Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI
QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẦN HAI
Bấy giờ Bồ Tát thấy thời điểm giáng trần đã đến, liền cưỡi voi trắng sáu ngà rời Cung Đâu Suất, có vô lượng Chư Thiên tấu các loại nhạc, thắp các loại hương quý, rải các thứ hoa đi theo Bồ Tát tràn đầy hư không, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương. Đúng ngày tám tháng tư, khi sao mai vừa mọc, Bồ Tát liền Giáng Thần nơi thai mẹ.
Lúc ấy Ma Da Phu Nhân trong giấc điệp, mộng thấy Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà từ không trung đến nhập vào hông bên phải, thân hiện ra như ngọc Lưu Ly, thân thể Phu Nhân an ổn khoan khoái như uống nước Cam Lộ, nhìn lại thân mình thấy sáng rực rỡ như có mặt trời, mặt trăng chiếu rọi, trong lòng vô cùng vui mừng.
Thấy điềm mộng xong Phu Nhân giật mình tỉnh giấc cho là giấc mộng hiếm có, liền đến cung Vua Bạch Tịnh thưa với Nhà Vua: Thiếp vừa nằm mộng thấy một giấc mơ thật lạ lùng.
Vua nói: Ta cũng mơ thấy có một luồng ánh sáng lớn, lại thấy Phu Nhân dung mạo khác hẳn ngày thường. Phu Nhân hãy nói về giấc mộng của mình xem sao.
Phu Nhân dùng lời kệ nói về giấc mộng của mình cho Vua nghe:
Thấy người cưỡi voi trắng
Trong sáng như Trời Trăng
Đế Thích và Phạm Thiên
Đều cầm những cờ báu
Thắp hương rải hoa Trời
Lại tấu các Thiên Nhạc
Đầy rẫy khắp không trung
Quây quần mà giáng trần
Đi vào hông phải thiếp
Giống như ngọc Lưu Ly
Nay trình với Đại Vương
Điềm gì xin bày tỏ.
Nghe Phu Nhân kể về các điềm tướng tốt đẹp trong giấc mộng, Vua Bạch Tịnh vui vẻ vô cùng, liền truyền sai người mời một vị Bà La Môn giỏi thuật tướng số đến cúng dường hương hoa, trai thực. Sau khi cúng dường xong, Vua và Phu Nhân thuật lại các điềm lành đã thấy trong giấc mộng của Hoàng Hậu.
Vua nói với vị Bà La Môn: Xin Ngài giải thích xem giấc mộng đó có gì lạ thường?
Vị Bà La Môn nghe qua giác mộng liền thưa: Hoàng Hậu đang mang thai một Thái Tử có các tướng tốt không thể nói hết. Nay chỉ nói sơ lược cho Đại Vương rõ.
Đại Vương nên biết vị Thái Tử mà Phu Nhân đang mang thai trong bụng kia chắc chắn sẽ làm vẻ vang cho dòng họ Thích của Ngài. Khi nhập thai có ánh sáng rực rỡ. Lại có Đế Thích, Phạm Thiên quây quần đưa tiễn, đó là điềm lành của bậc Chánh Giác.
Nếu không xuất gia, Thái Tử sẽ là một vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ, bảy thứ báu tự đến, có đủ một ngàn người con.
Vua nghe lời đoán của thầy tướng tự cảm thấy mình thật là may mắn, hạnh phúc vui vẻ cùng cực, liền dùng vàng bạc, châu báu, voi ngựa, xe cộ cúng dường và ban một thôn ấp cho vị thầy tướng Bà La Môn. Ma Da Phu Nhân cũng ban cho vị ấy các thể nữ và đồ châu báu của mình.
Từ khi Bồ Tát giáng thai, Ma Da Phu Nhân thường ngày tu tập sáu pháp Ba La Mật. Bà chỉ dùng những món ăn, nước uống của Chư Thiên đem đến nên không còn ưa thích vị ngon của các món ăn uống ở thế gian. Bấy giờ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều sáng rực luôn.
Những nơi mặt trời, mặt trăng chưa rọi tới thì lúc đó cũng rực sáng khiến chúng sinh trong những cõi tối tăm bỗng được nhìn thấy nhau, họ bàn luận: Sao ở đây bỗng nhiên lại có chúng sinh?
Cũng vào lúc ấy khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới rung chuyển theo mười tám cách, gió mát lành và hương thơm thổi đến từ bốn hướng, người bệnh tật được lành, kẻ nhiều tham, sân, si cũng đều dừng bớt.
Bấy giờ ở Cung Trời Đâu Suất có vị Thiên Tử suy nghĩ: Nay Bồ Tát giáng sinh vào cung Vua Bạch Tịnh, vậy ta cũng hạ sinh nhân gian để khi Bồ Tát thành Phật ta sẽ là người đầu Tiên làm quyến thuộc của người, cúng dường và nghe Phật thuyết pháp.
Nghĩ rồi vị Thiên Tử ấy liền hạ sinh vào gia tộc Minh Nguyệt ở thành Vương Xá. Có nhiều vị Thiên Tử cũng phát nguyện hạ sinh và các tầng lớp từ Chiên Đà La đến hàng Vương gia vọng tộc.
Có vị Thiên Tử sinh vào nhà Vương Tộc ở nước Xá Vệ, có vị sinh vào nhà Vương Tộc ở nước Thâu la quyết xoa, có vị sinh vào nhà Vương Tộc ở nước Độc Tử, có vị sinh ở nhà Vương Tộc nước Bạt La, có vị sinh vào gia đình Vương Tước ở nước Lo La, có vị sinh vào nhà Vương tước ở nước Xoa Thi La.
Hoặc có vị sinh vào nhà Vương Tộc ở nước Câu La Bà, có vị Thiên Tử sinh ở gia đình Bà La Môn, có những vị sinh vào nhà các tầng lớp Trưởng Giả, Cư Sĩ, Tỳ Xá, Thủ Đà La.
Lại có năm trăm vị Thiên Tử sinh vào dòng họ Thích. Tổng cộng có chín mươi chín ức vị Thiên Tử sinh xuống nhân gian. Lại có Chư Thiên ở Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại cho đến Cõi Tứ Thiên Vương cũng sinh xuống trần gian, số lượng không sao kể xiết.
Các vị Thiên Vương ở Cõi Sắc Giới và quyến thuộc cũng sinh xuống nhân gian làm Tiên Nhân.
Ngay khi còn trong thai, Bồ Tát vẫn đi đứng nằm ngồi không chướng ngại và cũng không làm cho mẹ đau đớn.
Bồ Tát ở trong thai mẹ buổi sáng thuyết pháp cho Chư Thiên ở Cõi Sắc Giới, buổi trưa thuyết pháp cho Chư Thiên ở Dục Giới, buổi chiều thuyết giảng cho các loài quỷ thần, ban đêm cũng thế… Bồ Tát đã làm lợi ích cho vô số chúng sinh.
Lúc Bồ Tát còn trong thai, nếu có vị Phu Nhân hay thể nữ nào đến lễ bái cúng dường mà cầu chúc Thái Tử sau này thành vị Chuyển Luân Thánh Vương thì lòng Bồ Tát không vui, còn người nào cầu chúc sau này thành bậc nhất thiết chủng trí thì Bồ Tát rất vui mừng.
Bồ Tát ở trong thai đến tháng thứ mười thì thân thể hoàn bị, các tướng tốt hiện đủ và cũng khiến cho Thánh Mẫu các căn an tịnh, thích ở nơi vắng vẻ, không thích ở chốn náo nhiệt, ồn ào.
Khi ấy Vua Bạch Tịnh suy nghĩ: Phu Nhân mang thai đã đủ ngày tháng rồi nhưng sao không có dấu hiệu gì báo sự sinh nở cả. Vua vừa nghĩ thế thì Phu Nhân cho người đến thưa Vua là người muốn đến vườn hoa ngoạn cảnh.
Vua nghe thế trong lòng rất vui mừng, lập tức truyền cho quan quân dọn dẹp sạch sẽ vườn hoa Lâm Tỳ Ni, lại cho cắt tỉa, sửa sang và thêm nhiều hoa đẹp trong vườn. Các dòng suối, ao tắm đều làm cho trong sạch.
Các bao lơn tầng cấp đều được trang hoàng bằng bảy thứ báu. Trong vườn có những giống chim quý như Phỉ Thúy, Oan Ương, Loan Phụng, Phượng Hoàng và những giống loại chim lạ khác.
Lại treo cờ phướn, dựng lọng tá lì, rải hoa đốt hương, tấu nhạc, làm cho khu vườn thật giống như vườn Hoan Hỷ của Trời Đế Thích.
Vua còn truyền làm sạch sẽ nghiêm trang những lối đi trong vườn, sửa soạn trang sức mười vạn cỗ xe thất bảo, mỗi xe được chạm khắc, trang trí toàn những hình ảnh trang nghiêm đẹp đẽ. Bên ngoài vườn có bốn đội binh là tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh.
Lại tuyển trong cung những thể nữ có dung nhan đoan chánh, không già, không trẻ, tâm tính hiền hòa, thông minh sáng suốt, số lượng ước tính có tám vạn bốn ngàn người để hầu hạ Ma Da Phu Nhân.
Lại truyền tám vạn bốn ngàn đồng nữ thanh tú đeo chuỗi quý đẹp và cầm hương hoa đến trước chờ nơi vườn Lâm Tỳ Ni. Lại truyền cho Phu Nhân của các quan trong triều cũng đi theo hầu.
Lúc Ma Da Phu Nhân lên xe, tất cả Đại Thần và thể nữ chỉnh tề vây quanh cùng đi theo đến vườn Lâm Tỳ Ni.
Tám bộ chúng Trời, Rồng… khi ấy cũng đi theo đầy trên không trung. Khi Phu Nhân vào vườn, các căn của người đều thanh tịnh, lại đúng mười tháng mang thai.
Lúc đó là ngày mồng tám tháng tư, khi mặt trời vừa lên, Phu Nhân thấy cây đại thọ Vô Ưu trong vườn đang nở hoa đẹp đẽ, tỏa hương thơm ngất, cành lá sum suê, vô cùng xanh tốt bèn đưa tay phải lên muốn vịn cành để hái hoa, Bồ Tát liền rời khỏi thai từ hông phải của mẹ.
Dưới cội cây Vô Ưu lúc đó xuất hiện bảy đóa hoa sen lớn bằng bánh xe, Bồ Tát liền tự đi bảy bước trên những đóa sen, đưa tay phải lên, nói tiếng nói như tiếng Sư Tử oai vệ: Từ trên Trời đến cõi nhân gian, Ta là tối tôn tối thắng. Vô lượng kiếp trôi lăn trong sinh tử đến đây đã dứt, ta sinh ra đời để đem lại lợi ích cho tất cả Trời người.
Khi Thái Tử nói những lời ấy xong, bốn vị Thiên Vương lập tức dùng tấm lụa Trời đỡ thân Thái Tử đặt lên ghế báu, có Thích Đề hoàn Nhân cầm lọng báu, Đại Phạm Thiên Vương cầm bạch phất đứng hầu hai bên.
Các vị Long Vương như Nan Đà Long Vương, Ưu Ba Nan Đà Long Vương từ trên không tuôn xuống hai dòng nước thanh tịnh, một dòng ấm áp, một dòng mát mẻ để tắm cho Thái Tử.
Lúc ấy thân Thái Tử ánh lên màu vàng ròng, đủ ba mươi hai tướng, phóng ánh hào quang lớn soi thấu ba ngàn Đại Thiên Thế Giới.
Trời Rồng cùng Tám Bộ Chúng cũng ở trên không trung tấu nhạc, ca hát, ngợi khen, đốt hương rải hoa, tung Thiên y và chuỗi anh lạc rơi xuống đầy ngập, nhiều không thể đếm hết.
Ma Da Phu Nhân từ khi sinh Thái Tử, thân tâm an vui, không có các nỗi khổ, vui mừng phấn chấn. Dưới cội cây Vô Ưu, nơi Phu Nhân hạ sinh Thái Tử lần lượt tự nhiên hiện ra bốn cái giếng, nước trong giếng thơm ngát và trong sạch, đủ tám công đức.
Bấy giờ Ma Da Phu Nhân cùng các quyến thuộc tùy theo nhu cầu mà sử dụng nước ấy để tẩy tịnh thân thể. Lại có các Thần Dạ Xoa bảo vệ Phu Nhân và Thái Tử.
Ngay lúc đó từ loài người trong Cõi Diêm Phù Đề đến Chư Thiên ở Cõi Trời Sắc cứu cánh, tuy đã xa lìa mọi cảm thọ hỷ lạc nhưng đều vui vẻ ngợi khen bậc nhất thiết chủng trí nay đã xuất hiện ở đời làm lợi ích cho vô số chúng sinh và mong Thái Tử sớm thành đạo Chánh Giác, chuyển bánh xe pháp độ khắp chúng sinh. Chỉ có Ma Vương là rầu rĩ ngồi không yên.
Cũng trong lúc ấy Trời Đất bỗng sinh ba mươi bốn điềm lành:
Một là mười phương Thế Giới đều sáng rực.
Hai là ba ngàn đại thiên Thế Giới rung chuyển theo mười tám cách, gò đồi trở nên bằng phẳng.
Ba là tất cả những cây khô đều xanh tươi, sum suê trở lại, trong Vương Quốc bỗng sinh ra những loài cây lạ.
Bốn là trong vườn sinh trái ngọt lạ.
Năm là trên đất bỗng sinh hoa sen báu lớn bằng bánh xe.
Sáu là những kho báu trong đất đều tự nhiên hiện ra.
Bảy là những kho báu bỗng phát ra ánh sáng lớn.
Tám là những y phục tốt đẹp của Chư Thiên bỗng rơi xuống.
Chín là các dòng sông bỗng trở nên êm đềm trong mát.
Mười là gió ngừng thổi, Trời không mây, bầu Trời trong xanh, tươi sáng.
Mười một là mùi hương thơm ngát từ bốn phương bay lại, mưa nhỏ rơi xuống thấm nhuần, làm sạch cát bụi.
Mười hai là những người bệnh tật trong nước bỗng nhiên khỏe mạnh.
Mười ba là những đền đài trong nước không chỗ nào không sáng sủa, ánh sáng của đèn đuốc đều bị lu mờ.
Mười bốn là mặt trời, mặt trăng, sao Trời đứng yên không di chuyển.
Mười năm là sao Tỳ xá khư hiện ra trong nhân gian để hầu Thái Tử khi sinh ra.
Mười sáu là các Vua Trời Cõi Phạm Thiên cầm lọng quý che trên cung Vua.
Mười bảy là các bậc thầy của Chư Tiên trong tám phương đem những thứ quý báu đến để dâng cúng.
Mười tám là những thức ăn trăm vị của Chư Thiên tự hiện ra trước mặt.
Mười chín là bỗng hiện rất nhiều bình quý chứa đầy nước Cam Lộ.
Hai mươi là xe quý của Chư Thiên chở nhiều vật quý báu đến.
Hai mươi mốt là rất nhiều voi trắng trên đầu cài hoa sen đến đứng trước điện.
Hai mươi hai là đoàn ngựa báo lông xanh tự nhiên đến.
Hai mươi ba là có năm trăm con Sư Tử trắng từ Tuyết Sơn xuất hiện nhưng đã dứt hết tính ác, hiền lành sấp thành hàng trước thành.
Hai mươi bốn là các Thiên Nữ ở Cõi Trời tấu nhạc giữa hư không.
Hai mươi năm là những Ngọc Nữ ở Cõi Trời đều cầm những phất trần Khổng Tước hiện ra trên tường của cung điện.
Hai mươi sáu là những Ngọc Nữ ở Cõi Trời tay cầm bình vàng chứa đầy nước thơm đứng khắp trên không trung.
Hai mươi bảy là Chư Thiên khen ngợi công đức của Thái Tử.
Hai mươi tám là địa ngục dừng nghỉ, không hiện ra các cảnh đau khổ ác độc.
Hai mươi chín là các loại độc trùng đều biến mất, những loài chim dữ trở nên hiền lành.
Ba mươi là những ác nghi thức, luật lệ ác độc đồng thời đổi thành yêu thương, hiểu biết.
Ba mươi mốt là phụ nữ đang mang thai trong nước đều sinh con trai, có bao nhiêu bệnh đều lành.
Ba mươi hai là tất cả thọ thần đều hiện thành hình người đến hầu hạ lễ bái.
Ba mươi ba là các Quốc Vương khác đều mang công phẩm quý báu đến thần phục.
Ba mươi bốn là tất cả Trời người không nói những gì không hợp lúc.
Khi ấy các thể nữ thấy những điềm lành ấy đều vô cùng mừng vui, nói với nhau: Thái Tử sinh ra có những điềm tốt đẹp như thế, mong rằng người sẽ sống lâu, không tật bệnh đau khổ để chúng ta khỏi phải buồn rầu.
Nói xong, họ lấy khăn bông mềm đỡ bồng Thái Tử đến chỗ Phu Nhân, có Tứ Thiên Vương trên hư không cung kính đi theo, Trời Đế Thích cầm lọng che, ở trên có hai mươi tám vị đại Quỷ Thần Vương ở bốn góc vườn để bảo vệ.
Lúc ấy có một nàng cung nữ thông minh, lanh lợi từ vườn Lâm Tỳ Ni chạy về cung đến chỗ Vua Bạch Tịnh trình tâu: Đại Vương có uy đức nay lại càng tăng thêm vì Phu Nhân vừa sinh Thái Tử dung mạo đoan chính, đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp.
Lúc sinh ra người đi bảy bước trên những đóa sen, tay phải chỉ lên Trời thốt ra những lời như tiếng Sư Tử: Trên Trời cho đến cõi người, ta là tối tôn, tối thắng. Vô số kiếp sinh tử đến đây đã chấm dứt, ta sinh ra đời để đem lại lợi ích cho tất cả Trời người, và còn bao nhiêu điềm lành không thể kể hết.
Vua nghe tin ấy vô cùng sung sướng, không thể kềm chế được liền cởi ngay xâu chuỗi ngọc đang đeo nơi thân thưởng cho nàng cung nữ. Ngay lập tức Vua truyền lệnh chuẩn bị bốn đội binh cùng với Vương quyến trong cung và mười vạn người trong họ Thích thẳng đến vườn Lâm Tỳ Ni.
Khi tới nơi thấy có đầy đủ Thiên Long Bát Bộ chúng trong vườn, đến chỗ Phu Nhân lại thấy thân tướng Thái Tử tốt đẹp lạ thường, Vua vô cùng vui mừng phấn chấn, giống như sóng lớn trên sông, biển, ôm lòng sợ sệt lo mạng mình sống ngắn ngủi, ví như núi chúa Tu di vốn không thể rung động, nhưng khi Đại Địa rung chuyển thì núi ấy mới rung động.
Vua Bạch Tịnh tánh vốn trầm tĩnh, nhưng nay thấy Thái Tử thì lại nửa mừng nửa sợ, Ma Da Phu Nhân tính tình vốn nhu hòa nay sinh Thái Tử thấy có những điềm lành lạ nên càng hiền dịu hơn nữa.
Lúc đó Vua Bạch Tịnh chắp tay lễ các Thiên Thần rồi tiếp đến bồng Thái Tử đặt lên xe voi bảy báu rồi cùng các quan, thể nữ trong hậu cung, có Chư Thiên tấu nhạc trên không trung theo hộ vệ cùng đi vào thành. Vua và những người họ Thích chưa biết Tam Bảo nên đem Thái Tử đến đền thờ Chư Thiên.
Thái Tử vừa đến đền thì tượng Phạm Thiên liền rời khỏi chỗ ngồi xuống lễ dưới chân Thái Tử và nói với Nhà Vua: Đại Vương nên biết nay Thái Tử là Bậc tôn kính trong Cõi Trời người, các vị Thiên Thần trong hư không đều kính lễ, Đại Vương không thấy sao mà đưa Thái Tử đến đây lễ chúng tôi?
Vua và các quan cùng những người họ Thích trong ngoài đều nghe thấy thế càng ngạc nhiên cho là điều Chưa từng có, liền đưa Thái Tử rời khỏi đền Chư Thiên trở về cung.
Vào dịp này trong dòng họ Thích có năm trăm người con trai được sinh ra cũng cùng một ngày với Thái Tử. Cùng lúc trong chuồng những con voi của Nhà Vua cũng sinh ra voi trắng, ngựa sinh ngựa trắng, trâu dê sinh ra những con lông có năm màu… như thế có đến năm trăm loài.
Các Cung Nữ trong hoàng gia cũng hạ sinh năm trăm người con trai. Năm trăm kho báu ẩn trong đất cũng tự nhiên hiện ra, mỗi kho lại có bảy kho khác quây quần chung quanh. Thương gia từ các nước lớn đem đến Kinh Thành dâng lên Nhà Vua những bảo vật lấy từ biển.
Nhà Vua hỏi các thương nhân: Các người xuống biển lấy những châu báu này chắc chỉ gặp thuận lợi, không gặp khó khăn phải không?
Mọi người đều được đầy đủ, an ổn trở về chứ?
Các thương nhân thưa: Tâu Đại Vương, trên đường đi rất yên ổn. Vua nghe tâu rất vui mừng liền cho mời các vị Bà La Môn đến để cúng dường nhiều loại, nào voi, ngựa, châu báu, ruộng vườn, tôi tớ. Sau khi cúng dường, Vua liền đưa Thái Tử đến nhờ họ đặt tên.
Các vị Bà La Môn bàn với nhau rồi tâu Vua: Lúc Thái Tử sinh, tất cả kho báu đều hiện ra, tất cả những điều hiện ra đều là điềm lành, do vậy nên đặt tên cho Thái Tử là Tát Bà Tất Đạt.
Các vị Bà La Môn vừa nói xong thì từ Hư Không Chư Thiên đánh trống, đốt hương, rưới hoa và cùng hô lớn: Lành thay! Tát Bà Tất Đạt!
Lúc ấy có tám vị Vua cũng như Vua Bạch Tịnh trong ngày ấy sinh được Thái Tử, các Quốc Vương ấy ai cũng vui mừng cho rằng nay ta sinh con có những điềm kỳ lạ mà không biết đó là điềm lành của Thái Tử Tát Bà Tất Đạt vậy.
Họ đều mời các vị Bà La Môn đến để đặt tên cho các Thái Tử ấy, chẳng hạn Thái Tử ở thành Vương Xá có tên là Tần Tỳ Sa La, Thái Tử ở nước Xá Vệ có tên là Ba Tư Nặc, Thái Tử ở nước Thâu La Câu Tra tên là Câu Yết Bà, Thái Tử nước Độc Tử tên là Ưu Đà Diên, Thái Tử của nước Lư La tên là Tật Quang, Thái Tử nước Đức Xoa Thi La tên là Phất Ca La, Thái Tử của nước Ta La Câu La bà tên là Câu La Bà.
Bấy giờ Vua Bạch Tịnh ra lệnh các quan đi khắp nơi tìm mời những bậc thông minh, giàu kiến thức, nhiều trí tuệ, biết xem tướng giỏi, là bậc có tri thức nhất trong đời.
Các quan được lệnh liền đi khắp nơi để tìm kiếm. Vua lại cho xây một tòa điện lớn nơi vườn sau với cửa sổ, bao lơn, tầng cấp đều được trang hoàng đẹp đẽ bằng bảy thứ báu.
Các quan lúc bấy giờ mời được năm trăm vị Bà La Môn thông minh, xem tướng giỏi, đoán được điềm lành lạ. Họ vội tâu lên Vua là các Đạo Sĩ đã đến, Vua vui mừng liền cho mời vào điện chuẩn bị cúng dường.
Những Đạo Sĩ ấy tâu với Vua: Chúng tôi nghe Bệ Hạ vừa sinh Thái Tử có đủ tướng tốt và những điềm lành, vậy xin cho phép chúng tôi được gặp Thái Tử.
Vua liền sai bồng Thái Tử đến, các Đạo Sĩ trông thấy những tướng tốt oai nghiêm của Thái Tử cho là điều chưa từng có.
Vua hỏi họ xem tướng Thái Tử thế nào, các Đạo Sĩ thưa: Tất cả chúng sinh đều muốn có con tốt, nay Đại Vương sinh Thái Tử là điều quý lạ trên đời, chớ sinh lo sợ.
Tâu Đại Vương, việc Đại Vương hạ sinh Thái Tử, chúng tôi chỉ có một lời: Thái Tử chính là con mắt của cả thế gian và Cõi Trời.
Vua hỏi vì sao mà biết, họ đáp: Chúng tôi xem tướng của Thái Tử thấy sắc thân của Thái Tử như vàng ròng, lại có những tướng tốt rất là trong sáng, sau này nếu xuất gia chắc sẽ thành bậc nhất thiết chủng trí, còn ở tại gia sẽ thành vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ.
Ví như trong các dòng nước thì biển là lớn nhất, giữa các rặng núi thì Tu Di là núi cao to nhất, trong các ngôi sao thì mặt trời là sáng hơn hết, những gì sáng mà trong mát thì mặt trăng là hơn hết. Trong thế gian và cả Cõi Trời Thái Tử là tôn quý nhất.
Vua nghe những lời ấy vô cùng sung sướng, không còn lo ngại.
Có vị Bà La Môn tâu với Vua: Trên ngọn Hương Sơn hiện nay có vị Tiên A Tư Đà đủ năm loại thần thông. Vị ấy có thể làm dứt hẳn những mối nghi hoặc cho Đức Vua. Các vị Bà La Môn ấy nói xong liền từ biệt ra về.
Vua Bạch Tịnh lúc ấy suy nghĩ: Tiên A Tư Đà ở tận Hương Sơn, đường xa mà hiểm trở khó đến được, phải làm cách nào mới mời được vị Tiên ấy đến đây?
Tiên A Tư Đà biết được ý nghĩ của Nhà Vua, đồng thời trước đó đã thấy những điềm lành, biết rõ Bồ Tát vì muốn dứt trừ sinh tử nên đản sinh.
Ông liền dùng thần thông lướt trên không đến thẳng Kinh Thành. Người giữ cổng thành thấy vị Tiên đến liền vào tâu lên Tiên A Tư Đà từ không trung đến, đang đứng ngoài cửa thành.
Vua nghe tâu rất vui mừng liền tự thân ra đón vị Tiên, đến nơi, Vua cung kính đảnh lễ rồi hỏi: Nay Tôn Giả đến sao không vào ngay, phải chăng vì người giữ cửa không cho vào?
Tiên Nhân đáp: Vì đến bất ngờ không tiện vào nên phải báo trước.
Vua liền thỉnh vào cung rồi mời vị Tiên ngồi và hỏi: Thưa Tôn Giả, Ngài vẫn mạnh khỏe chứ?
Vị Tiên đáp: Nhờ ân Đại Vương nên vẫn bình yên.
Vua thưa: Tôn Giả hôm nay đến đây làm cho dòng họ chúng tôi được rạng rỡ, từ nay trở đi ngày nào cũng gặp việc tốt đẹp.
Phải chăng vì những việc đã qua nên Ngài đến đây?
Tiên Nhân đáp: Tôi ở Hương Sơn thấy nguồn sáng lớn và những điềm lạ hiện ra, lại biết Đại Vương có ý mong được gặp, nên tôi đến đây. Trong khi dùng thần lực lướt không trung đến đây, tôi nghe Chư Thiên trên không trung bảo rằng Thái Tử tương lai sẽ thành bậc nhất thiết chủng trí cứu thoát Trời người.
Thái Tử sinh ra từ hông bên phải của Phu Nhân, bước trên những bông sen báu, đưa tay lên, tiếng như Sư Tử tuyên bố: Ta là tối tôn, tối thắng trong Cõi Trời người, vô lượng kiếp sinh tử đến đây đã dứt, lần đản sinh này đem lại lợi ích cho cả Trời người, lại có Chư Thiên quây quần cung kính. Nghe những điều kỳ lạ ấy thật sung sướng thay.
Thưa Đại Vương giờ đây tôi có thể gặp Thái Tử được chăng?
Nhà Vua liền đưa Tiên Nhân tới chỗ Thái Tử.
Đến nơi Vua bảo Phu Nhân bồng Thái Tử đến và bảo làm lễ Tiên Nhân, vị Tiên ngăn lại, nói: Thái Tử là đấng tối quý trong ba cõi, sao lại để Thái Tử lễ tôi?
Nói rồi liền chắp tay sụp xuống lễ Thái Tử.
Vua và Phu Nhân thưa: Xin Tiên Nhân đoán tướng Thái Tử xem thế nào. Tiên A Tư Đà quan sát kỹ các tướng của Thái Tử rồi bỗng nhiên không dằn lòng được, buồn bã rơi lệ.
Nhà Vua và Phu Nhân thấy thế toàn thân giật bắn, lòng hoang mang kinh sợ như chiếc thuyền nhỏ bị sóng lớn dồi, hoảng hốt hỏi: Lúc mới sinh Thái Tử có nhiều điềm lành, chẳng hay có điều gì không hay mà Tiên Nhân buồn khóc như vậy?
Tiên Nhân rưng rưng đáp: Tâu Đại Vương, Thái Tử có đủ những tướng tốt, không có gì xấu.
Vua lại hỏi: Chẳng hay Thái Tử thọ mạng như thế nào?
Có thể lên ngôi Chuyển Luân cai trị bốn châu thiên hạ không?
Tôi tuổi đã cao muốn giao phó việc trị nước cho Thái Tử rồi vào núi tu hành. Đó chính là chí nguyện của tôi. Xin Tôn Giả xem kỹ cho.
Khi ấy Tiên A Tư Đà thưa với Vua: Tâu Đại Vương, Thái Tử có đủ ba mươi hai tướng tốt.
Đó là:
1. Dưới bàn chân bằng phẳng.
2. Dưới chân có đủ một ngàn đường vằn như vòng bánh xe.
3. Các ngón tay, ngón chân đều dài hơn người thường.
4. Tay chân đều rất mềm mại.
5. Gót chân rộng, đầy đặn.
6. Các kẽ ngón chân ngón tay có màng như lưới, người bình thường không thể có được.
7. Mu bàn chân đầy đặn, cao bằng gót chân.
8. Bắp chân như chân Lộc Vương.
9. Hai tay buông xuống dài quá gối.
10. Nam căn ẩn kín như Mã Vương, Tượng Vương.
11. Thân hình cao lớn cân đối như cây Ni Câu Lư.
12. Ở mỗi chân lông có sợi lông màu xanh mềm mại và đều xoay về bên phải.
13. Lông trên người sắc xanh, mềm mại và đều rạp nghiêng về bên phải.
14. Có tướng sắc thân màu hoàng kim vi diệu, đẹp hơn vàng Diêm Phù Đàn.
15. Ánh sáng quanh thân chiếu xa một trượng.
16. Làn da mỏng và mịn, bụi không thể bám, muỗi mòng không chích được.
17. Hai lòng bàn tay, bàn chân, hai vai và đảnh đầu cả bảy nơi ấy đều đầy đặn.
18. Dưới hai nách đầy đặn như ngọc Ma Ni.
19. Thân như Sư Tử.
20. Thân thể ngay ngắn, cân đối.
21. Hai vai tròn trịa.
22. Miệng có bốn mươi cái răng.
23. Răng trắng đều khít, chân răng sâu chắc chắn.
24. Bốn răng cửa lớn và trắng.
25. Hai má đầy đặn như Sư Tử.
26. Nước bọt tiết ra hai bên miệng có mùi thơm.
27. Lưỡi mềm và mỏng, rộng dài, phủ cả mặt đến mí tóc.
28. Tiếng nói có âm thanh vô cùng vi diệu như tiếng chim Ca Lăng Tần Già.
29. Màu mắt xanh biếc.
30. Lông mi như Ngưu Vương.
31. Giữa hai hàng lông mày có chòm lông trắng như gấm Đâu La có thể phóng hào quang.
32. Trên đảnh đầu có thịt nổi cao như hình búi tóc.
Thái Tử có đủ ba mươi hai tướng tốt như thế, nếu ở tại gia thì năm hai mươi chín tuổi sẽ lên ngôi Chuyển Luân Thánh Vương, nếu xuất gia sẽ thành bậc nhất thiết chủng trí, rộng độ Trời người.
Nhưng Thái Tử chắc nhất định tu học và đắc đạo thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, sau đó không lâu Ngài sẽ chuyển pháp luân thanh tịnh làm lợi ích Trời người và độ thoát cho chúng sinh.
Tôi nay đã một trăm hai mươi tuổi, không lâu nữa sẽ chết và sinh lên Cõi Trời Vô Tưởng, không gặp được Phật, không nghe được pháp nên buồn tủi mà khóc.
Vua lại hỏi Tiên Nhân:
Tôn Giả bảo có hai đường: Một sẽ làm Chuyển Luân Vương, hai sẽ là thành Bậc Chánh Giác, nhưng sao lại quyết chắc là Thái Tử sẽ thành bậc Chánh Giác.
Tiên Nhân đáp: Trong phép xem tướng của tôi, nếu người nào có đủ ba mươi hai tướng nhưng không ở đúng chỗ, không rõ ràng thì sẽ thành Chuyển Luân Vương, còn nếu ở đúng chỗ lại rõ ràng thì chắc chắn sẽ thành bậc nhất thiết chủng trí.
Nay tôi xem thấy Thái Tử có đủ ba mươi hai tướng, mỗi tướng lại ở đúng vị trí và rất rõ ràng nên tôi quyết chắc Thái Tử sẽ thành bậc nhất thiết chủng trí.
Vị Tiên nói xong liền từ biệt ra đi. Vua Bạch Tịnh nghe những lời đó, trong lòng rất lo buồn vì sợ Thái Tử sẽ xuất gia nên chọn năm trăm cung nữ thông minh, trí tuệ để chăm sóc, phục vụ Thái Tử. Trong số đó người thì cho bú, người thì bồng ấm, người thì tắm rửa, giặt giũ…
Vua lại xây dựng riêng cho Thái Tử ba tòa cung điện ba mùa hợp với khí hậu mùa lạnh, mùa nóng và mùa ấm. Các cung điện ấy được trang hoàng tô điểm bằng bảy món báu, áo quần cũng mặc theo mùa.
Vua lại sợ sau này Thái Tử bỏ cung đi xuất gia nên ra lệnh bố trí các cổng thành sao cho mỗi khi đóng mở sẽ có tiếng động lớn vang xa đến bốn mươi dặm.
Vua lại chọn năm trăm cung nữ hình dung đoan chánh, không gầy không béo, không cao không thấp, không trắng không đen lại giỏi nhiều kỹ xảo, đều trang điểm bằng nhiều vật trang sức quý báu, mỗi phiên một trăm vị, thay nhau chăm sóc Thái Tử.
Trước các cung điện ấy, Vua cho trồng đầy các loại cây có quả ngọt, cành lá sum suê, hoa nở tươi thắm. Lại có ao tắm trong mát, bờ ao mọc lớp cỏ thơm dày, trong ao có hoa sen đủ màu và nhiều vô số kỳ hoa dị thảo khác, lại có hàng ngàn giống chim lạ trong vườn để làm đẹp mắt, vui tai cho Thái Tử.
Sau khi sinh Thái Tử được bảy ngày, Ma Da Phu Nhân qua đời và do công đức cưu mang Thái Tử nên được sinh lên Cung Trời Đao Lợi.
Người dì là Phu Nhân Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi nấng Thái Tử không khác gì mẹ hiền. Vua cha còn cho làm mũ bảy báu, chuỗi anh lạc cho Thái Tử.
Thái Tử càng lớn thì Vua cho làm các loại xe như xe voi, xe ngựa, xe dê, xe trâu, và đầy đủ tất cả các loại đồ chơi, không thứ gì không có.
Lúc ấy nhân dân cả nước đều sống an vui, mùa màng sung túc, thời tiết điều hòa, không có trộm cướp… vô cùng an ổn, thái bình, đều là nhờ phước đức của Thái Tử. Vua lại truyền Xa Nặc, một trong năm trăm người con trai, con của các thị nữ đến để hầu Thái Tử.
Năm Thái Tử lên bảy tuổi, Vua nghĩ Thái Tử đã lớn nên lo việc học tập cho Ngài. Vua cho tìm khắp trong nước những vị Bà La Môn thông tuệ, am tường các loại sách quý, mời đến để dạy Thái Tử học.
Lúc ấy có vị Bà La Môn tên Bạt Đà La Ni cùng với năm trăm vị thân hữu Bà La Môn khác đều nhận lời mời của Vua cùng đến.
Vua hỏi các vị Bà La Môn: Thưa các Tôn Giả, Chư vị đều muốn làm thầy của Thái Tử, nay các vị sẽ dạy thế nào?
Họ nói: Những gì chúng tôi biết sẽ trao truyền hết cho Thái Tử. Vua liền cho xây một trường học lớn, dùng các thứ báu để trang trí. Bàn ghế và tất cả học cụ đều đầy đủ và đẹp đẽ, rồi chọn ngày lành đưa Thái Tử đến để các vị Bà La Môn dạy học. Khi ấy các vị thầy Bà La Môn đưa ra bốn mươi chín loại sách để dạy Thái Tử đọc.
Thái Tử thấy như thế liền hỏi các thầy dạy: Đây là những sách gì?
Trong Cõi Diêm Phù Đề có bao nhiêu loại sách?
Các thầy Bà La Môn đều im lặng không trả lời được. Thái Tử lại hỏi riêng chữ A có bao nhiêu nghĩa.
Các vị thầy dạy cũng không đáp được, tự thấy xấu hổ, đứng dậy lễ Thái Tử mà khen ngợi: Lúc mới sinh Thái Tử đi bảy bước và tự nói rằng trong Cõi Trời người, Thái Tử là tôn quý nhất. Lời ấy quả thật không sai. Xin Thái Tử cho biết trong Cõi Diêm Phù Đề có bao nhiêu loại sách.
Thái Tử nói: Trong Cõi Diêm Phù Đề có sách Phạm ngữ, có sách Khư Lâu, có sách Liên Hoa… có tất cả sáu mươi bốn loại. Chữ A là âm tiếng Phạm, nghĩa của chữ này là không thể hư hoại, cũng là đạo lý chân chánh Vô Thượng. Những nghĩa như thế rất nhiều, vô lượng vô biên.
Khi đó, các vị thầy Bà La Môn trong lòng cảm thấy vô cùng xấu hổ nên đến tâu Vua: Tâu Đại Vương, Thái Tử là vị thầy bậc nhất trong Cõi Trời người, chúng tôi làm thế nào dạy được. Vua nghe các vị ấy nói thế lại càng vui mừng cho là việc chưa từng có, liền tùy theo sở thích của các thầy Bà La Môn mà cúng dường.
Tất cả các môn học thuật sách vở, lý luận, thiên văn, địa lý, toán số đến các môn kỹ nghệ như bắn cung, cưỡi ngựa, Thái Tử đều tự mình thông tỏ.
Năm Thái Tử lên mười tuổi, trong họ Thích có năm trăm đồng tử cùng tuổi với Ngài. Thái Tử lại có những người em như Đề Bà Đạt Đa, Nan Đà, Tôn Đà La Nan Đà… Trong số ấy có người có ba mươi tướng tốt, người có ba mươi mốt tướng, cũng có người đủ ba mươi hai tướng nhưng không hiển lộ rõ. Có người giỏi nhiều môn, có người sức lực mạnh mẽ vô cùng.
Đề Bà Đạt Đa nghe Thái Tử các môn đều giỏi, danh tiếng lừng lẫy khắp nơi nên bàn với năm trăm vị Đồng Tử: Thái Tử tuy thông minh trí tuệ, biết nhiều sách vở, biện luận giỏi nhưng sức mạnh chưa chắc bằng chúng ta. Ta muốn thi sức mạnh với Thái Tử.
Lúc bấy giờ Vua Bạch Tịnh cho người đi tìm những vị thầy dạy bắn cung giỏi trong nước đến truyền nghề cho Thái Tử. Một hôm vị thầy dạy Thái Tử bắn cung, Đề Bà Đạt Đa cùng năm trăm Đồng Tử cũng đi theo đến hậu viên của Hoàng Cung để tập luyện, đích bắn là những chiếc trống bằng sắt.
Vị thầy trao cho Thái Tử một cái cung nhỏ, Thái Tử mỉm cười hỏi: Thầy trao vật này cho con để làm gì?
Vị Xạ Sư đáp: Ta muốn Thái Tử bắn trúng cái trống sắt đó. Thái Tử cho rằng cung ấy yếu lắm, yêu cầu bảy cái cung như thế, vị thầy liền trao cho Thái Tử. Thái Tử cầm cả bảy cánh cung bắn một mũi tên mà xuyên qua bảy chiếc trống sắt. Khi ấy vị Xạ sư liền đến tâu lên Vua.
Tâu Đại Vương, Thái Tử đã tự biết thuật bắn cung, chỉ bắn một mũi tên xuyên bảy chiếc trống sắt. Trong cõi Diêm Phù Đề này không ai hơn được Thái Tử.
Vậy sao Bệ Hạ còn truyền cho thần làm thầy của Thái Tử?
Vua nghe thế rất mừng, thầm nghĩ: Con ta rất thông tuệ, mọi môn học thuật sách vở, biện luận, toán số đều giỏi, thì mọi người đều biết nhưng việc Thái Tử giỏi bắn cung thì ít người biết. Nhà Vua lập tức truyền lệnh bố trí các trống sắt, tổ chức thi tài cho Thái Tử và nhóm năm trăm người của Đề Bà Đạt Đa.
Vua cũng thông báo cho dân chúng biết bảy ngày sau Thái Tử và Đề Bà Đạt Đa sẽ thi võ nghệ ở hậu viên, ai là người giỏi võ nghệ đều có thể đến thi.
Đến ngày thứ bảy, Đề Bà Đạt Đa cùng sáu vạn người trong thân quyến ra khỏi thành đầu Tiên. Bỗng có một con voi to đứng chặn ở cổng thành, quân lính không ai dám đi tới.
Đề Bà Đạt Đa thấy thế hỏi: Vì sao đứng lại không tiến tới?
Quân thưa vì có con voi lớn chặn ở cổng thành. Đề Bà Đạt Đa nghe xong liền một mình tiến tới gần con voi, dùng tay đấm mạnh vào đầu voi, con voi quỵ ngã xuống đất chết ngay. Khi đó quân lính mới lần lượt đi qua.
Đến khi Nan Đà và quyến thuộc đi ra thành, quân lính cũng lần lượt đi qua một bên, Nan Đà hỏi tại sao mọi người đi chậm thế, có người thưa: Đề Bà Đạt Đa dùng tay đắm chết voi, xác nằm ngay cổng thành, mọi người phải tránh sang một bên nên không đi nhanh được.
Nan Đà nghe thế liền một mình đi đến đó dùng ngón chân hất xác voi qua một bên lề đường để mọi người đi qua. Lúc đó nhiều người xung quanh đều tụ tập lại để xem.
Đến lượt Thái Tử cùng mười vạn quyến thuộc muốn ra khỏi thành, nhưng thấy mọi người đang tụ tập đông đảo, hỏi ra mới biết Đề Bà Đạt Đa dùng tay đắm chết voi để xác ở cổng thành, Nan Đà dùng ngón chân hất xác voi sang bên lề do vậy mọi người vây quanh để xem.
Khi ấy Thái Tử nghĩ đã đến lúc thị hiện thần lực nên liền đến nâng xác voi ném ra ngoài thành rồi lại đưa tay đỡ mà không làm cho voi bị tổn thương. Con voi bỗng sống lại, mạnh khỏe như trước, không hề bị đau đớn, khổ não. Dân chúng thấy thế khen là việc chưa từng có. Đức Vua khi nghe việc ấy cũng cho là vô cùng lạ thường.
Khi Thái Tử, Đề Bà Đạt Đa, Nan Đà cùng dân chung đến nơi hậu viên đã được sắp đặt trang nghiêm, bày sẵn các loại trống bằng vàng, bạc, đồng, đá, sắt… mỗi loại đều có bảy chiếc. Đề Bà Đạt Đa bắn trước xuyên thủng ba chiếc trống bằng vàng, Nan Đà bắn thứ hai cũng bắn xuyên ba chiếc trống, dân chúng ai cũng khen ngợi.
Lúc ấy các quan thưa với Thái Tử: Đề Bà Đạt Đa và Nan Đà đã bắn xong, nay đến lượt Thái Tử. Xin Thái Tử hãy bắn những chiếc trống kia. Các vị ấy thưa đến ba lần như thế.
Thái Tử bảo: Nếu muốn bắn những chiếc trống ấy thì cánh cung này yếu lắm, hãy tìm cho ta cánh cung nào cứng hơn.
Các quan thưa: Tiên Vương có một chiếc cung rất tốt, hiện ở trong kho, có thể đem đến cho Thái Tử. Khi cung được đưa đến, Thái Tử cầm lên, bắn một mũi tên xuyên qua tất cả trống và cắm xuống ao làm nước trong ao bắn vọt lên, mũi tên còn xuyên suốt đến núi Thiết Vi.
Lúc ấy Đề Bà Đạt Đa và Nan Đà đùa giỡn vật nhau, nhưng cả hai đều ngang sức nên không người nào thắng được. Thái Tử bước tới dùng tay nắm chặt cả hai em vật ngã xuống đất nhưng do lòng từ bi nên cả hai người đều không hề bị đau đớn.
Dân chúng thấy Thái Tử có sức mạnh như vậy nên đồng thanh hô to: Thái Tử con Vua Bạch Tịnh không những trí tuệ vượt hơn tất cả người mà sức mạnh cũng không ai sánh bằng. Không ai không thán phục, càng cung kính Thái Tử hơn.
Lúc bấy giờ Vua Bạch Tịnh truyền gọi các quan đến để cùng bàn luận, Vua nói: Nay Thái Tử đã lớn, đã có đầy đủ trí tuệ và sức lực. Nay trẫm cần phải lấy dùng nước bốn biển để làm lễ quán đảnh cho Thái Tử.
Nói rồi Vua liền truyền lệnh cho tất cả các Tiểu Vương đến ngày tám tháng hai hãy tụ họp về cung để dự lễ quán đảnh của Thái Tử.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn - Kinh đánh Lừa Là Chết
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát - Phẩm Bảy - Phẩm Giới Hạnh đầy đủ