Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Mười Ba - Nhóm Bạt đà Hòa Năm Trăm Bồ Tát

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TRÌ NHÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI BA

NHÓM BẠT ĐÀ HÒA NĂM TRĂM BỒ TÁT  

Bấy giờ, Bồ Tát Kiều viết đâu thuộc nhóm năm trăm vị Bồ Tát như Bồ Tát Bạt đà hòa từ chỗ ngồi đứng dậy.

Quỳ gối chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ở đời mạt pháp sau này, lúc pháp sắp diệt, chúng con sẽ thọ trì pháp ấy. Trong đời năm trược, chúng con sẽ ủng hộ chánh pháp, thọ trì Kinh Điển này và đọc tụng giữ gìn, giảng nói rộng rãi cho người khác.

Lại có vô số chúng Bồ Tát đều từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay, đảnh lễ Đức Phật rồi phát nguyện: Bạch Thế Tôn! Ở đời mạt pháp sau này, chúng con sẽ mặc áo giáp thệ nguyện kính nhận Kinh này, thuận theo pháp vi diệu mà Đức Phật đã giảng nói.

Các Bồ Tát này đã chứa nhóm cội gốc công đức, đầy đủ kho tàng phẩm trợ đạo, ở chỗ nào cũng ủng hộ pháp. Sau khi nghe Kinh Pháp này, các vị ấy càng thêm hoan hỷ, thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho những người chưa thông đạt khiến họ thể nhập vào đạo rộng lớn.

Khi ấy, Đức Như Lai liền mỉm cười. Từ nơi miệng Đức Phật phát ra ánh sáng năm màu chiếu khắp Tam Thiên Đại Thiên Cõi Phật, mặt đất chấn động đủ sáu cách.

Tôn Giả A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nhân duyên gì mà Như Lai mỉm cười?

Thế Tôn mỉm cười như vậy là có ý nghĩa gì khiến ánh sáng chiếu soi làm mặt đất chấn động?

Đức Phat bảo Tôn Giả A Nan: Ông có thấy chúng Bồ Tát đứng trước Như Lai không?

Vào đời sau, các vị này sẽ hộ trì chánh pháp, mặc áo giáp thệ nguyện để cứu giúp tai nạn nguy khốn cho chúng sinh, được Chư Phật hộ niệm.

Trải qua vô số kiếp, ở chỗ Chư Phật, các Bồ Tát này đã mặc áo giáp thệ nguyện như vậy, ở trước Chư Phật thọ trì kinh này, hộ trì ba phẩm chánh pháp, hướng dẫn cho vô số chúng sinh khiến họ đến chỗ Chư Phật, nương theo ý nghĩa ba phẩm để tu tập chánh pháp.

Hôm nay, chúng Bồ Tát này đang đứng trước Như Lai, ở đời vị lai, khi pháp sắp diệt, các vị này sẽ giáo hóa cho chúng sinh chưa thông hiểu, khiến họ kính nhận ba phẩm chánh pháp. Trong hiền kiếp, các Bồ Tát này lại được gặp Chư Phật, nhận lãnh chánh pháp của hàng ngàn Chư Phật, vào đời vị lai cũng được gặp Chư Phật và kính nhận giáo pháp như vậy.

Này A Nan! Chúng Bồ Tát này đã vun trồng công đức không thể lường xét, khó có thể tính kể những Kinh Pháp mà các vị này thực hành. Các Bồ Tát này luôn làm cho chúng sinh an ổn để cúng dường Chư Phật.

Giả sử Như Lai có giảng nói về các vị này đã tu tập chánh pháp và làm cho chúng sinh an ổn như thế nào thì người đời không thể tin được. Nếu không tin thì sẽ ở trong đêm dài bất an, bị đọa vào cõi ác.

Lại nữa, này A Nan! Như Lai sẽ giảng nói cho các ông hiểu rõ về việc làm lợi ích cho tất cả chung sinh của các vị này.

Giả sử hết thảy chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều do sự vận hành của tưởng nên bị đọa vào địa ngục, trong đại chúng này có một người bảo các chúng sinh trong địa ngục: Mọi người đừng sợ hãi, tôi sẽ cứu giúp tất cả.

Khi ấy, người đó dùng phương tiện đích thân cứu giúp tất cả chúng sinh ấy khiến họ thoát khỏi tai nạn, khổ đau nơi địa ngục, đều đến nơi an ổn. Trong vô số ngàn năm, người ấy phải ở trong địa ngục, cũng chưa từng biếng nhác, luôn khiến chúng sinh được an lạc.

Này A Nan! Đối với chúng sinh, người ấy luôn dùng tâm từ bi để cứu giúp họ thoát khỏi địa ngục, được sự an ổn, vậy công đức có tăng trưởng nhiều không?

Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều!

Đức Phật nói: Giả sử người ấy hiển bày thần thông cao vời để khiến cho chúng sinh đạt được an lạc bậc nhất, tăng trưởng an lạc không bờ bến, thành tựu tâm từ bi rộng lớn, ai cũng được che chở thì công đức của vị ấy không thể dùng tâm để tư duy, cũng chẳng thể diễn tả bằng lời nói.

Này A Nan! Tuy Bồ Tát ấy chịu ở trong địa ngục để cứu giúp vô số chúng sinh, đưa họ đến nơi an ổn, vì tâm từ bi nên đã giúp chúng sinh thoát khỏi hoạn nạn, nhưng đó chỉ là sự an lạc hữu vi, dù làm như vậy gấp trăm, gấp ngàn, ức vạn lần hay hơn cả ức vạn lần cũng không bằng người thọ trì Kinh Điển này.

Vì sao?

Vì xét việc làm này chỉ là sự an lạc hữu vi nên có lúc chấm dứt, không thể đạt đến vô vi, không xa lìa tham dục, không đạt được diệt độ, không thành tựu thần thông, giác ngộ cũng chẳng đạt đến cốt lõi Niết Bàn tịch tĩnh.

Lại nữa, này A Nan! Các Bồ Tát ấy kiến lập chúng sinh nơi an lạc vô thượng, đạt đến nhất thiết trí. Các vị này luôn phát nguyện học đạo Bồ Tát, chứng đắc Phật Đạo, cứu giúp chúng sinh, kiến lập các địa Thanh Văn, Duyên Giác, hộ trì Pháp Phật, tu hạnh Bồ Tát, an trụ quả vị Phật.

Chúng Bồ Tát này luôn khuyên chúng sinh thực hành hạnh Bồ Tát, không lường xét lời Phật dạy, chẳng tin theo tà vạy, kiến lập tâm từ, thành tựu nhất thiết trí, nên công đức không có giới hạn.

Đức Phật nói: Này A Nan! Trong một ngàn kiếp hoặc vô số kiếp cho đến trăm ức kiếp không thể tính kể, không bờ bến như vậy, Chư Phật Thế Tôn vẫn thường giảng nói chánh pháp này, giáo hóa liên tục, cho đến vô số trăm ngàn ức na do tha kiếp, các vị luôn nối tiếp nhau thành Phật, nên công đức không cùng tận, không có giới hạn.

Vì sao?

Từ thuở xưa, trăm ngàn ức Chư Phật luôn thực hành hạnh Bồ Tát, kiến lập Phật Đạo. Dù sinh ở chỗ nào, các ông cũng nên thọ trì Kinh Điển này, giúp đỡ, khuyến khích cho chúng sinh, đạt được đạo quả chánh chân vô thượng, thành Bậc Tối Chánh Giác.

Vào đời vị lai sẽ có vô số Bồ Tát giáo hóa cho vô số chúng sinh, luôn khuyến khích, giúp đỡ họ đầy đủ Pháp Phật, thành tựu đạo quả bồ đề vô thượng.

Này A Nan! Các Bồ Tát ấy đã giáo hóa, kiến lập cho hết thảy chúng sinh khiến đạt được nhất thiết trí, chứng đắc đạo quả vô thượng.

Thiện nam, thiện nữ nào không trái với lời Phật dạy cũng chẳng đoạn dứt nguồn gốc nhất thiết trí, vào đời vị lai, khi pháp sắp diệt thì kiến lập, ủng hộ cho chúng sinh, an trụ vào tâm từ bi rộng lớn, làm lợi ích khắp tất cả.

Khuyến khích giúp đỡ họ, khiến được an ổn, không đọa vào cõi ác, cúng dường, khen ngợi vô số ngàn ức Bồ Tát và Chư Phật, thì thiện nam, thiện nữ ấy đạt được công đức không thể lường xét.

Vì sao?

Vì các thiện nam này đã vun trồng công đức không thể nghĩ bàn.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Trong vô số ngàn triệu ức kiếp, Như Lai đã chứa nhóm chánh pháp quý báu này. Những thiện nam nào thọ trì pháp này thì được vô số Chư Phật trong vô lượng cõi nước khắp mười phương và Chư Phật hiện tại đều ủng hộ, khiến người tu học pháp này được an ổn.

Đức Phật nói: Này A Nan! Chư Thiên và loài người đều cung kính đảnh lễ quy y, thưa hỏi và nhận lãnh giáo pháp ở các thiện nam này. Chư Phật khắp mười phương cũng khen ngợi các vị này. Kinh Pháp mà các thiện nam ấy đã giảng nói, không ai sánh kịp.

Này A Nan! Như Lai đã thọ ký cho những thiện nam này, khiến họ dứt sạch nghi ngờ.

Ở đời vị lai, những ai thọ trì chánh pháp vô thượng này, hoặc tu tập, đọc tụng, giảng nói cho người khác cùng tu học, thì thiện nam, thiện nữ ấy sẽ mau chóng gần gũi nhất thiết trí. Lúc pháp sắp diệt, người nào được nghe Kinh Pháp sâu xa này mà cung kính, hoan hỷ tin nhận thì được Phật thọ ký, thực hành hạnh Bồ Tát, đạt được đạo quả chí chân.

Vào đời vị lai, những ai ưa thích hộ trì pháp này, tự mình kính nhận giáo pháp thì được Chư Phật ủng hộ vì các thiện nam, thiện nữ này không hề chê bai Kinh Pháp vi diệu ấy.

Đối với hàng Thanh Văn thì Như Lai thọ ký sẽ được gặp Đức Phật Di Lặc xuất hiện ở thế gian, đoạn trừ hết các lậu hoặc, không có ái dục, nhờ tin nhận pháp sâu xa này nên không hề chê bai, đạt được công đức.

Đức Phật nói: Bồ Tát nào được nghe, tu tập và tin ưa pháp sâu xa này thì cũng được thọ ký: Đời vị lai, ở chỗ Đức Phật Di Lặc được xuất gia học đạo, lại lập thệ nguyện mới được quả báo thù thắng.

Thiện nam, thiện nữ nào có cội gốc công đức, nhu hòa, vun trồng công đức không giới hạn thì đời vị lai, khi pháp sắp diệt sẽ kính nhận, tinh tấn tu hành pháp sâu xa này, công đức của vị ấy cao vời không thể lường xét.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần