Phật Thuyết Kinh đại Trang Nghiêm Pháp Môn - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Lê Da Xá, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI TRANG NGHIÊM PHÁP MÔN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Na Liên Đề Lê Da Xá, Đời Tùy
PHẦN BA
Thắng Kim Sắc nữ hỏi Văn Thù Sư Lợi: Tại sao gọi là Bồ Tát phương tiện?
Văn Thù Sư Lợi đáp:
Phương tiện có hai loại: Một là không xả bỏ sinh tử. Hai là không trụ trong Niết Bàn.
Lại có hai loại: Một là Không môn. Hai là Ác kiến môn.
Lại có hai loại: Một là Vô tướng môn. Hai là Tướng giác môn.
Lại có hai loại: Một là Vô nguyện môn. Hai là Nguyện sinh môn.
Lại có hai loại: Một là Vô tác môn. Hai là Chủng thiện căn hành môn.
Lại có hai loại: Một là Vô sinh môn. Hai là Thị sinh môn.
Lại có hai loại: Một là Vô xuất môn. Hai là ấm nhập giới môn.
Lại có hai loại: Một là Tịnh diệt môn. Hai là Xuất sinh môn.
Lại có hai loại: Một là Định môn. Hai là Giáo hóa môn.
Lại có hai loại: Một là Pháp Giới môn. Hai là Hộ chánh pháp môn.
Lại có hai loại: Một là Thanh Văn môn. Hai là Thâm tâm Bồ Đề hành môn.
Lại có hai loại: Một là Bích Chi Phật môn. Hai là Tứ vô ngại môn.
Bồ Tát nào, đối với hai loại pháp môn như các loại ở trên, vì người khác mà hiện ra không có chỗ dính mắc. Đối với tất cả pháp môn, cũng lại như vậy, thì được gọi là phương tiện.
Lại có hai loại pháp môn: Một là Tham môn. Hai là Ly tham môn.
Lại có hai loại khác: Một là Sân môn. Hai là Ly sân môn.
Lại có hai loại nữa: Một là Si môn. Hai là Ly si môn.
Lại có hai pháp môn: Một là Phiền não môn. Hai là Ly phiền não môn.
Lại có hai loại: Một là Nhất thiết sinh môn. Hai là Ly sinh môn.
Đấy gọi là Bồ Tát Phương tiện môn.
Lại có hai loại: Một là Nhất thiết phàm phu hành môn. Hai là Nhất thiết học, Vô học, Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát Như Lai môn.
Bậc nào có thể biết hai loại môn này, thì được gọi là Bồ Tát Tối thắng phương tiện.
Bấy giờ, cùng với vị Tăng theo hầu là A Nan, từ nơi Kinh Hành, tại đỉnh núi Kỳ Xà Quật, Đức Thế Tôn từ xa khen ngợi Văn Thù Sư Lợi: Lành thay, lành thay! Văn Thù Sư Lợi đã khéo nói pháp môn Bồ Tát Tối thắng tinh tấn phương tiện. Đúng như ông đã nói.
Những lời khen ngợi này, khi phát ra âm thanh của Đức Thế Tôn vang khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, tất cả mặt địa có sáu cách chấn động. Lúc ấy có vô lượng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân… Đế Thích, Thiên Vương, Đại Phạm Thiên Vương, Bốn Đại Thiên Vương, nghe theo âm thanh này, đều đi đến chỗ Đức Phật cung kính, đảnh lễ dưới chân.
Rồi ngồi qua một bên và cùng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vừa rồi, chúng con nghe Như Lai khen ngợi: Lành thay! Âm thanh vang khắp đại thiên Thế Giới, mặt đất đều chấn động. Nhưng chúng con chưa biết rõ Như Lai khen ngợi ai?
Lúc ấy, Thế Tôn bảo các đại chúng: Vừa rồi, ta khen ngợi Văn Thù Sư Lợi.
Khi ấy, đại chúng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Văn Thù Sư Lợi nay ở đâu?
Phật bảo: Ở trên ngã tư đường, thuộc cửa Đông thành Vương Xá, cùng với cô gái sắc vàng, giảng giải trình bày pháp vi diệu cho mọi người. Các ông, người nào thích nghe pháp, nên đến chỗ ấy.
Tất cả Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân… Đế Thích, Thiên Vương, Đại Phạm Thiên Vương, Tứ Đại Thiên Vương… nghe Phật dạy rồi, đều đến chỗ Văn Thù Sư Lợi, mỗi người từ thân mình hiện lên ánh sáng cao đẹp khác lạ, làm mưa hoa Trời khắp cả thành Vương Xá và khắp cả mọi người.
Bấy giờ, tất cả Trời, người và đại chúng, đều cùng được thấy nhau mà không có chướng ngại. Tất cả nhân dân thành Vương Xá thấy các chúng Trời và thấy hoa vi diệu, đều cùng nhau đi đến chỗ Văn Thù Sư Lợi.
Lúc ấy, Vua A Xà Thế cùng oai đức lớn, trang nghiêm bốn bộ binh, cùng các thể nữ ở hậu cung, cũng đi đến chỗ Văn Thù Sư Lợi. Lúc này, trong thành tất cả con Vua, con của trưởng giả, con đại thần, con của cư sĩ… thấy cô gái sắc vàng tâm trụ Niết Bàn, họ đều bỏ hết tâm ô nhiễm, năm căn trong sạch, có đầy đủ sự hổ thẹn, không còn phiền não.
Khi thấy những người này, không còn sinh tâm ô nhiễm với Thắng Kim Sắc nữ, Văn Thù Sư Lợi mới hỏi Thắng Kim Sắc nữ: Nay ngươi để phiền não ở chồ nào, khiến con Vua cho đến con của cư sĩ… không còn sinh tâm ô nhiễm?
Cô gái sắc vàng thưa: Tất cả phiền não và chúng sinh phiền não, đều ở nơi bờ trí tuệ giải thoát, ở trong pháp: Pháp giới như như bình đẳng. Các phiền não kia chẳng phải có sinh, chẳng phải có diệt, cũng chẳng phải ở yên một chỗ. Tôi biết như vậy, thấy chính xác như vây về thể tánh phiền não.
Văn Thù Sư Lợi hỏi Thắng Kim Sắc nữ: Thể tánh của phiền não là gì?
Thắng Kim Sắc nữ đáp: Các thấy biết ác, là thể tánh của phiền não. Phan duyên không trong sạch, nên phiền não phát sinh. Thấy biết được trong sạch nên phiền não như khách. Như vậy, phiền não không hòa hợp với không trí. Không hòa hợp với vô tướng, vô nguyện.
Như rắn độc lớn, khi mắt nó nhìn thấy người, người liền bị cắn chết. Nếu có người trí, giữ thuốc trị độc rắn, đi đến chỗ con rắn ấy, rắn nghe hơi thuốc, liền mất chất độc. Thậm chí đến những đứa trẻ, với các loại xúc não không vì thế mà làm hại.
Thưa Văn Thù Sư Lợi! Ngày trước, vì cái thấy hiểu xấu, nên con phát sinh tâm điên đảo, bị lửa phiền não thiêu đốt, yêu đắm thân mình, không biết thân đó như bọt nước, như ngọn lửa, như huyễn, như hóa, như trong giấc mộng. Nhận năm thứ sướng vui như nếm mật bôi trên dao. Người ngu ham mùi vị, không biết sẽ bị đứt lưỡi. Lại như sương trên ngọn cỏ, gặp Mặt Trời liền tan.
Không biết các hành là vô thường chóng qua, không biết năm ấm toàn là thường và khổ. Không biết tánh của thân mình là không trong sạch. Không biết tất cả pháp đều xa lìa các thứ sai khác của ngã và ngã sở. Không biết mình vô sở kiến nên khiến người khác tối tăm. Không biết mình đã tự trói buộc, lại làm cho người khác bị trói buộc. Con chưa được nghe pháp, nên đối với các pháp này, không được giải thoát.
Con nay nghe pháp, đạt được trí tuệ rồi, đối với các phiền não đã được giải thoát. Thế nên, tất cả chúng sinh đã không còn có tâm tham muốn đối với thân con.
Văn Thù Sư Lợi! Ví như ánh sáng không ở chung với bóng tối. Như vậy, xa lìa tâm tham, thì phiền não sẽ không còn.
Khi nói pháp này với Văn Thù Sư Lợi xong, Thắng Kim Sắc nữ liền bạch: Tất cả trời, người đại chúng đã tập hợp, xin hãy rủ lòng lành thương xót dùng pháp lực nói rõ cho mọi người, làm cho họ biết được thể tánh của tát cả phiền não. Biết được thể tánh phiền não rồi, họ phát lòng thương xót tất cả chúng sinh, làm cho các chúng sinh được an ổn, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Văn Thù Sư Lợi nói: Thể tánh của phiền não, khó tin, khó hiểu.
Vì sao?
Vì tánh của phiền não, tức là bồ đề. Ví như lửa chưa phát ra, thì không thể đốt được củi. Như vậy, không phát sinh phiền não, thì không bị sự lưu chuyển trong vòng sinh tử. Như lửa mà phát rồi, thì liền có thể đốt cháy củi. Cái hiểu biết xấu mà phát sinh, thì sẽ lưu chuyển trong sinh tử.
Như lửa mà thiêu đốt cỏ cây lớn, thì thế lửa khó mà dập tắt. Như vậy, cái thấy xấu, cái tâm độc hòa hợp với phiền não, ở trong ba cõi, nó như lửa dữ, luôn thiêu đốt không có dừng nghỉ. Ví như không có củi, thì lửa không đốt cháy được. Như vậy, xa lìa cái xấu ác và phiền não, thì không sinh vào ba cõi. Ví như lửa đốt, giả sử đến trăm ngàn năm cũng không có lợi ích, cũng không tăng thêm nhiều.
Lửa phiền não bùng cháy cũng lại như vậy, cho đến trăm ngàn năm cũng không có lợi ích, cũng không tăng thêm được gì. Ví như lửa tắt, không biết đi về đâu. Như vậy, trí tuệ diệt các phiền não, cũng như vậy, không biết đi về đâu. Ví như lửa dữ, không thể vào được. Như vậy tự tánh mà trong sạch thì dù khách trần phiền não có phát sinh, cũng không bị nó làm ố nhiễm.
Lúc ấy, Văn Thù Sư Lợi hỏi Thắng Kim Sắc nữ: Thế nào là thân kiến?
Thắng Kim Sắc nữ đáp: Như thấy trăng ở trong nước.
Lại hỏi: Thế nào là thấy năm ấm?
Nữ đáp: Như thấy Đức Phật giáo hóa người.
Lại hỏi: Thế nào là thấy mười tám giới?
Nữ đáp: Như thấy kiếp lửa, thiêu đốt các Thế Giới.
Lại hỏi: Thế nào là thấy mười hai nhập?
Nữ đáp: Như không tạo hạnh nghiệp.
Lại hỏi: Thế nào là thấy bốn chúng?
Nữ đáp: Như thấy hư không ở trên.
Lại hỏi: Quán tự thân là thế nào?
Nữ đáp: Biết được từ cha mẹ hòa hợp sinh ra.
Lại hỏi: Thấy thân mình là thế nào?
Nữ đáp: Như người mù thấy màu sắc.
Lại hỏi: Cô nay nghe phấp này chăng?
Nữ đáp: Như người huyễn nghe pháp.
Lại hỏi: Cô phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác chăng?
Nữ đáp: Con đã phát tâm, không phát tâm lại nữa.
Lại hỏi: Cô thực hành Bố thí Ba la mật chăng?
Nữ đáp: Trong phiền não, không thực hành, cũng không xả bỏ.
Lại hỏi: Cô trì giới đầy đủ chăng?
Nữ đáp: Đầy khắp, như đầy khắp hư không.
Lại hỏi: Cô tu nhẫn nhục Ba la mật chăng?
Nữ đáp: Đã tu như tất cả chúng sinh, không sinh, không xuất.
Lại hỏi: Cô phát hạnh tinh tấn Ba la mật chăng?
Nữ đáp: Đã phát như tất cả pháp, không thể được.
Lại hỏi:
Cô trụ thiền Ba la mật chăng?
Nữ đáp: Đã trụ, như trụ trong pháp giới.
Lại hỏi: Cô đầy đủ bát nhã Ba la mật chăng?
Nữ đáp: Đã đầy đủ.
Thế nào là đầy đủ?
Không tăng không giảm phương tiện trí.
Lại hỏi: Cô tu lòng lành chăng?
Nữ đáp: Đã tu như tất cả chúng sinh, không sinh.
Lại hỏi: Bồ Tát có lòng thương lớn nên cầu ở đâu?
Nữ đáp: Cầu ở trong phiền não của tất cả chúng sinh.
Vì sao?
Vì nếu chúng sinh, không có phiền não, thì Bồ Tát không phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Tâm vui vẻ nên cầu ở đâu?
Nữ đáp: Cầu ở trong lòng tin cao cả, vui vẻ, trong sạch bồ đề.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bồ Tát xả tâm thế nào là đầy đủ?
Nữ đáp: Xả bỏ, xa lìa mọi sự tranh cãi của tất cả chúng sinh, thì gọi là đầy đủ. Xa lìa tất cả pháp tranh luận, gọi là đầy đủ.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thế nào là tranh luận?
Nữ đáp: Vị Bồ Tát nào tự nói: Ta đang xả bỏ, xa lìa, tất cả phiền não, độ thoát tất cả chúng sinh, thì gọi là tranh luận.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Tranh luận với ai?
Nữ đáp: Với tất cả ngoại đạo.
Lại hỏi: Ngoại đạo là ai?
Nữ đáp: Chấp nhận theo các tà thuyết, thì gọi là ngoại đạo.
Lại hỏi: Tâm nhẫn nhục của Bồ Tát do đâu mà sinh?
Nữ đáp: Từ trong sự não loạn của tất cả chúng sinh mà phát sinh.
Vì sao?
Nếu không não loạn, thì tâm nhẫn nhục không sinh. Bồ Tát bị các chúng sinh mắng chửi, đánh đập, làm nhục. Mà tâm Bồ Tát vẫn như đất, không khởi lên sự oán hận, như vậy gọi là nhẫn.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thế nào là sân hận?
Nữ đáp: Sân hận có thể làm tiêu tan các nghiệp lành đã tạo từ trăm ngàn kiếp. Như vậy gọi là sân hận.
Lại hỏi: Thế nào là chẳng phải sân hận?
Nữ đáp: Ai đối với tất cả cảnh giới của phiền não mà không bị chướng ngại, gọi là không sân hận.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bồ Tát làm sao vượt được các việc tranh luận?
Nữ đáp: Bồ Tát đối với tất cả pháp, không có chỗ phân biệt, cũng không có chỗ để đạt. Như vậy gọi là vượt được các việc tranh luận.
Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Bồ Tát làm sao xa lìa được ma oán?
Nữ đáp: Bồ Tát tuy hiện ra để thực hành ma nghiệp, mà không bị dính mắc. Như vậy gọi là xa lìa ma oán.
Vì sao?
Bồ Tát, tuy đang sống trong năm ấm phiền não. Nhưng không hòa hợp với năm ấm phiền não. Thể tánh không bị ô nhiễm. Bồ Tát, tuy đang sống trong sinh tử, để giáo hóa chúng sinh. Nhưng biết tất cả pháp là không đi, không đến. Tuy vì chúng sinh nói thiên ma đạo, nhưng đối với Nhất thiết trí tự thân xa lìa ngã và ngã sở.
Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Bồ Tát làm sao giáo hóa chúng sinh?
Nữ đáp: Bồ Tát nên tu phương tiện bát nhã Ba la mật, là có thể giáo hóa chúng sinh.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bồ Tát làm thế nào an trụ được tất cả chúng sinh?
Nữ đáp: Như Bồ Tát tự an trụ trong trí, tất cả chúng sinh cũng như vậy mà an trụ.
Văn Thù Sư Lợi bảo: Này cô gái, hết thảy mọi người nghe cô thuyết pháp, tâm đều sinh vui thích, yêu mến và cung kính cô.
Nữ nói: Thưa Văn Thù Sư Lợi! Không nên cung kính, cúng dường như vậy. Cúng dường như vậy, không gọi là cúng dường.
Vì sao?
Vì nếu thấy thân mình, thân người và thấy có pháp mà có thể nói, thì không được gọi là cúng dường. Nếu không thấy thân mình, thân người và không thấy có pháp. Thì gọi là cúng dường. Như vậy, không nghe, không chấp trước. Thì gọi là nghe pháp, cũng gọi là cúng dường.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thế nào là pháp cúng dường?
Nữ đáp: Nếu xem thân như mộng, người nói như huyễn, pháp được nghe tiếng vang. Như vậy, tin rồi, không tạo hai loại giải thoát, thì được gọi là pháp cúng dường.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thế nào là nghe pháp?
Nữ đáp: Cứ như nói mà tu hành, gọi là nghe pháp.
Nhờ sức thần thông của Văn Thù Sư Lợi, lại dùng sức trí tuệ, căn lành đời quá khứ của chính mình, Kim Sắc nữ thuyết pháp đúng như pháp, cho những người kia.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Phẩm Tám - Phẩm đà La Ni Kim Thắng
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kính Pháp
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Mười Tám
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Bảy - Phẩm Biến Hóa
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Năm - Phẩm Phạm Chí Xem Tướng