Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Bốn - Phẩm Hiện Chứng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM BỐN
PHẨM HIỆN CHỨNG
Bấy giờ Đại Huệ Bồ Tát đại hữu tình lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin vì con nói tướng nhập diệt thứ đệ tương tục Nirodhakramànusamdhilaksana của hết thảy Thanh Văn, Duyên Giác, khiến con cùng các Bồ Tát đại hữu tình khéo biết tướng ấy khỏi bị mê hoặc bởi lạc thú diệt tận định nirodhasukkasamàpatti, không sa vào lầm lẫn của nhị thừa, ngoại đạo.
Phật dạy: Hãy lắng nghe, lắng nghe. Ta sẽ nói cho ông rõ.
Này Đại Huệ! Bồ Tát đại hữu tình đến địa thứ sáu, cùng Thanh Văn, Duyên Giác nhập diệt định, Bồ Tát địa thứ bảy niệm niệm thường nhập vì đã lìa bỏ quan niệm về tự tính của các pháp. Nhị thừa thì không thế. Nhị thừa còn hữu tác something effectproducing, đọa năng thủ sở thủ.
Không đạt đến tướng vô sai biệt của các pháp. Họ chỉ nhờ hiểu rõ tự tướng cọng tướng của pháp thiện, bất thiện mà vào diệt định, nên không hiện tiền thường nhập.
Đại Huệ! Bồ Tát ở Bát Địa, Thanh Văn, Duyên Giác, đã diệt các tưởng phân biệt của tâm, ý, ý thức. Từ Sơ Địa cho đến lục địa, họ quán sát hết thảy ba cõi đều chỉ do tâm, ý, ý thức tự phân biệt khởi, lìa ngã, ngã sở, không thấy các tướng ngoài.
Kẻ phàm ngu không biết được vì lầm lỗi huân tập từ vô thỉ đến nay. Từ nơi tự tâm biến ra tướng năng thủ sở thủ rồi sinh chấp trước.
Đại Huệ! Tam muội của Bát Địa Bồ Tát đạt được cũng như Niết Bàn của Thanh Văn, Duyên Giác, nhưng nhờ Phật lực gia trì nên Bồ Tát ở trong tam muội không nhập Niết Bàn, nếu không có sự gia trì ấy thì Bồ Tát không hóa độ chúng sinh, không hoàn thành Như Lai địa, lại còn đoạn dứt giống Phật.
Bởi thế nên Phật vì Bồ Tát mà nói các công đức lớn không thể nghĩ bàn của Như Lai, khiến họ rốt cuộc không nhập Niết Bàn, Thanh Văn, Duyên Giác tham đắm pháp lạc tam muội, ở trong đó sinh tưởng là Niết Bàn.
Đại Huệ! Bồ Tát Thất địa khéo quán sát tâm, ý, ý thức, các chấp ngã, ngã sở, vô ngã của nhân, pháp, các tự tướng cọng tướng, sinh diệt, được chắc chắn rành rẽ về tứ vô ngại biện catuhpratisamvid, ở trong tam muội mà được tự tại, dần vào các địa đầy đủ các bồ đề phần.
Đại Huệ! Ta sợ các Bồ Tát không hiểu rõ tự tướng, cọng tướng, không biết thứ lớp các địa mà phải sa vào ác kiến nên nói như vậy.
Đại Huệ! Thật ra không có gì sinh hay diệt. Các địa lần lượt qua lại trong ba giới đều do tâm thấy, nhưng kẻ phàm ngu không hiểu rõ nên ta và Chư Phật mới nói như vậy.
Đại Huệ! Thanh Văn, Duyên Giác cho đến Bồ Tát ở Bát Địa, vì pháp lạc tam muội làm say mê hôn ám, chưa hiểu rõ tất cả chỉ do tâm hiện, bị tự tướng cọng tướng ràng buộc che lấp tâm, dính mắc hai vô ngã, tưởng đó là Niết Bàn, không phải trí tuệ vắng lặng tịch diệt.
Đại Huệ! Các Bồ Tát đại hữu tình khi thấy sự vui của tam muội tịch diệt, thì liền nhớ đến bản nguyện đại bi, tu tập đầy đủ mười nguyện vô tận. Vì lẽ ấy họ không nhập Niết Bàn ngay.
Vì nhập Niết Bàn thì không sinh quả, lìa năng thủ sở thủ. Liễu đạt duy tâm, nơi hết thảy pháp không phân biệt, không sa vào tâm, ý, ý thức, vào các chấp trước tính, tướng của pháp ngoài.
Tuy nhiên không phải là họ không khởi các chính nhân Phật Pháp, tùy theo việc làm của trí tuệ mà khởi như vậy, được địa tự chứng của Như Lai.
Đại Huệ! Thí như người chiêm bao thấy mình tìm hết cách để sang sông, nhưng chưa sang thì đã tỉnh ngủ.
Tỉnh rồi suy nghĩ về những việc đã thấy, tự hỏi không biết đấy là thật hay vọng?
Rồi lại tự nhủ rằng: Không thật cũng không vọng, như thế chỉ là những tập khí phân biệt của thấy nghe hay biết tích tụ lại, lìa có và không, chỉ là những sự việc hiện trong ý thức lúc chiêm bao mà thôi.
Đại Huệ! Bồ Tát đại hữu tình cũng vậy, từ Sơ Địa cho đến Thất Địa, cho đến vào Bát Địa được vô phân biệt, thấy hết thảy pháp như huyễn như mộng, lìa năng thủ sở thủ, thấy công năng rộng lớn của tâm và tâm sở, siêng tu Phật Pháp, ai chưa chứng thì khiến được chứng, lìa các vọng tưởng phân biệt của tâm, ý, ý thức, chứng vô sinh nhẫn. Niết Bàn mà Bồ Tát chứng được ấy không phải là hoại diệt.
Đại Huệ! Trong đệ nhất nghĩa không có thứ lớp cũng không tương tục, xa lìa hết thảy cảnh giới phân biệt, ấy gọi là pháp tịch diệt.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:
Các trụ cùng Phật Địa
duy tâm không ảnh tượng
Đây là điều Chư Phật
Đã đang và sẽ nói
Bảy địa đâu còn tâm
Bảy địa không ảnh tượng
Chín và mười còn trụ
Trên đó chỉ ta được.
Tự chứng và thanh tịnh
Đây là địa của ta
Thắng xứ của Ma Hê Mahesvara
Sắc cứu cánh Akanisthha trang nghiêm
Thí như lửa lớn tụ
Ánh sáng nó bùng phát
Hóa hiện ra ba cõi
Vui vẻ mà trong mát
Có Thế Giới đang hóa
Nơi đấy nói các thừa
Đều là Địa Như Lai
Thập Địa cũng là sơ
Sơ cũng là Bát Địa
Cửu Địa là Đệ Thất
Thất Địa lại như bát
Đệ Nhị là Đệ Tam
Đệ Tứ là Đệ Ngũ
Đệ Tam là Đệ Lục
Không tướng đâu thứ lớp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sông Tro
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chiến đấu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Thường - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Mười - Chánh Quán
Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Vô Biên Môn đà La Ni - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Mười - Phẩm Phân Biệt Hương đốt
VỊ TỲ KHEO BỊ KẾT TỘI TRỘM CẮP
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cầu đại Sư - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Tám - Khen Pháp Sư - Phần Hai