Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trí ấn - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Cát Tường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA TRÍ ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trí Cát Tường  

PHẦN BẢY  

Khi Phật nói lời ấy

Chúng Trời, người, hội này

Có tám mươi câu chi

Đều sinh lòng đau xót

Nghĩ những người như thế

Sẽ đắm chìm nẻo ác

Đồng thanh nói như vậy:

Con nguyện ở vị lai

Dùng sức tâm bồ đề

Bình đẳng gìn giữ khắp

Phát nguyện như thế xong

Cõi tam thiên đại thiên

Thảy đều chấn động mạnh

Chư Thiên mưa nhiều hoa

Ở trong cõi nước ấy

Gai gốc và dơ bẩn

Vì thắng nhân duyên này

Tất cả đều diệt sạch

Chẳng khác ở các Trời

Đều thanh tịnh cùng khắp

Ở trong đời vị lai

Có người nghe như vậy

Kinh Điển đại thừa ấy

Được tuệ mạng tối thắng

Chúng Trời, người mười phương

Đều vui vẻ, cung kính

Ca ngợi Kinh đại thừa

Đủ các loại nghĩa hay

Tất cả những Long Vương

Chúng Dạ Xoa, La Sát

Trừ bỏ tâm độc ác

Đều cung kính cúng dường

Nếu hữu tình, mạt pháp

Được nghe kinh Trí Ấn

Sâu xa và cao tột

Mà có thể tin hiểu

Người ấy sẽ được phước

Nay thí dụ sơ lược

Tựa như Khắc Già Sa

Làm số cõi nước Phật

Chứa đầy những châu báu

Đều dâng cúng Thế Tôn.

Tu thắng hạnh như thế

Trải Khắc Già Sa Kiếp

Công đức người ấy được

Không bằng nghe Kinh này

Môn Trí ấn cao tột

Chỉ dẫn và giảng nói

Công đức hơn người kia

Số vô lượng, vô biên

Phước ấy không hình tướng

Tâm hữu vi chẳng biết

Nếu nhờ nghe Phật pháp

Pháp Trí ấn nhiệm mầu

Phát sinh tâm bồ đề

Cùng các pháp tương ưng

Nương lời nói của Phật

Như thuyết mà tu hành

Và trong đời mạt pháp

Siêng quán sát, nhớ, giúp

Thích ở nơi vắng vẻ

Một lòng cầu giải thoát

Chứa nhóm vô số lượng

Các công đức tốt nhất

Thường dùng ba loại giới

Truyền dạy các hữu tình

Tâm thương xót mến giúp

Như mẹ nhớ con mình

Lời vui vẻ, dịu dàng

Dạy, khiến lìa oán tặc

Ở trong chánh pháp Phật

Không sinh tưởng đảo điên

Mình, người đều nhiêu ích

Khiến mau đến Chánh Giác

Nếu với Tam Ma Địa

Môn Trí ấn rộng lớn

Hay ghi chép, nhận, giữ

Đọc, tụng, giảng giải đúng

Lần lượt trao chúng sinh

Mình, người được giải bày

Cũng khiến cho đạt được

Các nghiệp báo tốt nhất

Lời ý và suy nghĩ

Tất cả, đều không thể

Người ấy được sinh về

Nước An lạc Chư Phật.

Thế Tôn thấy họ rồi

Liền khởi tưởng quen thân

Tâm thương xót gìn giữ

Vui vẻ mà nhiếp thọ.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Có bao nhiêu người, nương theo tánh, mà có thể thọ trì pháp môn Trí ấn Tam Ma Địa này?

Ở trong đời vị lai, họ giữ gìn chánh pháp, rồi từ nơi chánh pháp ấy mà yêu thích.

Cũng có thể ngay trong pháp môn trí ấn bí mật sâu xa của Như Lai mà sinh tin hiểu vui thích tu hành?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Di Lặc: Những chúng sinh ở đời ác năm trược kia, bị các khổ não bức bách, không thể tính đếm. Chỉ có Bồ Tát, ở trong đời ác ấy, nương theo chánh pháp mà sinh tin hiểu, hạng người như thế, rất là hiếm có.

Nhưng ở đời mạt pháp, những chúng sinh ấy… thường nghe những lời nói thêu dệt, lừa dối, khiêu khích đấu tranh nhau, hoặc phá bỏ căn lành. Đối với pháp môn Trí ấn tối thắng này, sẽ có những lời giảng nói không đủ khả năng làm cho hiểu rõ.

Chỉ có Bồ Tát ở trong đời ác năm trược ấy, khi pháp sắp diệt, đối với chúng sinh khổ não, với lòng từ bi thương xót, dùng các phương tiện, nhiêu ích nhiếp thọ. Những người bị khổ não bức bách như thế, nếu không có Bồ Tát hướng dẫn, hóa đạo, thì đối với pháp sâu xa, sẽ không đủ khả năng tin hiểu, thọ trì, đọc tụng.

Đại Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: May thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn vì thương xót muốn an vui cho hữu tình mà tuyên nói pháp mầu như thế, khiến cho tất cả chúng sinh, ở đời vị lai kia, được nghĩa lý lợi ích ấy, sinh lòng xúc động, thương cảm, ưa thích tu tập.

Nếu Bồ Tát ấy, được pháp môn này, thuận theo thắng hạnh tối thượng của Như Lai, vững vàng mong cầu, không phá bỏ đạo tâm vô thượng, thì có khả năng mau chứng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, khế hợp với trung đạo của Phật, tương ứng với thắng hạnh mà không lui bỏ.

Đức Thế Tôn lại bảo Di Lặc Đại Bồ Tát: Cũng có Bồ Tát, thuở xa xưa đã ở chỗ trăm Đức Thế Tôn, thân gần, cung kính, hầu hạ, cúng dường, phát tâm bồ đề, gieo giống căn lành, trồng những cội công đức. Nhưng ở vị lai, trong đời ác năm trược ấy, đối với bồ đề rộng lớn vô lượng sâu xa, nghia lý mầu nhiệm này, lại chưa đủ khả năng tin hiểu và đối với pháp môn Trí ấn rộng lớn này thì không thể ngộ nhập.

Lại nữa, này Di Lặc! Cũng có Bồ Tát, ở chỗ ngàn Đức Thế Tôn trong quá khứ, phát tâm bồ đề, gần gũi, cung kính, gieo giống căn lành, trồng các cội công đức.

Bồ Tát như thế, nhưng ở vị lai, trong đời ác năm trược, tuy gặp bạn lành phát tâm bồ đề nhưng đối với pháp môn Trí ấn rộng lớn, nghĩa lý vi diệu thì chưa thể rõ hiểu. Thường khởi tâm nghi hoặc, không sinh yêu thích, không thể thọ trì, đọc tụng, ghi chép, lưu truyền và cũng không đủ khả năng vì người giảng nói, khiến cho họ sinh tin hiểu.

Lại nữa, này Di Lặc! Lại cũng có Bồ Tát, ở chỗ trăm ngàn Đức Phật trong quá khứ, phát tâm bồ đề, gieo các căn lành, trồng các cội công đức.

Ở vị lai, trong đời ác năm trược, tuy gặp bạn lành phát tâm bồ đề, nhưng đối với pháp môn Trí ấn rộng lớn, sâu xa, tối thượng này, chỉ tin hiểu chút đỉnh về với nghĩa lý sâu xa, nên chưa đủ khả năng ngộ nhập, cũng không đủ khả năng thọ trì, đọc tụng, vì người mà khen ngợi giảng nói bồ đề rộng lớn, vô thượng nghĩa lý, lợi ích, sâu xa được.

Lại nữa, này Di Lặc! Cũng có Bồ Tát, cho đến ở chỗ môt câuchi Đức Phật trong quá khứ, phát tâm bồ đề, gieo các căn lành, trồng các cội công đức.

Ở vị lai, trong đời mạt pháp, vị ấy gặp bạn lành, phát tâm bồ đề, đối với pháp môn Trí ấn rộng lớn, mầu nhiệm, tối thắng này, cũng lắng nghe, ghi chép, đọc tụng, ưa thích, thọ trì, nhưng đối với nghĩa lý sâu xa thì chưa đủ khả năng hiểu rõ, không đủ khả năng vì người phân biệt giảng nói. Với Đệ nhất nghĩa, với tâm đại bồ đề, chưa đủ khả năng ấn định. Với môn Trí ấn Tam Ma Địa này cũng không liễu ngộ gì cả!

Lại nữa, này Di Lặc! Cũng có Bồ Tát, ở chỗ ba mươi câu chi Đức Thế Tôn trong quá khứ đã phát tâm bồ đề, gieo các căn lành, trồng các cội công đức. Ở vị lai, trong đời mạt pháp, vị ấy tuy gặp bạn lành, phát tâm bồ đề, được nghe pháp môn Trí ấn rộng lớn này, cũng có thể lắng nghe, đọc tụng, thọ trì, biên chép, lưu truyền và vì người giảng nói nhưng đối với pháp Trí ấn Tam Ma Địa, không có tâm quyết định, giữ gìn, ấn khả, nên cũng không thể thành tựu nghĩa lợi chân thật.

Lại nữa, này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát, ở chỗ tám mươi câu chi các Đức Thế Tôn, được nghe pháp Tam Ma Địa tối thượng và cứ như thuyết mà tu hành. Lại có thể giáo hóa lợi ích cho các loại hữu tình, khiến cho họ tin thọ. Ở những chỗ Phật ấy, phát tâm bồ đề, gieo các căn lành, trồng các cội công đức.

Ở vị lai, trong đời mạt pháp, các vị ấy, nhờ năng lực tâm bồ đề, nghe được pháp môn Trí ấn rộng lớn vô thượng, sâu xa này, mới có khả năng hiểu rõ, thọ trì, đọc tụng, ghi chép, lưu truyền, vì người giải nói, hết lòng yêu thích, đảm nhận và giữ gìn, khiến mau được tròn đầy. Đối với môn Tam Ma Địa nhiệm mầu ấy, đã hiểu rõ đúng đắn. Đối với tất cả pháp, thảy đều thông đạt.

Lại ở trong pháp bồ đề vô thượng rộng lớn, lìa các phân biệt, đánh dẹp tất cả các ác, ma oán, phá bỏ tất cả nghiệp chướng không tốt. Trong vô lượng kiếp, theo chỗ có được tạo ra những nguyên nhân hạnh khổ, sẽ thọ báo ở đời vị lai và đều được thoát khỏi.

Lại đối với nhân không tốt, tạo ra ở quá khứ, cho đến đời ác sau, khi pháp sắp diệt, tâm lành mỏng manh, phá hoại chánh pháp, ưa đắm vào ngôn giáo của thế tục, ngoại đạo, tăng thêm hý luận, thực hành hạnh phi pháp, nói lời vô nghĩa.

Không phân biệt cao thấp, phần nhiều tham cầu với những hữu tình ác, gặp không cung kính, khinh mạn, nhục mạ, đối với những điều cần thiết cho bản thân, tất cả đều thiếu thốn! Nhờ một đời này, chứng ngô thắng pháp, có sức công đức lớn. Cho nên nhân khổ như thế đều được trừ diệt.

Cũng nhờ ở quá khứ, thân gần cúng dường các Đức Phật, nhóm các căn lành, như đã nói ở trên. Ở vị lai, trong đời mạt pháp, vị ấy phát tâm bồ đề mới có khả năng đảm nhận giữ gìn pháp môn Tam Ma Địa tối thắng này, lìa được các khổ trói buộc, đạt được không thoái chuyển, ba nghiệp bền vững, không sinh tán loạn, siêng năng mong cầu Thánh quả bồ đề.

Lại nữa, này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát, ở trong quá khứ, tạo nghiệp không tốt, phải đọa nẻo ác. Ở vị lai, trong đời mạt pháp, khi pháp sắp muốn diệt, được nghe pháp môn ấy và ưa thích thọ trì.

Vì nhân duyên này nếu bị bệnh khổ, sợ hãi, thiêu đốt lẫn nhau, các nghiệp tội đời trước liền được trừ diệt. Các căn không đủ, thọ các khổ não, sinh vào nhà tà kiến, thường gặp gỡ những hạng ngu si. Sinh vào nhà thấp hèn, bị người sai khiến. Sinh vào nhà nghèo khổ khốn cùng, ăn mặc thiếu thốn.

Sinh vào nhà bỏn sẻn, tham lam, không hay cứu giúp. Nếu có nói ra điều gì, người ta cũng không tin, phạm vào vương pháp, thù oán gặp nhau, dòng họ biết mà chán bỏ, lòng nhiều lo buồn, pháp hội từ bi mà gặp nhiều điều ngăn ngại.

Dù muốn nói pháp, nhưng người không thích nghe, những đồ vật cần thiết như: Thức ăn đồ uống, y phục, ngọa cụ, thuốc thang có gặp được nhưng cũng không được ban cho, nghèo khổ khốn cùng, họ hàng ruồng rẫy, người giàu sang xua đuổi, hoặc bị người ác tìm đến quấy rối, ganh ghét hãm hại. Tu các pháp lành nhưng không thể tăng trưởng, hoặc ở trong mộng luôn thấy các điều xấu, bởi vì thấp hèn, nên các khổ bức bách…

Những nghiệp tội đời trước ấy, cũng liền được tiêu diệt. Nghiệp chướng đã diệt, dù gặp duyên khổ và các giặc oán, cũng không thể làm hại. Cùng với ma theo nhau, tuy không xa lìa, nhưng có thể biết được cảnh giới của các ma. Đối với các danh tiếng, cho đến lợi dưỡng, tâm không yêu thích. Được người gần gũi cho đến cung kính, tôn trọng, ngợi khen, nhưng cũng không lấy đó làm vui.

Tu các hạnh lành, ban ân tuệ cho các hữu tình, không sinh bỏn sẻn mà cầu giải thoát, giữ gìn giới cấm, không hủy phạm điều gì, tu hạnh nhẫn nhục, nhiêu ích hữu tình, cứu khổ ban vui. Tu hạnh tinh tấn, gắng gìn giữ ba nghiệp, cần cầu các điều lành, lìa các ham muốn xấu xa. Tu tập thiền định, tán loạn không sinh.

Dùng đại trí tuệ mà tỏ ngộ các pháp tánh, phương tiện nguyện lực làm lợi lạc cho hữu tình. Nghe vô lượng pháp môn, tâm không quên mất. Tu tất cả điều lành, làm lợi ích hữu tình. Quả vui ở đời không sinh hy vọng, khiến các chúng sinh mau bước lên bờ giác ngộ.

Lại nữa, này Di Lặc! Những Bồ Tát ấy đã từng ở chỗ trăm Đức Thế Tôn trong quá khứ, phát tâm bồ đề, chân thật bình đẳng, gieo giống căn lành, trồng các cội công đức, lìa các khổ trói buộc, còn bị những chúng sinh ác, ở đời mạt pháp, đi đến não hại, không thể tin hiểu tu tập với những kẻ ấy.

Huống gì những chúng sinh ác, ở đời mạt pháp, không trồng căn lành, mê hoặc tán loạn mà có thể giác ngộ ư?

Thế nên, ở đời mạt pháp, những người không tốt, đối với pháp tối thắng, sâu xa này, không có khả năng tin thọ theo như lý mà tu học được!

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần