Phật Thuyết Kinh đồng Tử Thiện Tư - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỒNG TỬ THIỆN TƯ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẦN HAI  

Chỉ nghe tiếng thuyết pháp

Chúng sinh nhiều lầm dối

Nương phương tiện để đạt

Sẽ nêu như chân thật.

Nói về sinh và tử

Là cảnh giới phàm phu

Đây là thấy điên đảo

Phú Lâu Na chưa thấu.

Sinh tử và đây kia

Ngôn ngữ của thế gian

Trong pháp không ngôn ngữ

Tạm dùng ngôn ngữ thuyết.

Trưởng Lão Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử nghe kệ như vậy rồi vui vẻ tán thán, liền bạch Phật: Thật là hy hữu! Thưa Đức Bà Già Bà! Thật là hy hữu! Thưa Đức Tu Già Đà! Đồng Tử Ly Xa Thiện Tư này có trí tuệ sâu rộng như vậy thật khó có thể lường tính.

Đức Phật bảo Phú Lâu Na: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Phú Lâu Na! Thật đúng như lời ông nói.

Đức Thế Tôn hỏi Đồng Tử Thiện Tư: Này Đồng Tử Thiện Tư! Nay ông nhằm vì ai mà chứng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Đồng Tử Thiện Tư dùng kệ tụng thưa Phật:

Phật Thế Tôn tối thắng

Biết mà còn hỏi con

Vì ai mặc áo giáp

Nay sẽ nêu chân thật.

Con không chỗ vì người

Cũng không mặc áo giáp

Trong pháp sâu xa trên

Không chúng sinh nhận, hóa.

Chúng sinh không chúng sinh

Tất cả đều không có

Chỗ này không mê lầm

Gọi đó là Thế Tôn.

Rõ pháp sinh như vậy

Như thật tế xứ thường

Chẳng một, chẳng phải khác

Sâu xa tối thượng ấy.

Con sẽ khiến chúng biết

Chúng sinh kia cũng không

Thể chúng sinh đã không

Trong kia sao có trí?

Trí tuệ và chúng sinh

Tánh rốt ráo không có

Nếu biết rõ như vậy

Gọi là Bậc Thế Trí.

Đồng Tử Thiện Tư nói kệ như vậy rồi, liền bạch Phật: Bạch Đại Thánh Thế Tôn! Nếu nơi đời vị lai con tự biết rõ pháp như vậy rồi thì vì các chúng sinh mà giảng nói như vậy.

Khi ấy, Trưởng Lão Tỳ Kheo A Nan ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu!

Bạch Đức Bà Già Bà! Thật là hy hữu! Bạch Đức Tu Già Đà! Đồng Tử Thiện Tư này đã có thể nói rõ về pháp cú hết mực sâu xa vi diệu như vậy, không nhiễm chấp nơi cú, không nương tựa vào cú. Trong pháp sâu rộng này, tất cả hàng trời, người nơi thế gian thường mê mờ sợ hãi.

Bạch Thế Tôn! Nơi thật tánh sâu xa của các pháp như vậy ai không muốn hành?

Chỉ có người từ xưa có nhân duyên ở trong pháp sâu rộng ấy mới có thể sinh tâm tin tưởng.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan muốn nêu rõ nghĩa này nên nói kệ:

Giống như khối chân kim

Xa nhìn hiển bày rõ

Đồng Tử Thiện Tư này

Đang ở trong đại chúng.

Ví như núi Tu Di

An trụ trong biển lớn

Khéo nói pháp như vậy

Trùm khắp thế gian này.

Không có, chẳng phải không

Đồng Tử Thiện Tư nói

Thật tế kia như thế

Thật tế cũng là không.

Nay ông nói như vậy

Không từng sinh kinh sợ

Như thế, này Thiện Tư!

Ta làm sao biết được?

Ly xa Thiện Tư dùng kệ đáp:

Con đã thề xả thân

Mặc áo giáp vô vi

Không mong nên cầu đạo

Đa văn nên nhận biết.

Vì năm dục làm mê

Đọa địa ngục đáng sợ

Nay thấy Đấng Vô Thượng

Làm sao con không vui.

Thế Tôn đại từ bi

Hóa độ các chúng sinh

Thân con không tỳ vết

Nay đang ở trước Phật.

Hư không và thân con

Cả hai đều là không

Thân và không đã không

Sao phải sợ hư hoại?

Phật thân và thể không

Chân thật không thể phân

Nếu có tâm nhẫn này

Trong ấy không sợ hãi.

Hư không và đại địa

Trong chân như đều không

Con nay biết chân thật

Cho nên không sợ hãi.

Hư không khắp đại địa

Rốt ráo không thủ đắc

Vì không chân, không sinh

Chân thật không kinh sơ.

Hư không chẳng có cao

Chỗ thấp cũng không có

Người biết pháp như vậy

Không hề có sợ hãi.

Ly xa Thiện Tư nói kệ như vậy rồi, Phật liền hỏi: Này Thiện Tư! Ông không sợ sao?

Thiện Tư bạch Phật: Lành thay! Bạch Thế Tôn! Con thật sự không sợ.

Phật lại hỏi: Ông không sợ sao?

Thiện Tư đáp: Lành thay! Thưa Thế Tôn! Con thật sự không sợ.

Phật lại hỏi: Này Đồng Tử Thiện Tư! Ông không sợ hãi sao?

Thiện Tư đáp: Lành thay! Thưa Thế Tôn! Con thật không sợ hãi.

Bấy giờ, Thế Tôn khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Này Ly Xa Thiện Tư! Nay ông mới đích thực có thể không khiếp, không sợ như vậy.

Phật vì việc này nên nói kệ:

Có hữu nên sợ sinh

Hữu ấy không thủ đắc

Người nhẫn này tâm định

Liền đến gần bồ đề.

Chấp tướng nói chúng sinh

Nhưng chúng sinh không có

Thường thấu đạt như vậy

Kẻ ấy trú chân thừa.

Bồ đề không người đắc

Chẳng đắc đắc, chẳng đắc

Lìa đắc, chẳng đắc ấy

Tâm sợ hãi tức không.

Có thể biết như vậy

Có không đều không trụ

Thiện Tư, ông nên biết

Đường này đến bồ đề.

Đức Thế Tôn nói kệ rồi, bảo Đồng Tử Thiện Tư: Này Đồng Tử Thiện Tư! Cho nên Đại Bồ Tát muốn mau chóng đạt an lạc, chứng được đạo quả bồ đề vô thượng, phải nên nhớ nghĩ đến tướng thường, tướng lạc, tướng ngã, tướng tịnh, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng, tướng dưỡng dục Phú Già La. Các tướng này là con đường thẳng chân chánh của đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Đồng Tử Thiện Tư! Thuở xưa, lúc ta phát tâm hành trì hạnh Bồ Tát đã thường tâm niệm về con đường ấy. Vì ý nghĩa đó, nên ta nhân nơi con đường ấy mà đạt đến bồ đề. Nhưng con đường này không có một pháp nào có thể thủ đắc. Đây tức là bồ đề vô thượng của ta.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nêu rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Ta tuy nói tướng thường

Thường ấy chẳng phải có

Đã biết không có thường

Liền không có tranh cãi.

Nếu chấp trước tướng lạc

Lạc cũng không chân thật

Đó là kiến điên đảo

Phú Già La phân biệt.

Nếu biết các pháp chân

Mỗi mỗi không xứ tập

Tất cả không tạo tướng

Mạng và Phú Già La.

Đường chẳng phải bồ đề

Không đường cũng như vậy

Ta nói bản tánh ấy

Các pháp không xứ sở.

Bản tánh và các vật

Người trí không phân biệt

Thiện Tư, ông nên biết

Đường này đến bồ đề.

Nếu chấp đường như vậy

Phật kia không hành đạo

Nếu chấp trước có tướng

Không biết rõ các pháp.

Không thể nương các thừa

Chỗ từ bi Chư Phật

Không có người năng hành

Xứ ấy lắng sâu diệu.

Tất cả chỗ không vật

Vật kia không thủ đắc

Vì đã không có vật

Tướng lạc không chỗ sinh.

Các niềm vui, nỗi khổ

Đường ấy như hư không

Có thể biết như vậy

Tâm ấy được giải thoát.

Ta tuy nói tướng ngã

Pháp ấy cũng không có

Đã không có ngã sở

Cũng lại không có trí.

Đã không có trí biết

Đây tức cảnh giới trí

Thọ mạng phân biệt có

Tướng ấy rốt ráo không.

Không ngôn thuyết, người biết

Tiểu trí bị mê hoặc

Tướng ngã và thọ mạng

Bản tánh chẳng phải có.

Bản tánh và các vật

Cảnh giới ngu si này

Tất cả không thể gần

Phật thừa không nghĩ bàn.

Không nghe Kinh Điển rộng

Không thọ trì, đọc tụng

Không nói Kinh Điển này

Không có tướng các pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần