Phật Thuyết Kinh Hưng Khởi Hạnh - Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Kiếp Trước Của Sự đau đầu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH HƯNG KHỞI HẠNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH NHÂN DUYÊN
KIẾP TRƯỚC CỦA SỰ ĐAU ĐẦU
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở tại con suối lớn tên là A Nậu, cùng với năm trăm vị đại Tỳ Kheo, đều là bậc A La Hán, lục thông, thần túc, chỉ trừ Tỳ Kheo là A Nan.
Bấy giờ Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Vào thời quá khứ lâu xa về trước, trong thành lớn của La Duyệt Kỳ, gặp vào lúc lúa thóc khan hiếm, con người đi nhặt xương trắng về đập vụn nấu nước để uống, đào gốc các cây cỏ để ăn sống qua ngày. Lúc ấy người ta lấy một thăng vàng một phần mười đấu đổi lấy một thăng lúa.
Khi ấy ở La Duyệt Kỳ có một thôn lớn, có mấy trăm ngôi nhà gọi là Chi Việt. Không xa Phía Đông cái thôn có một cái ao tên là Đa Ngư. Người của thôn Chi Việt dẫn vợ con đến bên cái ao nhiều cá ấy, bắt ca ăn thịt.
Khi những người bắt đôi cá lên bờ, cá nhảy lạch đạch trên mặt đất. Lúc ấy ta là một cậu bé mới bốn tuổi, thấy cá nhảy ta rất vui, lấy cây đập lên đầu chúng.
Khi ấy ở trong ao có hai loại cá: một loại tên là Phù Ngư, một loại tên là Đa Thiệt.
Chúng tự nói với nhau: Chúng ta không xúc phạm con người, nhưng họ lại bắt càn để ăn thịt. Đời sau ta phải trả báo này.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ngươi có biết người nam, nữ, bé, lớn của thôn Chi Việt lúc ấy là ai chăng?
Đó là dòng họ Thích của nước Ca Tỳ La Vệ hiện nay vậy. Cậu bé lúc ấy chính là thân của ta bấy giờ. Con cá Phù Ngư lúc đó thì nay là Vua Tỳ Lâu Lặc. Con cá Đa Thiệt lúc ấy thì nay là Bà La Môn Đa Thiệt, tướng sư của Vua Tỳ Lâu Lặc vậy. Lúc đó có con cá nhảy, ta dùng gậy nhỏ đánh lên đầu nó. Do nhân duyên ấy ta phải đọa trong địa ngục vô số ngàn năm.
Nay ta đã được Thành quả Chánh Đẳng Chánh Giác, nhưng vì nhân duyên còn sót lại kiếp trước, nên Vua Tỳ Lâu Lặc chinh phạt dòng họ Thích, thì lúc đó ta bị đau đầu.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ngươi có biết vì sao ta bị đau đầu?
Này Xá Lợi Phất!
Khi ta mới bị đau đầu, bảo Tôn Giả A Nan rằng: Lấy cái bát bốn thăng chứa đầy nước lạnh đem lại đây. Tôn Giả A Nan vâng lời đi lấy nước, lấy tay bịt miệng bát, làm nước trong bình bị đục, do đó nước trong bát bị khô sạch, giống như mặt trời suốt ngày nóng bức chiếu vào nồi đồng lớn.
Nếu nhỏ một giọt nước vào nồi đồng ấy thì giọt nước bị không liền. Sự nóng bức trong đầu ta cũng giống như vậy. Giả như khiến cho một bên của núi Tu Di bỗng xuất hiện một hòn núi cao một do diên đến một trăm do diên, nếu gặp sức nóng đau đầu của ta thì cũng phải cháy tan.
Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai đau đầu như vậy.
Bấy giờ Đức Phật nói bài kệ về túc duyên:
Đời trước thôn Chi Việt
Có một Chi Việt tử
Bắt cá bỏ trên bờ
Lấy gậy đập đầu nó
Bởi do nhân duyên này
Ở lâu trong địa ngục
Gọi là ngục Hắc thằng
Thiêu nấu vô số kiếp
Do nhân duyên sót lại
Nay bị đau đầu, nhức.
Khi tàn sát họ Thích
Đa hạnh Tỳ Lâu Lặc
Duyên này không tiêu hoá
Cũng chẳng thành hư không.
Các ngươi tự cẩn thận
Phòng hộ thân khẩu ý
Ta tự Thành Tôn Phật
Là tướng lĩnh ba cõi
Nên nói duyên đời trước
Trong suối lớn A Nậu.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Người thấy Đức Như Lai, các điều ác đã chấm dứt, các điều thiện đầy đủ, Ngài muốn khiến cho Trời, Rồng, Quỷ Thần, Vua Trời Đế Thích, Quần Thần nhân dân đều nghĩ đến điều thiện, vì lý do như vậy. Huống lại những bọn ngu si chưa thấy đạo.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ngươi nên học như vậy. Cùng với các La Hán, tất cả chúng sanh đều nên học như vậy.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ngươi nên gìn giữ ba lỗi của thân, bốn lỗi của miệng và ba lỗi của ý.
Này Xá Lợi Phất! Phải học như vậy.
Khi Đức Phật dạy như vậy, Tôn Giả Xá Lợi Phất và năm trăm vị La Hán, Đại Long Vương A Nậu, Trời, Rồng, Quỷ Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La và Ma Hầu La Già nghe Đức Phật dạy, thảy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba