Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Xả Thân

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nghĩa Tịnh, Đời Đường  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM XẢ THÂN  

Thế Tôn đã nói cho đại chúng nghe nhân duyên xưa của mười ngàn Thiên Tử, bây giờ lại bảo: Vào thời quá khứ tu đạo Bồ Tát, ta không chỉ thí nước và thức ăn cứu sống đàn cá mà còn xả bỏ cả thân quý này.

Những việc như thế, hãy cùng xem xét. Như Lai Thế Tôn, Ứng Chánh Đẳng Giác, tối tôn tối thắng trong Cõi Trời người, bậc có trăm ngàn tia sáng chiếu soi khắp cả mười phương, có nhất thiết trí, công đức viên mãn.

Bấy giờ Ngài dẫn các Tỳ Kheo và đại chúng đến thôn Bàn Già La, rồi vào trong một khu rừng. Tuy là khu rừng, nhưng đất bằng phẳng, không có gai gốc, lại nhiều hoa thơm, cỏ xanh mềm mịn trải kín khắp nơi.

Thế Tôn bảo cụ thọ A Nan rằng: Ông có thể trải tòa cho Như Lai tại gốc cây này.

A Nan vâng lời, trải xong bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con đã trải xong và cũng đã đến thời gian thích hợp.

Bấy giờ Thế Tôn kiết già trên tòa, toàn thân ngay thẳng, tâm ý chuyên nhất.

Ngài bảo các vị Tỳ Kheo: Các ông muốn thấy Xá Lợi của vị Bồ Tát khổ hạnh ở quá khứ chăng?

Các vị Tỳ Kheo đồng thưa: Chúng con rất muốn.

Thế Tôn liền đặt cánh tay hoàn hảo, đầy đủ trăm phước tướng xuống mặt đất, tức thời mặt đất khởi sáu hình thái chấn động, sau đó nứt ra, một Tháp bảy báu có màn lưới báu bao phủ phía trên bỗng nhiên vọt lên. Đại chúng thấy vậy, đều cho hiếm có. Thế Tôn từ tòa đứng dậy đảnh lễ, nhiễu quanh Tháp rồi trở về chỗ ngồi.

Ngài bảo A Nan: Ông có thể mở cửa ngôi Tháp này. Vâng lời Phật dạy, A Nan mở Tháp, thấy hòm bảy báu được trang trí nhiều kì trân dị bảo.

A Nan bạch Phật: Con thấy có một cái hòm bảy báu, trang trí rất nhiều châu ngọc quý giá.

Phật bảo A Nan: Ông có thể mở chiếc hòm ấy ra.

A Nan vâng lời, mở hòm thấy có Xá Lợi trắng tinh như ngọc, như hoa câu vật đầu, liền bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Trong hòm này có Xá Lợi, màu sắc tuyệt diệu lạ thường.

Phật lại bảo rằng: Ông có thể mang Xá Lợi đến đây.

A Nan liền dâng Xá Lợi lên Phật.

Thế Tôn nhận rồi bảo các Tỳ Kheo: Các ông nên xem Xá Lợi của vị Bồ Tát khổ hạnh.

Sau đó Thế Tôn nói kệ dạy rằng:

Thắng đức Bồ Tát hợp trí huệ

Tinh tấn, dõng mãnh sáu độ viên

Tu hành không nghỉ, vì đạo giác

Tâm luôn bền vững, mệt chẳng nề.

Tỳ Kheo các ông cần phải đảnh lễ Xá Lợi Bồ Tát. Xá Lợi này được huân kết từ hương giới, hương định và hương huệ, là ruộng phước tối thượng rất khó gặp.

Các Tỳ Kheo và tất cả đại chúng nghe lời Phật dạy một lòng chắp tay, cung kính đảnh lễ Xá Lợi Bồ Tát, tất cả ca ngợi là chưa từng có.

Bấy giờ A Nan đến lễ chân Phật, và bạch Ngài rằng: Bạch Đức Như Lai, Ngài là Đại Sư của cả muôn loài, siêu việt ba cõi, tất cả hữu tình hết lòng cung kính, vì sao đảnh lễ phần Xá Lợi này?

Đức Phật liền bảo: Nhờ cốt thân này mà ta mau chóng thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Vì báo ân xưa, nên ta kính lễ. Bây giờ để trừ những mối nghi ngờ trong lòng ông và tất cả đại chúng, ta sẽ nói về nhân duyên ngày xưa của Xá Lợi này.

Các ông lắng nghe và suy nghĩ kĩ.

A Nan bạch Phật: Chúng con rất muốn được nghe, cúi xin Thế Tôn Giảng nói!

Thế Tôn dạy rằng: Ngày xưa có Vua Đại Quân giàu có, của tiền vô lượng, kho lẫm tràn đầy, quân đội hùng mạnh, các nước lân cận đều phải qui phục.

Vua dùng Chánh Pháp giáo hóa, nhân dân đông nhiều, không có oán địch. Vị đại phu nhân sanh ba Vương Tử, dung mạo đoan chánh, ai cũng muốn nhìn. Vương Tử thứ nhất tên là Ma Ha Ba La, thứ hai tên là Ma Ha Đề Bà, thứ ba tên là Ma Ha Tát Đỏa.

Một hôm Vua muốn dạo chơi thưởng ngoạn nơi chốn núi rừng, ba vị hoàng tử cũng đồng xin theo. Vì tìm hoa quả, nên ba Vương Tử rời xa Vua cha, dần dần đến một khu rừng trúc và nghỉ ngơi tại đây.

Bấy giờ Vương Tử thứ nhất bảo rằng: ta rất lo sợ, trong khu rừng này, chúng ta có thể bị thú dữ hại.

Vương Tử thứ hai nói rằng: Em không tiếc thân, chỉ sợ đối với những người yêu thương gặp phải nỗi khổ xa lìa.

Vương Tử thứ ba dùng kệ nói với hai anh mình rằng:

Nơi đây là chốn thần tiên trú

Em không sợ hãi, sầu biệt li

Thân tâm tràn ngập niềm an lạc

Sẽ được công đức thật đặc thù.

Sau khi nói lên suy nghĩ của mình, các vị Vương Tử đi về phía trước. Cả ba bỗng gặp một con hổ mẹ sanh bảy hổ con mới được bảy ngày, bị các hổ con quấn quýt vây quanh, không thể kiếm ăn, đói khát khốn khổ, thân hình ốm gầy, mạng sống không còn bao lâu.

Thấy vậy Vương Tử thứ nhất nói rằng: Thương thay, thương thay! Hổ mẹ mới sanh chỉ được bảy ngày, đàn con vây quanh, không rảnh đi tìm thức ăn thức uống.

Đói khát bức ép, chắc nó sẽ ăn cả thịt con mình.

Tát đỏa hỏi rằng: Hổ này thường ăn những gì?

Vương Tử thứ nhất dùng kệ đáp rằng:

Hổ, báo, sư tử và sài lang

Bản tánh thường thích thịt máu tanh

Không có những gì ngoài thứ ấy

Cứu được thân mạng quá ốm gầy.

Vương Tử thứ hai nghe thế liền nói: Hổ mẹ ốm gầy, lại bị đói khát, chắc không bao lâu ắt nó sẽ chết, nhưng chúng ta biết tìm đâu cho ra loại thức ăn này, ai lại xả thân cứu nó.

Vương Tử thứ nhất tiếp lời em rằng: Thân mạng là vật khó xả bỏ nhất.

Vương Tử Tát đỏa liền nói với hai anh: Chúng ta phàm phu, luyến tiếc thân mình, không có trí huệ, không thể làm lợi ích cho kẻ khác, nhưng Bậc Thượng Sĩ, lòng bi sâu nặng, thường vì lợi người mà quên thân mình.

Vương Tử lại nghĩ: Thân này của ta, trải trăm ngàn đời, để hoại vô ích, hôm nay sao ta không thể bỏ nó như bỏ đàm dãi, dùng cứu cơn đói cho bầy hổ này.

Các vị Vương Tử bàn luận như thế, đều sanh lòng từ xót xa thương cảm, chăm nhìn hổ đói, mắt chẳng tạm rời. Chần chừ hồi lâu rồi lại bỏ đi.

Bấy giờ Vương Tử Tát đỏa nghĩ rằng: Nay chính là lúc ta xả thân mạng, vì sao như thế?

Vì: Nhiều kiếp lâu xa giữ thân này

Máu mủ hôi dơ tiếc gì đây

Cung cấp đồ nằm và y phục

Ngựa voi xe cộ với tiền tài

Những pháp biến thiên không bền chắc

Mãi cầu chẳng đủ, khó giữ thay

Tuy thường cung dưỡng nhưng lại oán

Cuối cùng cũng bỏ, chẳng biết ân.

Lại nữa thân này thật không bền chắc, không lợi ích đối với ta. Nó rất đáng sợ như giặc, rất dơ bẩn như đống phân.

Hôm nay ta nên giúp cho thân này có sự nghiệp lớn, là làm chiếc thuyền trên biển sanh tử, lìa xa luân hồi, đến bờ giải thoát. Hơn nữa nên biết, nếu bỏ thân này, tức bỏ vô lượng căn bệnh nguy hiểm, trăm ngàn nỗi sợ.

Thân này chỉ toàn phân tiểu hôi dơ, dễ tan vỡ như bọt nước, là nơi vi trùng tụ tập, chỉ do huyết mạch, gân xương liên kết giữ gìn mà thôi, thật đáng nhàm chán.

Do đó hôm nay ta nên buông bỏ để cầu Niết Bàn chân thật rốt ráo, vĩnh viễn xa lìa những nỗi lo sợ, vô thường khổ não, chấm dứt sanh tử, đoạn tuyệt trần lụy, dùng sức định huệ huân tu viên mãn, đầy đủ trăm phước trang nghiêm, thành nhất thiết trí, chứng ngộ pháp thân vi diệu mà các Đức Phật khen ngợi.

Sau khi đã chứng, ban cho chúng sanh vô lượng pháp lạc.

Vương Tử thứ ba khởi tâm dõng mãnh, phát nguyện rộng sâu, dùng niệm đại bi nuôi lớn tâm này.

Vì ngại hai anh sợ hãi ngăn cản, không thể thành tựu ý nguyện của mình, nên Tát đỏa bảo: Hai anh về trước, em sẽ theo sau.

Hai anh đã đi, Vương Tử Tát đỏa liền vào trong rừng, đến chỗ bầy hổ, dần cởi y phục treo lên cành trúc và phát nguyện rằng:

Ta vì pháp giới các chúng sanh

Chí cầu bồ đề vô thượng giác

Khởi tâm đại bi không lay động

Thân phàm phu quý, ta chẳng màng

Bờ kia không lo, không nóng đốt

Chính nơi người trí muốn bước sang

Tất cả chúng sanh trong biển khổ

Hôm nay ta cứu được lạc an.

Sau khi phát nguyện, Vương Tử buông mình trước bầy hổ đói. Nhưng do oai lực từ bi của Ngài nên hổ không thể làm gì được cả. Bồ Tát thấy vậy, liền trèo lên cây gieo mình xuống đất, nhưng thần cây lại đỡ lấy, không bị tổn thương.

Bồ Tát suy nghĩ: Hổ quá ốm gầy, sức yếu không thể tự ăn thịt ta.

Thế là Bồ Tát lại tìm đao bén nhưng không có được, bèn dùng cành trúc tự đâm vào cổ, khiến máu tuôn ra chảy đến bên hổ. Bấy giờ mặt đất chấn động sáu cách, giống như gió mạnh làm nổi sóng biển, khắp nơi trồi sụt, xao động chẳng yên. Mặt Trời không chiếu ánh sáng như A tu la ngăn che, khắp nơi tối tăm. Trời tuôn hoa đẹp và rải hương thơm khắp cả khu rừng.

Chư Thiên trên không thấy việc này đều khởi tâm tùy hỉ, cho là việc chưa từng có, nên đồng ca ngợi:

Đại Sĩ cứu giúp vận tâm bi

Dõng mãnh, không tiếc, lòng hoan hỉ

Xem bao chúng sanh như con một

Xả thân cứu khổ, phước chẳng bì

Cầu đạt chân thường, nơi thắng diệu

Sanh tử buộc ràng vĩnh xuất li

Không lâu sẽ vào Vô Thượng Giác

Vô sanh, an tĩnh, bất tư nghì

Hổ đói thấy máu từ cổ Bồ Tát tuôn ra liền đến uống và ăn thịt, chỉ còn lại xương.

Bấy giờ Vương Tử thứ nhất bỗng thấy mặt đất chấn động, liền nói với em:

Mặt đất, núi sông đều chấn động

Hoa trời rơi loạn khắp hư không

Nơi nơi tăm tối không mặt nhật

Nhất định em ta xả thân rồi!

Vương Tử thứ hai nghe anh nói thế, cũng dùng kệ tiếp:

Nghe Tát đỏa nói lời từ bi

Thấy hổ mẹ kia thân gầy suy

Sợ rằng quá đói ăn con mất

Nghi nó xả thân chẳng tiếc gì.

Hai vị Vương Tử vô cùng sầu khổ, khóc lóc thở than, rồi liền chạy đến nơi bầy hổ nằm. Hai người bỗng thấy y phục Tát đỏa treo trên cành tre, xương cốt và tóc vung vãi khắp nơi, máu chảy thấm ướt mặt đất, chẳng thể kềm lòng, ngã nhào trên những đoạn xương, mê man hồi lâu, rồi mới tỉnh lại.

Cả hai huơ tay kêu gào thảm thiết, rồi đồng than rằng:

Dung mạo thật đoan nghiêm

Mẹ cha luôn ái niệm

Vì sao cùng dạo chơi

Riêng xả thân chẳng về.

Nếu mẹ cha hỏi đến

Chúng ta đáp thế nào

Thà cả ba cùng chết

Chứ mong sống được sao!

Hai vị Vương Tử khóc lóc buồn thương một lát rồi đi.

Bấy giờ những người hầu của Vương Tử Tát đỏa nói với nhau rằng: Vương Tử ở đâu, chúng ta tìm xem.

Cũng trong lúc này, đại phu nhân đang ngủ trên lầu cao, mộng thấy những điềm bất tường: Bị cắt hai vú, hàm răng rụng hết, có ba chim câu non thì một con bị chim cắt bắt, còn hai con thì đang trong trạng thái hoảng sợ.

Mặt đất chấn động, bà liền tỉnh giấc, nhớ lại giấc mộng, trong lòng vô cùng lo lắng sầu não.

Bà nói kệ rằng: Nay đất chấn động là vì sao?

Núi sông, rừng rậm cũng động dao

Mặt trời không sáng như che chắn

Khác thường mắt máy, ngực cũng đau

Như tim trúng tên, lòng như cắt

Toàn thân rung động, thật chẳng an

Như mộng bất tường ta đã thấy

Chắc là họa lớn. Có thể nào!

Bấy giờ hai vú của đại phu nhân tự nhiên tuôn sữa, bà nghĩ nhất định có tai họa lớn.

Lúc ấy có một thị nữ nghe người bên ngoài nói tìm chưa được Vương Tử, vô cùng lo sợ, tức tốc vào cung thưa phu nhân rằng: Phu nhân biết chăng.

Con nghe những người bên ngoài nói tìm Thái Tử khắp nơi mà không gặp được.

Nghe thế, phu nhân lại càng lo buồn, nước mắt tuôn tràn.

Bà đến thưa Vua: Thiếp nghe những người bên ngoài nói thế.

Lạc đứa con út vô cùng yêu quý của chúng ta rồi!

Vừa nghe, Nhà Vua vô cùng kinh hoàng, nghẹn ngào nói rằng: Khổ thay! Hôm nay ta mất đứa con quý nhất.

Rồi Vua gạt lệ, an ủi phu nhân: Hiền Thủ! Nàng chẳng nên quá lo buồn, bây giờ chúng ta sẽ cùng đi tìm Vương Tử Tất đỏa. Tức thời Vua dẫn các Đại Thần và quân chúng xuất thành, chia ra nhiều nơi tìm kiếm Vương Tử.

Không lâu, một vị Đại Thần đến tâu: Thần vừa nghe nói các vị Vương Tử vẫn được an ổn, xin chớ lo buồn, chỉ có Vương Tử Tát đỏa vẫn chưa tìm thấy.

Nghe thế, Vua than: Khổ thay! Khổ thay! Mất đứa con yêu quý của ta rồi!

Vua nói kệ than:

Lúc mới sanh con, vui chẳng bao

Hôm nay con mất, thật khổ đau

Ví như con ta may sống lại

Dẫu thân này mất cũng chẳng sao.

Phu nhân nghe thế, lòng bà đau đớn như bị trúng tên, cũng nói kệ than:

Ba đứa con ta với tùy tùng

Cùng nhau du lãm chốn núi rừng

Chỉ Vương Tử nhỏ không trở lại

Chắc gặp việc gì thật hiểm hung.

Vị Đại Thần thứ hai cũng vừa đến, Nhà Vua vội hỏi: Vương Tử yêu quý của chúng ta đâu?

Vị Đại Thần đang buồn khổ khóc lóc, cổ họng môi lưỡi khô rát không nói nên lời.

Phu nhân lại hỏi: Mau báo Vương Tử ở nơi đâu!

Thân ta nóng cháy như lửa dầu

Tâm trí mịt mờ và hoảng loạn

Ngươi để ngực ta vỡ tung sao?

Vị Đại Thần kia liền thuật lại việc Vương Tử xả thân, Vua và phu nhân nghe qua, lòng càng buồn thảm, nghẹn ngào đi nhanh đến khu vườn trúc. Đến nơi, nhìn thấy xương vung vãi khắp, cả hai ngã nhào trên đất chết giấc, tâm thần mờ mịt, không hay biết gì, giống như gió mạnh quật đổ cây lớn.

Đại Thần vội vẩy nước lạnh lên người Vua và phu nhân, hồi lâu cả hai mới tỉnh, họ lại huơ tay khóc than thảm thiết: Họa lớn!

Thân con đẹp biết bao

Mà vội chết sớm, bởi vì sao?

Ví như ta được ra đi trước

Khổ lớn như thế, thấy đâu nào!

Phu nhân hồi tỉnh, đầu tóc rối bù, lại đấm vào ngực, quằn quại trên đất, như cá trên cạn, như trâu mất con, khóc lóc than van:

Ai giết chết con ta

Xương rơi vãi trên đất

Mất đứa con yêu quý

Buồn khổ chịu nổi sao.

Khổ thay! Ai giết nó?

Đưa đến cảnh thảm sầu

Lòng ta nào sắt đá

Làm sao không nát tan?

Trong mộng ta đã thấy

Hai vú đều bị cắt

Hai hàm răng đều rụng

Đúng nay gặp khổ này.

Lại nữa thấy ba chim

Một con bị cắt bắt

Nay mất đứa con yêu

Mộng xấu thật ứng nghiệm.

Vua cùng phu nhân và hai Vương Tử buồn thương khóc lóc, vứt bỏ cả xâu chuỗi báu trên thân. Sau đó họ cùng tất cả mọi người thâu nhặt xương cốt Vương Tử Tát đỏa xây Tháp tôn trí, cung kính cúng dường.

Này A Nan Đà! Ông nên biết rằng, đây là Xá Lợi của Bồ Tát ấy.

Ngày xưa tuy còn rất nhiều phiền não tham sân và si, mà ta có thể ở trong các đường: Địa ngục ngạ quỷ, và cả bàng sanh, tùy duyên cứu giúp chúng sanh thoát khổ.

Huống gì hôm nay, Như Lai dứt sạch tất cả phiền não, không còn tập khí, là Thiên Nhân Sư, đủ nhất thiết trí mà không thể vì mỗi mỗi chúng sanh, vào trong địa ngục và các nơi khác trải qua nhiều kiếp, thay họ chịu khổ, khiến họ thoát khỏi phiền não luân hồi sanh tử hay sao?

Như Lai dùng kệ lặp lại nghĩa trên:

Ta nhớ vào quá khứ

Vô lượng vô số kiếp

Có lúc làm Quốc Vương

Hoặc lúc làm Vương Tử

Thường thực hành bố thí

Xả bỏ thân yêu quý

Cầu xa lìa tử sanh

Đến cõi Diệu Bồ Đề.

Ngày xưa có nước lớn

Vua tên là Đại Xa

Vương Tử là Dõng Mãnh

Vương Tử có hai anh

Là Đại Cừ, Tiểu Cừ.

Một hôm ba anh em

Cùng vào rừng dạo chơi

Thấy hổ bị đói khát

Liền khởi tâm suy nghĩ:

Hổ này lửa đói thiêu

Lại không có gì ăn

Đại Sĩ thấy như vậy

Sợ nó thịt cả con

Bèn xả thân không tiếc

Để cứu bầy hổ ấy.

Mặt đất và núi rừng

Đồng loạt đều chấn động

Sông biển cũng sụt trồi

Sóng lớn, nước ngược trôi

Đất trời mất ánh sáng

Tăm tối chẳng thấy gì

Khiến chim thú rừng sâu

Mờ mịt lạc lối về.

Hai anh lòng nghi lạ

Lo lắng thêm khổ sầu

Liền cùng với tùy tùng

Vào rừng tìm cùng khắp.

Anh em lại bàn luận

Đến chốn non sâu tìm

Cùng khắp đều không thấy

Thấy hổ nơi rừng vắng

Một mẹ và bảy con

Miệng dính đầy máu tươi

Những đoạn xương và tóc

Vung vãi khắp mọi nơi.

Hai Vương Tử thấy thế

Lòng vô cùng sợ hãi

Mê ngất ngã trên đất

Mờ mịt, chẳng biết gì

Bụi đất lấm khắp thân

Sáu căn chẳng nhận biết.

Tùy tùng của Tát Đỏa

Khóc lóc, lòng xót đau

Dùng nước rưới tỉnh lại

Huơ tay, miệng kêu gào.

Lúc Bồ Tát xả thân

Mẹ hiền đang trong cung

Cùng năm trăm thể nữ

Hưởng thọ những niềm vui.

Hai ngực của phu nhân

Bỗng nhiên lại tuôn sữa

Toàn thân như kim chích

Đau đớn thật bất an.

Nghĩ tưởng đến mất con

Đau như tim bị bắn

Liền đến báo với Vua

Tỏ bày bao khổ não.

Khóc lóc không nín được

Đau xót nói với Vua:

Đại vương nay nên biết

Thiếp vô cùng sầu khổ

Hai ngực sữa bỗng tuôn

Không thể tự ngăn được

Toàn thân như kim chích

Ngực nóng muốn vỡ tung

Đêm trước thấy ác mộng

Nhất định điềm mất con

Xin đại vương cứu thiếp

Tìm xem con còn mất!

Mộng thấy ba chim câu

Chim nhỏ là con quý

Bỗng bị chim cắt bắt

Sầu bi thật khó bày.

Lòng thiếp đầy nỗi sợ

Cuộc sống chẳng còn lâu

Sợ mạng con chẳng toàn

Xin đại vương mau kiếm.

Thiếp nghe người ngoài nói

Chẳng tìm thấy con nhỏ

Lòng thiếp thật bất an

Xin Đại Vương thương xót!

Phu nhân tỏ bày rồi

Đau buồn, tâm mê muội

Toàn thân ngã trên đất

Mờ mịt chẳng biết gì.

Thể nữ thấy phu nhân

Bất tỉnh nằm trên đất

Đều cất tiếng khóc lớn

Lo sợ mất chỗ nương.

Vua nghe những lời này

Đau buồn không chịu thấu

Liền triệu tập quần thần

Tìm kiếm con yêu quý.

Tất cả đều xuất thành

Chia phân khắp mọi ngả

Làm sao ta gặp con

Giải tỏa nỗi sầu buồn.

Mọi người đều truyền nhau

Rằng Vương Tử đã chết

Ai nghe cũng thương xót

Buồn than khổ dâng tràn.

Bấy giờ Vua Đại Xa

Khóc lóc rời chỗ ngồi

Đến bên đại phu nhân

Dùng nước vẩy lên thân

Sau một thời gian lâu

Phu nhân mới hồi tỉnh.

Lại than khóc hỏi Vua:

Con thiếp còn sống chăng?

Vua đáp lời phu nhân:

Ta đã sai mọi người

Đi khắp nơi tìm kiếm

Giờ vẫn chưa có tin.

Vua lại khuyên phu nhân

Nàng chớ quá đau buồn

Hãy giữ lòng bình tĩnh

Cùng xuất thành kiếm tìm.

Vua liền cùng phu nhân

Xa giá mà lên đường

Kêu gào thật thảm thê

Lòng nóng như lửa đốt.

Hàng trăm ngàn quan dân

Cũng theo Vua xuất thành

Muốn kiếm tìm Vương Tử

Tiếng khóc than chẳng dứt.

Vì tìm con yêu quý

Vua nhìn khắp mọi nơi

Bỗng một người chạy đến

Thân thể nhuốm máu tươi

Bụi đất dính khắp người

Khóc than chạy về trước.

Vua thấy cảnh ghê ấy

Lòng lại càng sầu lo

Vua liền đưa hai tay

Kêu gào thật thê thảm.

Thấy Đại Thần thứ nhất

Vội vàng chạy gấp đến

Tâu trình đại vương rằng:

Xin chớ quá đau buồn

Vương Tử quý của Ngài

Tuy bây giờ chưa thấy

Nhưng lát nữa sẽ gặp

Nên bớt nỗi ưu sầu.

Vua lại đi về trước

Không lâu, vị thứ hai

Cũng đến chỗ của Vua

Khóc lóc tâu trình rằng:

Hai Vương Tử vẫn còn

Nhưng vô cùng sầu khổ

Còn Vương Tử thứ ba

Đã bị vô thường cướp.

Thấy hổ mẹ mới sinh

Đói sắp ăn con mình

Vương Tử khởi tâm bi

Nguyện cầu đạo vô thượng

Sẽ độ khắp chúng sanh

Chuyên tâm diệu bồ đề

Rộng lớn, sâu như biển.

Nên trèo lên nơi cao

Gieo mình trước hổ đói

Hổ yếu chẳng thể ăn

Lại dùng tre đâm cổ

Hổ bèn ăn Vương Tử

Chỉ còn lại cốt xương.

Nhà Vua và phu nhân

Nghe nói, liền mê ngất

Lòng ngập tràn đau khổ

Lửa phiền não đốt thiêu.

Lại dùng nước chiên đàn

Đại Thần rưới cả hai

Vừa tỉnh, lại gào khóc

Hai tay đấm vào ngực.

Đại Thần thứ ba đến

Tâu với Nhà Vua rằng:

Thần thấy hai Vương Tử

Mê ngất nằm trong rừng

Thần dùng nước lạnh rưới

Hồi lâu mới tỉnh thần.

Lại nhìn quanh khắp nơi

Như thấy lửa cháy tràn

Vừa đứng dậy, lại ngã

Gào khóc chẳng tự ngăn

Đưa tay lên than rằng:

Em tôi thật hiếm có!

Vua nghe những lời này

Lòng càng thêm nóng đốt

Phu nhân lại gào khóc

Cất lớn tiếng nói rằng:

Đứa con nhỏ nhất ta yêu quý

Đã bị vô thường cướp mất đi

Hai Vương Tử lớn nay còn đó

Nhưng lại buồn đau chẳng biết gì.

Nay ta phải gấp vào trong núi

Bảo giữ gìn thân, chớ nghĩ suy

Thế là bà tiến về phía trước

Đến nơi Vương Tử đã ra đi.

Gặp hai Vương Tử đang gào khóc

Đấm ngực, sầu thảm, mất dung nghi

Mẹ cha buồn khổ ôm chầm lấy

Rồi cùng đưa đến chỗ xả thi.

Đến nơi Bồ Tát bố thí mạng

Tụ lại kêu gào thật đớn đau

Cởi xâu chuỗi báu, lòng đau xót

Rồi cùng thâu lấy những cốt xương

Kính cẩn đặt vào trong hòm quý

Rồi cùng cung kính mà cúng dường

Lại xây Tháp báu mà tôn trí

Ôm nỗi buồn đau trở về cung.

Phật bảo A Nan Đà:

Tát đỏa thời quá khứ

Hôm nay chính là Ta

Chớ nghĩ là ai khác.

Đại Xa chính Vua cha

Phu nhân là mẫu hậu

Con trưởng chính Từ Thị

Kế đến là Văn Thù.

Hổ mẹ, Đại thế chủ

Bảy hổ con chính là

Mục Kiền Liên, Xá Lợi

Và năm vị Tỳ Kheo.

Hôm nay ta giảng nói

Việc lợi tha ngày trước

Bồ Tát hành như thế,

Nhân thành Phật, nên học.

Lúc Bồ Tát xả thân

Ngài phát nguyện rộng lớn:

Nguyện ta xả thân này

Đời sau lợi chúng sanh.

Đây là Tháp bảy báu

Nơi ta đã xả thân

Trải qua thời gian lâu

Chìm sâu vào lòng đất.

Do sức thệ nguyện xưa

Tùy duyên hành cứu độ

Vì lợi lạc Trời Người

Tháp từ đất vọt lên.

Khi Thế Tôn nói nhân duyên quá khứ, vô lượng tăng kì đại chúng Trời Người vui buồn lẫn lộn, cảm than đây là việc chưa từng có, nên đồng phát tâm vô thượng bồ đề.

Đức Phật lại bảo thần cây Bồ Đề: Vì báo ân nên ta lễ Tháp này! Sau đó Đức Phật thâu nhiếp thần lực, ngôi Tháp lại ẩn vào trong lòng đất.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần