Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi Sáu - Phẩm Tượng Hộ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM NĂM MƯƠI SÁU
PHẨM TƯỢNG HỘ
Tôi nghe như thế này!
Thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, trong nước Ma Kiệt có một vị trưởng giả, vợ sinh được một đứa con trai, tướng mạo đầy đủ trông rất khả ái. Ngày sinh cậu ta, các kho tự nhiên hiện ra một con voi vàng. Cha mẹ rất vui mừng, bèn mời thầy xem tướng về nhà đặt tên.
Thầy tướng trông thấy đứa bé có phước tướng mới hỏi cha mẹ nó: Ngày sinh đứa bé này có điềm ứng gì không?
Đáp: Tự nhiên trong kho có một con voi vàng cùng lúc đứa bé sinh ra.
Nhân đó Thầy tướng đặt tên là Tượng Hộ. Đứa bé ngày một lớn lên thì con voi ấy cũng lớn theo. Khi cậu bé đi chập chững thì con voi cũng bước đi được ra vào tới lui thường không lìa nhau. Như không dùng nó thì nó cứ ở trong nhà, con voi ấy khi tiểu tiện chỉ vọt ra vàng ròng.
Một hôm, Tượng Hộ cùng năm trăm người con của các trưởng giả đi dạo chơi, ai cũng đều khoe nói về việc kỳ lạ của nhà mình, hoặc có người nói: Nhà tôi, cái giường ngồi đều bằng bảy báu, hoặc có người nói: Nhà tôi vườn rừng cũng là các châu báu.
Lại có người nói: Nhà tôi kho lẫm đầy dẫy các thứ của báu. Họ cứ so sánh như vậy, các thứ của báu rất nhiều.
Lúc đó, Tượng Hộ nói: Còn tôi khi mới sinh ra thì tự nhiên ở trong nhà có một con voi vàng. Khi tôi lớn lên, nó thường bên cạnh, không trái ý tôi. Tôi thường cỡi nó, đi dạo chơi khắp nơi, muốn nhanh hay chậm tùy ý, rất thích ý, đặc biệt khi nó đại tiểu ra toàn vàng ròng.
Khi đó vương Tử A Xà Thế cũng ở trong nhóm đó, nghe Tượng Hộ nói thế thầm nghĩ: Nếu ta làm Vua sẽ chiếm đoạt con voi của hắn. Khi Thái Tử A Xà Thế lên ngôi Vua, bèn triệu Tượng Hộ dẫn con voi cùng đến triều đình.
Lúc ấy cha của Tượng Hộ nói với con: Vua A Xà Thế hung bạo, vô đạo, tham cầu, keo kiệt. Ông ta bạo ngược nhốt tù Vua cha huống nữa là người khác. Nay ông ta gọi con là tham muốn con voi của con, ông ta sẽ chiếm đoạt nó.
Người con nói: Con voi này không có thể cướp đoạt được đâu.
Bấy giờ hai cha con cùng cỡi voi đến bái kiến Vua.
Khi đó người giữ cổng vào tâu Vua: Tâu Bệ Hạ, cha con của Tượng Hộ cỡi voi đến đang ở ngoài cổng thành.
Vua bảo: Cho họ cỡi voi vào.
Lúc đó người giữ cửa trở ra báo và bảo cha con Tượng Hộ cỡi voi vào thẳng nội cung. Bấy giờ họ xuống voi quỳ lạy vấn an nhà Vua.
Nhà Vua rất vui mừng ra lệnh cho ngồi và ban cho ăn uống, nói chuyện qua lại chốc lát, hai cha con bái từ Vua ra về. Vua bảo Tượng Hộ hãy để con voi lại, chớ có dẫn ra về. Tượng Hộ vui vẻ vâng lời Vua chỉ dạy, đi bộ ra ngoài cung. Chưa bao lâu thì con voi ấy độn thổ đi ra ngoài cổng thành, cha con lên cỡi voi đi về nhà.
Chàng ta tự nghĩ: Quốc Vương vô đạo, hình phạt phi lý, vì con voi này mà có thể làm hại đến mình, nay Đức Phật còn tại thế, ban ân thấm nhuần quần sinh, chi bằng xa nhà theo tu phạm hạnh.
Nghĩ thế, Tượng Hộ liền vào thưa cha: Thưa cha, con muốn nhập đạo, mong cha mẹ cho phép. Chàng bèn cỡi voi vàng từ tạ cha mẹ ra đi. Đến Tinh Xá Kỳ Hoàn gặp Thế Tôn, Tượng Hộ cúi đầu đảnh lễ trình bày chí nguyện của mình.
Đức Phật nhận lời nói: Thiện Lai Tỳ Kheo! Râu tóc Tượng Hộ tự rụng, pháp phục mặc trên mình trở thành một Sa Môn.
Đức Phật thuyết về pháp yếu Tứ Diệu Đế, tâm thần Tượng Hộ khai ngộ chứng quả A La Hán, cùng các vị Tỳ Kheo ở trong rừng cây tư duy tu đạo, con voi vàng ấy cũng thường ở trước mặt. Người của nước Xá Vệ nghe nói có voi vàng trong rừng bèn tranh nhau đi đến xem, làm ồn ào náo nhiệt, phá sự yên tĩnh hành đạo của các Tỳ Kheo.
Các vị ấy đến bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo Tượng Hộ vì có con voi theo bên mình nên mọi người thường kéo tới xem ồn náo, xin Đức Thế Tôn chỉ dạy.
Đức Phật kêu Tỳ Kheo Tượng Hộ nói: Nay ông nên đuổi con voi đi đi.
Tượng Hộ thưa: Bạch Thế Tôn, con muốn đuổi nó đi, thế nhưng nó không chịu đi.
Đức Phật lại bảo: Ông có thể nói với nó: Ta nay đã không còn dùng ngươi nữa.
Nói như vậy ba lần thì con voi sẽ biến mất.
Bấy giờ Tượng Hộ vâng lời Thế Tôn dạy đối với con voi nói ba lần: Ta không cần ngươi nữa. Lúc đó con voi liền chui vào lòng đất biến mất.
Bấy giờ các vị Tỳ Kheo đều thấy rất kỳ lạ, bạch với Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo Tượng Hộ vốn tu công đức gì, đối với ruộng phước gieo trồng căn lành gì mà được phước báo nhiều như thế?
Mong Thế Tôn từ bi nói cho chúng con được nghe.
Đức Phật bảo A Nan cùng các Tỳ Kheo: Nếu có chúng sinh đối với ruộng phước Tam Bảo gieo trồng một ít căn lành thì được quả báo vô lượng.
Về thời quá khứ của Phật Ca Diếp, lúc đó người đời sống thọ hai vạn tuổi, sau khi Đức Phật giáo hóa xong thâu thần nhập Nê Hoàn, hỏa thiêu phân bố xá lợi, xây dựng Tháp nhiều nơi. Khi đó có một cái Tháp, trong ấy có một vị Bồ Tát vốn từ Cõi Trời Đâu Suất cưỡi voi giáng xuống phàm nhập vào thai mẹ. Lúc đó con voi ấy da trên thân bị rách chút ít.
Có một người đang đi nhiễu tháp thấy da voi bị rách tự nghĩ: Đây là voi Bồ Tát cỡi, nay bị thương, ta nên trị giúp nó.
Rồi vị ấy lấy bùn vàng đắp lên vết thương, nhân đó lập thệ nguyện: Xin cho tôi đời sau thường sinh vào nhà tôn quý giàu có, của cải dùng không bao giờ hết. Sau khi người đó thọ chung sinh lên Cõi Trời, hưởng hết tuổi Trời sinh xuống nhân gian, thường được sinh vào nhà giàu có, diện mạo đoan chánh khác hơn người thường, lại thường có con voi vàng theo hầu hạ.
Đức Phật dạy: Này A Nan, ông nên biết, người trị bệnh cho con voi nay chính là Tượng Hộ. Do đời trước trị bệnh cho voi nên từ đó đến nay sinh ở trên Trời hoặc trong nhân gian được thọ của báu tự nhiên, lại có duyên tâm cung kính, phụng thờ Tam Bảo nên nay được gặp ta, bẩm thọ diệu hóa, tâm cấu đều sạch hết, cho đến tu đắc quả A La Hán.
Lúc đó Ngài A Nan và các chúng hội nghe Đức Phật nói thế không ai chẳng hiểu rõ, có người nghe xong đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán, có người phát tâm cầu đạo vô thượng chánh giác, có người chứng được bất thoái địa. Ai nấy đều vui mừng đảnh lễ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba