Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Ba Mươi Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN BA MƯƠI BA  

Thuở xưa, Bồ Tát làm kẻ phàm phu, học rộng Kinh Phật rõ sâu tội phước, các môn về y thuật, cả đến tiếng kêu hót của các loài cầm thú thảy đều thấu tỏ.

Thấy đời rối loạn nhơ nhớp, nên Ngài ở ẩn không ra làm quan, chuộng thờ giới cấm của Phật, chỉ tin theo điều chân chánh. Cuộc đời nghèo khốn, phải làm thuê vác đồ cho thương nhân. Một hôm, đến bên bờ sông ăn uống, đàn quạ kêu vang, khiến người lái buôn lo sợ nổi da gà, còn Bồ Tát thì mỉm cười. Ăn uống xong, liền ra đi.

Khi về lại nước mình, người chủ nhìn kỹ người gánh thuê, hỏi ngay: Quạ kêu ngươi cười, là có ý gì?

Đáp: Quạ kêu nói rằng: Chủ có ngọc trắng quý, giá trị rất lớn, ngươi siết hắn lấy ngọc ấy, còn bọn ta thì ăn thịt hắn, vì thế nên tôi cười.

Người chủ nói: Ngươi không giết ta vì sao vậy?

Đáp: Kẻ không thấy Kinh Phật, thì làm ác đầy Trời mà cho là không có tai họa, đó chỉ là tự lừa dối mình.

Ta học Kinh Sách vô thượng chánh chân, quan sát hạnh nhân từ thanh tịnh của Bồ Tát, nên đối với loài vật bò, bay, máy, cựa, đều thương yêu không giết hại, còn rau cỏ nếu không phải của mình thì không lấy.

Phàm kẻ ưa giết hại là bất nhân, ưa lấy của phi nghĩa là không trong sạch.

Ta kiếp trước vì ham thích lấy nhiều, nên nay chịu tai ương, cuộc sống nghèo khốn, hèn mọn, phải làm thuê cho khách... Giờ không lẽ phạm nữa, gieo nhân tội lỗi vô lượng thì không phải là đệ tử của Phật. Ta thà giữ đạo chịu nghèo hèn mà chết chứ không làm việc vô đạo, được giàu sang mà sống.

Người chủ nói: Hay thay! Chỉ có lời Phật dạy là chân chánh.

Bồ Tát giữ chí tu hạnh độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần