Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bốn - Phẩm Ngạ Quỷ - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BỐN

PHẨM NGẠ QUỶ  

TẬP MỘT  

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp rồi, quan sát khắp biển khổ trong tất cả địa ngục, đều bị dòng nước ái dục cuốn xoáy nhận chìm. Trong đại địa ngục, những người bị đọa vào như Phú Lan Na, Mạt Ca Ly Câu La Ly, Đề Bà Đạt Đa, những kẻ ấy như là loài cá bị cá ma kiệt to lớn, nuốt ăn.

Từ địa ngục Hoạt cho đến địa ngục A tỳ rộng sâu đen ngòm cùng với các địa ngục khác, ở trong biển khổ lớn có Cá Đề Di, Cá Đề Di Nghê La, Cá Na Ca La, Cá Cưu Tỳ La, Cá Thất Thâu Ma La, Rùa, Ba Ba… bị sức gió của tham dục, sân hận, ngu si đánh bạt cuốn trôi làm cho nước nổi sóng lớn cuồn cuộn đầy những bọt nước, khiến các loài cá kia chịu nhiều khổ bức, nước mắt như mưa, khóc lóc thảm khiết, đau đớn kêu gào giống như tiếng sóng lớn, sóng sầu lo phủ khắp.

Sức mạnh của rồng phun ra mưa khổ não lớn đầy cả địa ngục. Địa Ngục A Tỳ rất sâu, không có kẻ hở, lửa cháy dữ dội, giống như kiếp hỏa nổi lên đốt rụi đại kiếp, cháy hết núi Ca Ba La đời Ngụy dịch là núi Luân, tức núi Thiết Vi, là biển khổ não lớn trong đại địa ngục. Ai yếu đuối không có sức mạnh của điều thiện thì không thể vượt qua được. Tỳ Kheo như vậy là quán xét về sự khổ lớn rồi sinh tâm nhàm chán.

Già tha tụng:

Chúng sinh bị ngu si lừa gạt

Bị ái nhiễm luôn trói lấy thân

Dẫn đến đường hiểm nạn thế gian

Lo sợ tại bến ác lão tử.

Ba xứ thoái đọa vào địa ngục

Ra khỏi địa ngục, sinh lên Trời

Ba xứ mạng chung vào ngạ quỷ

Ra khỏi ngạ quỷ vào súc sinh.

Bị mê mờ tạo nghiệp bất thiện

Các dục tác động sai chúng sinh

Bị lưới si buộc trói lấy thân

Lưu chuyển trôi trong biển ba cõi.

Vô thỉ lâu xa chịu khổ lớn

Vô số chúng sinh khổ sinh tử

Không có tâm nhàm chán tử sinh

Vô thỉ lâu xa tạo nhân duyên.

Chư Thiên phóng dật hoại tâm mình

Cõi người tìm cầu chịu các khổ

Ngạ quỷ thường bị đói khát thiêu

Súc sinh thì ăn nuốt lẫn nhau.

Trong địa ngục, lửa cháy hừng hực

Ngạ quỷ bị khổ não vì si

Tất cả chúng sinh trong sinh tử

Không có một hào ly được vui.

Trong các khổ lại tưởng là vui

Chúng sinh bị si, hoặc, ái gạt

Không có ai chỉ dạy chánh đạo

Không thoát khỏi những khổ não này.

Nếu ai xa lìa nơi pháp thiện

Luôn hành vọng ngữ không thành tín

Không chịu tu tập pháp thiền định

Luân hồi sinh tử chịu các khổ.

Chư Phật Như Lai đã nói pháp

Nếu đời hiện tại và vị lai

Lỗi nơi cha mẹ và thân tộc

Thường theo chúng sinh không lìa bỏ.

Chúng sinh chánh, tà, bất định tụ

Ba thứ tội ác thường thao túng

Đi trong ba cõi không dừng nghỉ

Lấy ba thọ để làm bạn lữ.

Chúng sinh mê lầm do ba nghiệp

Đi trong ba đường ác hiểm nạn

Luôn luôn ưa thích trong ba hữu

Bị luân chuyển mãi trong ba cõi.

Chúng sinh nào quy y Tam Bảo

Tu hành tự tại Tam Bồ Đề

Đoạn trừ, loại bỏ ba kiến chấp

Đó là người bỏ các khổ não.

Trong ba thời thích hành chánh hạnh

Quán thấy như thật ba loại ấy

Trong ăn uống phải nên biết đủ

Người ấy có thể lìa não, ưu.

Ba khối lỗi lớn: Tham, sân, si

Khéo xét ba nghiệp không tạo ác

Người hành như vậy lìa sinh khổ

Vĩnh viễn đoạn trừ mọi nhiệt não.

Người nào hiểu được đạo, phi đạo

Trong có không phải khéo tư duy

Nên khéo tu tập tâm từ bi

Đó là đạo tối thắng bậc nhất.

Nếu có chúng sinh không loạn, đục

Tâm thường thanh tịnh, không cấu nhiễm

Thoát, lìa hết các pháp bất thiện

Nên biết người ấy được giải thoát.

Nếu có người thường hành chánh đạo

Chánh niệm đại lực luôn kiên cố

Thường thích xa lìa khỏi các hữu

Người ấy giải thoát không còn nghi.

Nếu ai đoạn trừ hết hữu, ái

Tâm mong muốn không khởi hữu, ái

Đối với các khổ sinh, lão, tử

Người ấy không vướng chút vi trần.

Nếu có người ngu tạo nghiệp ác

Tạo rồi, còn làm tăng trưởng thêm

Ái dục như độc không nên gần

Người có trí nên phải lánh xa.

Nếu ai xa lìa khỏi ái dục

Tâm thường vui cầu quả giải thoát

Người ấy diệt sạch các bất thiện

Như ánh Mặt Trời trừ tối tăm.

Như vậy, người thân cận pháp thiện

Thường lìa bỏ mọi nẻo bất thiện

Nên khéo tư duy tịnh, bất tịnh

Lược nói sơ qua, ngươi nên biết.

Tỳ Kheo ấy, nhờ lợi ích của trí tuệ nên nhớ được đời này, đời khác. Tâm nghĩ như vậy nên dùng trí tuệ để tạo lợi ích cho hết thảy chúng sinh trong thế gian.

Quan sát các khổ nơi địa ngục, tư duy, nhớ nghĩ đến tất cả chúng sinh, khởi tâm thương xót tu tập từ bi, đối với mọi nơi chốn khổ sở bức bách rất đáng sợ của địa ngục, đã quan sát đầy đủ rồi, vị ấy biết rõ quả báo của nghiệp. Biết nghiệp báo rồi, vị ấy sinh tâm nhàm chán xa lìa.

Vị ấy lại quán như vậy: Các chúng sinh này vì sao bị chìm vào những đường ác, với những nơi chốn rất đáng sợ hãi, đi trong đồng hoang sinh tử?

Tỳ Kheo ấy tư duy như thế, liền sinh tâm từ bi, biết nghiệp hiểm ác trong đường ngạ quỷ, do tâm tham lam, ganh ghét, khinh khi, dối gạt mọi người, tham tiếc cất giữ của cải, muốn được giàu có, tích chứa nhiều việc ác, bị tham ác che phủ, không thực hành hạnh bố thí, không cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn, không bố thí cho những người đau ốm, đui mù, nghèo khổ.

Có ai đến xin thì keo kiệt, nhất quyết không cho. Không khởi công đức, không giữ gìn giới cấm. Đời này và đời khác không tạo lợi ích, mà còn làm tổn hại vợ con, nô tỳ, tham tiếc không cho, bỏn sẻn, đố kỵ, dối gạt. Do nhân duyên ấy nên bị đọa vào cõi ngạ quỷ. Người nữ thường sinh nhiều trong đường ngạ quỷ.

Vì sao?

Vì tánh của người nữ phần nhiều có tâm ganh tỵ, người chồng chưa thuận hợp thì đã khởi ý đố kỵ. Do nhân duyên đó nên phần nhiều người nữ bị sinh trong đường ngạ quỷ.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết rõ quả báo của nghiệp rồi lại quán xét về đường ngạ quỷ.

Ngạ quỷ ở những nơi chốn nào?

Vị ấy quán xét như vậy rồi, liền dùng văn tuệ quan sát các loài ngạ quỷ.

Lược có hai loại:

1. Ngạ quỷ trong cõi người.

2. Ngạ quỷ ở trong cảnh giới ngạ quỷ.

Quỷ ở trong cõi người: Nếu người đi ban đêm thì có khi gặp nó.

Quỷ ở trong cảnh giới ngạ quỷ tức: Ở dưới cõi Diêm Phù Đề năm trăm do tuần, rộng ba vạn sáu ngàn do tuần, kể cả quyến thuộc của các ngạ quỷ khác trong đường ác, ấy là vô lượng với rất nhiều nghiệp ác, ở trong cõi Diêm phù đề có gần, có xa.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp, quan sát cõi ngạ quỷ có vô lượng loại. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét sơ lược về ba mươi sáu loại ngạ quỷ. Tất cả ngạ quỷ đó đều do tham lam keo kiệt, ganh ghét mà sinh vào chốn đó, đem vô số tâm khác nhau, tạo ra vô số các loại nghiệp khác nhau, thực hiện vô số hành động khác nhau, ở những chỗ khác nhau, với vô số sự đói khát luôn tự đốt thân mình.

Lược nêu có ba mươi sáu loại như sau:

1. Ca Bà Ly: ngạ quỷ có thân hình như cái vạc.

2. Tô Chi Mục Khư: ngạ quỷ miệng như lỗ kim.

3. Bàn Đa Bà Xoa: ngạ quỷ ăn các thứ ói mửa.

4. Tỳ Sư Tha: ngạ quỷ ăn phân nhơ.

5. A Bà Xoa: ngạ quỷ không được ăn.

6. Kiện Đà: ngạ quỷ ăn hơi.

7. Đạt Ma Bà Xoa: ngạ quỷ ăn pháp.

8. Bà Lợi Lam: ngạ quỷ ăn nước.

9. A Xa Ca: ngạ quỷ hy vọng.

10. Xí Trá: ngạ quỷ ăn đờm.

11. Ma La Bà Xoa: ngạ quỷ ăn vòng hoa.

12. La Ngật Trá: ngạ quỷ ăn máu.

13. Mông Sa Bà Xoa: ngạ quỷ ăn thịt.

14. Tô Kiện Đà: ngạ quỷ ăn hương khói.

15. A Tỳ Già La: ngạ quỷ đi nhanh.

16. Sy Đà La: ngạ quỷ tìm lỗi.

17. Ba Đa La: ngạ quỷ ở dưới đất.

18. Hy Lợi Đề: ngạ quỷ Thần thông.

19. Xà Bà Lệ: ngạ quỷ đốt cháy.

20. Xi Đà La: ngạ quỷ rình lỗi em bé.

21. Ca Ma: ngạ quỷ ưa sắc dục.

22. Tam Mâu Đà La Đề Ba: ngạ quỷ ở bờ biển.

23. Diêm La Vương Sứ: ngạ quỷ cầm gậy.

24. Bà La Bà Xoa: ngạ quỷ ăn trẻ con.

25. Ô Thù Bà Xoa: ngạ quỷ ăn tinh khí của người.

26. Bà La Môn: ngạ quỷ La sát.

27. Quân Trà Hỏa Lư: ngạ quỷ ăn chất đã thiêu đốt.

28. A Thâu Bà La Tha: ngạ quỷ ở bờ ruộng, ngõ hẻm ô uế.

29. Bà Di Bà Xoa: ngạ quỷ ăn gió.

30. Ương Già La Bà Xoa: ngạ quỷ ăn than lửa.

31. Tỳ Sa Bà Xoa: ngạ quỷ ăn chất độc.

32. A Trá Tỳ: ngạ quỷ ở đồng hoang.

33. Xa Ma Xá La: ngạ quỷ ở gò mả ăn than, đất nóng.

34. Tỳ Lợi Sai: ngạ quỷ ở trong cây.

35. Già Đa Ba Tha: ngạ quỷ ở ngả tư.

36. Ma La Ca Da: Ngạ quỷ giết thân.

Đó là nói lược về ba mươi sáu loại ngạ quỷ, nếu nói rộng ra thì có vô lượng. Có nhiều thứ tâm tạo ác, nên hành nghiệp đều khác, do nhân duyên là tâm keo kiệt, tham lam, không thực hành bố thí mà phải chịu vô số các loại thân như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp rồi, quan sát các loại ngạ quỷ chịu đói khát dữ dội tự đốt thân mình.

Do đời trước sinh nhiều đố kỵ, tâm ác phá hoại, gây tạo nhiều ba nghiệp ác về thân, khẩu, ý với mười thứ bất thiện nên sinh trong loài ngạ quỷ. Người kia do gây nhân là tạo mười thứ nghiệp đạo bất thiện mà chịu tất cả khổ. Vì nghiệp ác nên sinh trong loài ngạ quỷ. Do nghiệp ác lôi kéo, do nghiệp làm gốc mà bị đọa vào đường ác và bị trói buộc ở đấy.

Do nhân duyên đó mà người kia không thoát khỏi sinh tử. Tâm khỉ vượn từ vô thỉ đến nay luôn nhảy nhót, quấy nhiễu, không đứng yên, đi vào nơi hiểm nạn, nhiều chướng ngại, leo trèo nơi vô số mạng lưới cành nhánh, qua lại mau chóng, ở nơi núi sinh tử, ngủ trong hang sâu, đi đến đâu không hề hay biết.

Quán tâm khỉ vượn mãi lăng xăng không chịu đứng yên nên làm như vậy: Ban đầu phải điều phục tâm. Nếu tâm không được điều phục thì nó sẽ dẫn chúng sinh đến chỗ rất sợ hãi, chịu khổ não lớn. Tâm giặc như vậy nên khiến chúng sinh cứ luân hồi trong sinh tử. Tư duy về tâm như vậy, Tỳ Kheo lìa bỏ được dục uế trong sinh tử, nhàm chán khổ nơi sinh tử.

Lại tư duy như vậy: Tất cả sinh tử thảy đều khổ não.

Tỳ Kheo kia như thế là tư duy phân biệt: Trong loài ngạ quỷ có vô số loại.

Tư duy như vậy rồi, vị ấy phân biệt từng loại và quán các nghiệp báo, biết: Đều do nhân duyên sinh ra, có khổ vui, đẹp xấu, tịnh bất tịnh, thiện ác, sang hèn, trên dưới, sinh diệt… tất cả các loại ấy không phải tự nhiên sinh ra.

Tỳ Kheo quan sát các loài ngạ quỷ như vậy, biết quả báo của nghiệp rồi, dùng văn tuệ quán ngạ quỷ Ca Bà Ly thân hình như cái vạc, nên quán xét như thế nào?

Quỷ ấy thân dài, lớn hơn người gấp hai lần, không có mặt, mắt. Tay, chân lõm vào giống như chân cái vạc, lửa cháy đầy trong đó thiêu đốt thân hình giống như thiêu đốt cây, bị đói khát bức bách. Khi bị quả báo trói buộc thì không ai có thể cứu được, không có chỗ nương tựa, không có chỗ cậy nhờ, luôn ưu sầu khổ não, không ai cứu vớt.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần