Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Xá Lợi
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH HẢI LONG VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI BẢY
PHẨM XÁ LỢI
Bấy giờ, Vua Rồng biển và tất cả Rồng bạch Đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thật chưa từng có!
Những điều thuyết giảng của Đức Như Lai làm yên ổn khắp tất cả, Ngài đã thọ ký cho các Rồng và khai hóa quyến thuộc đều phát ý đạo. Ngài lại gia ân bố thí y cho các Rồng. Các Rồng đều đem đồ cúng dường cúi đầu phụng sự.
Nhờ đó được hộ trì, rồi nhân đó phát ý đạo, thương xót chúng sinh, tu theo bốn đẳng tâm từ, bi, hỷ, xả, hưng long bốn ân, bố thí, nhân ái, lợi người lợi cho tất cả, cứu tế tụ hợp. Do hạnh đức này mà cát chẳng trút xuống thân, lìa khỏi mọi hoạn nạn.
Lại khi ý tịch tĩnh chẳng mất thân Trời, biến làm loài rắn, đến bữa ăn sau cùng, chẳng gặp được ễnh ương, Vua chim cánh vàng chẳng bắt ăn thịt. Đức Phật Giáo hóa bốn loài chim đều hiểu biết đời trước.
Thời Đức Phật Kim Nhân làm bốn Tỳ Kheo, hành động hung bạo, chẳng thuận chánh pháp, bức bách người đồng học, nên đọa làm chim cánh vàng, tự bắt đầu hối lỗi, đổi lòng, thay hạnh, phát ý đạo lớn, hành bốn đẳng tâm, chẳng hại quần sinh. Do được hộ trì tốt nên chúng con mãi được yên ổn, chẳng bị ăn thịt nữa, chí chẳng mang lo sợ, đêm dài không nạn đều là nhờ ân Đức Phật.
Hôm nay Đức Như Lai nhận lời mời của Vua Rồng, đã diễn bày sự che chở rộng rãi. Ví như hư không, không đâu chẳng che.
Đến đây, Đức Thế Tôn trở lại cõi Diêm Phù Lợi thì các Rồng ở trong biển không nơi quy ngưỡng. Kính xin Ngài gia thêm đại bi, sau khi Đức Phật diệt độ, xin Ngài lưu lại toàn thân Xá Lợi ở tại biển này để cho tất cả mọi loài đều được cúng dường hoa hương, âm nhạc, quần áo, cờ phướn... mà chuyển thêm công đức, mau thoát khỏi thân Rồng, chóng được đạo vô thượng chánh chân, tiếp tục được cứu tế.
Xin Đức Phật rủ lòng ban ân, tăng thêm uy đức để ước nguyện chúng con được kết quả!
Đức Phật dạy rằng: Hay thay! Ta theo chí nguyện của các ngươi!
Lúc ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề nói với các con của Rồng: Này các ông!
Các ông chớ kiến lập tấm lòng này! Nó làm phương hại, phế bỏ tất cả mọi đức!
Vì sao?
Vì sau khi Đức Phật vào Niết Bàn thì Xá Lợi được phân bố cho tám phương và phương Trên phương Dưới. Trời, Rồng, Quỷ, Thần, tất cả nhân dân… những loài người, vật đi, bò, hít thở đều sẽ cúng dường hương hoa, âm nhạc, cúi đầu tự quy y.
Xá Lợi ấy biến hóa hiện ánh hào quang người nhìn thấy vui mừng, biết được uy thần Đức Phật lồng lộng vô cực. Nhờ lòng tin đó, họ đều phát ý đạo vô thượng chánh chân.
Rồi hoặc thành Duyên Giác, hoặc thành Thanh Văn, hoặc sinh lên Cõi Trời hay trở lại được làm thân người, họ cùng với pháp gặp nhau, đời đời được độ. Xét như vậy thì khắp nơi nhờ được cứu tế.
Hôm nay, các ông đều tự cầu nguyện khiến Đức Thế Tôn ở tại biển cả mà diệt độ, cung cấp cho các ông toàn thân Xá Lợi để độc quyền phụng hầu, thỏa lòng mong muốn, còn tất cả chúng sinh thì nhờ vào đâu mà được độ?
Họ vĩnh viễn bị khôn cùng ách nạn, không một lần cứu hộ.
Vì vậy ta nói rằng, chớ phát tấm lòng này, khiến Đức Phật Thế Tôn ở trong biển diệt độ để độc quyền phụng sự toàn thân Xá Lợi mà cúng dường ư?
Các Rồng đáp rằng: Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề! Tôn Giả chớ nói lên lời nói ấy!
Không lấy cái trí giới hạn ngăn ngại của thân mình để giới hạn trí vô cực của Như Lai. Đạo Thánh công đức Như Lai tự tại, không gì chẳng biến hiện, không xa, không gần, không đó, không đây, đi khắp mười phương.
Đạo Thánh ấy như hư không. Trong khoảnh khắc phát ý có thể khiến cho cung điện của các Rồng Thần trong biển, khu vực, quận nước, huyện ấp, gò đống, trong loài người, đồng trống, trên Trời, thế gian của Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.
Mỗi mỗi đều hóa hiện ra toàn thân Xá Lợi của Đức Phật cho tất cả được cúng dường mà ở thân thể Đức Phật chẳng tăng chẳng giảm. Đức Phật phân thân ở vô số Cõi Phật trong mười phương mà cũng không phân thân, hiện khắp tất cả mà chẳng đi chẳng lại.
Ví như bóng mặt trời hiện ở trong nước, Đức Phật cũng chẳng sinh ra, cũng chẳng diệt độ thì làm sao muốn giới hạn tuệ của Như Lai ư?
Muốn giới hạn tuệ của Như Lai là giới hạn hư không?
Tôn Giả Tu Bồ Đề nghe các Long tử khen ngợi đức của Như Lai vô cùng vô cực, chẳng thể ví dụ, lặng thinh không nói. Các Rồng trong biển, Chư Thiên trên hư không và các quỷ thần rất đỗi vui mừng đều phát ý đạo vô thượng chánh chân.
Đức Phật khen ngợi các Rồng con rằng: Hay thay, hay thay! Các ông là gương soi sáng! Thật đúng như lời nói không có khác vậy. Phật Đạo cao diệu không bờ không cõi, không vuông không tròn, không rộng không hẹp, không xa không gần... ví như hư không không thể làm ví dụ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Thâm Kinh
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh độc Nhất Trụ
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Bánh Xe - Phần Tám - Tránh Né
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Hai Mươi - Suy Ra Cái Ta Vốn Là Không
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Bảy Mươi Hai - Phẩm Bồ Tát hạnh
Phật Thuyết Kinh Người Phụ Nữ Gặp điều Bất Hạnh
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Sáu - đắc Chuyển Sinh Tử Nghiệp Phiền Não
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Sao - Phẩm Một - ðạo Hạnh