Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ - Phẩm Chín - Phẩm Y Không Mãn Nguyện
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần
PHẬT THUYẾT KINH
KIM QUANG MINH HỢP BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chân Đế, Đời Trần
PHẨM CHÍN
PHẨM Y KHÔNG MÃN NGUYỆN
Lúc đó, Như Ý Bảo Quang Diệu thiện nữ thiên, ở giữa đại chúng đứng dậy, trật áo vai phải, gối phải quì xuống đất, chắp tay cung kính, dùng Kệ bạch Đức Phật rằng:
Con hỏi Lưỡng Túc Tôn
Tối Thắng soi Thế Giới:
Pháp Bồ Tát chánh hành?
Nguyện rũ lòng cho phép!
Phật dạy: thiện nữ thiên
Ngươi nếu có nghi hoặc
Thì mặc ý hỏi han
Ta sẽ phân biệt nói!
Sao các Bồ Tát hành
Hạnh bồ đề chân chánh
Lìa sinh tử, Niết Bàn
Lợi mình, ích người vậy?
Đức Phật dạy rằng: Này thiện nữ thiên! Nương theo pháp giới mà hành pháp bồ đề, tu hạnh bình đẳng.
Này thiện nữ thiên! Thế nào gọi là nương nơi pháp giới tu pháp bồ đề, tu hạnh bình đẳng.
Này thiện nữ thiên! Năm ấm có thể hiện pháp giới, pháp giới tức là năm ấm. Năm ấm cũng chẳng thể nói, chẳng phải năm ấm cũng chẳng thể nói.
Vì sao vậy?
Vì nếu năm ấm là pháp giới thì tức là đoạn kiến. Nếu lìa khỏi năm ấm thì tức là thường kiến. Lìa khỏi hai biên, chẳng chấp trước hai biên, chẳng thể thấy lầm. Cái thấy vô danh, vô tướng thì đó gọi là nói đến pháp giới.
Này thiện nữ thiên! Làm sao năm ấm có thể hiện ra pháp giới?
Này thiện nữ thiên! Như vậy năm ấm chẳng từ nhân duyên sinh.
Vì sao vậy?
Vì nếu từ nhân duyên sinh thì đã sinh nên được sinh và chưa sinh nên được sinh.
Nếu đã được sinh thì vì nhân duyên gì sinh?
Nếu đã sinh chẳng từ nhân duyên sinh thì nếu khi chưa sinh chẳng thể được sinh.
Vì sao vậy?
Vì chưa sinh các pháp thì tức là không có, vô danh, vô tướng mà chẳng phải là khả năng biết của tính toán thí dụ.
Sự sinh của chẳng phải nhân duyên, này thiện nữ thiên!
Ví như tiếng trống nương vào gỗ, nương vào da, nương vào dùi, nương vào nhân công ... nên được phát ra tiếng. Tiếng trống đó không, quá khứ cũng không, vị lai cũng không, hiện tại cũng không.
Vì sao vậy?
Vì âm thanh của trống đó chẳng từ gỗ sinh ra, chẳng từ da sinh ra, chẳng từ dùi sinh ra, chẳng từ nhân công sinh ra. Tiếng này chẳng ở ba đời sinh ra thì tức là chẳng sinh.
Nếu chẳng thể được sinh thì chẳng thể được diệt. Nếu chẳng thể được diệt thì không có chỗ từ đó đến. Nếu không có chỗ từ đó đến thì cũng không có chỗ để đi. Nếu không có chỗ để đi thì chẳng thường chẳng đoạn. Nếu chẳng thường chẳng đoạn thì chẳng một chẳng khác.
Vì sao vậy?
Vì nếu chẳng một chẳng khác thì tức là pháp giới. Nếu vậy thì người phàm phu có thể thấy Chân Đế, được Niết Bàn an lạc vô thượng.
Nghĩa này chẳng đúng!
Vậy nên chẳng một. Nếu nói sinh ấy khác thì tất cả hành tướng của Chư Phật Bồ Tát tức là chấp trước, chưa được giải thoát phiền não trói buộc thì chẳng thể được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Vì sao vậy?
Vì tất cả Thánh Nhân ở trong pháp hành pháp phi hành đồng với trí tuệ hành. Vậy nên chẳng khác. Vậy nên năm ấm chẳng phải có, chẳng từ nhân duyên sinh, chẳng phải chẳng có năm ấm, chẳng qua cảnh giới Thánh, chẳng phải khả năng theo kịp của ngôn ngữ, vô danh, vô tướng, vô nhân, vô duyên, không có cảnh giới, không có thí dụ, thỉ chung tịch tịnh, bản lai tự không.
Vậy nên năm ấm có thể hiện pháp giới.
Này thiện nữ thiên! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chân khác tục khác.
Như vậy khó có thể nghĩ lường. Đối với cảnh giới Thánh, phàm chẳng khác nghĩ suy, chẳng bỏ tục, chẳng bỏ chân, nương theo pháp giới làm hạnh bồ đề.
Bấy giờ, khi Đức Thế Tôn nói lời đó rồi thì thiện nữ thiên hớn hở vui mừng, liền đứng dậy, trật áo vai phải, quì gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, một lòng đảnh lễ mà bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Lời nói về Chánh hạnh bồ đề, con nay phải học tập.
Khi đó, Chủ Thế Giới Ta Bà, Vua Trời Đại Phạm, ở giữa đại chúng, hỏi thiện nữ thiên Như Ý Bảo Quang Diệu rằng: Hạnh bồ đề này khó có thể tu hành.
Lòng người làm sao đối với hạnh bồ đề này mà được tự tại?
Thiện Nữ Thiên đáp Phạm Vương rằng: Thưa Đại Phạm Vương! Nếu lời Đức Phật nói là thậm thâm chân thật thì tất cả phàm phu chẳng được mùi vị ấy. Cảnh giới Thánh này vi diệu khó biết.
Nếu giả sử lòng tôi nương theo pháp này mà được an lạc trụ, là chân thật ngữ thì tôi nguyện cho vô lượng vô biên chúng sinh của tất cả ngũ trược ác thế đều được ba mươi hai tướng kim sắc, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, ngồi hoa sen báu, hưởng thụ vô lượng khoái lạc, mưa xuống hoa đẹp của Trời, các âm nhạc của Trời chẳng tấu mà tự kêu, tất cả cúng dường đều đầy đủ.
Thiện Nữ Thiên đó nói rồi thì chúng sinh sẵn có trong tất cả ngũ trược ác thế đều kim sắc đầy đủ ba mươi hai tướng, chẳng phải nam chẳng phải nữ, ngồi hoa sen báu, hưởng thọ vô lượng khoái lạc giống như Cung Trời Tha Hóa Tự Tại. Không các đường ác, cây báu hàng lối la liệt, hoa sen bảy báu đầy khắp Thế Giới, mưa xuống hoa Trời bảy báu thượng diệu, kỹ nhạc Trời tấu lên, Như Ý Bảo Quang Diệu tức thời chuyển hình dáng nữ làm thân Phạm Thiên.
Vua Trời Đại Phạm hỏi Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu rằng: Ông ngày xưa dùng hành động gì để hành hạnh bồ đề?
Bồ Tát đáp rằng: Thưa Phạm Vương! Nếu trăng trong nước có thể hành hạnh bồ đề thì tôi cũng đã hành hạnh bồ đề. Nếu mơ thấy hành hạnh bồ đề thì tôi cũng hành hạnh bồ đề.
Nếu hơi nước trong ánh lửa hành hạnh bồ đề thì tôi cũng hành hạnh bồ đề! Nếu âm vang của tiếng hành hạnh bồ đề thì tôi cũng hành hạnh bồ đề.
Vua Trời Đại Phạm nghe lời này rồi, nói với Bồ Tát rằng: Ông nương vào đâu mà nói lời nói này?
Đáp rằng: Thưa Phạm Vương! Không có một pháp nào mà có thật tướng. Tướng nhân quả thành vậy.
Phạm Vương lại bạch Bồ Tát rằng: Nếu như đây thì các người phàm phu đều nên được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Bồ Tát đáp rằng: Do suy nghĩ gì mà Ngài nói lời đó?
Thưa Phạm Vương! Người si hoặc khác, người trí tuệ khác, bồ đề khác, chẳng phải bồ đề đề khác, giải thoát khác, chẳng phải giải thoát khác.
Thưa Phạm Vương! Như vậy các pháp bình đẳng không khác, đối với pháp giới này như như chẳng khác, không có trung gian mà có thể chấp trì, không tăng không giảm.
Thưa Phạm Vương! Ví như vị huyễn sư thiện xảo huyễn thuật và đệ tử huyễn ở tại ngã tư đường, lấy những đất, cát, cây, lá v.v... gom lại một chỗ, rồi làm đủ thứ huyễn thuật, khiến cho mọi người nhìn thấy những voi, những ngựa, những xe, những quân, từng đống bảy báu, đủ thứ kho lẫm...
Nếu có chúng sinh ngu si vô trí, chẳng khả năng tư duy, chẳng biết gốc huyễn mà hoặc thấy hoặc nghe rồi tác khởi suy nghĩ rằng: Đúng như sự thấy của ta là những voi ngựa v.v... rồi họ cho đó là chân thật. Như thấy như nghe tùy theo năng lực chấp trước cái thấy, họ tự nói là thật mà đối với người khác chẳng phải chân, sau chẳng lặp lại suy nghĩ.
Người có trí thì có thể suy nghĩ rõ được gốc huyễn, hoặc thấy hoặc nghe mà suy nghĩ rằng: Những voi, ngựa v.v... ta thấy chẳng phải là chân thật, chỉ có việc huyễn hóa mê hoặc mắt người. Cái gọi là những voi, ngựa v.v... và những kho lẫm ở chỗ đó thì chỉ có danh tự, không có thật thể.
Rồi như điều đã thấy, như điều đã nghe, tùy theo năng lực chẳng chắp trước cái thấy và tự nói là thật, đối với người khác chẳng phải là chân, sau chẳng lặp lại suy nghĩ.
Những người trí này nói theo lời nói của đời đều muốn khiến người khác biết nghĩa chân thật. Nhưng như thấy, như nghe thì chẳng như vậy.
Thưa Phạm Vương! Như vậy nếu có chúng sinh phàm phu ngu si chưa được trí tuệ Thánh xuất thế, chưa biết tất cả các pháp như như chẳng thể ngôn thuyết thì những phàm phu đó hoặc thấy hoặc nghe hành pháp hay chẳng phải hành pháp mà suy rằng: Thật có như vậy các pháp, đúng như cái ta thấy, đúng như cái ta nghe. Những người phàm phu đó như thấy, như nghe, rồi tùy theo năng lực mà chấp trước cái thấy, tự nói là thật, đối với người khác chẳng phải chân, sau chẳng lặp lại suy nghĩ.
Nếu có chúng sinh chẳng phải người phàm phu, đã thấy đệ nhất nghĩa đế, được Thánh Tuệ xuất thế, biết tất cả pháp như như chẳng thể ngôn thuyết.
Các Thánh Nhân này hoặc thấy hoặc nghe hành pháp hoặc chẳng phải hành pháp, tùy theo năng lực chẳng chấp trước cái thấy, tự nói rằng là thật, đối với người khác chẳng phải là chân, sau chẳng lặp lại suy nghĩ, không thật hành pháp, không thật chẳng phải hành pháp, như điều đã nghe như điều đã thấy chỉ là suy nghĩ hư vọng hành tướng chẳng phải hành tướng mê hoặc trí tuệ của người.
Chỗ đó gọi là hành pháp chẳng phải hành pháp chỉ có danh tự không có thật thể. Như điều đã thấy, như điều đã nghe tùy theo năng lực chẳng chấp trước cái thấy, tự nói là thật, đối với người khác chẳng phải chân, sau chẳng lặp lại suy nghĩ. Những Thánh Nhân này đúng như lời nói của đời, thuận theo lời ấy vì muốn khiến cho người khác biết nghĩa chân thật.
Như vậy, thưa Phạm Vương! Thánh trí kiến của những Thánh Nhân này chẳng thể nói là pháp như như nhiếp lấy hành pháp, chẳng phải hành pháp. Pháp như như này là trí tha chứng nên nói bằng đủ thứ tên.
Vua Trời Đại Phạm hỏi Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu rằng: Có bao nhiêu chúng sinh có thể hiểu có thể thông chánh pháp thậm thâm vi diệu như vậy?
Bồ Tát đáp rằng: Thưa Phạm Vương! Hàm là ngần ấy những số lòng người huyễn hóa thì ngần ấy chúng sinh có thể hiểu có thể thông pháp thậm thâm đó.
Phạm Vương lại hỏi: Người huyễn hóa này tức là chẳng có thì số tâm như vậy từ đâu mà được?
Bồ Tát đáp rằng: Thưa Phạm Vương! Như vậy pháp giới chẳng có chẳng không. Như vậy chúng sinh có thể hiểu có thể thông là nghĩa thậm thâm.
Khi đó, Phạm Vương bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu này thông đạt chẳng thể nghĩ bàn nghĩa thậm thâm như vậy.
Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy! Đúng vậy!
Này Phạm Vương! Đúng như lời ông nói!
Vì sao vậy?
Vì Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu này đã dạy Phạm Vương học quan sát pháp vô sinh nhẫn.
Đến đây, Vua Trời Đại Phạm cùng các Phạm chúng đứng dậy trật áo vai phải, gối phải quì xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu, nói lời như vậy: Hy hữu thay! Hy hữu thay!
Hôm nay chúng tôi được thấy Đại Sư, được nghe chánh pháp.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn, đối với tất cả pháp thông đạt vô ngại, bảo Phạm Vương rằng: Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu này, ở đời vị lai sẽ được làm Phật Hiệu là Đức Bảo Diệm Cát Thượng Tạng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.
Khi nói Kinh Điển vi diệu Kim Quang Minh này thì ba ngàn ức Bồ Tát được bất thoái Chuyển Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Tám ngàn ức Thiên Tử được Vô Cấu Tịnh đối với pháp thành tựu thanh tịnh pháp nhãn. Vô lượng vô số Quốc Vương, thần dân được pháp nhãn tịnh.
Năm mươi ức Tỳ Kheo làm hạnh bồ đề muốn thoái tâm bồ đề nghe Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu nói pháp, được nguyện kiên cố chẳng thể nghĩ bàn đủ đầy, trở lại phát tâm bồ đề, đều tự cởi áo cúng dường Bồ Tát, một lần nữa phát tâm Vô Thượng Thắng Tấn.
Phát tâm Vô Thượng Thắng Tấn rồi thì nguyện rằng: Xin khiến cho thiện căn công đức của chúng con đều chẳng thoái chuyển, xin hồi hướng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Như vậy những Tỳ Kheo nương theo công đức này tu hành, qua chín mươi đại kiếp sẽ được thành tựu.
Những Tỳ Kheo này ra khỏi sinh tử, Đức Phật vì họ thọ ký rằng, qua ba mươi A tăng kỳ kiếp sẽ ở nước Phật Hiệu Nan Thắng Quang Vương, nước Phật ấy tên là Vô Cấu Quang, họ đồng thời được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đều đồng một danh hiệu gọi là Nguyện Trang Nghiêm Gian Xí Vương Phật.
Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Phạm Vương rằng: Kinh Kim Quang Minh này Chánh văn Chánh thính có thân lực lớn.
Này Phạm Vương! Ông hàng trăm ngàn đại kiếp tu hành sáu Ba la mật mà không có phương tiện, nhưng nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân đã được nghe Kinh Kim Quang Minh này, ghi chép, hàng nửa tháng, nửa tháng một lần chuyên đọc tụng thì thiện công đức tụ này so với công đức trước nhân lên trăm ngàn phần chẳng bì kịp một phần, thậm chí tính toán thí dụ đã chẳng thể bì kịp.
Này Phạm Vương! Vậy nên ta nay phải lệnh cho tu học, thọ trì, vì người khác giải nói rộng rãi.
Vì sao vậy! Vì Kinh Điển vi điệu thậm thâm như vậy, khi ta hành đạo bồ đề đã như đối với chiến trận chẳng tiếc thân mạng để được thông hiểu Kinh này mà thọ trì, đọc tụng, vì người khác giải nói.
Này Phạm Vương! Ví như Chuyển Luân Thánh Vương, nếu Vua tại thế thì bảy thứ báu của Vua chẳng diệt, còn nếu Vua qua đời thì tất cả bảy báy tự nhiên mà hết.
Này Phạm Vương! Kinh Điển vi diệu Kim Quang Minh này nếu hiện ở đời thì báu đại chánh pháp đều chẳng diệt. Vậy nên phải nương theo Kinh Kim Quang Minh mà nghe, đọc tụng, thọ trì, vì người khác giải nói, ghi chép ở trong công đức hành tinh tấn Ba La Mật, chẳng tiếc thân mạng, chẳng sợ mệt nhọc.
Những đệ tử của ta cần phải tinh cần tu học như vậy!
Lúc đó Chúa Trời Vua Trời Đại Phạm cùng với vô lượng Phạm chúng, Đế Thích, Tứ Thiên Vương và Dạ Xoa chúng đều đứng cả dậy, trật áo vai phải, quì gối phải xuống đất, chắp tay cung kính mà bạch Đức Phật rằng: Tất cả chúng con sẽ vì chánh pháp mà thủ hộ, lưu thông Kinh Điển vi diệu Kim Quang Minh này. Pháp Sư nói pháp, nếu có những ách nạn, chúng con sẽ loại trừ, khiến cho đủ các thiện sắc và ý vị đủ đầy, biện tài vô ngại, thân tâm rộng mở.
Người của pháp hội đều khiến cho họ khoái lạc. Chỗ nói pháp đó, nếu đất nước đói kém, oán tặc, bị phi nhân khủng bố... thì chúng con tống khứ hết. Giả sử nhân dân nước ấy giàu có, thịnh vượng, hoan lạc, thong dong là đều do ân lạc của bốn Vua chúng con v.v...
Nếu có người cúng dường quyển Kinh này thì chúng con cũng sẽ vì họ tạo tác đại ủng hộ như đối với Đức Phật không khác.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Hai - Bồ Tát Diệu Hống
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bốn - Phẩm Ngạ Quỷ - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bi - Phẩm Mười Hai - Phẩm Các Thí Dụ Phụ Thuộc Chánh Pháp
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi Bốn - Kinh Lỗ Hổng Ma Ni
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Một - Trụ Duyệt Dự Sơ Phát ý - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Thiên đế - Phần Một