Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI

QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống  

PHẦN SÁU  

Đến một ngày kia Thái Tử lại xin Vua cha ra ngoài du ngoạn, Vua suy nghĩ: Nay có Ưu Đà Di làm bạn, nếu Thái Tử có đi dạo chơi chắc là khác trước, không sợ Thái Tử sinh tâm chán cõi đời, muốn xuất gia.

Nghĩ thế nên Vua bằng lòng, và lại triệu tập các quan đến ra lệnh: Nay Thái Tử lại muốn ra ngoài thành du ngoạn, ta không nỡ không cho. Hai lần trước, Thái Tử ra cửa thành phía Đông và phía Nam đều gặp người già, người bệnh nên buồn rầu quay xe về. Nay cho đi cửa thành phía Tây trẫm lại sợ gặp có điều gì không vui, nhưng có Ưu Đà Di làm bạn thân, hy vọng khác trước.

Các Khanh hãy cho sửa sang đường sá, các khu lâm viên, đài quán thật trang nghiêm. Chuẩn bị sắp xếp phan lọng, hương hoa nhiều hơn lần trước và tuyệt đối không cho những người già cả, bệnh tật đi trên đường.

Vua lại cho đoàn kỹ nữ xinh đẹp đến vườn hoa trước và lại bảo Ưu Đà Di: Nếu dọc đường có những gì không vui thì ngươi phải cố biện luận sao cho Thái Tử không ưu sầu nữa.

Vua lại truyền dặn các quan đi theo phải luôn xem chừng, hễ thấy người già xấu xí lập tức xua đuổi đi nơi khác ngay.

Khi ấy Thái Tử và Ưu Đà Di cùng các quan hầu đốt hương, tung hoa, tấu nhạc ra khỏi cửa thành phía Tây.

Bấy giờ vị Trời Tịnh Cư suy nghĩ: Hai lần trước ta hóa thân thành người già, người bệnh ai cũng trông thấy, nên Vua Bạch Tịnh giận dữ quở trách các quan. Nay ta hóa ra người chết sao cho chỉ một mình Thái Tử và Ưu Đà Di thấy thôi để các quan khỏi bị quở trách xử tội. Nghĩ rồi, Trời Tịnh Cư liền hóa thành xác người chết có bốn người đẩy xe, trên xác có thắp hương rải hoa, có người nhà già trẻ khóc lóc tiễn đưa.

Lúc Thái Tử trông thấy cảnh ấy liền hỏi Ưu Đà Di: Đó là vật gì mà có hương hoa rải trên, lại có người khóc lóc đưa tiễn?

Ưu Đà Di vì có lệnh Vua nên im lặng không trả lời.

Thái Tử hỏi đến ba lần, vị Trời Tịnh cư dùng thần lực làm cho Ưu Đà Di tự nhiên thốt lên: Đó là người chết.

Thái Tử lại hỏi: Sao gọi là chết?

Ưu Đà Di thưa: Chết tức là thân xác không còn, sức lực, thần thức rời khỏi thân thể, các căn ngưng hoạt động, không còn biết gì nữa. Người đó khi còn sống ở đời, tham luyến năm dục, khổ sở làm lụng, chỉ biết lo chứa giữ tiền của mà không hay khi vô thường đến phải chết đi, trong phút chốc rời bỏ tất cả, lại làm cho cha mẹ bà con thân thuộc buồn khổ. Con người khi chết rồi thì giống như cây cỏ, ân tình tốt xấu không còn dính líu nữa. Quả thật chết thật là đáng buồn.

Thái Tử giật mình hỏi Ưu Đà Di: Chỉ có người ấy chết hay tất cả mọi người đều phải chết?

Thưa: Tất cả sinh vật trên thế gian này đều phải như thế cả. Dẫu sang giàu hay nghèo hèn đều không ai tránh khỏi.

Thái Tử vốn là người trầm tĩnh nhưng nghe xong cũng cảm thấy bất an liền nói nhỏ với Ưu Đà Di: Thế gian lại còn có nỗi khổ là cái chết, vậy sao mọi người sống trong nỗi khổ đó vẫn cứ buông lung, lòng như gỗ đá, không biết sợ hãi.

Nói xong liền bảo đánh xe quay về, người đánh xe thưa: Hai lần trước đi chơi nữa chừng quay về nên khiến Đức Vua rất giận dữ quở trách, nay chúng tôi đâu dám quay về.

Khi ấy Ưu Đà Di nói với người đánh xe: Nếu ngươi không dám quay về thì cứ đánh xe đi đến vườn hoa.

Khi Thái Tử và đoàn người đến nơi, trong vườn đã được sắp xếp, chuẩn bị trang nghiêm hương, hoa, lọng, lại có tấu nhạc. Các nàng kỹ nữ xinh đẹp như thể nữ ở Cõi Trời đến trước Thái Tử dập dìu ca múa để làm rung động lòng Thái Tử nhưng lòng Thái Tử vẫn thản nhiên không động.

Thái Tử truyền lệnh cho các thị vệ đứng ngoài, một mình đi đến ngồi thẳng lưng suy nghĩ dưới bóng mát một cội cây trong vườn. Thái Tử nhớ lần trước dưới bóng cây Diêm Phù, Ngài đã từng nhập định lìa xa các dục tưởng đạt đến cõi Tứ Thiền.

Lúc ấy Ưu Đà Di đến trước Thái Tử thưa: Vua đã truyền lệnh cho tôi làm bạn với Thái Tử, không được xa rời là để khuyên giải Thái Tử.

Phàm làm bạn có ba điều: Một là thấy bạn sai trái phải khuyên ngăn, hai là thấy bạn có điều tốt thì vui mừng theo bạn, ba là gặp nguy hiểm không bỏ nhau. Nay tôi xin tỏ lời thành thực mong Thái Tử đừng quở trách.

Các vị Vua xưa nay đều trước hưởng thú vui năm dục, sau mới xuất gia, thế sao Thái Tử lại định đoạn tuyệt thế gian. Xin Thái Tử hãy như người xưa, đừng nên có ý định bỏ ngôi đi học đạo. Xin Thái Tử cứ thọ hưởng năm dục, nên có con để dòng Vương Tộc không bị tuyệt hậu.

Thái Tử đáp: Theo lời anh nói thì Ta có làm gì tổn hại Quốc Gia đâu. Ta bảo năm dục không có gì vui là vì sợ sinh tử luân hồi nên không đắm say chúng.

Anh bảo các vị Vua xưa kia trước hưởng qua năm dục rồi sau mới xuất gia, nhưng nay các vị Vua ấy sinh ở nơi nào?

Vì đắm say năm dục nên sa vào địa ngục, hoặc vào ngạ quỷ hay súc sanh, hoặc ở Cõi Trời người, bị chuyển xoay khổ sở. Chính vì vậy nên ta muốn tìm phương pháp xa lìa sinh lão bệnh tử. Nay vì sao anh lại khuyên ta thọ hưởng chúng.

Khi ấy Ưu Đà Di dù là kẻ biện tài giỏi nhưng vẫn không thuyết phục được Thái Tử nên đành trở về chỗ ngồi. Thái Tử bảo chuẩn bị xe ngựa trở về cung. Các cung nữ và Ưu Đà Di rất buồn, dung mạo của họ ảo não chẳng khác gì đang có tang người thân, về đến cung, Thái Tử tỏ ra buồn nhiều hơn những lần trước.

Vua Bạch Tịnh liền gọi Ưu Đà Di hỏi: Thái Tử hôm nay đi du ngoạn sao lại không vui?

Ưu Đà Di thưa: Ra khỏi thành không xa, Thái Tử và thần từ xa đã thấy một người chết không biết từ đâu đến, Thái Tử hỏi đó là vật gì, thần bỗng tự nhiên đáp đó là người chết.

Vua lại hỏi quan quân tùy tùng khác: Các ngươi có thấy người chết ở ngoài cửa thành phía Tây không?

Tất cả người trong đoàn đều trả lời: Chúng tôi không thấy.

Nghe thế Vua chợt hiểu ra, thầm nghĩ: Chỉ có Thái Tử và Ưu Đà Di thấy vậy là do sức của Chư Thiên, không phải là lỗi ở các quan, chắc là đúng như lời tiên A Tư Đà đã nói. Nghĩ thế nên Vua rất đau buồn, lại cho tăng thêm số kỹ nữ phục vụ Thái Tử.

Hàng ngày Vua đều cho người đến an ủi Thái Tử: Đất nước là của Thái Tử, sao người cứ mãi buồn khổ không vui. Vua còn truyền lệnh cho các kỹ nữ ngày đêm tìm mọi cách làm vui lòng Thái Tử.

Tuy Vua biết đó là uy lực của Chư Thiên, con người khó thể cưỡng lại được nhưng vì quá yêu con nên Vua không thể không ngăn cản Thái Tử.

Vua tự nghĩ: Thái Tử đã đi dạo ba cửa thành, chắc thế nào rồi cũng sẽ xin ra cửa thành phía Bắc đi dạo. Ta phải truyền lệnh dọn dẹp, trang trí cảnh vườn ở phía Bắc Kinh Thành thật rực rỡ, trang nghiêm lộng lẫy gấp bội các lần trước, không để một hình ảnh xấu xa nào ở đây. Nghĩ thế rồi, Vua truyền sai các quan thi hành việc ấy thật hoàn bị.

Vua lại khấn trong lòng: Nay Thái Tử du ngoạn ở cửa Bắc, cầu xin Chư Thiên chớ hiện ra những điều chẳng lành khiến Thái Tử buồn rầu, cầu nguyện xong, Vua truyền lệnh cho người đánh xe: Nếu Thái Tử ra ngoài thành du ngoạn nên làm thế nào để Thái Tử thấy toàn những cảnh phồn vinh, mỹ lệ rực rỡ của người dân.

Một lần nữa, Thái Tử lại xin ra ngoài thành du ngoạn, Vua không nỡ chối từ nên truyền Ưu Đà Di và các quan hộ tống Thái Tử ra cửa thành phía Bắc. Khi đoàn người đã đến khu vườn, Thái Tử xuống ngựa để thị vệ đứng ngoài, đến an tọa dưới một bóng cây, trầm tư về nỗi khổ già, bệnh, chết trong cuộc đời.

Khi ấy vị Thiên Tử Cõi Trời Tịnh cư hiện thân thành một vị Tỳ Kheo vận pháp phục, ôm bình bát, cầm tích trượng, mắt khép nhẹ nhìn xuống đất đi ngang trước Thái Tử.

Thái Tử nhìn thấy liền hỏi: Ông là ai?

Vị Tỳ Kheo đáp: Tôi là một Tỳ Kheo.

Thái Tử hỏi: Sao gọi là Tỳ Kheo?

Đáp: Tỳ Kheo là người phá được kết tặc phiền não, không thọ thân sau nên gọi là Tỳ Kheo. Trong thế gian, tất cả đều là vô thường, hư ảo, con đường tôi đang tu tập là Thánh Đạo vô lậu, không say đắm trong sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, đạt giác ngộ hoàn toàn, đến được bờ giải thoát.

Nói xong, ngay trước Thái Tử vị hóa Tỳ Kheo hiện sức thần thông bay lên không mà đi. Lúc ấy, các quan quân theo hầu đều trông thấy.

Thái Tử sau khi thấy vị Tỳ Kheo ấy và nghe nói rõ về công đức của việc xuất gia, trong lòng vốn đã nhàm chán cảnh ham muốn ở đời nên cất tiếng hô lớn: Lành thay! Lành thay! Trong Cõi Trời người, chỉ có con đường đó là hơn hết. Ta nhất định tu học theo con đường ấy.

Nói xong, Thái Tử truyền đánh xe quay về thành.

Lúc ấy lòng Thái Tử rất vui, tự nghĩ: Trước đây, ta thấy nỗi khổ của già, bệnh, chết, khiến ngày đêm lo sợ chúng bức bách. Nay gặp vị Tỳ Kheo làm cho tỏ ngộ, chỉ rõ con đường giải thoát. Nghĩ thế nên Thái Tử luôn tìm cách xuất gia.

Khi đoàn người hồi cung, Vua Bạch Tịnh liền hỏi Ưu Đà Di: Thái Tử hôm nay ra thành đi dạo có được vui không?

Ưu Đà Di thưa: Thái Tử trên đường đi không gặp điều gì không lành. Khi vào trong vườn, Thái Tử một mình đến ngồi dưới bóng cây thì từ xa trông thấy một người cạo bỏ râu tóc, thân khoác y Cà Sa, đến trước Thái Tử trò chuyện, trò chuyện xong thì bay lên hư không mà đi, không ai biết họ nói với nhau điều gì. Sau đó Thái Tử truyền lệnh đánh xe trở về. Lúc ấy khuôn mặt Thái Tử rất vui vẻ, khi về đến cung mới sinh buồn rầu.

Vua Bạch Tịnh nghe những lời Ưu Đà Di tâu lòng sinh nghi ngờ, không biết đó là điềm gì nên càng lo buồn, thầm nghĩ: Thái Tử chắc sẽ bỏ nhà đi học đạo, vả lại Thái Tử cưới vợ đã lâu mà không có con. Nay ta phải bảo Da Du Đà La phải làm thế nào. Nếu không sẽ không người nối ngôi, lại phải đề phòng, kẻo Thái Tử đi lúc nào không biết.

Nghĩ thế rồi Vua liền đem những ý nghĩ đó bảo với Da Du Đà La. Da Du Đà La nghe Vua nói thẹn thùng im lặng và từ đó đi, đứng, nằm, ngồi không rời Thái Tử, còn Nhà Vua thì truyền tuyển những cung nữ thật xinh đẹp đến để làm vui lòng Thái Tử.

Năm Thái Tử được mười chín tuổi, Ngài suy nghĩ: Nay đúng là lúc ta nên xuất gia tu tập. Nghĩ rồi liền đến chỗ Vua cha với thần thái ung dung, nghiêm trang như Trời Đế Thích đến gặp Trời Phạm Thiên. Những quan hầu cận trông thấy Thái Tử đến vội vào trình tâu với Vua. Vua nghe tâu trong lòng nửa mừng nửa lo. Thái Tử đến gần cúi đầu lễ Vua cha, Nhà Vua liền đỡ Thái Tử lên và bảo Thái Tử ngồi.

Sau khi ngồi xuống, Thái Tử thưa Vua cha: Ân ái có hội hợp phải có chia ly. Cúi xin Phụ Vương cho con đi xuất gia học đạo. Tất cả mọi người khi yêu thương mà phải xa nhau sẽ rất đau khổ. Nay con muốn làm cho mọi người đều được giải thoát, xin Phụ Vương chấp thuận, đừng cản trở con.

Vua Bạch Tịnh nghe xong lời Thái Tử tâu, lòng rất đau khổ, khác nào núi Kim Cang xô ngã những núi khác, toàn thân run rẩy, không thể ngồi vững được. Vua cầm tay Thái Tử ứa lệ không nói nên lời.

Một lúc lâu sau, Vua mới cất giọng nghẹn ngào nói: Con nên bỏ ý định xuất gia đi, vì sao?

Vì tuổi con còn trẻ, nước nhà lại chưa có người nối dõi, giờ chỉ còn một mình cha, con nỡ nào lại bỏ ra đi.

Thái Tử thấy Vua cha buồn bã khóc lóc, không ưng thuận nên quay về cung, suy nghĩ đến việc xuất gia mà buồn rầu không vui.

Bấy giờ các Thầy tướng giỏi ở thành Ca Tỳ La đều đoán trong vòng bảy ngày nếu Thái Tử không xuất gia thì sẽ lên ngôi Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ, bảy món báu sẽ tự nhiên hiện nên liền đến tâu Vua: Dòng họ Thích Ca nay sắp hưng thịnh.

Vua nghe thế rất vui, lập tức truyền lệnh cho các quan và các vị trong Thích Tộc đến bảo: Các Khanh có nghe lời tiên đoán của các tướng sư không?

Vậy nay mọi người đều phải ngày đêm theo hầu, canh giữ Thái Tử. Ở bốn cửa thành, mỗi cửa phải bố trí một ngàn người canh giữ, khắp chu vi bên ngoài thành, cứ một do tuần phải đặt một đội quân canh phòng.

Nhà Vua còn truyền cho Da Du Đà La và các quan trong nội cung phải nên gia tăng canh phòng hơn nữa, suốt trong bảy ngày không để Thái Tử xuất gia. Vua lại đến cung của Thái Tử. Thái Tử thấy Vua cha đến liền ra nghinh tiếp, vấn an sức khỏe.

Vua nói với Thái Tử: Xưa kia tiên A Tư Đà và nay các tướng sư cũng nói là con nhất định không ưa thích sống trong cảnh trần tục, nhưng việc nối dõi tông đường rất quan trọng, Vương Tộc phải có người kế vị. Vậy cha xin con hãy sinh cho cha đứa cháu rồi hãy xuất gia. Con không nên trái ý cha.

Thái Tử nghe lời Phụ Vương nói xong, trong lòng suy nghĩ: Sở dĩ Vua cha không cho Ta xuất gia chính là vì chưa có người nối ngôi.

Thái Tử liền thưa với Vua cha: Quý hóa thay lời dạy của Phụ Vương!

Thái Tử liền dùng tay trái chỉ vào bụng Da Du Đà La. Vài ngày sau, Da Du Đà La thấy trong người khác lạ, biết là đã thọ thai. Vua nghe Thái Tử khen lệnh của mình nên rất vui mừng nghĩ rằng trong bảy ngày nữa nhất định chưa thể có cháu ngay được. Nếu quá kỳ hạn bảy ngày tự nhiên Thái Tử sẽ lên ngôi Chuyển Luân Vương, hẳn là không còn ý định xuất gia nữa.

Lúc ấy Thái Tử suy nghĩ: Nay ta đã mười chín tuổi. Hôm nay là mùng bảy tháng hai chính là lúc ta phải tìm đường xuất gia, vả lại sở nguyện của Vua đã được đáp ứng. Nghĩ thế xong Thái Tử từ thân phóng hào quang chiếu sáng cung điện của Tứ Thiên Vương và đến tận cung Trời Tịnh Cư, nhưng không để nhân gian trông thấy.

Bấy giờ Chư Thiên thấy ánh sáng ấy biết Thái Tử đã đến lúc xuất gia liền xuống chỗ Thái Tử, cung kính lễ và chắp tay thưa: Từ vô lượng kiếp Ngài đã phát nguyện tu hành, nay đã đến lúc xuất gia.

Thái Tử đáp: Đúng như lời các ông vừa nói, nay đã đến lúc ta xuất gia nhưng Phụ Vương đã ra lệnh bố trí từ trong cung đến ngoài thành đều có quan quân canh gác cẩn thận, muốn đi rất khó.

Chư Thiên thưa: Chúng tôi sẽ có cách để Thái Tử ra khỏi thành mà không ai hay Chư Thiên liền dùng thần lực khiến quan quân ngủ say.

Bấy giờ Da Du Đà La trong giấc ngủ mộng thấy ba điềm: Một là thấy Mặt Trăng rơi xuống đất, hai là thấy răng rụng, ba là thấy mất cánh tay phải.

Da Du Đà La giật mình tỉnh giấc vô cùng lo sợ báo với Thái Tử: Thiếp vừa thấy ba giấc mộng dữ.

Thái Tử hỏi: Nàng mộng thấy những gì?

Da Du Đà La kể lại các giấc mộng ấy.

Thái Tử nói: Trăng vẫn ở trên Trời, răng nàng vẫn còn đó, tay nàng nào có mất. Nàng cần biết mộng mị đều là giả, không nên lo sợ.

Da Du Đà La vội thưa: Theo điềm mộng ấy, thiếp chỉ lo sợ Thái Tử sẽ xuất gia.

Thái Tử liền trấn an: Nàng hãy ngủ yên, đừng lo nghĩ về việc ấy, sẽ không có gì xấu đến với nàng đâu.

Da Du Đà La nghe thế bèn yên tâm ngủ lại. Lúc ấy Thái Tử từ chỗ ngồi đứng dậy, nhìn ngắm các thị nữ và Da Du Đà La ngủ say bất động như các hình nhân bằng gỗ, ví như thân cây chuối rỗng xốp không chắc thật. Có người nằm ôm choàng các dụng cụ ngủ say, chân tay buông thõng xuống đất. Lại có người say ngủ các nước dịch trong mắt, mũi, miệng ứa tràn ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần