Phật Thuyết Kinh Ly Cấu Thí Nữ - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH LY CẤU THÍ NỮ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn   

PHẦN BA  

Đại Ca Diếp hỏi: Hiền Giả Đại Mục Liên! Sao không dùng lời gì để đáp lại?

Đại Mục Liên đáp: Chỗ hỏi của cô ta không dùng tưởng niệm, không có nói về tưởng, không tạo tác, không nhớ nghĩ. Chỉ có Như Lai và chúng Bồ Tát mới giải đáp được.

Ly Cấu Thí hỏi Hiền Giả Đại Ca Diếp: Đức Phật khen ngợi Hiền Giả là bậc tri túc đệ nhất trong hàng Trưởng Lão. Nếu giả sử vì thương xót chúng sinh mà trụ trong tám môn tư nghì, thiền định Tam Muội, thì khi đi khất thực, nhận vật cúng dường, người cúng dường ấy sẽ được sinh thiên.

Như vậy, Hiền Giả dùng thân để báo ơn Thế Tôn hay dùng tâm để báo ơn. Giả sử dùng thân, thì thân thuộc ngoại cảnh, không thể dùng thân mà rõ việc được. Thân ví như cỏ, cây, tường, vách, ngói, đá. Vì thế cho nên không thể phân biệt rõ. Nếu như dùng tâm báo ơn thì tâm là không chỗ trụ cho nên cũng không hiểu rõ. Còn dùng cả thân và tâm thì ở bên ngoài tức không thật có, không thể dùng được.

Ca Diếp im lặng. Tu Bồ Đề hỏi: Hiền Giả Ca Diếp! Sao không trả lời câu hỏi của Vương Nữ?

Ca Diếp đáp: Cô ấy hỏi về chỗ không có đối tượng được thọ nhận, đó là lý chân đế nên không thể dùng lời để đáp.

Ly Cấu Thí hỏi Tu Bồ Đề: Đức Phật khen ngợi Hiền Giả là bậc hành tánh không đệ nhất trong hàng Trưởng Lão, thường ở chỗ vắng vẻ.

Pháp không ấy là chỗ có thể nêu bày ca ngợi là có hình thể chăng?

Nếu như muốn thuyết pháp, mà pháp đó không có tướng sinh khởi, cũng không có tướng hoại diệt. Đã không có tướng đã không khởi diệt tức là bình đẳng. Đã bình đẳng tức là an định. Đã an định tức là không căn bản.

Đã không căn bản tức cũng không chỗ tạo tác. Không chỗ tạo tác tức không thể dùng lời để nói. Đã không thể dùng lời để nói tức không có tâm niệm. Không tâm niệm là không chân thật. Không sở hữu là không có thật.

Mà không có thật thì chỗ nào để Hiền Thánh tán thán?

Tu Bồ Đề im lặng không đáp.

Bân nậu hỏi: Hiền Giả Tu Bồ Đề! Sao không trả lời câu hỏi của Vương Nữ?

Tu Bồ Đề đáp: Tôi không thể trả lời câu hỏi như vậy được. Im lặng là thích hợp.

Vì sao?

Vì câu hỏi của Vương Nữ dứt hết mọi nẻo lý luận. Nếu có chỗ thuyết giảng thì rơi vào chỗ yếu kém là chấp có về pháp giới. Nếu không có ngôn thuyết là quy về nẻo không.

Ly Cấu Thí hỏi Bân nậu: Đức Phật tán thán Hiền Giả là người thuyết pháp đệ nhất.

Vậy Hiền Giả dùng nhân duyên gì để thuyết pháp?

Giả sử không dùng nhân duyên thì không có sự lợi ích. Còn nếu dùng nhân duyên để thuyết pháp thì cùng với hàng phàm phu ngu si không sai khác.

Vì sao?

Vì hàng phàm phu ngu si cùng đồng với nhân duyên. Thế nên Hiền Giả không rời pháp của hàng phàm phu ngu si.

Nếu không có nhân duyên, không có hình loại, thì thuyết pháp thế nào mà không có cảnh giới đối đãi?

Bân nậu im lặng.

Ly việt hỏi: Hiền Giả!

Sao không trả lời câu hỏi của Vương Nữ?

Bân nậu đáp: Vương Nữ không hỏi về việc thế đế mà lại hỏi về pháp đạt đến cứu cánh. Nhưng pháp đạt đến cứu cánh thì không thể dùng lời nói để đến được, nên cũng không thể thuyết giảng.

Ly Cấu Thí hỏi Ly việt: Đức Phật ca ngợi Hiền Giả là bậc hành thiền tối tôn.

Vậy khi trụ nơi thiền định thì Hiền Giả nương vào tâm gì?

Dùng tâm hay không dùng tâm?

Nếu dùng tâm thì tâm như huyễn hóa, không thật có. Định Tam Muội đó cũng là không thật có.

Nếu không dùng tâm thì tất cả ngoại cảnh như nhà cửa, cung điện, cỏ cây, cành lá v.v… đều chứng đắc tam muội chăng?

Vì sao?

Vì những vật đó là vô tâm.

Ly việt im lặng. A Na Luật hỏi: Hiền Giả! Sao không trả lời câu hỏi của Vương Nữ?

Ly việt đáp: Điều cô ấy hỏi thuộc về cảnh giới của Phật thì chẳng phải hàng đệ tử có thể giải đáp được.

Vương Nữ Ly Cấu Thí hỏi Ly Việt: Tại sao Hiền Giả cho rằng pháp Thanh Văn khác với pháp Như Lai?

Nếu có khác nhau thì pháp vô vi sẽ sai biệt. Tất cả Hiền Thánh đều vô vi, mà vô vi là không sinh. Không sinh thì không có hai. Đã không có hai thì không có thể gọi là hai.

Sao Hiền Giả không nói những lời như trên mà lại im lặng không trả lời?

Ly Cấu Thí hỏi A Na Luật: Đức Phật khen ngợi Hiền Giả là thiên nhãn đệ nhất trong hàng Trưởng Lão.

Vậy Hiền Giả dùng thiên nhãn gì để thấy hay không thấy?

Nếu có chỗ tức là thường còn. Nếu không có chỗ để thấy thì rơi vào đoạn diệt.

Đối tượng được thấy là không hình thể thì có sai biệt sao?

A Na Luật im lặng.

A Nan hỏi: Hiền Giả! Sao không dùng lời gì để giải đáp câu hỏi của Vương Nữ?

A Na Luật đáp: Câu hỏi của cô ấy phải là bậc trí tuệ dũng mãnh thì mới trả lời được. Cho nên im lặng là thuận hợp nhất.

Ly Cấu Thí hỏi A Nan: Đức Phật thường ca ngợi Hiền Giả là đa văn tối tôn. Vậy Hiền Giả nghe rộng là nghe về nghĩa hay chỉ hướng đến việc dùng để trau chuốt ngôn từ. Nếu dùng nghĩa thì nghĩa không có lời nói. Đã không có lời nói thì không dùng nhĩ thức để phân biệt. Tai không có chỗ nhận biết thì không phân biệt, không phân biet thì không có lời nói.

Còn nếu dùng để trau chốt ngôn từ thì nên như lời Thế Tôn dạy: Nương vào chánh nghĩa, chớ nên chọn lấy sự trau chuốt văn tự. Do đấy, Hiền Giả không nên lấy sự nghe rộng làm chính.

A Nan im lặng.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Hiền Giả! Sao không dùng lời gì để biện giải câu hỏi của Vương Nữ?

A Nan đáp: Cô ấy chê trách tôi về việc nghe rộng nhưng chỉ chú trọng về văn tự, nên không thể đáp được. Cô ta hỏi nghĩa cốt yếu mà nghĩa cốt yếu thì vô tâm, vô tâm thì vô xứ, hàng hữu học chúng tôi chẳng thể nghị luận được điều đó, chỉ có Pháp Vương Như Lai với trí tuệ Ba La Mật mới biện minh được.

Ly Cấu Thí hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đức Phật ca ngợi Nhân Giả là bậc tin hiểu sâu xa vi diệu đệ nhất trong hàng Bồ Tát.

Vậy Nhân Giả dùng mười hai nhân duyên sâu xa làm chỗ sâu xa hay dùng sự sâu xa tự nhiên làm chỗ sâu xa?

Giả sử dùng duyên khởi làm chỗ vi diệu sâu xa nhưng duyên khởi ấy thì không chỗ hành.

Vì sao?

Vì duyên khởi không đến không đi, chẳng phải là chỗ phân biệt, hiểu biết của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, thức. Mà duyên khởi ấy cũng không tùy theo nghiệp. Còn nếu dùng sự sâu xa tự nhiên làm chỗ vi diệu thì tự nhiên tức không có tự nhiên. Đạt lý tự nhiên cũng là không có.

Văn thù đáp: Bản tế thâm diệu cho nên gọi là sâu xa.

Vương Nữ nói: Bản tế vô tế cho nên hai tuệ đó là không có tuệ.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nêu: Nếu không trí tuệ là điên đảo, nên về bản tế ấy chỉ giả có mà nêu bày.

Vương Nữ đáp: Gọi là không có trí tuệ cũng là không điên đảo, phải vượt khỏi ngôn thuyết, cũng không thể thủ đắc nên không điên đảo.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Tôi chỉ mượn lời nói mà nêu bày, diễn đạt.

Vương Nữ thưa: Như Lai, Bồ Tát luôn vượt khỏi ngôn thuyết nên không thể dùng lời nói mà có sự thông suốt.

Ly Cấu Thí hỏi Bồ Tát Bất Hư Kiến: Nhân Giả hướng đến chúng sinh mà nói: Khiến cho những người trong thành, tất cả đều đạt được đạo Chánh chân vô thượng, nam nữ, lớn nhỏ, nếu ai có thể dùng mắt để thay ánh sáng thì đều có thể thấy được giác ngộ rốt ráo của Như Lai Chánh Giác.

Vậy Như Lai là sắc thân hay là pháp thân?

Nói Pháp Thân thì không hình tướng, nếu thấy sắc thân Như Lai thì không thấy Phật.

Thế Tôn thường dạy:

Nếu dùng sắc thấy ta

Dùng âm thanh nghe ta

Ngu si và tà kiến

Người ấy không thấy Phật.

Còn dùng Pháp Thân, thì Pháp Thân là không thể thấy.

Vì sao?

Vì đối với Pháp Thân là phải xả bỏ cả phần không có chỗ tạo tác của nhãn thức. Theo việc thế tục thì càng không thể thấy được.

Bồ Tát Bất Hư Kiến im lặng.

Bồ Tát Bảo Anh hỏi: Sao Bồ Tát không trả lời câu hỏi của cô ta?

Bồ Tát Bất Hư Kiến đáp: Vương Nữ hỏi về pháp vượt mọi thể loại nên tôi không thể trả lời.

Vương Nữ đáp: Tôi không hỏi về pháp có loại, cũng không hỏi về pháp không có loại.

Bồ Tát Bất Hư Kiến dùng ngôn từ tịch tĩnh, không đối đáp.

Ly Cấu Thí hỏi Bồ Tát Bảo Anh: Như hôm nay Nhân Giả hướng đến chúng sinh phát nguyện, muốn cho các kho tàng của những nhà trong thành này đều tự nhiên hiện ra đầy đủ các thứ vật báu.

Vậy Nhân Giả đem bảo vật ấy đến đây chăng?

Hay đem cái gì để đến đây?

Pháp nhận thấy là không có y phục, thực phẩm. Nếu dựa vào y phục, thực phẩm thì cùng với hàng phàm phu không khác, vì hàng phàm phu thường hay dựa vào y phục, thực phẩm. Còn nếu không có y phục, thực phẩm thì không dựa vào các bảo vật hiện có thuộc về thế gian.

Bồ Tát Bảo Anh im lặng.

Ly Cấu Thí hỏi Bồ Tát Khí Chư Ác Thú: Nhân Giả hướng đến chúng sinh khởi nguyện muốn cho tất cả mọi người trong thành có phạm tội rơi vào Địa Ngục thì khiến họ chỉ thọ tội nhẹ ngay trong đời hiện tại cùng xả bỏ các điều ác, không thể nghĩ bàn.

Nhưng Đức Phật dạy hễ người phạm tội thì phải thọ quả báo, không thể thoát được. Nếu không thể thoát được thì tại sao Nhân Giả lại muốn làm cho nhẹ tội nơi những người vô trí kia. Các pháp đã vô chủ lại muốn có chủ, tự có sự tạo tác lại muốn không có sự tạo tác.

Bồ Tát Khí Chư Ác Thú đáp: Tôi chỉ dùng thệ nguyện để làm nhẹ tội thôi.

Vương Nữ nói: Các pháp vốn bình đẳng, không thể lập nguyện mà khiến chúng chuyển động được.

Nếu tất cả mọi người đồng tâm lập nguyện: Chúng tôi sẽ hóa độ tất cả chúng sinh đạt đến Niết Bàn. Nguyện đó giả sử có thể thành tựu thì sẽ tạo nên nguyện kia không thoái chuyển.

Bồ Tát Khí Chư Ác Thú im lặng, không đáp.

Ly Cấu Thí hỏi Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái: Nhân Giả hướng đến chúng sinh với tâm nguyện khiến cho mọi người trong thành đều không có các thứ phiền não trói buộc, trừ bỏ năm thứ ngăn che. Nhân Giả dùng tam muội của mình nhằm khiến cho chúng sinh không tăng trưởng năm ấm.

Ý Nhân Giả thế nào?

Tam muội đó thuộc về mình hay thuộc về người khác. Nếu thuộc về mình thì tất cả các pháp đều là vô vi, cũng không hợp hội.

Vì sao Nhân Giả lại dùng Tam Muội khiến cho tất cả mọi người không bị tham đắm nơi năm thứ ngăn che?

Còn nếu thuộc về người khác thì không thể ở nơi người khác mà tạo ân đức.

Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái đáp: Tôi chỉ dùng tâm từ thực hiện sự trị liệu.

Vương Nữ nói: Tất cả Chư Phật đều hành tâm từ, cũng có Cõi Phật vì tất cả chúng sinh nên luôn tăng trưởng tâm từ không dứt.

Bồ Tát Khí Chư Ấm Cái im lặng không đáp.

Ly Cấu Thí hỏi Bồ Tát Quang Thế Âm: Nhân Giả hướng đến chúng sinh phát nguyện khiến cho người dân hiện ở trong thành đang bị tù tội đều được giải thoát, ai bị trói buộc thì tự nhiên được thả, kẻ bị khủng bố thì không còn sợ hãi. Sự trị liệu này là có ấm thọ hay không ấm thọ.

Nếu có ấm thọ thì thuộc về hàng phàm phu, thế nên không thể cho là không có ấm thọ?

Còn nếu không có chỗ thọ thì không có đối tượng tạo tác. Đã không có đối tượng tạo tác thì không thể thành tựu được.

Bồ Tát Quang Thế Âm im lặng.

Biện Tích hỏi: Sao Bồ Tát không trả lời câu hỏi của Vương Nữ?

Bồ Tát Quang Thế Âm đáp: Điều cô ta hỏi thuộc về chẳng khởi, chẳng diệt, nên không thể trả lời.

Vương Nữ thưa: Sao Bồ Tát Quang Thế Âm lại nói về chẳng khởi, chẳng diệt.

Tôi đâu có hỏi về điều đó.

Bồ Tát Quang Thế Âm nói: Chẳng khởi chẳng diệt vốn không có văn tự để nêu bày.

Vương Nữ thưa: Không dùng văn tự để thuyết giảng là người trí. Nhân theo văn tự mà có chỗ thuyết giảng, không chấp trước nơi văn tự thì không có gì trở ngại. Không điều gì trở ngại thì chính là pháp giới, vì thế nên người hiểu rõ về pháp thì không bị nhiễm chấp.

Ly Cấu Thí hỏi Bồ Tát Biện Tích: Nhân Giả trước đây có phát nguyện: Muốn cho tất cả dân chúng trong thành nếu thấy được ta và kiến giải của ta, tất đạt được biện tài, khiến cho mọi sự mua vui đều chuyển thành đàm luận.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần