Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Chấm Dứt đấu Tranh
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN DUYÊN
CHẤM DỨT ÐẤU TRANH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
Tôi nghe như vậy!
Một thời Thế Tôn ở trong xóm làng của Xá Ma Ca Tử, vào hạ an cư. Các chúng Bí Sô ở cách Phật không xa cũng đều an cư.
Bấy giờ có Sa Môn tên là Tôn Na, cũng an cư vào hạ ở trong rừng Nhạ Lô Ca. Ở đó có ngoại đạo Ni tên là Ðàn Nhạ Ðề Tử, là người cực ác, bỗng nhiên mạng chung. Ni Càn Ðà ấy có một người con muốn khởi đấu tranh với Sa Môn.
Nói như vậy: Pháp luật của ta chỉ có ta tự biết, chẳng phải là chỗ ngươi biết được. Pháp luật của ngươi chỉ có ngươi tự biết, cũng chẳng phải là chỗ ta biết. Những pháp của ta tất cả đều như lý. Những pháp của ngươi đều phi lý. Pháp của ta là hòa hợp, pháp của ngươi là không hòa hợp. Những điều ngươi nói, lời trước dẫn trúng, lời sau liền sai. Lời sau có thể trúng thì lời trước liền sai.
Những lời ngươi nói đều chẳng có ý nghĩa và lợi ích. Không nắm bắt được. Tuy ngươi có nói rộng mấy cũng không thể giải thoát, cũng không thể biết thật nghĩa tối thượng được, nghĩa là những điều Sa Môn nói không giống với pháp của ta.
Làm sao có thể khiến cho tâm ta giải thoát cho được?
Ni Càn Ðà Tử cố nói lời này nhằm mục đích khởi sự phá hoại, muốn đấu tranh làm tổn giảm lực lượng, dùng duyên khổ não để phá hoại pháp an lạc.
Do nhân duyên ấy, đối với trong pháp thanh bạch của Sa Môn khởi lên nghiệp bất thiện, nhằm hưng khởi sự đấu tranh, phá hoại đủ thứ, sanh tâm ngã mạn, gọi đó là thắng người khác, mới nói: Những điều Sa Môn nói điều phi pháp luật, bất chân chánh hiểu rõ, không thể xuất ly, đối với đạo bồ đề không thể đạt được. Thầy của ngươi chẳng phải là Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Bấy giờ Sa Môn Tôn Na vào hạ đã mãn, may y đã xong, liền rời khỏi xứ đó, mang y cầm bát thứ lớp mà đi, vào làng xóm của Xá Ma Ca Tử, đến rồi cất y bát, rửa chân, đi đến chỗ của Tôn Giả A Nan, đầu mặt dưới chân Tôn Giả rồi đứng qua một bên.
Khi ấy Tôn Giả A Nan hỏi Sa Môn Tôn Na rằng: Này Tôn Na, ông an cư mùa hạ ở nơi nào?
Lại do duyên gì mà lại đến đây?
Tôn Na thưa rằng: Thưa Tôn Giả, con ở trong rừng Nhạ Lô Ca, nơi ác xứ để an cư vào hạ. Ở đó ngoại đạo Ni Càn Ðà Nhạ Ðề Tử là người cực ác, bỗng nhiên mạng chung.
Ni Càn Ðà có một người con muốn khởi lên sự tranh đấu đối với Sa Môn… cho đến nó nói: Thầy của ngươi chẳng phải là Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do nhân duyên ấy con đến đây.
Ngài A Nan nói rằng: Này Tôn Na, ta biết việc này, vì Đức Phật Thế Tôn không ở trong chúng, cho nên mới có ngoại đạo hưng khởi sự đấu tranh.
Bây giờ ông không được tranh đấu cùng họ, nếu khởi sự đấu tranh liền không có lợi ích cho nhiều người, lại khiến cho nhiều người sanh ra các phiền não, cho đến các chúng Thiên Nhân đều chẳng có lợi ích, đều sanh khổ não. Như những điều Tô Nan đã nói, chỉ có đức pháp Thế Tôn mới thấy biết tất cả. Nay ta cùng người đều đi đến chỗ Đức Phật trình bày hết việc này.
Tôn Na thưa rằng: Lành thay, thưa Tôn Giả. Nếu được gặp Phật, con sẽ được nhiều lợi ích. Lại ở chỗ Phật có thể nghe được chánh pháp sâu xa.
Bấy giờ Tôn Giả A Nan cùng Sa Môn Tôn Na đồng đi đến chỗ của Phật, khi đến lạy dưới chân Đức Phật rồi đứng qua một bên.
Khi ấy Tôn Giả A Nan đến phía trước bạch Đức Phật rằng: Thưa Thế Tôn, Sa Môn Tôn Na này an cư mùa hạ trong rừng Nhạ Lô Ca. Ở đó có ngoại đạo Ni Càn Ðà Nhạ Ðề Tử, là người cực ác, bỗng nhiên mạng chung.
Ni Càn có một người con muốn khởi lên sự đấu tranh đối với Sa Môn… cho đến nó nói rằng: Thầy của ngươi chẳng phải là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh đẳng Chánh giác. Do nhân duyên đó cho nên Sa Môn này mới đến nói với con.
Thưa Thế Tôn, bấy giờ con bảo Tôn Na rằng: Vì Đức Phật Thế Tôn không ở trong chúng cho nên mới có ngoại đạo muốn hưng khởi đấu tranh. Vậy bây giờ ông không được tranh cải cùng họ. Nếu khởi sự đấu tranh liền không có lợi ích cho nhiều người, lại khiến cho nhiều người sanh ra khổ não, cho đến các Chúng Trời, người đều không có lợi ích, đều sanh khổ não.
Ðức Phật bảo Ngài A Nan: Ngươi thấy duyên gì mà nói Ðức Phật không ở trong chúng cho nên có bọn ngoại đạo khởi lên sự đấu tranh?
Tôn Giả A Nan thưa với Phật: Thưa Thế Tôn, vào một thời con thấy có hai Bí Sô được Đức Phật khen ngợi là hai Bí Sô khéo trì luật pháp, thực hành oai nghi theo thứ lớp ở một chỗ.
Lúc ấy con thấy như vậy rồi, gọi họ lại nói rằng: Này hai Bí Sô, không nên hiện tướng oai nghi như vậy. Ðức Phật không ở trong chúng, hoặc có ngoại đạo thấy tướng này rồi khởi lên sự đấu tranh. Nếu khởi lên sự đấu tranh liền khiến cho nhiều người…cho đến các chúng trời người đều không có lợi ích, đều sanh ra khổ não. Con nhớ lại duyên này nên mới nói với Sa Môn Tôn Na như vậy.
Ðức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ý ngươi thế nào?
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Thưa Thế Tôn, đối với việc này con không thể biết rõ.
Ðức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ta dùng tự trí biến thành chánh giác, ở trong khoảng giữa có rộng thuyết của pháp. Ðó là tứ niệm xứ, tứ chánh đoạn, tứ thần túc, ngũ căn ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo. Những pháp như vậy ta đã tuyên thuyết, ta biết tất cả, ta thấy tất cả.
Này A Nan, đa số các ngoại đạo đối với chúng Bí Sô khởi lên sự đấu tranh này, ngươi có thể biết chăng?
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Thưa Thế Tôn, con không thể biết được.
Ðức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ðó là có Bí Sô đối với giới có khi tăng, hoặc có khi giảm. Ðối với oai nghi có khi tăng hoặc có khi giảm. Này A Nan, nếu giới và oai nghi mà có khi tăng giảm liền làm mất thường pháp, tùy theo chỗ sở hành mà có ngoại đạo thấy việc đó rồi liền khởi ra sự đấu tranh. Nếu sự đấu tranh khởi ra liền khiến cho nhiều người…cho đến các chúng trời, người chẳng có lợi ích, đều sanh khổ não.
Vì sao vậy?
Này A Nan, các bọn ngoại đạo Ni Càn Ðà chẳng phải là nhất thiết trí, cũng chẳng phải là chân thật đối với tất cả xứ, tất cả sở kiến đều chẳng thanh tịnh, cho nên họ thường ưa khởi ra sự đấu tranh. Này A Nan, nên biết các chúng Bí Sô khi khởi lên sự đấu tranh, do có các thứ căn bản đấu tranh.
Tôn Giả A Nan bạch Đức Phật: Lành thay, thưa Thế Tôn! Lành thay, thưa thiện thệ. Nay đã đúng lúc, cúi mong Đức Phật tuyên thuyết về căn bản của sự đấu tranh, khiến cho các Bí Sô nghe rồi ghi nhớ, thọ trì, thường xa lìa sự lỗi lầm.
Ðức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Các ngươi hãy lắng nghe, như lý tác ý, hãy khéo nhớ nghĩ. Nay ta sẽ nói cho.
Này A Nan, nếu có Bí Sô khởi tâm phẫn nộ, do tâm phẫn nộ cho nên đối với Sư Trưởng không sanh tâm cung kính, tôn trọng, cũng không thể tôn thờ, cúng dường. Do không cung kính Sư Trưởng cho nên liền không thấy pháp. Vì không thấy pháp cho nên đối với trong chúng Bí Sô không quán sát chân chánh. Do không quán sát chân chánh cho nên khởi ra sự đấu tranh.
Do đấu tranh khởi ra liền khiến cho nhiều người…cho đến chúng trời, người đều không có lợi ích, đều sanh ra khổ não. Lại có Bí Sô đối với trong và ngoài đều chấp cho là có, cho là thật, quán sát, chú ý, tích tập, vui mừng với các tác ý, tà ý cực ác, bộc phát ra tà động, buông ra tà vọng ngữ, dẫn khởi sự đấu tranh.
Như vậy vọng niệm bất chánh tri, khởi ra sự không tương ứng…cho đến đối với duyên của sự đấu tranh không thể đoạn diệt được. Này A Nan, những việc như vậy là căn bản của sự đấu tranh, cho nên sanh ra các khổ não. Nhân của khổ não là do trước tiên khởi ra tâm phẩn nộ.
Như vậy lại khởi ra sự che lấp, dối láo, dèm pha, ganh ghét, xan tham, không hổ, không thẹn, bất chánh tri và kiến thủ…và các ức niệm chấp trước tà vọng, do các ác nhân duyên như vậy, đối với Sư Trưởng không khởi các tâm cung kính tôn trọng, cũng lại không thể tôn thờ sự cúng dường.
Do không tôn kính Sư Trưởng của mình cho nên liền không thấy pháp. Vì không thấy pháp cho nên liền đối với chúng Bí Sô không quan sát chân chánh. Do không quan sát chân chánh cho nên mới khởi ra sự tranh đấu.
Này A Nan, như điều ta nói, các duyên như vậy đều là căn bản của sự đấu tranh. Do nhân duyên này, nếu lúc đấu tranh khởi ra, có bảy pháp để diệt sự đấu tranh, như ta đã nói, này A Nan, Có các việc tranh đấu đã khởi sanh hay chưa khởi sanh đều có thể chấm dứt tiêu diệt.
Những gì là bảy?
Ðó là: Hiện tiền tỳ ni, ức niệm tỳ ni, bất si tỳ ni, tự ngôn trị, đa nhân ngữ, tri sở tác, như thảo phú địa. Ðó là bảy.
Thế nào gọi là Hiện tiền tỳ ni diệt tránh pháp?
Này A Nan, cái gọi là một người vì một người thuyết pháp tỳ ni, một người vì hai người thuyết, một người vì nhiều người thuyết, một người vì đại chúng thuyết. Hiện tiền thành bốn. Hai người vì một người thuyết pháp tỳ ni, hai người vì một người thuyết, hai người vì nhiều người thuyết, hai người vì đại chúng thuyết.
Hiện tiền thành bốn. Nhiều người vì một người thuyết pháp Tỳ Ni, nhiều người vì hai người thuyết, nhiều người vì đại chúng thuyết. Hiện tiền thành bốn.
Ðại chúng vì một người thuyết pháp tỳ ni, đại chúng vì hai người thuyết, đại chúng vì nhiều người thuyết, đại chúng vì đại chúng thuyết. Hiện tiền thành bốn. Như vậy gọi là Hiện tiền tỳ ni diệt tránh pháp. Do pháp này nên khiến cho sự đấu tranh được chấm dứt, tiêu diệt.
Sao gọi là Ức niệm tỳ ni diệt tránh pháp?
Này A Nan, đó là có Bí Sô tùy theo sự phạm tội rồi nhưng không tự nhớ được.
Các Bí Sô khác nói rằng: Ngươi phạm tội này phải nên nhớ lại, đối với đại chúng cầu xin đại chúng làm pháp ức niệm tỳ ni. Vị Bí Sô ấy liền vào trong chúng cầu xin đại chúng làm pháp ức niệm tỳ ni. Bấy giờ đại chúng như Ðại Sư dạy ban cho pháp ức niệm tỳ ni. Vị Bí Sô ấy đã xuất tội rồi, diệt trừ sự đấu tranh. Như vậy gọi là Ức niệm tỳ ni diệt tránh pháp. Nhờ pháp này nên khiến cho việc đấu tranh được tiêu diệt.
Sao gọi là Bất Si Tỳ Ni diệt tránh pháp?
Này A Nan, đó là nếu có Bí Sô si cuồng tâm loạn do đau não gây ra. Tuy được nghe nhiều nhưng không thể thuận hành với pháp đã nghe, trái lại nói tạp loạn, nói như vậy rồi bỏ chúng mà đi.
Bí Sô ấy về sau tâm lý được bình thường trở lại, các Bí Sô khác nói rằng: Người phạm tội này nên vào trong chúng cầu xin đại chúng làm pháp Bất Si Tỳ Ni. Bí Sô ấy liền vào trong chúng cầu xin đại chúng làm pháp Bất Si Tỳ Ni.
Bấy giờ đại chúng như lời Ðại Sư dạy, ban cho vị ấy pháp Bất Si Tỳ Ni. Vị Bí Sô ấy được xuất tội rồi, diệt trừ sự đấu tranh. Như vậy gọi là Bất Si Tỳ Ni diệt tránh pháp. Nhờ pháp này nên có thể khiến cho sự đấu tranh được chấm dứt.
Sao gọi là Tự ngôn trụ diệt tránh pháp?
Này A Nan, đó là nếu có Bí Sô không biết tội tướng, nói rằng: Biết nhiều, hiểu nhiều, lại ở trong chúng phát ngôn như vậy: Tôn Giả, tôi đối với mọi sự lợi dưỡng khó mà đạt được.
Các Bí Sô khác bảo rằng: Ngươi đối với tội tướng, không biết, không hiểu mà nói biết nhiều, hiểu rộng. Ngươi phạm tội này, nên đối chúng cầu xin đại chúng sám hối, tạ tội. Vị Bí Sô ấy liền vào trong chúng cầu xin đại chúng thương xót rồi tự hối trách. Bấy giờ đại chúng như lời Ðại Sư dạy, ban cho pháp Tự ngôn trị. Vị Bí Sô được xuất tội rồi, sự tranh đấu liền chấm dứt. Do nhờ pháp này có thể khiến cho sự đấu tranh được chấm dứt.
Sao gọi là Ða nhân ngữ diệt tránh pháp?
Này A Nan, đó là nếu hai Bí Sô cùng ở một chỗ, sự đấu tranh bỗng nhiên khởi ra, buông ra nhiều lời đưa đến sự tranh luận dữ dội.
Ai cũng chấp vào lời nói của mình: Có lời nói đúng pháp, có lời nói phi pháp, có lời nói đúng luật, có lời nói sai luật, có lời nói có tội, có lời nói không có tội.
Khi có sự đấu tranh của hai Bí Sô ấy chấm dứt thì tốt, nếu không chấm dứt thì hai vị Bí Sô ấy phải lìa trụ xứ của mình, đến chỗ khác rồi còn khởi sự đấu tranh, lìa chỗ này rồi, nếu có thể nữa đường mà chấm dứt sự đấu tranh là tốt, nếu không chấm dứt được, nhiều chúng Bí Sô hợp lại để diệt sự đấu tranh. Có vị dùng kinh để phân biệt nói, có vị dùng luật để phân biệt nói, có vị dùng Ma Ðát Lý Ca Luận tạng để phân biệt thuyết.
Nhờ có nhiều người phân biệt thuyết, cho nên sự đấu tranh của hai Bí Sô được chấm dứt. Như vậy gọi là đa nhân ngữ diệt tránh pháp. Nhờ pháp này cho nên khiến sự tranh chấp được chấm dứt.
Sao gọi tri sở tác diệt tránh pháp?
Này A Nan, đó là nếu Bí Sô tùy theo sự phạm tội rồi tự biết đã phạm, hoặc nói cho người khác biết, hoặc không nói cho người khác biết, như người tự nhớ nghĩ rồi đi đến chỗ Tỳ Kheo khác, cởi giày da ra, đứng trước Bí Sô ấy, trạch vai áo, gối bên phải quỳ dưới đất, ba lần xưng tên họ rồi thưa rằng: Tôi phạm tội ấy, không dám che dấu, đi đến Tôn Giả cầu xin sám hối. Cúi mong Tôn Giả hoan hỷ bố thí. Bấy giờ vị Tôn Giả kia liền nhận sự sám hối đó.
Vị Bí Sô ấy được thanh tịnh rồi, Tôn Giả kia nói rằng: Ngươi thấy tội tướng này chăng?
Bí Sô đáp: Tôi đã thấy tội tướng này. Tôn Giả lại nói Ngươi nên như pháp mà phụng trì luật nghi. Nói lên ba lần vậy. Ðó gọi là Tri Sở tác diệt tránh tội. Nhờ pháp này cho nên khiến cho sự tranh chấp được chấm dứt.
Sao gọi là Như Thảo phú địa diệt tránh pháp?
Này A Nan, đó là các chúng Bí Sô cùng ở tại một chỗ, cùng khởi lên sự đấu tranh, chia làm hai nhóm. Bấy giờ trong một nhóm. Những người lớn tuổi ở một chỗ với người lớn tuổi, người biết pháp ở một chỗ với người biết pháp, thượng thủ ở một chỗ với thượng thủ. Ở trong nhóm đó có Bí Sô vì lợi dưỡng cho nên khởi ra sự đấu tranh.
Khởi lên sự đấu tranh rồi, đối với trong chúng mình nói như vậy: Nhà bạch y ở xứ kia dễ được lợi dưỡng. Tôi ở trong đó như pháp luật mà thuyết. Có Bí Sô khác vì do duyên này nên đối với tôi mới khởi ra tranh chấp.
Này chư đại đức, nếu tôi vì việc này mà phạm tội tranh chấp, mong các đại đức bỏ tội này cho tôi, cho đến tôi cố ý vào nhà bạch y, cũng đều xin sám hối trừ bỏ. Vì phạm tội Ðột Kiết Ta, tôi từ nay về sau không làm việc này nữa, nếu có làm tôi sẽ đến các đại đức cầu xin sám hối. Nếu tôi có làm thì không dám che dấu.
Khi Bí Sô này làm pháp sám hối này, mà nếu khi tự trong nhóm chỉ có một Bí Sô không chấp nhận cho sám hối, vị Bí Sô ấy liền vào nhóm khác, cởi bỏ dép da, trạch vai áo, theo thượng tọa kỳ hiên lớn tuổi, thứ lớp hỏi thăm rồi trở lại đứng trước vị thượng tọa, quỳ gối bên phải, đứng chấp tay bèn bạch chúng rằng: Thưa chư đại đức, nhà bạch y ở chỗ kia để được lợi dưỡng, con ở trong đó như pháp luật mà thuyết.
Có Bí Sô khác vì nhân duyên này nên khởi ra tranh tụng với con, con liền ở trong chúng như pháp mà xin sám hối. Bấy giờ ở trong chúng có một vị Bí Sô không chấp nhận cho con sám hối, cho nên con đến dây cầu xin sám hối.
Thưa đại đức, nếu con do việc này mà phạm tội tranh chấp, xin các đại đức xuất bỏ việc này cho con…cho đến con từ nhà bạch y đi ra, cũng đều xin sám hối, tiêu trừ tội phạm Ðột Kiết La. Cho nên hôm nay đối trước các đại đức cầu xin sám hối. Những điều con làm không dám che dấu. Cúi xin chư đại đức hoan hỷ bố thí cho sự sám hối của con.
Bấy giờ đại chúng kia liền chấp nhận sự sám hối vị Bí Sô kia được thanh tịnh rồi.
Vị thượng tọa ấy nói rằng: Ngươi thấy tội tướng này chăng?
Bí Sô đáp: Con đã thấy tội tướng này.
Vị thượng tọa nói: Ngươi nên như pháp phụng trì luật nghi. Nói ba lần như vậy.
Bấy giờ trong nhóm bên kia cũng như nhóm bên này: Vị lớn tuổi ở một chỗ với vị lớn tuổi, vị biết pháp ở một chỗ với vị biết pháp, thượng thủ ở một chỗ với thượng thủ. Khi ấy ở trong nhóm có Bí Sô vì lợi dưỡng cho nên khởi ra sự tranh chấp.
Ðã khởi ra sự tranh chấp rồi, ở trong chúng mình tự nói như vậy: Ở nhà bạch y kia nể được lợi dưỡng. Con ở trong đó như pháp luật mà thuyết. Có Bí Sô khác vì nhân duyên này nên khởi ra sự tranh đấu. Như vậy cho đến lần thứ hai, thứ ba, hỏi đáp những việc nhiều như đã nói ở trước.
Này A Nan, tất cả Bí Sô biết tự mình có phạm, qua lại trình bày sám hối rồi, cùng nhau thăm hỏi, cung kính hỏi han, liền diệt trừ nhân duyên đấu tranh, đình chỉ các lời tranh luận, không còn một chút pháp nào khởi lên phân biệt nữa, như vậy gọi là như thảo phú địa diệt tránh pháp. Nhờ pháp này cho nên có thể khiến cho sự tranh chấp được chấp dứt.
Này A Nan, bảy pháp diệt tránh như vậy, các Bí Sô, các ngươi phải nên ghi nhớ.
Lại nữa, này A Nan, có sáu thứ Hoà Kỉnh pháp các ngươi hãy lắng nghe, như lý tác ý, hãy khéo ghi nhớ, nay ta sẽ nói cho các ngươi.
Những gì là sáu?
Ðó là thân nghiệp làm việc từ hòa, thường ở chỗ Phật tịnh tu phạm hạnh, đối với các pháp tôn trọng kính lễ, như lý tu hành. Ðối với các chúng Bí Sô cùng ở hòa hiệp. Ðó gọi là pháp hòa kính của thân nghiệp.
Lại nữa, đối với ngữ nghiệp nói lời từ hòa không nói lời đấu tranh chống trái. Ðó gọi là pháp hòa kính của ngữ nghiệp.
Lại nữa, đối với ý nghiệp khởi ra ý nghĩ từ hòa, không có chống trái. Ðó gọi là pháp hòa kính của ý nghiệp.
Lại nữa, nếu được sự lợi ích của pháp và sự lợi dưỡng của thế gian đều thọ lãnh như nhau. Hoặc có lúc ôm bát thứ lớp khất thực, tùy theo sự được đồ ăn uống các vật, phải thưa cho chúng biết, cùng chúng đồng thọ, chớ dấu dùng riêng. Nếu chúng đồng biết, tức đồng phạm hạnh. Ðó gọi là pháp lợi hòa kính.
Lại nữa, đối với giới không phá, không đoạn, giới lực kiên cố, lìa cấu uế, được thanh tịnh rồi biết thời, biết xứ, bình đẳng phổ biến, thọ nhận đồ ăn uống của tín thí cúng dường. Như vậy tịnh giới cùng nhau tu, cùng nhau hiểu biết, đồng tu phạm hạnh. Ðó gọi là pháp giới hòa kính.
Lại nữa, nếu thấy đạo thánh trí đưa đến chứng ngộ xuất ly, cho đến tận cùng biên giới của sự khổ, đối với tướng như vậy, thấy như thật rồi cùng nhau làm việc, cùng nhau hiểu biết, cùng tu phạm hạnh. Ðó gọi là pháp kiến hòa kính.
Những pháp như vậy gọi là pháp lục hòa kính.
Này A Nan, như trước ta đã nói về căn bản của sự đấu tranh. Hỡi các Bí Sô, hãy nên đoạn trừ. Ðối với bảy pháp diệt tránh cần phải biết rõ. Các việc tranh chấp hoặc đã khởi ra, đều khiến cho nó chấm dứt.
Hãy cùng nhau tu pháp Lục hòa kính. Này các Bí Sô, nếu thực hành như vậy thì dù ở Ðông, Tây, Nam, Bắc, tùy đi đến đâu, hoặc đi, hoặc ở, đều khiến cho các Bí Sô được an lạc, xa lìa các sự tranh chấp. Cho đến sau khi ta nhập Niết Bàn cũng khiến cho các chúng Bí Sô, dù ở nơi đâu cũng thường được an lạc như ta hiện tại ở đời thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, chẳng khác gì cả.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Huyễn Sĩ Nhân Hiền - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tô Ma Hô đồng Tử Thỉnh Hỏi - Phần Ba - Tô Ma Hô Thỉnh Hỏi Tướng Của Pháp
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Hai Mươi Chín - Kinh Người Nghèo đốt áo
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh ăn Củ Rễ
Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Chấm Dứt đấu Tranh
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Mười Ba - Hỏi Về đạo Và Túc Mạng
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bất Tập Cận - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Diệu Cát Tường Bình đẳng Tối Thượng Quán Môn đại Giáo Vương - Phần Sáu