Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Da Xá, Đời Chu

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA ĐỒNG TÁNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Da Xá, Đời Chu   

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, bên cạnh ao hoa, trong vườn cây Ma Ha trên đỉnh núi Đại Ma La Dà Tinh Diệu, nơi ở của thần Đại Trì Chú, không ai có thể tới đó được và là nơi ở của những vị đã đắc đạo.

Đức Thế Tôn đang cư ngụ cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ Kheo, đều là những bậc đại Thanh Văn, đã hoàn tất mọi việc, đã qua tất cả địa vị của hàng phàm phu, đó là Tôn Giả A Nhã Kiều Trần Như, Tôn Giả A Thuyết Thị, Tôn Giả Đại Ca Diếp, Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên. Lại còn có chúng Đại Bồ Tát, tất cả đều là những vị, đã đạt được tất cả hạnh Tam Muội Đà La Ni của Bồ Tát, đã trụ nơi các địa vị của Bồ Tát.

Những vị mà ở tất cả các Cõi Phật, đều đã được thọ ký thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác sẽ chuyển bánh xe pháp, đó là Thánh giả Đại Bồ Tát Di Lặc, Đại Bồ Tát Đại Ý, Đại Bồ Tát Ích Ý, Đại Bồ Tát Kiên Ý, Đại Bồ Tát Định Ý, Đại Bồ Tát Vô Tận Ý, Đại Bồ Tát Vô Biên Ý, Đại Bồ Tát Hải Ý, Đại Bồ Tát Chánh Định Ý, Đại Bồ Tát Tịnh Ý, Đại Bồ Tát Trí Ý.

Ngoài ra còn có các hàng Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Thần Trì Chú và hàng phi nhân rất cao cả và thù thắng. Mỗi vị có hình dáng, nón mão, y phục khác nhau, đều cầm khí trượng và các cờ lọng. Và các chúng Quỷ Thần, Tiên Nhân, cũng đến tụ tập, mong mỏi được nghe pháp.

Bấy giờ, cho Đức Thế Tôn thuyết pháp số chúng đông nhiều như biển lớn vây quanh nghe. Pháp ấy trọn đều tốt đẹp, nghĩa lý sâu xa, lời lẽ hay và khéo léo, rộng nói đầy đủ, phạm hạnh trong sáng. Lúc ấy, có vị La Sát Vương, tên là Tỳ Tỳ Sa Na, đang cai quản tại thành lớn Lăng Già.

Khi nghe tin bên cạnh ao hoa trong vườn cây Ma ha, trên núi Đại ma la dà tinh diệu, nơi ở của thần Đại Trì Chú, không ai có thể đi tới đó được và là nơi ở của những vị đắc đạo, có Đức Phật đang giảng nói phạm hạnh cho một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ Kheo, thì Tỳ Tỳ Sa Na.

Vua Lăng Già thầm nghĩ: Ở thế gian, Như Lai như đóa hoa Ưu Đàm hiếm có, biết bao đời kiếp mới được nghe tên Ngài một lần, huống nữa là gặp. Trong vô lượng, vô số đời kiếp ấy, ta không được nghe pháp, khác nào như con rùa mù mong mỏi gặp lỗ cây nổi. Trong thời gian ấy, những việc của Chư Phật và cả pháp của Phật, việc nhập cảnh giới Phật, việc chứng thành Phật Đạo…

Những việc như thế lại càng rất khó được. Thế nên, ta phải cùng với quyến thuộc, đem những ngọc ngà, châu báu quý cùng với vô lượng hương hoa, hương bột, hương xoa, vòng hoa, y phục, cờ phướn, lọng báu và cả những dải lụa, âm nhạc, những bài ca khen ngợi đến chỗ Đức Thế Tôn, mà cúng dường tất cả cho Như Lai, để muốn hỏi Ngài về chánh pháp, về quả báo một đời của ta.

Thế rồi, Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na bèn ra lệnh, bảo với các chúng La Sát: Các ngươi hãy đồng lòng, cùng hòa hợp, chuẩn bị tất cả những thứ như vàng, bạc, ma ni, bảo châu, ngọc kha, lưu ly, san hô, mã não, trân châu, chuỗi ngọc, những trân châu đỏ quý với vô lượng hương hoa sạch đẹp nhất, tấu âm nhạc lên và cả những lời khen ngợi.

Pháp Vương Như Lai là đấng tôn quý nhất trong ba cõi. Là nơi tích tụ phước đức cao cả, các tướng đều đầy đủ, thấy biết hết thảy. Là ruộng phước cao tột, chúng ta sẽ đem tất cả những thứ này, dâng cúng cho Ngài.

Vì sao?

Vì trong vô số đời kiếp, việc gặp Phật ở đời, được thấy Phật, được nghe Tam Bảo, được lìa tám nạn, rất là khó.

Nói như vậy rồi, ở giữa chúng La Sát Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na, bèn đọc bài kệ:

Vô lượng vô số kiếp

Phật mới hiện ở đời

Tám nạn muốn xa lìa

Phải qua vô lượng kiếp.

Trong trăm ngàn ức kiếp

Hiếm gặp được Thế Tôn

Khác nào hoa Ưu Đàm

Biết bao giờ mới hiện.

Trong địa ngục, súc sinh

Ngạ quỷ, rất là khổ

Qua lại trong sáu nẻo

Lần lữa tựa xe lăn.

Vì muốn cho chúng sinh

Lìa nguy ách tám nạn

Vì lợi ích mọi loài

Làm ngọn đèn xuất thế.

Mặt trời trí tỏa chiếu

Khai phá mọi tối tăm

Chúng ta cùng đến đấy

Cúng dường Đấng Vô Thượng

Đấng giáo hóa trời, người

Cúng dường được quả lớn.

Khi Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na nói kệ xong, từ giữa không trung, Phật dùng thần lực phóng ra trăm ngàn ức na do tha luồng ánh sáng lớn, tỏa khắp thành lớn Lăng Già, bao trùm Tỳ Tỳ Sa Na cùng cả chúng La Sát, khiến cho họ hớn hở vui mừng.

Từ trong màn ánh sáng lớn ấy, phát ra bài kệ nói về pháp tướng sâu dày:

Các pháp vốn rỗng lặng, vô ngã

Hàng chúng sinh khó thể đạt thành

Như hư không, mộng, ảo, bọt, lửa

Sương, tia điện, bọt nổi, lửa vòng.

Pháp duyên tục đế, chẳng phải chân

Vô minh gốc ái, thế gian hiện

Chân quán vô ái và vô minh

Các pháp như không, tịnh khó nói.

Sau khi nghe kệ pháp tướng, được diễn nói từ trong ánh sáng ấy. Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na liền đắc vô ngã pháp nhẫn sâu xa. Chúng La Sát, có người đạt được nhẫn, có người phát tâm Bồ Đề, có người phát thuận nhẫn, có người được thật kiến.

Lúc này, Vua Lăng già Tỳ Tỳ Sa Na! Đã mặc được áo giáp bồ đề kiên cố. Đối với Phật Pháp, ông đã thấu rõ, không còn mối nghi ngờ.

Ông liền phát thệ nguyện mà nói bài kệ:

Hàng Trời, Người và A Tu La

Hết thảy Phạm Vương cùng Thiên chúng

Với pháp vô thượng tối diệu này

Hoàn toàn chưa từng được thấy biết

Mai sau con sẽ đạt pháp này.

Đầy đủ hết thảy trí không ngại

Thành tựu Phật Đạo tại cõi này

Độ thoát vô lượng ức chúng sinh

Giảng nói pháp mầu của Chư Phật.

Tám Thánh đạo, vô lậu tối thắng

Khiến con khởi lên trí vô biên

Ba mươi hai tướng trang nghiêm thân

Nếu như siêng năng tu hạnh lành.

Thực hành trọn vẹn công đức Phật

Lợi ích chúng sinh, thoát sợ hãi

Giữ các công đức, diệt hữu trần

Mặt như vầng nhật nguyệt sáng trong

Đạt thành Phật Đạo trong tam giới.

Khi ấy, đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na! Đạt được sự không thoái chuyển. Liền theo ý nghĩ của mình, ông hóa ra các loại hương hoa tinh diệu, như là hương xoa, hương bột, vòng hoa, y phục, cờ hiệu, phướn, lọng báu, ma ni, dải lụa, trân châu, chuỗi ngọc, tấu các loại nhạc, vỗ tay ca ngợi, tiếng hay vang khắp, ca ngợi tướng tốt và công đức của Như Lai.

Rồi thì, như nga vương, cùng hàng quyến thuộc của mình trên không, Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na! Đem tất cả những thứ cúng dường này, cùng bay tới chỗ Phật.

Đến nơi, từ không trung bước xuống, Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na! Cùng hàng quyến thuộc, hướng Phật chắp tay đỡ chân Thế Tôn đảnh lễ trăm lạy.

Lễ bái xong, cùng hàng quyến thuộc, nhiễu Phật ba vòng, cho đến ngàn vòng, Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na như cây bị đốn ngã, cả hình thể quỳ sụp xuống trước Phật và nói: Nam Mô Vô Lượng Công Đức Trang Nghiêm, Tối Thượng, Pháp Thân Sư Tử, Trượng Phu Tam Giới Tối Thắng Thế Tôn, Thích Ca Mâu Ni, Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nói lời này rồi, ông liền đứng dậy, chắp tay ở trước Thế Tôn, nói bài kệ ca ngợi:

Thuở xưa ức kiếp chuyên tu tập

Khổ hạnh khó hành cầu bồ đề

Ban phát thức ăn cùng áo, xe

Vô số bảy báu cho người cần.

Trải qua nhiều kiếp không hối tiếc

Bỏ ngôi Vua, làng xóm, thần dân

Trong cung trang nghiêm đầy vật báu

Ức kiếp khó bỏ, nay lại bỏ.

Thuở xưa, Vương Tử Tu Đại Noa

Trong chốn rừng sâu cho vợ con

Xả thân mình cứu hổ mang thai

Cắt thịt cứu bồ câu khốn đốn.

Móc mắt cho Bà La môn mù

Mà không oán hận trước nghịch cảnh

Cho đầu để cầu nhân bồ đề

Trước nghịch cảnh tâm thường vui vẻ.

Giữ gìn giới phẩm luôn trong sạch

Không phạm Thánh hạnh thuận giải thoát

Không dứt mạng sống, trộm vật người

Thường theo phạm hạnh, đời không ghét.

Lìa bỏ uống rượu, không nói dối

Che chở chúng sinh như chính mình

Không nói hai lưỡi và lời ác

Cũng không tức giận, nói thêu dệt.

Thế Tôn lánh tà, thường tùy thuận

Không sinh khổ não, trước chúng sinh

Công đức như ý, lìa tà kiến

Cúng dường Tam Bảo, không sinh tâm.

Xuất gia không cấu, trừ năm dục

Nương theo giới Phật, hạnh giải thoát

Trước hành nhẫn nhục chịu các khổ

Mắng nhiếc, chê bai hay khiển trách.

Xưa kia từng chịu các khổ đau

Không sinh tâm hận với chúng sinh

Nếu ở bên Phật khởi niệm giết

Tâm lành Phật vẫn coi như con.

Phật sinh ở đời thường tu nhẫn

Giải thoát mọi khổ cho chúng sinh

Xưa kia, khi Như Lai cầu đạo

Làm bậc Đại Tiên tên là nhẫn.

Ở chỗ sinh ra có chiến tranh

Nhẫn đau nhưng Vua, tâm không hại

Vì Vua và phu nhân nước ấy

Diễn thuyết pháp lành khiến an vui.

Không màng ức kiếp thường tinh tấn

Trừ tà ý, biếng nhác, yếu hèn

Xưa, các khổ hạnh đều nhẫn được

Tinh tấn bao la, tỏ bồ đề.

Kinh hành quên ngủ, không thiếu sót

Tôn trọng cúng dường vô lượng Phật

Tùy thuận mọi điều của chúng sinh

Huân tu thành Phật, pháp vô thượng.

Thực hành thiền định, hàng phục tâm

Hoàn thành Tứ Thiền, Vô Sắc Định

Tam muội niệm, năm thần thông lực

Xưa hành trọn vẹn thiền vô lậu.

Trí tuệ Như Lai đều vô lậu

Biết pháp như huyễn đều giả hư

Không ngã, chúng sinh, mạng và nhân

Phiền não ràng buộc, nghiệp nhân chuyển.

Dục giới không sạch, bốn thứ hoặc

Cõi phiền não chúng sinh, vốn tịnh

Biết rằng thật tịnh, gốc chúng sinh

Đạt được sáu món Ba la mật.

Ai hay nói trí phương tiện này

Cần cầu vô tận phước của Phật

Hướng Như Lai khởi ba nghiệp thắng

Đời sau thành Phật, ta đảnh lễ.

Bấy giờ, khi nói kệ xong, Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na!

Lại đem vô lượng các món rất tốt đẹp như hương hoa, hương bột, hương xoa, vòng hoa, y phục, cờ phướn, lọng báu, tấu các loại âm nhạc, ca vịnh và ngợi khen Như Lai, làm đủ mọi việc tôn trọng, cung kính, cúng dường Phật, chư Đại Bồ Tát và chúng Thanh Văn. Chúng La Sát của Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na cũng làm như vậy, cũng như pháp mà phát khởi, cúng dường Như Lai, làm vừa ý Phật.

Lúc đó, Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na cúng dường xong, lại bạch: Bạch Thế Tôn! Nay con có điều còn nghi ngờ muốn hỏi Như Lai, Đấng Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, cúi xin Thế Tôn, hãy vì con, mà giải thích.

Khi Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na!

Nói lời này rồi, Phật mới bảo ông ta: Này Tỳ Tỳ Sa Na Vương! Nghe ông nói, ông có điều còn nghi ngờ muốn hỏi ta. Vậy tùy theo điều ông hỏi, ta sẽ vì ông mà giải thích, để cho tâm tư ông được vui vẻ.

Được sự chấp thuận của Phật, Lăng Già Vương liền thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh dựa theo gì mà gọi là chúng sinh vậy?

Phật đáp: Này Lăng Già Vương! Chúng sinh là do các duyên hòa hợp, nên gọi là chúng sinh. Những duyên ấy là đất, nước, lửa, gió, không, thức, danh sắc, lục nhập nhân nơi duyên mà sinh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần