Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẬT THUYẾT
KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẦN BỐN
Sau Phật diệt độ, đời ác thế
Có các Tỳ Kheo không tri kiến
Tuy nói tri kiến để mưu sinh
Tự mình không hành pháp tri kiến.
Ví như kẻ nghèo bị người khinh
Sau đó phú quý người cung kính
Người, Trời, Rồng, Quỷ, Cưu Bàn Trà
Quyết không cúng dường người không định.
Nếu được tam muội vi diệu địa
Bậc trí liền được kho trí rộng
Được các hàng Trời, người cung kính
Hay dùng thượng thí, cho chúng sinh.
Ta nghe được lợi ích như vậy
Hết sức cao tột, Phật nói ra
Thân thuộc, tài sản đều xả hết
Vì muốn nghe nói tam muội này.
Đồng Tử Nguyệt Quang tâm hoan hỷ
Chắp tay hướng Phật nói lời rằng:
Sau khi Phật tiên đã diệt độ
Con xin hộ trì thắng pháp Phật.
Với thân mạng mình hay thí xả
Cùng các thú vui ở thế gian
Sau này đời ác thật hãi hùng
Con hộ trì định thắng diệu này.
Con thấy thế gian khổ vô lượng
Khởi tâm đại bi mà cứu họ
Với họ, lại khởi tâm đại bi
Nói họ nghe thắng tam muội này.
Trong chúng, năm trăm người đều đứng
Cũng xin hộ trì tam muội này
Khi ấy Đồng Tử là thượng thủ
Cùng trì tam muội thù thắng này.
Bấy giờ Đồng Tử Nguyệt Quang bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Gọi tam muội ấy thế nào cho đúng?
Phật bảo: Này Đồng Tử! Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Ta sẽ nói cho.
Đó là:
1. Có thể vắng lặng nơi tâm.
2. Tâm không khởi lên.
3. Trí không hòa hợp.
4. Bỏ gánh nặng xuống.
5. Được trí Như Lai.
6. Thành oai lực của Phật.
7. Điều trị sự đắm trước dục.
8. Diệt trừ sân nhuế.
9. Đoạn trừ ngu si.
10. Trụ tâm tương ưng.
11. Xả tâm không trụ
12. Ưa thích thiện pháp.
13. Tước đoạt hữu vi.
14. An trụ chánh tín.
15. Đêm vẫn tỉnh thức.
16. Không bỏ thiền định.
17. Tăng trưởng thiện căn.
18. Không thích sự sinh.
19. Không tạo các nghiệp.
20. Không chấp nội nhập.
21. Không chấp ngoại nhập.
22. Không khen thân mình.
23. Không chê người khác.
24. Không ở nhà thế tục.
25. Giới hạnh thuần thục.
26. Không khinh chê ai.
27. Có đại phước đức.
28. Tự tri.
29. Không khinh tháo.
30. An trụ oai nghi.
31. Bỏ lời nói thô ác.
32. Không có tâm sân hận.
33. Cứu hộ mọi người.
34. Che chở thiện tri thức.
35. Hộ trì lời bí mật.
36. Không sinh tâm độc hại đối với các chúng sinh.
37. Không não loạn người trì giới.
38. Luôn nói lời êm dịu.
39. Không nương vào ba cõi.
40. Thuận nhẫn nơi nhất thiết trí.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Ta đã từng mở cửa cam lồ
Ta đã nói tự tánh các pháp
Ta đã chỉ lỗi lầm sinh tử
Ta mở bày lợi ích Niết Bàn.
Ta đã dạy lìa ác tri thức
Phải thường thân cận thiện tri thức
Lìa các huyên náo, ở tịch tĩnh
Thường tu tâm từ không gián đoạn.
Phải thường hộ trì giới thanh tịnh
Hoan hỷ ưa thích hạnh Đầu Đà
Nếu thường huân tập nơi tuệ xả
Được tam muội này sẽ không khó.
Người ấy hay được tịch diệt địa
Quyết không rơi vào hàng Thanh Văn
Nhất định sẽ chứng trí tuệ Phật
Liền được vô lượng công Đức Phật.
Thấy các chúng sinh có trí tuệ
Vì họ chỉ bày, thuyết Phật tuệ
Nếu ai hay cầu trí vô thượng
Được tam muội này đâu có khó.
Hoặc vì ăn, khởi tâm ganh ghét
Nên biết ăn rồi, thành bất tịnh
Dụng công vô lượng mới được thành
Nếu quán sâu vậy mới đắc định.
Không vật nào đem định này tới
Chỉ do tịnh giới mới sinh ra
Thể tánh chư pháp thường tịch diệt
Phàm phu vô trí không thể hiểu.
Nếu ai trụ tâm nơi tịch định
Người ấy luôn luôn thường có Phật
Nhân tôn hằng thấy các chúng sinh
Thường tu định tịch diệt như vậy.
Nhớ nghĩ tướng tốt, đức hạnh Phật
Hay khiến các căn không loạn động
Tâm không mê loạn hợp với pháp
Được nghe, được trí như biển cả.
Bậc trí trụ nơi tam muội này
Nhiếp niệm hành nơi chỗ kinh hành
Hay thấy ngàn ức chư Như Lai
Cũng gặp vô lượng hằng sa Phật.
Nếu người trong tâm có mê hoặc
Ở trong Phật Pháp bị hạn lượng
Ở trong vô lượng không hạn lượng
Các Đức Như Lai khó nghĩ bàn.
Tất cả thế gian không ai bằng
Huống lại có người hơn người ấy
Các trí, các đức đều tương ưng
Người ấy không nghi sẽ thành Phật.
Được thân Như Lai sắc vàng tía
Tất cả đoan trang để gần đời
Duyên nơi tâm an trụ như vậy
Mới gọi là Bồ Tát đắc định.
Nhờ nương tướng Phật là hữu tác
Hay trừ tất cả tưởng hữu tướng
Sau đó an trụ nơi vô tướng
Mới thấu đạt được các pháp không.
Có thể an trụ nơi pháp thân
Biết tất cả hữu nhưng vô hữu
Đã tu tập tướng vô hữu rồi
Sau đó quán Phật không sắc thân.
Nay ta vì ông nên khéo nói
Người người hướng đến chỗ như vậy
Nghĩa là giác biết các sự duyên
Vô lượng suy nghĩ thường không dứt.
Nếu ai hay sinh tâm như vậy
Niệm tướng tốt và trí tuệ Phật
Người có thể tu niệm như vậy
Một lòng hướng về không thoái chuyển.
Hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc kinh hành
Không nghi hoặc nơi trí Chư Phật
Được không nghi rồi phát nguyện rằng:
Khiến con được Phật Tam Giới Tôn
Chắc sẽ gặp được các Như Lai
Vào trong Phật Pháp được phân minh
Nơi tam muội này mà khởi lên
Cúi đầu đảnh lễ mười phương Phật
Thân, miệng và ý đều thanh tịnh
Tán thán Chư Phật thường không dứt.
Thường tu như vậy nhớ tướng Phật
Ngày đêm hằng thấy các Như Lai.
Gặp lúc sắp chết, bệnh ngặt nghèo
Bệnh đau bức bách không chịu nổi
Niệm Phật tam muội thường không xả
Không để khổ thống đoạt nhất tâm.
Người ấy vì tự biết pháp này
Nên biết tất cả các pháp không
Nhờ trụ các giáo môn như vậy
Với Bồ Tát hạnh không chán ghét.
Được nghe lợi ích như vậy rồi
Cầu trí vô đẳng của Như Lai
Sau đó không sinh tâm hối tiếc
Bồ Đề tối thượng không đạt được.
Nay ta vì ông nói vô lượng
Ông đối pháp này nếu không thành
Như người tuy giữ thuốc diệu mầu
Tự thân mình bệnh không thể trị.
Cho nên cần phải biết lựa chọn
Nghĩa là cầu tam muội thù thắng
Giới, văn, bố thí thường tu tập
Được tam muội này sẽ không khó.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Đồng Tử Nguyệt Quang: Vào thời quá khứ lâu xa, hơn A tăng kỳ kiếp vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, khi ấy có Đức Phật Hiệu là Thanh Đức Như Lai, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời.
Này Đồng Tử! Bấy giờ Thanh Đức Như Lai Ứng Chánh Biến, hội chúng đầu tiên của Đức Phật ấy tập hợp tám ức Thanh Văn, đều là các bậc A La Hán, lậu hoặc đã hết, đạt được tự lợi, sạch hết hữu kết, nương nơi chánh giáo, tâm khéo giải thoát, có thể đạt được tất cả tâm tự tại.
Hội chúng thứ hai gồm có bảy ức chúng, hội chúng thứ ba gồm có sáu ức chúng. Tất cả những vị đó đều là Đại A La Hán, các lậu hoặc đã tận, đạt được tự lợi, sạch hết các kết, nương vào chánh giáo, tâm khéo giải thoát, có thể đạt đến tất cả tâm tự tại.
Này Đồng Tử! Bấy giờ Đức Phật ấy thọ bốn vạn năm, lúc ấy Diêm Phù Đề được an ổn, giàu có, sung sướng, dân chúng phồn thịnh, khắp nơi sung mãn.
Này Đồng Tử! Bấy giờ ở Diêm Phù Đề có hai vị Đại Vương, một vị tên là Kiên Cố Lực, vị thứ hai tên là Đại Lực. Hai vị Đại Vương này mỗi người thống lãnh một nửa cõi Diêm Phù Đề. Lãnh thổ của hai Vua an ổn, giàu có, sung sướng, dân chúng phồn thịnh, khắp nơi sung mãn.
Khi ấy Như Lai Thanh Đức xuất hiện ở đời tại nước của Vua Đại Lực.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Lớn - Phần Sáu - Kalì
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Nhất - Pháp Hội Tam Tụ Luật Nghi - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Trưởng Giả
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - hội Thứ Hai - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tam Ma địa - Phần Hai