Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Mười Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN MƯỜI SÁU  

Các căn của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát nếu thấy các Đức Phật thì các căn vui vẻ, mừng rỡ, không ai theo kịp.

2. Ưa thích Chư Phật, phụng kính Kinh Điển, không chỗ nào không đạt được.

3. Tất cả các căn Bồ Tát chẳng hề thoái chuyển, không chỗ chướng ngại.

4. Tâm thường trụ vững nơi hạnh tu tập.

5. Không hề phế bỏ các căn vi diệu, hiểu rõ phân minh trí độ vô cực.

6. Căn ý của Bồ Tát không hề thoái chuyển để khuyên bảo chúng sinh.

7. Chí Kim Cương làm tiêu diệt và chuyển hóa các pháp, phá trừ các thứ xấu, ác.

8. Ánh sáng ấy mạnh mẽ vững chắc, không gì là chẳng soi đến. Thấy các Đức Như Lai sáng rỡ tại chỗ mà các căn không lấy làm lạ.

9. Tâm của bậc Khai sĩ tỏ rõ thân của các Đức Như Lai, hợp làm một thể.

10. Ý Bồ Tát ấy đạt đến chỗ vô hạn, vào nơi mười Lực của Phật.

Đó là mười việc thuộc các căn của Bồ Tát.

Chí tánh Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Tâm Bồ Tát thường không đắm chấp, chẳng tham thế tục.

2. Tâm ấy trong suốt chẳng hề hư hoại, chẳng nghĩ đến việc của hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

3. Luôn nói về chí tính nhu thuận của Bồ Tát.

4. Chí hằng hữu nơi Phật Đạo, ý ấy trong lành, hòa nhã do nơi nhất thiết trí sinh ra.

5. Chỗ tư niệm của chí tánh không có người sánh cùng, hàng phục quân ma và các dị học của ngoại đạo.

6. Chí không tì vết, làm nghiêm tịnh tất cả cảnh giới trí tuệ của Như Lai, thường giỏi cứu độ.

7. Gốc ngọn của ý ấy, như chỗ nghe pháp thì chưa từng lãng quên.

8. Ý ấy tự nhiên mà không chấp trước vào chỗ sinh khởi không ưa thích.

9. Chí ấy sâu xa có thể vào được khắp trí tuệ vi diệu.

10. Nghĩ rồi tin hiểu, rõ thông pháp Phật.

Đó là mười chí tính của Bồ Tát vậy.

Tính thanh tịnh, hòa hợp của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát tính hòa thì ý ở tại chỗ tôn quý, giàu có mà chẳng thoái chuyển, tích lũy thiện căn và pháp lành.

2. Chẳng nghi ngờ Chư Phật, nói rộng từ gốc đến ngọn về tính hạnh của Như Lai.

3. Ở nơi gồm thâu chung, làm hạnh Đại Sư, nghe hết sở nguyện, nghĩ suy tại đỉnh tướng.

4. Có thể nhập vào tất cả, ở trong pháp của Chư Phật thì tính tự nhiên thanh tịnh.

5. Nơi pháp của Chư Phật đều được do chính mình tự tại.

6. Ý ấy vi diệu có thể nhập vào vô số các cửa đạo pháp.

7. Bồ Tát đứng đầu và siêu việt nơi tất cả nhân duyên ở đó.

8. Tự tại ở trong đạo, ở trong các tam muội định ý, chính thọ, biến hóa trang nghiêm, ý ấy bền trụ.

9. Nhập giữ lấy chỗ thệ nguyện của đời trước.

10. Giáo hóa chúng sinh chưa từng ngừng nghỉ. Đó là mười tính tịnh hòa của Bồ Tát.

Bồ Tát ứng thời có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát bố thí đó là ứng thời, bố thí các thứ sở hữu mà không hy vọng.

2. Phụng trì tất cả giới, đức, giới cấm dốc tu thanh tịnh, đúng thời.

3. Chẳng khinh miệt người khác, vì chúng sinh mà nhẫn nhịn các sân hận, từ bỏ hận thù, trừ khử tưởng chấp về ta mình và tha nhân, rộng tu tinh tấn, tùy thời không chuyển đổi.

4. Bồ Tát luôn hộ trì thân, miệng, ý mà không hề xao lãng.

5. Không phế bỏ các hành nghiệp thiền định tam muội, tuân theo các cửa giải thoát và chánh thần thông.

6. Bồ Tát không bỏ ái dục, phiền não nếu có thể phụng hành các độ vô cực tức gắng tích lũy các gốc đức, chưa từng lười bỏ. Tu theo đại từ, hiểu rõ thật sự không có chúng sinh, thân mạng, các khổ.

7. Năm phẩm ứng thân, chẳng bỏ đại bi, biết rõ các pháp tự nhiên vắng lặng.

8. Đạt được mười lực như Đức Như Lai luôn hiểu rõ tùy thời.

9. Dùng tiện nghi vô hạn để chuyển pháp luân hiển thị cho muôn người, chưa từng mang tâm trạng thoái lui.

10. Bồ Tát nhìn thấy chí tính của kẻ khác để chỉ dạy họ.

Đó là mười ứng thời của Bồ Tát. Bồ Tát trụ ở đấy thì liền có thể tùy thời đạt đến đại tuệ vô thượng vô cực của Phật.

Bồ Tát tín giải lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Tin vào sự vi diệu mà thường tùy nghi, khó bì kịp gốc đức.

2. Thuần tín nơi vô số tịnh hạnh.

3. Sự tốt đẹp ấy là rộng khắp, thấy được vô số tâm niệm của chúng sinh.

4. Tạo cho họ niềm tin chắc thật nhập vào nơi pháp môn thâm diệu vô cực.

5. Ưa thích thanh tịnh, hưng khởi tâm niệm rộng lớn, ái mộ chỗ mong cầu.

6. Các Đức Phật kiến lập mười thứ lực, khiêm cung vô hạn, hàng phục quân ma cùng quyến thuộc của chúng.

7. Nghiệp lành rốt ráo bình đẳng nơi sự báo ứng, thuần tin nơi cửa vào.

8. Tùy theo sự vui lòng ấy mà thị hiện.

9. Nhận lãnh điều được thọ ký, nghĩa là muốn được sự thọ ký của Đức Phật, hiển bày thần túc tự tại.

10. Vui theo ý của mình, dốc tu tập, chứng đắc Phật Đạo, có thể thành tựu Chánh Giác.

Đó là mười tín giải của Bồ Tát.

Bồ Tát tin vào Thế Giới cũng có mười việc.

Những gì là mười?

1. Tin vào các Cõi Phật, nhập vào một Thế Giới.

2. Đem một Thế Giới nhập vào các Cõi Phật.

3. Tin một hoa sen như cả ngàn Thế Giới mà một đức thân Như Lai an tọa trên đó.

4. Mười phương Cõi Phật, tin hiểu tất cả, tự nhiên như hư không.

5. Tất cả Thế Giới được trang nghiêm cùng khắp.

6. Tin là vào khắp mười phương Thế Giới, thân Bồ Tát có thể chiếu khắp trong đó.

7. Tin nơi mười phương cõi nước chỉ tạo ra một dấu tích, tất cả Thế Giới nhập vào một thân.

8. Tự thông suốt cảnh giới của Chư Phật, cho đến cây Bồ Đề.

9. Nơi một Đạo Tràng chỉ dùng một âm thanh, báo khắp cả mười phương.

10. Tất cả chúng sinh nghe được âm thanh ấy thì tâm vui sướng.

Đó là mười việc Bồ Tát tín nhập nơi Thế Giới. Bồ Tát an trụ ở đấy thì có thể vào khắp vô lượng cảnh giới của Đức Như Lai.

Bồ Tát có mười việc nhập vào cảnh giới chúng sinh.

Những gì là mười?

1. Tất cả thân hình chúng sinh vốn tự nhiên vô thân.

2. Các cõi chúng sinh thì lấy làm một thân, tự làm giảng đường.

3. Tin vào chỗ nhập, các loài chúng sinh thì được vào bụng một Bồ Tát.

4. Các cõi dân chúng có thể thọ nhận hình thể, dạng mạo của các bậc Đế Thích, Phạm Vương và bốn Thiên Vương.

5. Tin là cõi chúng sinh nhập vào thân Như Lai.

6. Mười phương muôn dân, các loài côn trùng bò sát, cõi của người và vật nhập vào thân một người.

7. Tất cả chúng sinh có thể được ở tại một phẩm nơi pháp Phật hiển bày cõi của các loài.

8. Hiện làm loại hình mạo, dáng dấp cùng như Thanh Văn, Duyên Giác mà vĩnh viễn không có tưởng niệm.

9. Mười phương Thế Giới đều hiện ra công đức trang nghiêm của Bồ Tát.

10. Ở các cõi chúng sinh thị hiện hình sắc tướng tốt của Đức Như Lai, ngần ấy thứ uy nghi, lễ tiết nơi thân để dạy bảo mọi người.

Đó là mười việc nhập vào cõi chúng sinh của Bồ Tát.

Bồ Tát dừng nghĩ có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát phát ý tức là nơi chỗ ấy tu tập các gốc đức, các việc ác ngưng nghỉ.

2. Khai hóa chúng sinh, tùy lúc chỉ đường bày lối.

3. Thường gặp Chư Phật, chẳng rời Thánh chúng.

4. Nơi họ muốn sinh đều ở tại cõi thanh tịnh.

5. Phụng tu đạo hạnh, chẳng trái Chánh chân.

6. Luôn có hoài bão với những thệ nguyện chân chánh.

7. Chẳng theo thệ nguyện tà vạy.

8. Họ đều có thể tuân phụng sáu độ vô cực.

9. Chuyên suy nghĩ về đạo pháp bình đẳng.

10. Đã có thể du hóa đến các Phật hội.

Đó là mười chỗ dừng nghĩ của Bồ Tát. Bồ Tát trụ ở đây thì trừ bỏ được các phiền não, chứng thành vô lượng tuệ là chỗ dừng ở của Như Lai.

Có mười việc về sự hưng khởi của Bồ Tát. Bồ Tát dùng các việc này để đoạn dứt các tưởng chấp về hạnh khởi.

Những gì là mười?

1. Cõi chúng sinh hưng khởi thì khai hóa họ, khiến đến được cứu cánh.

2. Thế Giới nếu hưng khởi thì diệt trừ hết uế trược ở đó.

3. Thường khiến tạo mọi sự nghiêm tịnh của Như Lai, hưng hiện các hạnh Bồ Tát.

4. Tích lũy gốc đức, học Phật tướng tốt.

5. Công đức hưng khởi từ đại bi.

6. Tiêu trừ khổ não nơi năm ấm thịnh suy của chúng sinh.

7. Phát khởi đại bi, khiến lập chúng sinh, an trụ nơi nhất thiết trí, nơi các độ vô cực.

8. Tập họp hạnh nghiêm tịnh của Bồ Tát, dấy khởi phương tiện quyền xảo khắp vì tất cả, thị hiện cửa pháp đạo đức.

9. Hưng khởi đạo ý, tâm ấy an nhiên, không thể nêu bày.

10. Tóm lại, tất cả các pháp Bồ Tát đã hưng hiển thì thấu đạt mọi chỗ thần thông hóa hiện.

Đó là mười thứ hưng khởi của Bồ Tát.

Bồ Tát có mười sự phụng hành.

Những gì là mười?

1. Thường tự nhớ nghĩ về các độ vô cực.

2. Dốc tu giới cấm không hề thiếu sót.

3. Vâng theo chánh tuệ chẳng theo tà kiến.

4. Thuận theo uy nghi chưa từng mất lễ tiết.

5. Tôn sùng đạo pháp chẳng theo tà kiến.

6. Tùy thứ bậc chẳng trái đức hạnh.

7. Đúng thời thị hiện chẳng phạm đạo giáo.

8. Thân cận hành nghĩa, chẳng chán việc dẫn dạy.

9. Phụng tu Chánh Giác, chẳng theo tiểu thừa.

10. Kính vâng Thánh hạnh mà chuyển pháp luân. Đó là mười việc phụng hành của Bồ Tát.

Bồ Tát thành tựu có mười việc.

Những gì là mười?

1. Thường giữ tâm thuần tín, phụng kính bạn lành, chứng thành Phật Pháp.

2. Ân cần, vui thích theo điều thuyết giảng của Như Lai.

3. Chưa từng hủy báng huấn giáo của Thánh Điển.

4. Tâm ấy vô lượng ở chỗ không bờ mé.

5. Khuyến trợ tạo gốc đức, đạt được cảnh giới của Như Lai không hạn hữu.

6. Tin vui chẳng hề nghi ngờ, có thể hội nhập khắp mười phương Thế Giới, thành tựu pháp Phật.

7. Lại nữa, ở trong pháp giới, không thể bị lay động, tâm như núi Thái.

8. Làm chấn động cảnh giới ma khiến chẳng được an ổn, tự nhiên hàng phục.

9. Hằng nhớ nghĩ đến Thế Giới Chư Phật.

10. Dạy bảo chúng sinh phải tự nhớ nghĩ đến mười thứ trí lực của Đức Như Lai chí chân.

Đó là mười việc thành tựu của Bồ Tát.

Bồ Tát có mười việc làm mất đạo pháp của Phật, thường phải xa rời.

Những gì là mười?

1. Đó là tự kiêu mạn, khinh khi bạn lành khiến mất đạo pháp của Phật.

2. Hoảng sợ những khổ não cùng cực của sinh tử.

3. Chán chê các hạnh, trái tâm Bồ Tát.

4. Chán mệt nơi thế gian, đình trệ mọi việc, hành theo tánh cố chấp.

5. Trái với chánh định liền mất hết dấu vết của chỗ tạo gốc đức.

6. Chấp vào chỗ hành trì của mình, cho đó là thiện căn.

7. Hành trì ấy luôn ganh ghét, bài báng chánh pháp, che lấp các hạnh Bồ Tát.

8. Ưa thích pháp Thanh Văn và Duyên Giác.

9. Ghét bỏ những việc làm phúc đức rộng lớn.

10. Chẳng ưa hoằng truyền đại pháp của Bồ Tát.

Đó là mười việc làm mất đạo pháp mà Bồ Tát cần phải xa lánh, mới có thể vào được cảnh giới của Hiền Thánh Vô Thượng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần