Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Huyền Trang, Đời Đường  

PHẨM HAI

PHẨM HAI PHÁP  

PHẦN MỘT  

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Bí Sô nào có đủ hai pháp thì ngay nơi pháp hiện tại bị nhiều sự buồn khổ, sống không hỷ lạc, có tai ương, hoạn nạn, phiền não nhiễu loạn, có tội đáng trách, bị các bạn đồng phạm hạnh chê bỏ, sau khi qua đời sinh vào các nẻo ác.

Hai pháp đó là:

1. Đối với các căn môn không thể giữ gìn.

2. Đối với việc ăn uống không biết đủ.

Các Bí Sô nào gây tạo hai phần này thì ngay nơi pháp hiện tại bị nhiều sự buồn khổ, sống không hỷ lạc, có tai ương, hoạn nạn, phiền não, nhiễu loạn, có tội đáng trách, bị các bạn đồng phạm hạnh chê bỏ, sau khi qua đời sinh trong các nẻo ác.

Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai không thể giữ gìn

Sáu căn môn như mắt…

Ăn uống không biết đủ

Thành bất tín, biếng trễ,

Người ấy ngay hiện tại

Thân tâm chịu nhiều khổ

Tai ương và hoạn nạn

Phiền não cùng nhiễu loạn.

Đi, đứng và ngồi, nằm

Đang thức hay trong mộng

Do hai nhân duyên kia

Thường có tội bị trách.

Nơi xóm làng đồng trống

Trong chúng và chỗ vắng

Người trí thường chê bỏ

Sẽ sinh trong nẻo ác.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Bí Sô nào thành tựu hai phần thì ngay nơi pháp hiện tại được nhiều sự hỷ lạc, sống không lo buồn, không tai ương, hoạn nạn, không phiền não, nhiễu hại, không tội, không bị quở trách, được các bạn đồng phạm hạnh có trí khen ngợi, sau khi qua đời được sinh trong các nẻo thiện.

Hai phần đó là:

1. Đối với các căn môn thường tự giữ gìn.

2. Đối với việc ăn uống tự biết đủ.

Các Bí Sô nào thành tựu hai phần này thì ngay nơi pháp hiện tại được nhiều sự hỷ lạc, sống không lo buồn, không tai ương, hoạn nạn, không phiền não, nhiễu hại, không tội không bị quở trách, được các bạn đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Sau khi qua đời được sinh trong các nẻo thiện.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai luôn tự giữ gìn

Sáu căn môn như mắt…

Uống ăn thường biết đủ

Thành tựu tín tinh tấn.

Ngay trong pháp hiện tại

Thân tâm thường an vui

Không tai ương, hoạn nạn

Không phiền não, nhiễu hại.

Đứng, đi và ngồi, nằm

Đang thức hay trong mộng

Do hai nhân duyên kia

Không tội, không bị trách.

Nơi xóm làng đồng trống

Trong chúng hay chỗ vắng

Người trí thường khen ngợi

Sẽ sinh trong nẻo thiện.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai loại pháp hay sinh lo buồn.

Hai pháp đó là: Có một hạng người chỉ tạo điều ác, chỉ làm việc hung dữ, chỉ phát sinh những tạp uế, không tu các điều lành, không học tập hòa thuận, không cứu giúp người sợ hãi.

Trong thời gian sau, thân người đó mắc bệnh nặng pháp sinh cùng khắp cơ thể, đau đớn vô cùng, tổn hại sắp chết, không thể chữa trị.

Khi chịu khổ như vậy nên họ rên rỉ, than oán: Ta từ xưa đến nay chỉ tạo những điều ác, chỉ làm những việc hung dữ, chỉ phát sinh tạp uế, không tu những việc lành, không học tập hòa thuận, không cứu giúp người sợ hãi.

Những người chỉ tạo các điều ác, chỉ làm những việc hung dữ, chỉ phát sinh tạp uế, không tu các điều lành, không học tập hòa thuận, không cứu giúp người sợ hãi thì chỗ người đó hướng tới, ta nhất định cũng sẽ đi đến.

Người kia do chỉ tạo các điều ác… nên tâm lo buồn, khổ não và do không tu các điều lành… nên tâm lo buồn khổ não. Như vậy gọi là có hai loại pháp hay phát sinh lo buồn khổ não.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có hai pháp phát sinh

Người ngu luôn lo buồn

Do chỉ tạo nghiệp ác

Không tu nhân phước đức.

Về sau gặp bệnh khổ

Rên rỉ và than oán

Hối bị tội không phước

Tâm lo buồn ăn năn.

Người có tội không phước

Sẽ sinh các nẻo ác

Ta cũng sinh đến đó

Nhất định không nghi ngờ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai loại pháp khiến tâm không lo buồn.

Hai pháp đó là: Có một hạng người chỉ lo tu các điều lành, chỉ học tập hòa thuận, chỉ cứu giúp người sợ hãi, không tạo các điều ác, không làm việc hung dữ, không phát sinh các tạp uế. Vị đó trong thời gian sau, thân mắc bệnh nặng phát sinh cùng khắp cơ thể, đau đớn mãnh liệt, tổn hại sắp chết, không thể chữa trị.

Khi chịu khổ như vậy, vị này tuy có rên rỉ nhưng không than oán và nghĩ: Ta từ xưa đến nay chỉ tu các điều lành, chỉ học tập hòa thuận, chỉ cứu giúp người sợ hãi, không tạo các việc ác, không làm các điều hung dữ, không phát sinh các tạp uế.

Các hữu tình nào chỉ tu các điều lành, chỉ học tập hòa thuận, chỉ cứu giúp người sợ hãi, không tạo các việc ác, không làm điều hung dữ, không phát sinh các tạp uế thì chỗ người kia sinh đến, ta nhất định cũng sẽ sinh tới đó. Người kia do chỉ tu các điều lành… nên tâm không lo buồn và do không tạo các điều ác… nên tâm không lo buồn.

Như vậy gọi là có hai pháp tâm không lo buồn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có hai pháp phát sinh

Người trí luôn hoan hỷ

Là chỉ tu phước đức

Và không tạo tội lỗi.

Về sau gặp bệnh khổ

Rên rỉ không than oán

Mừng có phước không tội

Không lo buồn ăn năn.

Người có phước không tội

sinh trong các nẻo thiện

Ta cũng sinh đến đó

Nhất định không nghi ngờ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ta vì các ông lược nêu hai hạnh mau chứng đắc.

Hai hạnh đó là:

1. Hạnh lạc.

2. Hạnh khổ.

Nghĩa là do hạnh lạc mau chứng đắc và do hạnh khổ mau chứng đắc. Chỗ tu tập gia hạnh không bị trở ngại, các căn đều được lanh lợi, vì thế gọi đó là mau chứng đắc do hạnh lạc. Chỗ tu tập gia hạnh có trở ngại, nên các căn đều đạt được lanh lợi, nên gọi đó là mau chứng đắc do hạnh khổ. Đây gọi là lược nêu hai hạnh mau chứng đắc.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Vì các ông lược nêu

Hai hạnh mau chứng đắc

Là hạnh lạc, hạnh khổ

Do đó mau chứng đắc.

Gia hạnh không trở ngại

Các căn đều lanh lợi

Do đấy Đức Thế Tôn

Gọi lạc, mau chứng đắc.

Gia hạnh bị trở ngại

Các căn đều lanh lợi

Do đấy Đức Thế Tôn

Gọi khổ, mau chứng đắc.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ta vì các ông lược nêu hai hạnh lâu chứng đắc.

Hai hạnh đó là:

1. Hạnh lạc.

2. Hạnh khổ.

Nghĩa là do hạnh lạc lâu chứng đắc và do hạnh khổ lâu chứng đắc. Chỗ tu tập gia hạnh không bị trở ngại, nên các căn đạt được đều chậm lụt, tức gọi đó là lâu chứng đắc do hạnh lạc. Chỗ tu tập gia hạnh bị trở ngại, nên các căn đạt được đều chậm lụt, tức gọi đó là lâu chứng đắc do hạnh khổ. Đây gọi là lược nêu hai hạnh lâu chứng đắc.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Vì các ông lược thuyết

Hai hạnh lâu chứng đắc

Là hạnh lạc, hạnh khổ

Do đấy lâu chứng đắc.

Gia hạnh không trở ngại

Các căn đều chậm lụt

Do đấy Đức Thế Tôn

Gọi lạc, lâu chứng đắc.

Gia hạnh có trở ngại

Các căn đều chậm lụt

Do đấy Đức Thế Tôn

Gọi khổ, lâu chứng đắc.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Người nào gây tạo hai pháp này thì không thể phát sinh pháp thiện trắng sạch. Giả sử đã phát sinh thì không thể bền chắc.

Giả sử đã bền chắc thì không thể viên mãn. Người kia đối với pháp thiện trắng sạch như vậy thường bị trở ngại, thường bị suy tôn, thường sinh hối hận. Sau khi qua đời, như trút bỏ gánh nặng, đọa trong Địa Ngục, chịu các sự đau khổ dữ dội.

Hai pháp đó là:

1. Giới ác.

2. Kiến ác.

Người nào gây tạo hai pháp như đã nói, người ấy nhất định không thể phát sinh pháp thiện trắng sạch. Giả sử đã phát sinh, không thể bền chắc. Nói rộng, cho đến sau khi qua đời như trút bỏ gánh nặng, đọa trong địa ngục, chịu các sự đau khổ dữ dội.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai gây tạo hai pháp

Giới ác và kiến ác

Người đó không thể nào

Sinh pháp thiện trắng sạch.

Dẫu sinh nhưng không bền

Dẫu bền không viên mãn

Nơi pháp thiện trắng sạch

Bị suy tổn chướng ngại.

Người kia lúc lâm chung

Ăn năn và buồn khổ

Như trút bỏ gánh nặng

Nhất định sinh Địa Ngục.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Người nào thành tựu hai pháp này thì chắc chắn phát sinh pháp thiện trắng sạch. Nếu trước đó phát sinh thì làm cho bền chắc.

Nếu đã bền chắc thì làm cho viên mãn. Người đó đối với pháp thiện trắng sạch không bị chướng ngại, không bị suy, không sinh lo buồn. Sau khi qua đời như trút bỏ gánh nặng, sinh lên Cõi Trời, nhận các sự an vui.

Hai pháp đó là:

1. Giới thiện.

2. Kiến thiện.

Người nào thành tựu hai pháp như đã nói thì nhất định phát sinh pháp thiện trắng sạch, nếu trước đó phát sinh rồi thì làm cho bền chắc. Nói rộng cho đến sau khi qua đời trút bỏ gánh nặng, được sinh lên Cõi Trời, nhận các sự an vui.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai thành tựu hai pháp

Giới thiện và kiến thiện

Người đó sẽ nhất định

Sinh pháp thiện trắng sạch.

Đã sinh sẽ bền chắc

Nhất định được viên mãn

Nơi pháp thiện trắng sạch

Không suy tổn chướng ngại.

Người kia khi lâm chung

Không lo buồn khổ não

Như vứt bỏ gánh nặng

Nhất định sinh Cõi Trời.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Người nào gây tạo hai pháp thì khi sắp lâm chung hay sinh lòng lo buồn, sau khi qua đời bị đọa nơi các nẻo ác, sinh trong địa ngục. Hai pháp đó là làm và không làm.

Thế nào là làm?

Nghĩa là thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Đó là làm.

Thế nào là không làm?

Nghĩa là thân không làm việc thiện, miệng không nói lời thiện, ý không nghĩ điều thiện. Đó gọi là không làm.

Người nào gây tạo hai pháp như đã nói thì khi lâm chung hay sinh lòng lo buồn, sau khi qua đời bị đọa nơi các nẻo ác, sinh trong địa ngục.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần