Phật Thuyết Kinh Lạc Anh Lạc Trang Nghiêm Phương Tiện - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Ma Da Xá, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

LẠC ANH LẠC TRANG NGHIÊM

PHƯƠNG TIỆN 

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Da Xá, Đời Diêu Tần  

PHẦN HAI  

Bấy giờ, Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi lại người nữ: Người thấy Thánh đế, chỗ ngôn thuyết là gì?

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Người thấy Thánh đế, không thấy tất cả các pháp bằng danh tự, người thấy Thánh đế là thấy ngoài danh tự.

Tu Bồ Đề hỏi: Do nhân duyên gì mà cô nói như vậy?

Người nữ đáp: Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu có người điên đảo, khởi lên các phiền não, nhưng khi thấy Thánh đế rồi, liền không khởi nữa.

Do đó, nên nói: Người thấy được điên đảo là thấy các Thánh đế.

Khi ấy, Chư Thiên liền hiện thân, ra đảnh lễ Đại Đức Tu Bồ Đề, rồi nói: Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Chúng con được lợi ích lớn, khi Đại Đức với người nữ này biện thuyết, khiến cho các chúng sinh nghe pháp tin hiểu, được lợi ích lớn.

Vì sao?

Vì người hiểu ít thì không có giải thoát, người hiểu nông cạn thì có sự trói buộc.

Chỗ hiểu ấy là gì?

Lúc đó, người nữ hỏi Đại Đức Tu Bồ Đề: Đại Đức không khất thực, không muốn thọ trai sao?

Tu Bồ Đề đáp: Hôm nay, tôi nghe những pháp ấy đủ rồi, không muốn thọ trai, tham ăn tham uống thì sinh ra ưu sầu, chẳng phải là cầu pháp, khen ngợi việc cầu lợi dưỡng, chẳng phải là cầu pháp. Cầu cho thân được an vui, chẳng phải là cầu pháp. Giữ lấy tâm, luyến tiếc thân mạng, chẳng phải là cầu pháp. Cho đến thọ nhận sự ca ngợi tốt đẹp, cũng chẳng phải là cầu pháp.

Đại Đức Tu Bồ Đề lại hỏi người nữ: Nay hỏi lại cô, những thiện nam, tín nữ, phải như thế nào mới đúng là cầu pháp chân chánh?

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu thọ các dục ác là chẳng phải cầu pháp. Nếu không cầu mắt ở sắc, ấy là người cầu pháp. Không cầu âm thanh nơi tai, không cầu hương nơi mũi, không cầu vị nơi lưỡi, không cầu cảm xúc nơi thân, không cầu pháp nơi ý, ấy là cầu pháp.

Lại nữa, này Đại Đức Tu Bồ Đề! Không cầu ấm, không cầu nhập, không cầu giới, ấy là người cầu pháp. Không cầu Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, ấy là người cầu pháp. Nếu không cầu tưởng nơi tất cả cảnh giới ấy là người cầu pháp.

Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Cô hãy sám hối, tôi nay muốn đi.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Giống như địa giới, không có hối lỗi. Thưa Đại Đức, tâm cũng như vậy, đồng với địa giới, nên không hối lỗi. Giống như thủy giới, không có hối lỗi, tâm cũng như vậy, đồng với thủy giới, nên không hối lỗi. Giống như hỏa giới, phong giới, không giới, không có hối lỗi, tâm cũng như vậy, đồng với không giới, nên không hối lỗi.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Giống như cầu, thuyền, phao nổi, vương đạo, không có hối lỗi, tâm cũng như vậy, đồng với cầu, thuyền, phao nổi, vương đạo, nên không hối lỗi.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Hàng phàm phu hối lỗi, chẳng phai như Chư Thánh phải không?

Nếu khởi lên tức giận thì có hối lỗi. Nếu không giận, không ràng buộc, không phẫn nộ, không tranh, không khởi phiền não, những người như vậy, không cần hối lỗi.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Giống như có cháy, nên có tắt, nếu không cháy thì không tắt.

Như vậy, Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu phiền não bùng phát dấy lên thì có hối lỗi. Nếu diệt hết các phiền não thì không hối lỗi.

Khi ấy, Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi lại người nữ: Cô cầu hướng đến gì?

Có thể vì thế mà gầm vang tiếng Sư Tử chăng?

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu có mong cầu thì không thể gầm

tiếng sư tử, chỉ khi không có chỗ cầu mới có thể gầm tiếng sư tử.

Vì sao?

Vì nếu có chỗ để cầu tức là đã có, mà đã có chỗ để có thì không thể gầm tiếng sư tử. Người có thân kiến thì có chỗ mong cầu, thấy có người làm như vậy thì không thể gầm tiếng sư tử.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Lời nói của Đại Đức là hướng đến tôi, vậy chỗ hướng đến Đại Đức là gì?

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu có người hỏi Đại Đức, chỗ hướng đến của Đại Đức là gì?

Các lậu đã sạch, không còn sinh tâm là được giải thoát phải không?

Tu Bồ Đề đáp: Này cô, nếu có chỗ để cầu thì không có giải thoát.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Đại Đức cầu như vậy thì sạch các lậu, được tâm vô lậu. Nếu hướng đến như thế, là hướng đến giải thoát, hướng đến pháp tánh.

Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Cô hướng đến đại thừa, đã không còn nghi ngờ, như theo tướng mạo hạnh nguyện nhất định là hướng đến đại thừa vô thượng.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Đại Đức biết đại thừa không, mà nói về tướng mạo hạnh nguyện?

Tu Bồ Đề đáp: Này cô, nếu các Thanh Văn không nghe đại thừa thì các tướng mạo hạnh nguyện không thể biết mà nói. Nay tôi mời cô nói tướng mạo đã có trong hạnh đại thừa.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Phàm là bậc đại thừa gọi là không một, không khác, như cung nhật nguyệt, vì mau chóng cho mọi người được thấy, sợ Thiên Tử giữ lại nên không trụ giữa hư không, nhanh chóng mà đi, không có trở ngại, vì các chúng sinh mà chiếu sáng.

Này Đại Đức Tu Bồ Đề! Người hướng vào đại thừa, đại trượng phu… cũng như vậy, không ngại, không đắm, hành sáu Ba la mật, nhưng không có trụ, vì muôn loài chúng sinh giảng nói pháp quang minh.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Như Vua Chuyển Luân, khi xe báu nếu đi thì bốn binh cũng theo. Vua Chuyển Luân đi khắp bốn châu thiên hạ, mọi người thấy đều đem lòng yêu thích, sinh tâm cung kính, vì vị Vua Chuyển Luân ấy, không có tâm ác, mà luôn phát sinh lòng lành.

Đại Đức Tu Bồ Đề! Người hướng vào đại thừa, đại trượng phu… cũng phải như vậy. Tùy mỗi nơi mỗi lúc mà thực hành như nơi thôn ấp, làng xóm, thành quách, vương cung, đối với các chúng sinh, phải khởi tâm bình đẳng, không làm sai khác.

Này Đại Đức Tu Bồ Đề! Bậc đại thừa gọi là đại trí, đó là chỗ cung kính của hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà.

Là bậc trí tuệ và đại trượng phu. Do duyên đó, nên gọi là đại thừa. Đó là trí không cùng tận, là trí không sinh diệt. Là trí không đoạn, không đoạn hạt giống Tăng. Là trí sâu rộng giáo hóa vô lượng các chúng sinh. Là trí khéo nắm giữ để không bị đoạn tuyệt. Là trí khéo tác nghiệp sáu pháp Ba la mật. Là trí khéo thu gồm bốn nhiếp pháp. Là trí khéo tương ưng thân cận Thánh Đạo.

Là trí khéo điều tâm bồ đề, chánh niệm, không quên mất. Là trí khéo an chỉ tâm đại bi. Là trí khéo hướng đến Nhất thiết trí. Là trí lìa các sợ hãi, hàng phục các ma. Là trí lìa si ám, được đuốc đại trí tuệ. Là trí đại tài, thành tựu tất cả các căn lành. Là trí cung kính, chỗ cung kính của Chư Thiên và thế gian.

Là trí đối với tất cả ngoại đạo không thể hàng phục. Là trí khó lãnh hội đối với tất cả các vị Thanh Văn, Duyên Giác. Là trí thanh tịnh cho người bất tín. Là trí từ bi cho người sân hại. Là trí hay bố thí cho người keo kiệt. Là trí trì giới cho người phá giới. Là trí nhẫn nhục cho người tức giận.

Là trí tinh tấn cho người biếng nhác. Là trí thiền định cho người loạn tâm. Là đại trí tuệ cho người vô trí. Là trí đại phú cho người bần cùng. Là trí an lạc cho người khổ não. Là trí vui vẻ cho người thông tuệ. Do những việc ấy, nên gọi là đại thừa.

Bấy giờ, Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Cô khéo nói hình tướng về các hạnh của đại thừa.

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu tôi trong một kiếp hay hơn một kiếp, ca ngợi đại thừa cũng không có chỗ nói hết. Đại Đức Tu Bồ Đề, đại thừa vô lượng là vậy, hình tướng của các hạnh cũng vô lượng như thế.

Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Cô chê trách tôi: Đại Đức Tu Bồ Đề cớ sao khất thực.

Này cô! Đấng Pháp Vương Như Lai cũng khất thực, cô có trách Như Lai khất thực không?

Người nữ đáp: Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Đại Đức không nên hỏi như thế.

Đại Đức có biết, Như Lai dùng phương tiện gì mà đi khất thực không?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Này cô! Vậy Đức Thế Tôn Như Lai dùng phương tiện gì mà đi khất thực?

Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Đức Phật đã thấy và thành tựu hai mươi việc, không còn lo sợ lỗi, nên đi khất thực.

Những gì là hai mươi?

Thị hiện sắc thân nên Như Lai khất thực. Nếu có chúng sinh thấy thân Như Lai đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, những chúng sinh đó thấy được, liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng, đó là Như Lai thấy và thành tựu việc thứ nhất không sợ lỗi, mới đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Đức Như Lai vào thôn ấp, làng xóm, quốc thành, vương cung thì người mù được thấy sắc, người điếc được nghe tiếng, người loạn tâm được chánh niệm, người rách rưới được áo mặc, người đói được ăn, người khát được uống, không một chúng sinh nao bị tham dục, sân hận, ngu si bức bách.

Khi ấy, mỗi loài chúng sinh đều sinh lòng lành, khởi tâm nhớ đến cha mẹ. Những chúng sinh đó, thấy Như Lai vào thôn ấp, làng xóm, quốc thành, vương cung, liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy, nên Như Lai khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Đức Như Lai vào làng xóm, thôn ấp, quốc thành, vương cung thì Phạm Thiên, Đế Thích, Hộ Thế, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà… muốn cúng dường nên đi theo Như Lai. Khi đó, mọi người nhờ Phật lực, nên thấy được Phạm Thiên, Đế Thích, Hộ Thế, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà cúng dường Phật.

Những chúng ấy thấy thân Như Lai có những việc như vậy, sinh lòng kinh sợ, kỳ lạ, ca ngợi là việc chưa từng có, liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy, nên Như Lai khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Vô lượng chúng sinh nhờ được phong thành ấp, tiền tài, ngôi vị tự tại, mà sinh ra buông thả, kiêu mạn, tự cao, nhưng thấy Như Lai khất thực thì nghĩ: Ngài bỏ ngôi vị Chuyển Luân Vương, xuất gia thành đạo, bỏ kiêu mạn, như những người nghèo hèn đi khất thực, chúng ta cũng nên điều phục tâm tự đại, cao ngạo. Nghĩ như vậy rồi, liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Oai đức hành khất thực của Như Lai, Chư Thiên nhờ oai đức mà xét thấy thân Như Lai không vì đói khát bức bách, cũng chẳng gầy yếu, chỉ vì thương xót các chúng sinh, nên hành khất thực, chúng ta cũng nên vì chúng sinh mà hành khất thực, thấy như vậy rồi, liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Có chúng sinh mệt mỏi, biếng nhác, không đến chỗ Phật, nhưng muốn thấy Như Lai để đi nhiễu bên phải Ngài và lễ bái. Cho nên khi Như Lai vào làng xóm, thôn ấp, quốc thành, vương cung thì những chúng sinh ấy, tự nhiên được thấy Đức Phật Như Lai, thấy rồi sinh lòng vui vẻ, phấn chấn, được an lạc, liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Có chúng sinh, mắt được thấy Phật, liền chứng vô ngại. Cho đến trong một niệm nghĩ thấy Như Lai, những chúng sinh ấy từng bước, dần dần tiến đến Niết Bàn. Vì muốn có những nhân duyên ấy phát sinh và vì nhân duyên đó, nên Như Lai khất thực. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Khi Như Lai vào làng xóm, thôn ấp, quốc thành, vương cung thì những chúng sinh bị ràng buộc, tù túng liền phát khởi giải thoát.

Những chúng sinh đó, liền nghĩ: Nhờ sức của Như Lai nên ta được giải thoát. Họ đối với Như Lai, sinh lòng biết ân, phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Có những thiện nam, tín nữ nghe ca ngợi công đức của Như Lai, sinh lòng vui vẻ, liền nghĩ: Chúng ta nên làm thế nào để cúng dường thức ăn cho Phật! Vả lại, nhà có con gái, nhưng bị cha mẹ cấm giữ, hoặc bị anh em, chị em cấm giữ, hoặc bị chồng, cha chồng cấm giữ.

Những người ấy không được cúng dường thức ăn cho Phật, nên khi Như Lai vào làng xóm, thôn ấp, quốc thành, vương cung, để họ thấy Như Lai, rồi sinh tâm vui vẻ, mừng rỡ, nhận được nguồn an vui và được cúng dường thức ăn cho Phật, nên liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Bốn vị Thiên Vương Hộ thế, dâng bát cho Như Lai, để Như Lai mang. Thấy chúng sinh nghèo cúng ít làm cho thấy bát của Như Lai đầy. Những người như thế đều muốn bát của Phật đầy đủ, được cúng dường nen liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Thức ăn trong bát Như Lai, chia sớt cho tất cả Tăng Chúng, nhưng thức ăn trong đó không tăng, cũng khong giảm. Khi ấy, những vị Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, ATu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu Già thấy bát của Như Lai có thần lực, liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thưc.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Bát của Như Lai chứa nhiều thức ăn ngon và chẳng ngon, đủ loại trăm ngàn vị, mỗi vị khác nhau, không giống nhau, như đồ chứa được đủ loại, một bát ấy cũng chứa được nhiều như vậy.

Lúc đó những vị Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ca Lâu La, Ma Hầu La Già, thấy Như Lai có thần lực như thế, liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Thân của Đức Như Lai là một hợp thể, trong thân đó không rỗng, cũng như kim cang, thân Như Lai không sinh từ thục tạng, không có đại, tiểu tiện, vẫn hành khất thực, vẫn thấy Ngài thọ thực, nhưng thức ăn không vào. Khi ấy, Phạm Thiên, Đế Thích, Hộ thế có oai đức, thấy thân chân thật, pháp tánh và sức thần thông của Như Lai, liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu có chúng sinh dù nhiều, dù ít, dù đẹp, hay xấu, cúng dường Như Lai thì được phước không giới hạn, cho đến Niết Bàn. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Đức Như Lai Thế Tôn thường nhập định, không xả, nhưng cũng hành khất thực. Lúc đó, Phạm Thiên, Đế Thích, Hộ Thế có oai đức, thấy Như Lai hành khất thực, trong định bất động, những vị ấy sinh chánh niệm, quyết định không nghi là vì các chúng sinh mà hành khất thực, chứ không phải vì ăn. Thấy thần lực như vậy liền phát tâm với đạo chánh chân vô thượng. Rõ được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần