Phật Thuyết Kinh đạo Thần Túc Vô Cức Biến Hóa - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Pháp Khâm, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠO THẦN TÚC VÔ CỰC BIẾN HÓA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Pháp Khâm, Đời Tây Tấn  

PHẦN HAI  

Này Thiên Tử! Thế nào là Bồ Tát biết được pháp tánh của tất cả các pháp?

Này Thiên Tử! Bồ Tát nên học như vậy: Các pháp cũng không thấy, cũng không thể được, mắt cũng không thấy tai, tai cũng không biết mắt, tai cũng không thấy mắt, mắt cũng không biết mắt, mũi cũng không thấy lưỡi, lưỡi cũng không biết lưỡi, lưỡi cũng không thấy mũi, mũi cũng không biết mũi, mũi cũng không thấy thân, thân cũng không biết thân, thân cũng không thấy ý, ý cũng không biết ý.

Tất cả các pháp hoặc đi hoặc đứng, pháp ấy như thế nào, mà biết là chỗ của pháp tánh bình đẳng. Như vậy mắt thấy, biết, phân biệt đối với pháp, lời nói đúng hay là không đúng cũng không theo. Thế nên biết được chỗ thường trụ, đối với pháp cũng không làm suy yếu.

Vì sao?

Vì ngoài cũng không vào, trong cũng không nhận, đối với suy yếu không suy yếu nên biết như vậy, thấy như vậy. Đối với pháp cũng không có chỗ sinh, có chỗ trụ. Trụ như vậy thì đều thấy tất cả.

Này Thiên Tử! Đó là pháp tánh. Như vậy pháp tánh cũng không khởi, cũng không diệt. Đối với thị xứ, không sở hữu nhưng lại hiện ra các pháp, vì trụ không chỗ sinh, không chỗ khởi, nên xét kỹ chỉ xứ là như vậy, như mắt đang thấy, thì trí cũng như vậy, cũng không.

Đối với pháp tánh, cũng không có chỗ thoát, lại hưng thạnh mà dừng trụ, các pháp và pháp tánh kia đều vắng lặng.

Này Thiên Tử! Đó là bốn pháp, giúp Bồ Tát đạt được đại thần thông trí tuệ, được độ thoát cùng tột.

Này Thiên Tử! Thế nào là thần thông?

Thế nào là trí?

Này Thiên Tử! Thần thông là biết được nghĩa cốt yếu của tất cả các pháp, mỗi mỗi pháp ấy trí đều hiểu rõ.

 Thế nên, này Thiên Tử! Đó gọi là thần thông.

Đối với tất cả các pháp, tự biết ngã và ngã danh, này Thiên Tử! Ngã là không tham bướng. Đó là pháp sáng suốt.

Này Thiên Tử! Bồ Tát sử dụng sẽ mau được đại thần thông trí tuệ, đối với sở nguyện không nhàm chán.

Vì sao?

Vì muốn sở nguyện được đầy đủ, như vậy là trí.

Này Thiên Tử! Bồ Tát hơn mắt người thường, đạt được thiên nhãn tịnh, đều thấy được mười phương với vô số ức ngàn vạn cõi Chư Phật, không thể tính đếm. Ở trong các cõi đó. Được thấy Chư Phật Thế Tôn và các chúng đệ tử. Dùng thiên nhĩ nghe Chư Phật Thế Tôn nói pháp, nghe đều hiểu biết.

Đều biết rõ những việc trên dưới trong ngoài của tất cả nhân dân có học hay không học. Hoặc dùng thần túc dạo chơi đến khắp cõi Chư Phật.

Đều biết rõ chỗ trải qua trong vô số kiếp đời trước. Tìm biết trong ý nghĩ của mọi người, ngọn gốc từ đâu sinh ra thảy đều biết hết. Bồ Tát dùng trí này để tự chứng đắc, lại có thể vì tất cả mà nói pháp. Như vậy là trí.

Này Thiên Tử! Đại Bồ Tát đạt được nhất thiết trí, được Đức Phật ấn khả thì đều được trụ và mau được pháp của Chư Phật, thành đạo vô thượng chánh chân bậc Chánh Giác cao tột.

Bấy giờ, Đức Phật liền nói kệ:

Đối với Đại Thần thông

Thảy đều được đầy đủ

Khéo quyền biến ban cho

Thấy liền tướng công đức.

Như vậy đều từ một

Biết rõ tất cả pháp

Giới đức rất sạch trong

Cũng đều do đạt được.

Vì lý do như vậy

Mà biết hết các pháp

Trọn không có hành nghiệp

Nhớ nghĩ có vượt qua.

Tất cả không sở hữu

Pháp ấy cũng như vậy

Ví như là hư không

Nghĩa pháp không sai khác.

Với pháp chắc chắn này

Thì mới được thấy pháp

Không sinh nghi pháp giới

Nhờ đó hiểu biết rõ.

Vì không dùng pháp phục

Mà đều biết đầy đủ

Phân biệt hiểu rõ ràng

Tự đạt được thần thông.

Các pháp quá khứ ấy

Đều biết là hư không

Các pháp ở tương lai

Cũng lại không sở hữu.

Nay các pháp hiện tại

Cũng ngang bằng hư không

Người thấy được như vậy

Tất cả đều bằng nhau.

Các pháp ba đời này

Thảy đều như hư không

Cũng chẳng phải ngã sở

Cũng không phải là ngã.

Vì tự biết một đời

Tất cả cũng như thế

Như vậy mọi sở kiến

Khiến tăng thêm niềm tin.

Biết điều đó như vậy

Công đức không gì bằng

Nói pháp, vì tất cả

Cũng không tưởng ở pháp,

Cũng không có sân hận

Không nói đúng hay sai

Cũng không có chỗ nghi

Cũng lại không chỗ học,

Điều ấy đã như vậy

Liền tạo lập các pháp

Với mọi sự tu tập

Đều không còn có gì.

Đối với các pháp khác

Các pháp đều như thế

Không đối với pháp khác

Mà lại có sở kiến,

Như vậy cũng không sinh

Cũng lại không có gì

Cho nên không chỗ vào

Cũng lại không nắm bắt,

Liền đạt được công đức

Vì tất cả nói pháp

Diễn rộng nghĩa các pháp

Với đạo không chỗ nghĩ.

Tâm ấy với ba cõi

Vui thích được kham nhậm

Tâm đã là như vậy

Là điều không thể thấy.

Như hình bóng không sắc

Hình ấy cũng như vậy

Với pháp có chỗ cầu

Tâm ấy là đã dừng.

Nếu có với pháp này

Muốn tìm cầu tâm ấy

Pháp cũng chẳng thấy tâm

Tâm cũng chẳng thấy pháp.

Đối với tâm như vậy

Tâm lại tìm cầu tâm

Tâm đã là như vậy

Đều thấy các tập khí.

Các pháp cũng như vậy

Không thể thấy rõ pháp

Tất cả mọi tư tưởng

Không thể làm ngăn ngại.

Tất cả pháp chưa thành

Ta đều đã biện luận

Pháp ấy như hư không

Luôn trụ không tăng giảm.

Ví như là hư không

Chỗ sinh, không chỗ có

Nó đã là như vậy

Vì thấy tất cả pháp.

Cũng không với hư không

Mà có chỗ làm ra

Như vậy gọi là tốt

Các pháp cũng như vậy.

Mắt cũng không thấy tai

Tai cũng không thấy mắt

Lưỡi cũng không thấy mũi

Mũi cũng không thấy lưỡi

Thân cũng không thấy ý

Ý cũng không thấy thân

Đều ở đúng vị trí

Mỗi mỗi không thấy nhau.

Nếu nghe từ người khác

Hoặc là tự mình biết

Đều có thể như vậy

Vì người nói pháp giới.

Pháp giới là như vậy

Thì mới là bình đẳng

Sáu suy không biết ngã

Ngã cũng không biết suy,

Thảy đều biết như vậy

Học hỏi việc các pháp

Người học được như vậy

Tuệ ấy không thể lường.

Đều thấy khắp mười phương

Vô số ức ngàn Phật

Và cùng chúng đệ tử

Đều nghe Phật thuyết pháp.

Ai đối với pháp này

Vì người, nói rộng khắp

Đó là vô lượng tuệ

Và là rất trong sạch.

Khéo nói công đức giới

Mà được nghe đầy đủ

Hiểu rõ với các nghĩa

Vì phân biệt đầy đủ.

Đều hiểu biết tất cả

Sở niệm của tâm ấy

Liền dùng sức thần túc

Dạo chơi đến các cõi.

Đến muôn ngàn ức kiếp

Vô số cát Sông Hằng

Việc làm của đời trước

Thảy đều thấy biết rõ.

Lại đối với hành này

Vì đã được năm thông

Nhân đó được gần kề

Bậc an ổn vô thượng.

An trụ chỗ Đức Phật

Đều là đã được trụ

Người nào chưa được đạo

Nên cầu nghĩa đạo này.

Đối với các pháp quán

Đều rỗng, không chỗ thấy

Liền phát ý phấn khởi

Vui mừng không gì bằng.

Tất cả các chúng ma

Không động đến sợi lông

Mau đạt được Chánh Giác

Bậc Tối Tôn Vô Thượng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần