thật đối với sự tập khởi của thức, sự diệt tận của thức, vị ngọt của thức, sự tai hại của thức, sự xuất ly thức. Vì biết như thật nên đối với việc Như Lai sau khi chết có còn, không đúng.
Hay sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không có, sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có, cũng không đúng. Vì Như Lai là sâu xa, rộng lớn, vô lượng, vô số, nhưng tất cả đều tịch diệt.
Này Bà Sa, vì nhân như vậy, duyên như vậy, các Sa Môn, Bà La Môn khác, nếu có người đến hỏi: Như Lai sau khi chết có còn, sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không. Sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có, thì vì họ mà ký thuyết.
Cũng vì nhân như vậy, duyên như vậy, đối Như Lai, nếu có người nào đến hỏi: Như Lai sau khi chết có còn, sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không có. Sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có, thì không vì họ mà ký thuyết. Sau khi Bà Sa xuất gia nghe những gì Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Ba Mươi Mốt - Giáo Giới Tỳ Kheo
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đọa Thai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Năng Ha
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh Mật Hoàn Dụ