Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Chín - Phẩm Không Tịnh
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH HẢI LONG VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI CHÍN
PHẨM KHÔNG TỊNH
Vua A Xà Thế bạch Đức Phật rằng: Kính thưa Đức Thế Tôn! Ngài thường đối với các pháp có lòng xót thương lớn!
Nhưng các pháp dối trá mê hoặc, khởi lên tưởng, rồi tùy theo tham dục ấy đắp đổi mê hoặc nhau. Hạnh Bồ Tát chẳng thể kể lường. Đó là vì Bồ Tát phải tu đạo hạnh để đến Cõi Phật trang nghiêm đầy đủ kia. Hạnh tu của các Bồ Tát đều phải học hỏi hộ trì Cõi Phật, như đất nước nghiêm tịnh của Vua Rồng biển.
Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy, đúng vậy!
Này Đại Vương! Tất cả các pháp đều từ ý niệm dấy khởi, rồi tùy theo tạo tác ấy mà đều thành tựu. Các pháp không trụ cũng không có xứ sở.
Lúc ấy, Vua A Xà Thế nói với Vua Rồng biển rằng: Hay thay! Vì ông được lợi ích nên mới khiến cho Đức Như Lai thọ ký cho ông. Ông sẽ thành Phật, có đất nước thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Vua Rồng đáp rằng: Pháp không có thọ ký!
Vì sao?
Vì các pháp đều tịnh, do gieo Rồng ấm, nhập mà giả danh gọi người. Sự thọ ký ấy không ấm, không nhập. Do có danh sắc mà giả danh gọi là người. Người thọ ký ấy không danh không sắc. Nhân duyên báo ứng nên thấy, nghĩ, tưởng niệm mà giả danh gọi là người.
Người thọ ký ấy không có báo ứng, không thấy, không nghĩ, không tưởng, không niệm. Giả sử Bồ Tát bình đẳng tu hành gốc đức thì gốc đức đó cũng không thọ ký vậy.
Tướng của các pháp rỗng không, không thọ ký. Tất cả các pháp vô tướng, vô nguyện, vô vi, vô số nên chẳng thọ ký vô tướng, vô nguyện, vô vi, vô số vậy.
Vua Rồng lại nói với Vua A Xà Thế rằng: Đại bi của Chư Phật thật chẳng thể nghĩ bàn! Các Kinh không tên, không có tư tưởng mà nói có tên có tư tưởng. Các Đức Phật Thế Tôn không tên, tướng, thức mà nhân theo thế gian thị hiện có thọ ký vậy. Sự thọ ký đó cũng không có pháp nhận thọ ký, cũng không có trong ngoài sẽ nhận thọ ký.
Vua A Xà Thế lại hỏi Vua Rồng rằng: Đã được pháp nhẫn, chứng hạnh bình đẳng, Bồ Tát như vậy mới được thọ ký ư?
Vua Rồng biển đáp rằng: Nhẫn ấy đều không, tưởng chẳng thể tận, hiểu rõ rốt ráo đến với bản tế, bản tế của bình đẳng, bản tế của vô tận, bản tế của vô ngã, bản tế của ngã, ngã sở, bản tế của chân lý, đến với rốt ráo, không thành tựu bản tế. Bản tế ấy đã rỗng không đến với bản tế giải thoát, bản tế của tham sân si.
Có rõ bản tế đó thì không chỗ tựa. Không chỗ tựa thì giả sử đối với âm thanh không hội hợp. Không hội hợp thì chẳng chấp trước, không giải thoát.
Không giải thoát, không hạnh thì hành không chỗ hành, cũng không gì chẳng hành, cũng không chỗ lo. Đã không chỗ lo thì đối với Bồ Tát ấy nhìn tất cả các hạnh tạo tác, đối tượng thấy đều không thấy.
Giả sử không có đối tượng thấy, chẳng tạo tác chân lý mà đã vào bình đẳng, đã có chỗ trụ, đã vượt bình đẳng thì chẳng tàn, chẳng loạn, chẳng mất đi, chẳng bộc lộ ra. Do bình đẳng với các pháp, sau đạt được nhẫn.
Cái gọi là nhẫn và sự thọ ký đó là nếu thọ ký rồi và người được thọ ký thì đó là tất cả pháp đều là pháp bình đẳng. Các pháp giới rốt ráo không pháp giới, chẳng dùng thọ ký để quyết định, cũng không có cái để thành.
Quan sát pháp này rồi, xem xét nghĩa lý ấy thì các pháp không thể kể xiết. Ví như hư không chẳng thể kể số lượng, vượt qua các số lượng.
Các pháp là như vậy! Khi Vua Rồng biển nói lời nói đó, thì hai vạn vị Bồ Tát được pháp nhẫn bất khởi, hàng trăm vị Tỳ Kheo hết, lậu hoặc, được giác ngộ.
Bấy giờ, Vua A Xà Thế bạch Đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Biện tài của Long Vương thật chưa từng có.
Đức Phật nói rằng: Chưa thật kỳ lạ, chẳng lấy làm khó! Người mới phát ý nghe pháp đó mà chẳng lo, chẳng khó, chẳng sợ thì đó mới là khó.
Vì sao?
Vì đó là Đạo pháp gốc của các Đức Phật Thế Tôn. Khó bì kịp như vậy nên ít có người tin. Trên Trời, người thế gian chẳng thể nhận, chẳng vào, chẳng tin, chẳng ưa thích. Vì vậy, ông nên biết, nếu có người nghe Kinh Pháp thâm diệu đó chẳng sợ sệt thì đây mới là điều khó. Đời trước cúng dường vô số Đức Phật đâu có gì khó.
Ví như có người, hư không không có hình mà họ hiện ra hình tượng thì đó là khó chăng?
Đáp rằng: Rất khó, thưa Đấng Thiên Trung Thiên!
Đức Phật dạy rằng: Nếu có người nghe nghĩa thâm áo của Kinh này, tin ưa tất cả đều biết là không ngã, không nhân, không thọ, không mạng, có người đã tin, có người sẽ tin, thì những người này chính là hạng người bình đẳng sáng suốt thuận theo Như Lai, là bạn thân, thầy tốt.
Họ có thể đủ sức tin ưa, diệt trừ phiền não, vì tất cả mọi người giảng nói Kinh Pháp, có thể đi đến Đạo Tràng dùng tâm Từ hàng phục trăm ngàn ức ma và Vua quan khác.
Vì đối với các pháp được tự tại nên lòng họ thanh tịnh, các tuệ thông đạt gần ở trước mắt. Trong khoảnh khắc phát ý, họ thành tựu trí tuệ sáng suốt, chứng Tối Chánh Giác, khuyên bảo chúng sinh, biết tất cả tâm và các căn của mà chuyển bánh xe vô thượng đại pháp, trị liệu tất cả bệnh, khai hóa ngoại đạo, phá tan thù oán, thổi loa đại pháp.
Đến đây, Vua Rồng biển đạt hết ước nguyện, chẳng mất chí hướng, nghe được sự thọ ký hớn hở vui mừng, lòng thiện phát sinh.
Vua Rồng vọt lên hư không dùng kệ khen Đức Phật rằng:
Vốn thanh tịnh như hư không
Không sắc không thọ không sở
Như vậy nói pháp an trụ
Hư Không tự nhiên trùm khắp.
Danh chẳng có mà chẳng không
Tạo nhân duyên và báo ứng
An trụ giảng nói chẳng tranh
Không nhân, mạng, không thọ, thức.
Tất cả pháp rất sạch trong
Ngã, ngã sở tịnh, bình đẳng
Ngã, ngã sở, pháp thanh tịnh
Hiểu vậy tức được thọ ký.
Xét pháp giới vốn sạch trong
Cõi người tịnh cũng như vậy
Như cõi chúng sinh lặng yên
Phật pháp lặng cũng như vậy.
Nếu pháp của Phật thanh tịnh
Cũng bằng các Cõi Phật Tịnh
Giả sử Cõi Phật sạch trong
Các tuệ tịnh không sai khác.
Các pháp tịnh do số, tên
Vì kể số, tên chẳng được
Do tưởng số tên vốn không
Các danh số ấy không ngại.
Ý niệm của các chúng sinh
Không kiến, không sắc, không thanh
Như không thành tâm ý thức
Các pháp rỗng ấy không tâm.
Hoặc tạo tác, không tạo tác
Có tội duyên, không người nhận
Không kẻ lầm lỗi xưa nay
Gọi Vô Tịch Nhiên, Niết Bàn.
Vào nguồn bản tế không ngại
Vô ngã tế vốn hư không
Chọn các tế, được bình đẳng
Biết chúng sinh vốn chân thật.
Bản tế khứ, lai, hiện tại
Trí thông đạt các tế ấy
Tuệ ngang bằng vô tế môn
Xét pháp giới chủng tánh Phật
Chẳng khởi diệt Tối Thắng Tràng
Không, vô tướng, nguyện vốn tịnh
Không tiếng nói pháp chân thật
Là Địa tịch tĩnh các Thánh.
Các pháp tịch tĩnh nếu thông
Tự vui như nắm hư không
Không ngã, ngã sở tịch tĩnh
Giả như đây ưa pháp Thánh
pháp, Phật mười phương đã nói
Phật vị lai sẽ tuyên dương
Tiếng vị lai bình đẳng cả
Theo tiếng hiện vào vô thanh.
Tiêng rỗng tự nhiên như vang
Các pháp không, như niệm rỗng
Vô pháp, phi pháp dạy răn
Thật vốn không, chẳng thể được.
Tất cả pháp, vô chủ tên
Ngần ấy tưởng niệm chẳng sáng
Chẳng thể được người thanh tịnh
Các pháp vốn tịnh như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - hội đầu - Phẩm Bảy - Phẩm Dạy Bảo Trao Truyền - phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cấp Cô độc - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Thí đăng Công đức - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Thường - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm đẳng Kiến - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bí Mật Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai - Phẩm Mười Chín - Phẩm Hộ Thế