Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Một - Phẩm Mười đức Sáu độ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH HẢI LONG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM MƯỜI ĐỨC SÁU ĐỘ  

Lúc ấy, Công Chúa và các Hoàng phi, Hoàng Hậu của Vua và các Hoàng Hậu Thần Vô Thiện, Thần Phượng Hoàng, Thần núi, Thần Điềm Nhu... cùng khen ngợi Đức Phật xong, tất cả đều phát ý đạo vô thượng chánh chân. Họ cởi chuỗi ngọc trên thân để tung lên trên Đức Phật.

Đức Phật cùng đại chúng đều xuống đến biển lớn. Đến ngôi thành trong biển ấy, Đức Phật đi thẳng đến đại điện trang nghiêm của Vua Rồng Biển, ngồi lên Tòa Sư Tử. Các vị Bồ Tát và chúng Tỳ Kheo đều lần lượt ngồi vào tòa ngồi trong cung điện ấy.

Bấy giờ, Vua Rồng Biển cùng quyến thuộc trong cung thấy Đức Phật đã an tọa xong thì tự tay dâng hiến thức ăn thức uống thanh tịnh. Họ đem vô lượng số vị ngon cúng dường Đức Phật và Tỳ Kheo Tăng.

Chư vị ăn uống xong, mang nước rửa tay rồi, họ ngồi trước Đức Phật nghe Kinh cùng với Chư Thiên, Rồng, Thần, Thần Hương Âm, Thần Vô Thiện, Thần Phượng Hoàng, Thần Núi, Thần Điềm Nhu, Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương và các Bồ Tát từ mười phương đến trong hội.

Lúc ấy, Đức Phật thấy chúng hội ngồi đã yên định thì từ thân phóng ra ánh sáng. Ánh sáng tên là Thiện Độ thuyết pháp nhu hòa, soi hết các loài sống trong biển lớn, từ hạng thượng, trung đến hạng dưới cùng đều chính mắt thấy Đức Phật nên vô cùng vui mừng, nguyện ưa nghe pháp. Họ đều cung kính từ xa cúi đầu làm lễ Đức Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Vua Rồng biển rằng: Người nương vào thế gian, tạo tác ngần ấy duyên, sự vận hành của tâm chẳng đồng, tội phước đều khác, do đó sự sống khác biệt.

Này Long Vương! Vả lại quan sát chúng hội và biển cả thấy ngần ấy chủng loại hình mạo chẳng đồng. Các hình mạo đó đều là bức vẽ của tâm. Nhưng tâm không hình sắc, chẳng thể thấy. Tất cả các pháp dối trá như vậy, do mê hoặc khởi ra hình tướng đều không có chủ, tùy theo sự tạo tác ấy mà mỗi mỗi tự nhận lấy.

Ví như vị họa sĩ vốn không tạo tượng, các pháp như vậy, chẳng thể bàn. Chúng tự nhiên như tướng huyễn hóa đều là sự tạo tác của tâm. Người sáng suốt thấy các pháp do mê hoặc khởi ra sắc tướng thì sẽ thực hành các thiện đức.

Người ấy hiểu được tướng mê hoặc khởi ra thành các pháp, ấm là hạt giống của các nhập thì sẽ hoan hỷ vui lòng được đoan chánh đẹp đẽ.

Này Long Vương! Vả lại quan sát thân của Như Lai, do trăm ngàn phước mà được hợp thành, vượt khỏi chúng hội, lồng lộng hiện khắp. Trăm ngàn đức ấy do được tự tại mà khiến cho Phạm Vương, Đế Thích bị che mờ biến mất.

Quan sát thân Như Lai, mắt chẳng dám nhìn thẳng vào uy quang ấy. Quan sát sắc thân của các Đại Sĩ, tướng tốt trang nghiêm đầy đủ đều dùng đức thiện trang sức thân mình.

Đức Phật nói với Long Vương: Sự trang nghiêm thanh tịnh của ông đều do phước mà thành. Sự trang nghiêm của các Đế Thích, Phạm Vương, Trời, Rồng, Quỷ Thần, Thần Hương Âm, Thần Vô Thiện, Thần Phượng Hoàng, Thần Núi, Thần Điềm Nhu... đều do phước sinh ra.

Hôm nay trong biển lớn này, có ngần ấy chủng loại thân thiện ác, lớn nhỏ, rộng hẹp, đẹp xấu, mạnh yếu, nhỏ nhoi đều từ tâm mình mà đạt được, vì ngần ấy hình mạo đều là hành vi tạo tác của thân, miệng, ý.

Vậy nên, này Long Vương! Tự hộ trì hành động của thân là cứu tế tội phước.

Hãy học như vậy! Các ông do hộ trì hành động của thân, cứu tế tội phước, thực hành các điều thiện mà được thành Phật đạo, diệt bỏ tà kiến, chẳng trụ ở kiến chấp hữu thường, vô thường, phải cầu quả vị Phật, gieo trồng cúng dường, do cúng dường nên được sự cung kính của Chư Thiên và loài người.

Đức Phật nói với Long Vương: Bồ Tát có một pháp đoạn dứt hết mọi tai nạn của tất cả đường ác.

Những gì là một?

Chuyên quan sát pháp vi diệu xem cái nào là chân lý nhập vào trong pháp là ưa quan sát nhiều pháp thiện, chẳng nghe các điều ác và mọi tư tưởng tà bậy, đã đoạn trừ ác pháp, phụng hành mọi điều thiện thì sinh ra nơi nào cũng cùng tánh hiền thiện với Phật và Bồ Tát.

Đức Phật dạy: Những việc thiện nào đã lập gốc đức để an ổn người Trời?

Chẳng vì gốc Thanh Văn, Duyên Giác?

Lập gốc đạo thì chí đặt vào đạo vô thượng chánh chân.

Những gì gọi là kiến lập căn bản?

Đó là làm mười việc.

Những gì là mười?

Thân chẳng sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

Miệng chẳng nói dối, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói thêu dệt.

Ý chẳng ganh ghét, sân hận, ngu si.

Đó là kiến lập căn bản.

Đức Phật nói với Long Vương: Người chẳng sát sinh được mười pháp thiện tịch tĩnh.

Những gì là mười?

1. Thường bố thí yên ổn cho tất cả mọi người.

2. Thường ưa tâm từ.

3. Đoạn dứt lòng sân hận.

4. Sinh ở chỗ nào cũng thường không tật bệnh.

5. Thường sống lâu.

6. Được sự hộ trì của loài chẳng phải người.

7. Nằm ngủ an vui chưa từng có ác mộng.

8. Chẳng ôm lòng oán kết.

9. Chẳng sợ đường ác.

10. Sau khi chết được sinh nơi yên ổn.

Người chẳng sát sinh được pháp tịch tĩnh ấy. Dùng đức của gốc thiện chẳng sát sinh để chí nguyện nơi đạo vô thượng chánh chân, hoặc khi thành Phật được tự tại đối với tuổi thọ vậy.

Đức Phật bảo Long Vương rằng: Người chẳng trộm cắp được năm pháp tin tưởng.

Những gì là năm?

1. Được giàu to, không có Vua quan, nước, lửa, trộm cắp, oan gia, con hư có thể trộm lấy.

2. Được sự ái kính của mọi người.

3. Đến chỗ tịch nhiên, không có tai nạn.

4. Hoạn nạn, sợ hãi mãi mãi tiêu trừ.

5. Do chẳng chấp thủ phước nên chí luôn bố thí tuệ.

Gieo trồng mọi gốc đức, chí nguyện đạo vô thượng chánh chân, do nương theo tuệ vô kiến của Như Lai thành Tối Chánh Giác, khiến kiến lập thần thông.

Đức Phật nói với Long Vương rằng: Người chẳng phạm tà dâm được bốn đức an lạc của người trí sáng suốt.

Những gì là bốn?

1. Hộ trì các căn.

2. Lìa các hý luận.

3. Tất cả thế gian đều khen ngợi.

4. Đã lìa khỏi tà dâm thì không dám xem thường thê thiếp của mình.

Đem gốc đức đó chí nguyện nơi đạo vô thượng chánh chân, được tướng mã âm tàng của bậc Đại Nhân.

Đức Phật nói với Long Vương rằng: Người chẳng nói dối thì Chư Thiên, loài người dùng tám pháp để khen ngợi.

Những gì là tám?

1. Được diện mạo thanh tịnh.

2. Lời nói sẽ được sự tín nhiệm của tất cả mọi người.

3. Tự thành tựu sự chứng đắc, Trời người kính trọng.

4. Tâm chí thành, không có tưởng tà vạy.

5. Tâm ý thanh tịnh, không dua nịnh.

6. Có nhiều vui vẻ, người không chán ghét.

7. Hay nhận lời răn cấm, không có lời thô tháo. Sinh lên Cõi Trời hay nhân gian riêng được tín nhiệm, không có người nghi ngờ.

8. Đem gốc đức lành của lời nói chí thành để chí nguyện nơi đạo vô thượng chánh chân, do hạnh này nên thường được chí thành.

Đức Phật nói với Long Vương rằng: Người chẳng nói hai lưỡi được năm sự chẳng biệt ly.

Những gì là năm?

1. Thân chẳng biệt ly, không tán loạn.

2. Quyến thuộc chẳng ly tán, chẳng cao ngạo với người khác.

3. Được niềm tin không hoại, thấy duyên báo.

4. Pháp không phá hoại người khác, lấy hành động làm trọng yếu.

5. Được bạn bè hòa thuận do không lừa dối.

Dùng gốc đức đó để cầu Tối Chánh Giác thì được thành quyến thuộc không loạn của Như Lai.

Tất cả mọi ma cùng với oán địch nhất định chẳng thể phá hoại quyến thuộc của Như Lai Đức Phật nói với Long Vương: Người không ác khẩu được tám quả báo của ngôn từ thanh tịnh, sau khi mạng chung được sinh lên Trời.

Những gì là tám?

1. Lời nói như thật.

2. Lời nói nhu nhuyến.

3. Lời nói ứng hợp.

4. Lời nói hòa thuận.

5. Lời nói có thể chấp nhận.

6. Lời nói rõ ràng.

7. Lời nói mà mọi người không ai chẳng tin theo, ưa thích.

8. Lời nói chẳng lừa dối mọi người.

Do gốc đức này mà chí nguyện nơi đạo vô thượng chánh chân thì được thành tựu âm thanh vượt Trời Phạm của Như Lai.

Đức Phật nói với Long Vương: Người chẳng nói lời thêu dệt thì được ba hạnh chân chánh.

Những gì là ba?

Thường làm cho mọi người hiểu rõ những sự kính yêu bình đẳng. Lòng luôn chuyên nhất vào chí thành, chẳng dùng nhiều lời. Ở trên Trời và nhân gian luôn được tôn trọng chẳng bị phiền toái thì được sự thọ ký của Phật, được thành Như Lai, lời nói không sai khác.

Đức Phật nói với Long Vương: Người chẳng ganh ghét được năm uy thần.

Những gì là năm?

1. Thân, miệng, ý sáng suốt, các căn đầy đủ.

2. Được của cải giàu có cùng cực, tiêu dùng tùy thích.

3. Hàng phục các oán địch, ưa nghiệp sinh hoạt ăn uống vị ngon.

4. Phước đức lồng lộng, được sự cung kính của các Quốc Vương, nhờ che chở.

5. Có của báu vi diệu của riêng mình, nhờ gốc công đức thuở xưa nên sinh vào nhà thù thắng chẳng ganh ghét của cải người khác, do gốc đức đó, chí nguyện nơi đạo vô thượng chánh chân, thành tựu ngang bằng Thế Tôn, ba cõi phụng thờ.

Đức Phật nói với Long Vương: Người chẳng sân hận được tám pháp tâm hoan hỷ.

Những gì là tám?

1. Không hại niềm vui chắc thật, diệt trừ sân hận.

2. Vui với tâm thành thật, chẳng ưa tâm tranh cãi.

3. Ưa ngay thẳng an tường mà nhu hòa.

4. Bình đẳng với Thánh Hiền luôn mang tâm từ.

5. Đầy đủ tâm Bi, thấy người an vui.

6. Đoan chánh đẹp đẽ, mọi người cung kính.

7. Sinh lên Cõi Trời Phạm chẳng lấy làm khó.

8. Tâm dùng phương tiện xót thương, nhu hòa với mọi người.

Đó là tám.

Do tám gốc đức đó, chí nguyện nơi đạo vô thượng chánh chân thì được làm Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, người nhìn không chán.

Đức Phật nói với Long Vương: Người chẳng tà kiến được mười pháp đức.

Những gì là mười?

1. Chí tính chân thật, được gặp bạn lành.

2. Tin quả báo thiện ác, nếu có mất mạng, chẳng làm tổn thương, xâm phạm người.

3. Nghĩ, làm Phật Đạo, tâm không sai khác.

4. Chẳng thờ Trời, Thần, chí luôn chất phác.

5. Xả bỏ dua nịnh, thuật Thần Chú.

6. Cùng những người Trời kết làm bạn bè.

7. Chẳng cùng với địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh làm bạn lữ.

8. Cùng với mọi công đức thù thắng, đạo Thánh lồng lộng làm tốì thượng.

9. Lìa khỏi tà kiến, lìa khỏi tham sân, lìa khỏi ác kiến đều không ngăn ngại.

10. Đối với Thánh bình đẳng, phút chốc sinh lên Cõi Trời và nhân gian.

Đó là mười pháp đức.

Dùng gốc đức lìa khỏi tà kiến để chí nguyện nơi đạo vô thượng chánh chân thì được gần đạo pháp của Chư Phật, mau chóng chứng được thần thông, thành Như Lai.

Đức Phật nói với Long Vương: Bồ Tát lìa khỏi sát sinh, làm bố thí thường được giàu sang, sống lâu vô cùng. Hành đạo Bồ Tát thì tất cả oán kết bên ngoài không thể đương đầu, đã lìa trộm cắp mà bố thí thì đã có nhiều của cải, người chẳng dám lấy.

Hành đạo Bồ Tát thì không thể phương hại, phế bỏ mà lại tụ họp tất cả pháp công đức, lìa khỏi tà dâm, bố thí thì đời sau thường giàu có, vợ không có tình trạng lỗi lầm.

Ở tại nhân gian, không người dám xâm phạm, chẳng nhìn hình sắc con gái nhà khác. Người lìa khỏi vọng ngữ, bố thí thì thường giàu có lớn, chẳng bị bài báng, vì người thấp hèn đều nhờ ân ủng hộ.

Hành đạo Bồ Tát thì lời nói và việc làm tương ứng, chí nguyện kiên cường, lìa khỏi nói hai lưỡi, bố thí thì thường giàu có, quyến thuộc chẳng cách biệt.

Hành đạo Bồ Tát thì được tất cả quyến thuộc tánh ngay thẳng bình đẳng của Bồ Tát, đã không nói lời ác, bố thí thì thường giàu có lớn, lời nói ra có người thọ lãnh.

Hành đạo Bồ Tát vào với chúng hội không ai chẳng vui thích, không nói lời thêu dệt, bố thí thì thường giàu có lớn, lời nói luôn đi đôi với việc làm.

Hành đạo Bồ Tát đoạn dứt tất cả nghi ngờ, lìa khỏi ganh ghét, bố thí thì thường giàu có lớn, đầy ắp vui mừng tốt đẹp, áo quần, ăn uống, giường nằm đầy đủ.

Hành đạo Bồ Tát rồi, mừng vui, gia thêm bố thí thì được tôn quý, lìa khỏi lòng sân hận, bố thí thì thường giàu có lớn, uy nghi sáng ngời đoan chánh, lời đã nói ra thì mọi người yêu thích.

Hành đạo Bồ Tát, lòng không gia hại, các căn đầy đủ, lìa khỏi tà kiến, bố thí thì thường giàu có lớn trụ ở chánh kiến, sinh vào dòng họ danh tiếng, gặp được Phật Thế Tôn. Hành đạo Bồ Tát chẳng lìa khỏi các Đức Phật, luôn được nghe pháp, phát tâm Bồ Tát.

Đức Phật nói với Long Vương: Đó gọi là Thập Thiện trang nghiêm bố thí rộng lớn. Những ai đối với mười hạnh thiện này mà dùng giới trang nghiêm thì tự đủ nguyện, được các Phật Pháp. Dùng nhẫn trang nghiêm các tướng tốt, thành tựu âm thanh của Phật. Dùng tinh tấn trang nghiêm thì hàng phục được ma oán. Dùng đạo pháp của Phật trang nghiêm thì có sự giải thoát.

Dùng thiền trang nghiêm làm nơi hướng đến của tâm ý thì thanh tịnh. Dùng trí tuệ trang nghiêm thì tiêu trừ các kiến chấp. Hành từ trang nghiêm thì phải dùng lòng nhân hòa chẳng hại chúng sinh.

Hành bi trang nghiêm thì chẳng bỏ chúng sinh.

Hành hỷ trang nghiêm thì không lòng lười chán.

Hành xả trang nghiêm thì được không chấp trước, đoạn dứt các nghi kết.

Hành ân trang nghiêm thì khuyên hóa được chúng sinh.

Hành ý chỉ trang nghiêm thì dừng các thọ của thân, tâm pháp đầy đủ.

Hành ý đoạn trang nghiêm thì đoạn trừ các pháp ác, đầy đủ đức lành. Thần túc trang nghiêm thì được thần thông nhẹ nhàng.

Năm căn trang nghiêm thì được hạnh kiên cố ấy, dùng tinh tấn tăng thượng mà không buông lung, dùng tâm sửa trị trừ các trần lao. Năm lực trang nghiêm thì dùng lòng chân trực hàng phục giáo hóa mọi oán địch. Giác ý trang nghiêm thì hiểu rõ các pháp do nơi gốc chân như.

Tám đường trang nghiêm thì mang lại chánh tuệ tịch nhiên trang nghiêm, diệt trừ tất cả các cáu bẩn trần lao. Dùng quán trang nghiêm thì quán các pháp, xét kỹ đều không. Thiện xảo trang nghiêm thì có số không số, hữu vi, vô vi đầy đủ yên ổn.

Đức Phật nói với Long Vương: Nói tóm lại, đức của Thập Thiện đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy thì thành các Phật Pháp. Do đầy đủ những điều đó nên đối với đức thập thiện này trang nghiêm rộng khắp, thường phải tinh tấn. Ví như nước quận, huyện ấp, làng xóm, gò đồng, trăm giống lúa, dược thảo, cây cối, hoa quả... gieo trồng, gặt hái đều do nơi đất mà tạo lập. Đức mười thiện cũng vậy, trên Trời nhân gian đều nương nhờ vào đó.

Những người học, chẳng học và được chứng quả, trụ ở đạo Duyên Giác, đạo Bồ Tát mà hành đạo pháp của các Đức Phật đều do từ đó mà ra.

Đến đây, Long Vương bạch Đức Thê Tôn rằng: Sao gọi là thể nhập hạnh pháp môn Bồ Tát?

Người vào pháp môn thì tiêu trừ tội của ấm cái đời trước. Đã trừ được phiền não thì đạt được siêu thoát.

Đức Phật nói với Long Vương: Bồ Tát có một pháp trừ các tội lỗi.

Những gì là một?

Luôn được sự ủng hộ, chẳng bỏ lời nói hối lỗi về những tội đứng đầu!

Lại có hai pháp trừ các tội lỗi.

Những gì là hai?

1. Thường quán pháp thanh tịnh.

2. Chẳng tạo tội hiện tại.

Lại có ba pháp trừ các tội lỗi.

Những gì là ba?

1. Vào tuệ nhân duyên.

2. Đầy đủ lòng vui vẻ.

3. Nương pháp bản tịnh rõ biết vốn không.

Lại có bốn pháp trừ các tội lỗi.

Những gì là bốn?

1. Hiểu rõ đối với không.

2. Chẳng trụ ở vô tướng.

3. Hướng tới vô nguyện.

4. Tuệ không tạo tác.

Lại có năm pháp trừ các tội lỗi.

Những gì là năm?

1. Không ngã.

2. Không nhân.

3. Không thọ.

4. Không mạng.

5. Không thức.

Lại có sáu pháp trừ các tội lỗi.

Những gì là sáu?

1. Hoan hỷ thuần tín.

2. Không có hoài nghi.

3. Qua lại tiến dừng.

4. Quan sát chân lý.

5. Việc làm chí thành.

6. Chẳng mất niềm tin chân chánh.

Đó là sáu pháp trừ các tội lỗi.

Long Vương bạch Đức Phật rằng: Sao gọi là Bồ Tát đạt đến siêu thoát?

Đức Thế Tôn đáp: Bồ Tát có mười việc đạt đến siêu thoát.

Những gì là mười?

1. Thường hoan hỷ.

2. Tâm tánh thanh tịnh.

3. Phương tiện thiện xảo.

4. Kiên cường tinh tấn.

5. Quan sát người vật.

6. Hành bi vô cực.

7. Tu đức không chán.

8. Học rộng hiểu nhiều chẳng mệt.

9. Phụng trì không buông lung.

10. Nghĩ đến Đạo Tràng.

Những việc đó khiến Bồ Tát được Phật tuệ, chẳng bỏ đạo tâm. Đó là mười việc, Bồ Tát thực hành thì đạt đến siêu thoát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần