Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Mười
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH DIỆU PHÁP THÁNH NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Thiên, Đời Tống
PHẦN MƯỜI
Lại nữa, tiền tài ở thế gian không vững vàng tồn tại, bị nước lửa, giặc cướp và các thế lực của nhà Vua đoạt lấy, nếu là pháp tài có bị các tai vạ nước và lửa, trọn không thể hoại được. Chúng Chư Thiên các ông tuy có thế lực, đầy đủ các căn, thân được ánh sáng nhưng khi tướng suy hiện ra, liền sinh sầu não, rơi xuống hư không, trải qua trăm ngàn du thiện na, vào trong nẻo ác kia.
Đế Thích liền nói kệ:
Như ông, đại sướng vui!
Giàu có, không thể lường
Khi tướng suy hiện ra
Nhất định vào nẻo ác
Như nghiệp đang tạo ra
Tùy nghiệp quả lại sinh
Tướng nghiệp lành cao đẹp
Quả dị thục cũng vậy
Nghiệp có trên giữa, cuối
Cùng phẩm loại tốt xấu
Khi có quả báo kia
Hơn kém cũng như vậy
Các ông suy nghĩ kỹ
Sức sắc thân cao tột
Không tránh khỏi sinh diệt
Làm sao mà không đọa
Thí như các giống lúa
Bị lửa dữ đốt cháy
Thiêu đốt đã phá hoại
Mầm làm sao được sinh!
Thân nhẹ rỗng giả tạo
Bốn tướng mau biến đổi
Như ánh lửa đèn sáng
Không trụ trong sát na
Tâm tướng cũng như vậy
Rỗng giả không chân thật
Luôn bị lậu tăng theo
Làm sao được an vui
Xả bỏ mọi cảnh dối
Chớ tự yêu thân này!
Nhất định khỏi luân hồi
Mau đến nơi bờ giác.
Khi đó, vị Trời ấy có phi điểu nói: Nay chúng ta, đang ở rừng Ô Bát La, ở giữa rừng kia, có ao tắm lớn, mọc nhiều hoa sen hồng, khi nở mùi thơm phảng phức. Thân cánh lông của chim có nhiều màu sắc lẫn lộn, hình dáng giống như bảy báu, mắt có ánh sáng, giọng hót rất hay, phi điểu này vui chơi mãi ở trong rừng.
Thiên Tử quán sát sự ham thích say mê của phi điểu, liền nói bằng kệ:
Ta thường ham vui chơi
Trời, Người, yêu cũng vậy.
Tuy Trời khác cầm thú
Ái nhiễm thì không hai
Không giữ gìn pháp hạnh
Làm sao được giải thoát
Nếu các Trời như vậy
Phi cầm khác chỗ nào
Nay lại bảo các ông
Chớ đắm năm dục lạc
Nên tu pháp thù thắng
Sẽ được đại giải thoát
Khổ, sinh, già, bệnh, chết
Mãi không hại thân kia
Thân Trời cùng loài cầm
Được thiện lợi bình đẳng.
Bấy giờ, Đế Thích lại bạch: Nếu có người trí lìa nhơ để được trong sạch, tội lỗi ở thế gian có biến khắp Trời này, cũng không thể làm cho chìm.
Vì sao?
Vì người trí kia, đối với nhân duyên sinh khổ, có thể hiểu rõ.
Vả lại, đối với mọi ân ái của bằng hữu tri thức và quyến thuộc ở Cõi Trời kia, không hề bị luyến tiếc! Chư Thiên các ông, ngu si tham đắm, không lìa luân hồi, nên cùng các loài phi cầm kia, cũng không có khác. Lại có chúng sinh, đam mê uống rượu, mắc tội rất nhiều.
Vì sao?
Vì tâm thức của hữu tình mê loạn, nên phạm phải nhiều lỗi lầm. Sức rượu tuy mất, nhưng nghiệp báo không bao giờ mất, ở trong năm nẻo xoay tròn không dừng. Ở trong tất cả tội, hơn hết là tội tăng thượng mạn, cho đến câu chi kiếp vẫn lưu chuyển không dừng, chìm đắm nẻo ác, bị phiền não trói buộc, như Đức Phật đã nói.
Bấy giờ, trong vườn của Đế Thích kia, có nhà diệu pháp, với đủ loại châu báo trang nghiêm cao đẹp hơn hết. Lúc đó, chúng Chư Thiên đã đến trong nhà diệu pháp ấy.
Bấy giờ, Đế Thích quán sát Thiên chúng, rồi nói kệ:
Chúng Chư Thiên các ông
Quá khứ tu lành ít
Được sinh trong Cõi Trời
Nếu quả báo Trời hết
Nhất định đọa luân hồi
Nghiệp lực khó nghĩ bàn
Dẫn dắt các chúng sinh
Trong ba cõi, năm nẻo
Sinh ra ở mọi nơi
Các ông cần tinh tấn
Phải suy nghĩ chắc chắn
Sinh diệt chỉ chốc lát
Làm sao không tỉnh giác?
Đường hiểm ác sợ hãi
Nương theo các luật nghi
Vững vàng bảy giác chi.
Siêng hành tám chánh đạo
Khéo trụ ở năm căn
Tăng tưởng với năm lực
Bốn niệm và chánh cần
Và bốn thần túc kia
Như vậy không thoái chuyển
Ắt đến thành Niết Bàn
Luôn được vui tịch diệt.
Với tội, không sợ hãi
Người kia không trí tuệ
Về sau khi mạng hết
Khổ não luôn thiêu đốt
Khắp vòng trong Cõi Trời
Đọa lạc này, ai thấy!
Họ luôn thích tham dâm
Không thể biết việc này
Dâm dục sinh dối trá
Làm mê hoặc hữu tình
Dẫn dắt xuống ba nẻo
Như dây luôn trói buộc
Sinh diệt luôn như vậy
Hữu tình cần tự lợi
Nhu hòa thân, khẩu, ý
Chớ để phiền não sinh
Phải dứt các pháp cảnh
Tất cả người tham dâm
Ngu si tăng không nghỉ
Bỗng chốc lửa dục đốt
Xa lìa những người thân
Bạn bè, thiện tri thức
Cốt nhục cùng quyến thuộc
Khi chết, đại khổ đến
Nói làm sao hết được!
Từ sinh đến khi chết
Như núi bỗng sụp đổ
Chốt lát không thể dừng
Sát na, không còn gì
Chỉ với nhất thiết trí
Không tội, không luân hồi
Rốt ráo khỏi nguồn khổ
Chư Thiên luôn yêu thích
Biển dục sâu không đáy
Làm sao có được đủ!
Tâm tham ái tăng trưởng
Như lửa đổ thêm dầu
Mất các thứ trang nghiêm
Phá hoại nhân xuất thế
Lưu chuyển trong bốn nẻo
Người, bàng, địa ngục, quỷ
Sinh tử mãi không dừng
Qua lại như khuôn gốm
Quần sinh rất ngu si
Không rõ tánh phiền não
Nếu các hữu tình kia
Vĩnh viễn không tham ái
Sẽ được nhân cao cả.
Giải thoát khỏi trói buộc
Người trí trừ phiền não
Các bệnh khổ không hại
Hàng phục mọi tham sân
Mãi được đạo an vui
Sinh tử không thể nhiễm
Cạm bẫy không thể trói
Trí tuệ dần tròn sáng
Biết tất cả các việc
Đối với lý Niết Bàn
Khởi lên tâm vô tướng
Xa lìa mọi trần cấu
Rốt ráo đến bờ giác
Mọi cảnh khổ vui kia
Vắng lặng không có gì
Nhập vào đại giải thoát
Thường trụ nơi vắng lặng
Lại khởi tâm từ bi
Thương xót các hữu tình
Chỉ khổ trí chân như
Xa lìa nơi cạm bẫy
Dứt ý niệm nghi ngờ
Trừ sạch sự tham ái
Giải thoát nỗi khổ não
Đạt được tuệ cao tột
Hiểu tập tán không đó
Dù sống tám vạn kiếp
Cũng lại bị vô thường
Thường an trụ nơi đây
Cõi Trời mãi không mất
Thấy ác sinh coi thường
Không suy nghĩ tội lỗi
Ngu si không tìm cách
Mãi cầu sự sướng vui
Ví như trong đống cát
Tìm dầu làm gì có
Nếu gây ra nghiệp tội
Thường luôn bị thúc ép
Cây khổ rễ tội sâu
Tất cả ác sinh trưởng
Ta nói chân như này
Chắc là pháp phi pháp
Ý thẹn khi tạo tội
Sau lại không phiền não
Lợi ích rộng vô biên
Đạt đến bờ chân như.
Nếu lại ngu mê đối với lời Phật dạy mà không tin thọ thì sau khi mạng hết tự chịu khổ não, trải qua vô số trăm ngàn câu chi nado tha, a một na… không được quả của Trời, Người còn bị lửa tội vô thường, nhất định thiêu đốt bất tận ở kiếp này.
Khi ấy, Đức Cù Đàm bảo: Vì sao Trời lại được trụ lâu?
Ví dụ như bọt nước, cây chuối không có mảy may chân thật, là giả tạo, không thật chẳng bền lâu. Nếu cho rằng cái vui này vĩnh viễn, thì điều đó không bao giờ có!
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba