Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI
QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẦN TÁM
Phật nói: Thiện Lai Tỳ Kheo!
Lập tức râu tóc Ca Diếp tự rụng, vận Cà Sa vào người, trở thành Sa Môn. Bấy giờ, Đức Thế Tôn tùy theo căn tánh của Tôn Giả giảng rộng Pháp Tứ Đế.
Vừa nghe xong bài pháp, Ca Diếp liền lìa xa mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Sau đó một thời gian đã chứng được quả A La Hán.
Năm trăm đệ tử thấy thầy đã thành Sa Môn trong lòng rất vui vẻ, cũng có ý muốn xuất gia nên thưa với Phật: Thầy chúng con được Đại Tiên thu nhận, nay đã là Sa Môn. Chúng con cũng vui thích theo thầy học đạo. Cúi xin Đại Tiên chấp nhận cho chúng con được xuất gia.
Phật nói: Thiện Lai Tỳ Kheo! Râu tóc của họ tự rụng xuống, vận Cà Sa vào, trở thành Sa Môn. Sau đó Phật cũng vì họ giảng pháp Tứ Đế. Sau thời pháp, cả năm trăm vị Tỳ Kheo đều xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, chứng được quả Tu Đà Hoàn. Sau một thời gian tu tập, dần dần tất cả đều chứng được quả A La Hán.
Sau khi đắc quả, Ca Diếp và năm trăm vị đệ tử đem hết những dụng cụ thờ lửa vứt bỏ xuống sông Ni Liên Thiền và cùng đi theo Phật.
Bấy giờ hai người em của Ca Diếp là Na Đề Ca Diếp và Già Da Ca Diếp, mỗi người có hai trăm năm mươi người đệ tử và cùng ở bên bờ vùng hạ lưu sông Ni Liên Thiền, bỗng trông thấy các dụng cụ thờ lửa của thầy trò người anh trôi trên sông nên rất ngạc nhiên, suy nghĩ: Anh ta gặp điều gì không lành mà sao nay những dụng cụ thờ lửa bị thả trôi sông.
Phải chăng bị kẻ ác hãm hại?
Hai người em vội chạy đến gặp nhau bàn luận: Anh chúng ta nếu không bị kẻ ác làm hại thì tại sao những dụng cụ thờ lửa lại theo dòng sông trôi xuống. Thật là kỳ lạ, chúng ta hãy mau đến đó xem sao.
Bàn luận xong, họ liền ngược dòng sông lên đến chỗ người anh. Đến nơi thấy cảnh vắng vẻ lòng họ rất buồn rầu, thắc mắc không biết anh và các đệ tử đi đâu.
Trong khi đi tìm kiếm khắp nơi bỗng gặp người quen, họ liền hỏi thăm: Thánh huynh của chúng tôi và các đệ tử không rõ nay ở đâu, ông có biết không?
Vị ấy trả lời: Anh của các Ngài và chúng đệ tử đã bỏ hết những dụng cụ thờ lửa, xuất gia đi theo Sa Môn Cù Đàm tu học.
Hai người em nghe thế vô cùng khổ tâm, cho là việc kỳ lạ chưa từng thấy, thầm nghĩ: Sao anh ta lại bỏ đạo A La Hán mà đi cầu học pháp khác?
Hai người liền tìm đến chỗ người anh.
Đến nơi thấy anh và các đệ tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc Cà Sa liền quỳ lạy, hỏi: Anh vốn là một vị Đại A La Hán thông minh, trí tuệ không ai bằng, tiếng tăm vang cả mười phương mọi người đều kính phục, tại sao nay lại bỏ đạo mà theo học người khác?
Đây đâu phải là chuyện nhỏ.
Ca Diếp liền trả lời hai em: Ta thấy Đức Thế Tôn là Bậc đã thành tựu tâm đại từ bi và có ba điều kỳ diệu:
Một là thần thông biến hóa.
Hai là trí tuệ cực sáng, chắc chắn đã đạt được nhất thiết chủng trí.
Ba là biết rõ căn tánh từng người mà tùy thuận dẫn dắt, do đó mà ta xuất gia tu học theo giáo pháp của Phật.
Ta nay tuy được Vua, quan, dân chúng tôn kính, không luận lý nào ở thế gian mà không phá được nhưng lại không dứt được con đường sinh tử, chỉ có giáo pháp của Như Lai mới có thể dứt hẳn được sinh tử.
Đã gặp được vị Đại Thánh Chí Tôn như vậy mà không tự gắng sức để cầu học theo vị thầy tối thắng là người không có lòng và cũng không có mắt.
Hai người em thưa: Nếu đúng như lời anh nói, bậc ấy chắc chắn đã thành tựu được nhất thiết chủng trí. Các đạo lý, tri thức chúng em có được đều do công sức của anh. Nay anh đã theo Phật xuất gia, chúng em cũng như anh nguyện theo Phật xuất gia học đạo.
Hai người em, mỗi vị bèn hỏi chúng đệ tử của mình: Nay ta muốn theo đường của anh cả ta xuất gia theo học Phật Pháp, vậy ý các người thế nào?
Các đệ tử thưa: Chúng con có được tri kiến đều là nhờ ân của Đại Sư. Nay Đại Sư có ý xuất gia theo Phật, chúng con cũng nguyện đi theo.
Lúc ấy Na Đề Ca Diếp và Già Da Ca Diếp, mỗi vị đem hai trăm năm mươi đệ tử đến trước Phật cúi đầu lễ xuống chân Phật thưa: Bạch Thế Tôn, xin người từ bi thương xót mà cứu vớt chúng con.
Phật nói: Thiện Lai Tỳ Kheo! Râu tóc của họ đều tự rụng, vận Cà Sa, trở thành Sa Môn.
Hai người lại bạch Phật: Các đệ tử của chúng con cũng nguyện xin xuất gia. Kính xin Thế Tôn từ bi tiếp nhận.
Phật đáp: Quý hóa lắm!
Rồi Ngài hô lớn: Lành thay các Tỳ Kheo! Râu tóc trên người họ tự rụng, vận Cà Sa, đều thành Sa Môn. Bấy giờ Đức Thế Tôn vì Na đề Ca Diếp, Già Da Ca Diếp và chúng đệ tử hiện sức Đại Thần thông rồi tùy theo căn cơ mà Thuyết Pháp.
Phật dạy: Này các Tỳ Kheo, các ông nên biết thế gian này luôn bị các thứ lửa dữ là tham, sân, si thiêu đốt. Trước đây các ông thờ ba thứ lửa đã có thể trừ bỏ được Chướng ngại thô lậu bên ngoài, nhưng ba thứ lửa độc này lại xuất phát từ thân tâm, các ông cần phải mau đoạn trừ chúng.
Lúc bấy giờ các Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy, ngay lập tức xa lìa mọi trần cấu phiền não, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Thế Tôn lại vì họ giảng rộng pháp Tứ Đế. Sau một thời pháp, tất cả họ đều đạt được quả A La Hán.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhớ lại: Vua Tần Tỳ Sa La trước đây có nguyện rằng nếu ta đắc đạo thì nên độ ông ta trước. Nay đã đến lúc ta nên đến đó để hoàn thành bản nguyện cho Nhà Vua.
Nghĩ thế rồi, Phật liền cùng ba anh em Ca Diếp và một ngàn vị Tỳ Kheo đi tới Cung Điện của Vua Tần Tỳ Sa La tại thành Vương Xá.
Lúc ấy, người dân trong các thôn mà Vua đã cấp cho Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp trước đây thấy Ca Diếp và các đệ tử đều thành Sa Môn liền đến tâu Vua. Nhà Vua và các quan nghe tin ấy rất kinh ngạc nhưng yên lặng không nói gì.
Dân chúng bên ngoài nghe tin ấy liền cùng nhau bàn bạc: Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là bậc có trí tuệ cao sâu không ai sánh bằng, tuổi lại cao, đã chứng quả A La Hán nay sao lại bỏ đạo của mình làm đệ tử của Sa Môn Cù Đàm?
Không một ai tin điều đó và đều cho rằng Sa Môn Cù Đàm là đệ tử của Ca Diếp. Khi đến gần thành Vương Xá, Thế Tôn dừng chân nghỉ trong một khu rừng.
Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp nhờ một người thân cận trước đây đến thưa với Vua Tần Tỳ Sa La: Tôi nay đã xuất gia tu học theo giáo pháp của Đức Phật. Hiện nay đang cùng Đức Phật đến đây, ngự trong một khu rừng. Nhà Vua nên đến lễ bái cúng dường.
Nhà Vua nghe tâu lại lời ấy mới biết chắc là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là đệ tử của Phật, lập tức truyền chuẩn bị ngựa xe cùng với các vị Đại Thần, Ba La Môn, dân chúng đến chỗ Đức Phật. Khi đến ngoài rừng, Vua liền xuống xe, bỏ tất cả nghi trượng hoàng gia, đi bộ vào diện kiến Đức Phật.
Lúc ấy, từ trên không có một vị Trời bảo Nhà Vua: Như Lai hiện đang ngự trong khu rừng này, là ruộng phước tối thượng của Trời, người. Đại Vương nên cung kính cúng dường và bố cáo cho nhân dân trong nước nên cúng dường Như Lai.
Nhà Vua nghe lời đó xong, trong lòng vô cùng mừng rỡ, phấn chấn, lập tức tiến vào rừng. Từ xa Vua đã trông thấy tướng tốt đẹp, trang nghiêm của Đức Phật và cũng thấy thầy trò ba anh em Tôn Giả Ca Diếp hầu chung quanh, chẳng khác nào các vì sao vây quanh vầng nguyệt rạng.
Lòng Vua càng tăng thêm niềm hoan hỷ vội đến trước Đức Phật cúi đầu lạy sát đất thưa với Phật: Con là Vua nước Ma Kiệt Đề, thuộc chủng tộc mặt trăng, tên là Tần Tỳ Sa La.
Chẳng hay Thế Tôn đã từng nghe qua chưa?
Phật liền đáp: Lành thay! Đại Vương! Vua Tần Tỳ Sa La lui xuống ngồi sang một bên. Các Đại Thần, Ba La Môn và dân chúng cũng đều ngồi xuống.
Khi ấy, sau khi thấy mọi người trong phái đoàn của Nhà Vua đều đã an tọa, Đức Thế Tôn liền dùng giọng Phạm âm vấn an Nhà Vua:
Sức khỏe của Đại Vương có được tốt không?
Việc nước chắc không quá mệt nhọc phải không?
Đức Vua thưa: Nhờ ân đức của Thế Tôn nên con may mắn vẫn được mọi sự an ổn.
Lúc ấy Vua Tần Tỳ Sa La và các vị Đại Học Sĩ Ba La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, các vị Đại Thần và nhân dân đã biết Tôn Giả Ca Diếp là đệ tử của Đức Phật nên cùng bàn với nhau: Thật là hay thay! Đức Như Lai có sức thần lớn lao, trí tuệ cao sâu không thể nghĩ bàn nên mới có thể điều phục ba anh em Ngài Ca Diếp theo làm đệ tử.
Trong chúng hội cũng có vài người nghi ngờ, thầm nghĩ: Ngài Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là người có đại trí tuệ, mọi người đều tin phục đi theo, sao lại là đệ tử của Sa Môn Cù Đàm được?
Đức Thế Tôn biết được những ý nghĩ ấy liền bảo Ca Diếp: Nay ông nên hiển bày sức thần biến. Ca Diếp vâng lời liền bay lên không trung, trên thân hiện ra nước, dưới thân hiện ra lửa, hoặc trên thân hiện ra lửa, dưới thân hiện ra nước, hoặc hiện thân lớn đầy khắp không trung rồi biến ra nhỏ, hoặc từ một thân biến thành vô số thân, hoặc chui vào đất rồi vọt lên, hoặc đi đứng nằm ngồi trong không trung.
Mọi người chứng kiến khen là điều chưa từng có và đều tôn Ca Diếp là bậc Đại Tiên đệ nhất.
Ở trên không biến hiện thần thông xong, Ca Diếp trở lại mặt đất, đến trước Đức Phật đảnh lễ sát đất và thưa: Thế Tôn chính là Bậc thầy của cả Trời người. Con nay chính là đệ tử của Thế Tôn.
Ca Diếp nói ba lần như thế Phật đáp: Đúng thế! Đúng thế!
Ca Diếp, ông thấy trong pháp ta có được lợi lạc gì mà bỏ hết những đồ thờ lửa để xuất gia?
Ca Diếp liền dùng lời kệ đáp:
Con ở trong đời trước
Nhờ công đức thờ lửa
Được sinh Cõi Trời người
Thọ hưởng vui năm dục
Cứ thế mãi luân hồi
Chìm trong biển sinh tử
Con thấy tai họa đó
Nên để dược lìa khổ
Nương phước báo thờ lửa
Cầu sinh Cõi Trời người
Chỉ thêm tham, sân, si
Cho nên con xa lánh
Lại theo phước thờ lửa
Cầu sinh trong tương lai
Nhưng đã có sinh rồi
Ắt có già bệnh chết
Con đã thấy điều ấy
Nên bỏ đạo thờ lửa
Bố thí, tu khổ hạnh
Và phước báo thờ lửa
Dù được sinh Phạm Thiên
Nhưng không phải rốt ráo
Do vì nhân duyên ấy
Cho nên bỏ thờ lửa
Con thấy pháp Như Lai
Lìa sinh, lão, bệnh, tử
Đạo giải thoát hoàn toàn
Do đó nay xuất gia
Như Lai, đấng giải thoát
Là Bậc thầy Trời người
Vì nhân duyên như thế
Nên nương theo Thế Tôn
Như Lai đại từ bi
Hiện vô số phương tiện
Và các sức thần thông
Để dẫn con vào đạo
Sao lại còn bằng lòng
Đi theo đạo thờ lửa.
Lúc bấy giờ Vua Tần Tỳ Sa La cùng mọi người nghe lời kệ của Ca Diếp vô cùng vui mừng, càng sinh lòng cung kính, tin tưởng tuyệt đối với Đức Phật, hiểu rõ Như Lai là bậc nhất thiết chủng trí, và đều biết Ca Diếp là đệ tử của Phật.
Lúc ấy trong không trung, Chư Thiên rải các thứ hoa Trời, tấu các thứ nhạc êm dịu và cùng xướng: Lành thay Tôn Giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đã khéo nói lời kệ ấy.
Đức Thế Tôn biết mọi người đã tin tưởng chắc chắn không còn nghi ngờ, lại xem thấy căn tính của họ đều đã thuần thục nên vì họ mà thuyết giảng: Đại Vương nên biết thân năm ấm này lấy thức là căn bản, do thức sinh ý căn, từ ý căn sinh ra sắc, mà sắc thì sinh diệt không bền.
Nếu Đại Vương quán sát được như thế thì có thể biết rõ thân này là vô thường, quán thân là vô thường nên không chấp thủ thân tướng và do vậy có thể lìa được chấp ngã và ngã sở.
Nếu Đại Vương có thể quán sắc là vô thường thì cũng có thể xa rời mọi ý niệm về ngã và ngã sở, tức là hiểu rõ khi sắc sinh thì khổ sinh, sắc diệt thì khổ diệt.
Nếu người nào quán niệm được như thế thì gọi là giải cởi mở, tự tại, thoát ly… nếu ai không quán niệm như thế thì gọi là phược trói buộc.
Thực tính của các pháp vốn vô ngã và vô ngã sở. Chúng sinh do vọng tưởng điên đảo nên chấp có ngã và ngã sở, đó không phải là pháp chân thật. Nếu có thể đoạn trừ vọng tưởng mê lầm, điên đảo thì được giải thoát.
Lúc ấy Vua Tần Tỳ Sa La suy nghĩ: Nếu bảo chúng sinh chấp có ngã là bị trói buộc, vậy nếu tất cả chúng sinh đều vô ngã thì ai sẽ thọ quả báo?
Đức Thế Tôn biết những thắc mắc trong lòng Vua liền nói: Tất cả những việc thiện ác mà chúng sinh làm cũng như những quả báo mà chúng sinh thọ nhận đều không phải do ngã tạo ra, cũng không phải ngã thọ nhận, nhưng trong hiện tại lại thấy có tạo ra thiện ác và có thọ quả báo.
Đại Vương nên lắng nghe thật kỹ, ta sẽ vì Đại Vương mà giảng rõ. Chỉ vì căn, trần, thức hợp với nhau khởi sinh nhiễm cảnh, tích lũy những ý tưởng ngày càng nhiều, chính do đó mà chúng sinh mãi chạy theo dòng sinh tử, chịu mọi quả báo khổ đau.
Nếu không nhiễm cảnh, dừng lại những tâm tưởng ràng buộc thì được giải thoát. Do căn, trần, thức ba nhân duyên ấy hợp lại mà có thiện ác và thọ quả báo, bản chất của chúng là không có ngã riêng tính chủ thể, độc lập, riêng biệt.
Thí như dùi cây để lấy lửa, do tay xoay miếng gỗ mà có lửa nhưng tính của lửa không phải từ tay hay từ gỗ mà có, cũng không lìa tay và mảnh gỗ mà có. Căn, trần, thức cũng như thế.
Khi ấy Vua Tần Tỳ Sa La lại nghĩ: Nếu do căn, trần, thức hòa hợp mà có thiện ác cũng như có thọ quả báo thì chúng phải thường hợp lại với nhau, không thể xa rời nhau. Nếu chúng không thường hợp lại với nhau thì sẽ bị đoạn diệt.
Thế Tôn biết ý nghĩ ấy của Vua nên giảng tiếp: Căn, trần, thức ấy không thường còn, cũng không đoạn diệt.
Vì sao?
Vì chúng hòa hợp với nhau nên không đoạn diệt, vì chúng có đặc tính riêng nên không thường còn. Ví như hạt giống là do nhân, do có duyên của đất, nước nên mầm lá mới sinh ra.
Hạt giống sẽ mục nát nên không gọi là thường, nhưng do hạt giống có đặc tính sinh trưởng thành mầm lá nên không thể gọi là đoạn. Lìa cả khái niệm thường và đoạn được gọi là trung đạo. Căn, trần, thức cũng như vậy.
Vua nghe xong bài pháp, tâm ý khai mở, tỉnh ngộ, nhờ đó xa lìa mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Tám vạn na do tha Bà La Môn, Đại Thần và nhân dân cũng nhờ nghe pháp mà được xa lìa trần câu, đắc pháp nhãn thanh tịnh.
Chín mươi sáu vạn na do tha Chư Thiên cũng nhờ nghe pháp mà xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh.
Vua Tần Tỳ Sa La từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính lễ xuống chân Phật rồi chắp tay thưa: Vui sướng thay! Đức Thế Tôn đã lìa bỏ ngôi Chuyển Luân Thánh Vương xuất gia học đạo, thành bậc nhất thiết chủng trí. Trước kia con đã ngu si muốn giữ Thế Tôn lại để cai trị một nước nhỏ.
Nay được diện kiến đức đại từ, lại được nghe chánh pháp nên rất hổ thẹn về lỗi đã qua, kính xin Thế Tôn mở lòng từ bi nhận cho con sám hối.
Ngày trước con có nguyện xin nếu Phật đắc đạo thì độ con trước, nay ước nguyện đã thành tựu, nhờ ân Thế Tôn mà con đã thấy được chân lý. Từ nay con nguyện cúng dường đầy đủ tứ sự cho Thế Tôn và Chư Tăng, không để thiếu thốn, cúi mong Đức Thế Tôn ở lại vườn Trúc để nước Ma Kiệt Đề mãi mãi an vui.
Phật đáp: Quý hóa thay! Đại Vương có thể xa rời pháp tam bất kiên để cầu quả tam kiên, ta nay chấp thuận để Vua được tròn đầy tâm nguyện.
Vua Tần Tỳ Sa La biết Phật đã chấp thuận lời thỉnh của mình đến ở trong Vườn Trúc nên cung kính lễ xuống chân Phật, từ tạ ra về.
Về đến cung, Vua lập tức ra lệnh cho quan quân khởi công xây cất phòng xá trong Vườn Trúc, trang trí vô cùng trang nghiêm, đẹp đẽ, treo phướn lọng bằng gấm, cắm hoa đốt hương. Sau khi đã hoàn thành, Vua liền cho chuẩn bị xa giá đi đến chỗ Phật đảnh lễ, thưa: Phòng xá nơi Vườn Trúc đã xây cất xong, cúi mong Thế Tôn và Chư Tỳ Kheo Tăng thương xót đến đó trụ.
Lúc đó Thế Tôn, Chư Tỳ Kheo và vô số Chư Thiên tháp tùng vây quanh cùng đi vào thành Vương Xá.
Ngay khi Như Lai bước vào cổng thành, những nhạc khí trong thành tự nhiên tấu lên, cửa hẹp bỗng hóa rộng, cửa thấp bỗng cao lên, tất cả những gò đống đều trở nên bằng phẳng, những nơi dơ bẩn đều được sạch thơm, người điếc bỗng nghe được, người câm lại nói được, người mù nhìn thấy được.
Người điên dại trở nên tỉnh táo, những kẻ tật nguyền ốm đau bỗng lành lặn, khỏe mạnh, cây khô ra hoa, cây cỏ héo úa bỗng xanh tươi, ao cạn bỗng ngập nước vỗ sóng tràn bờ, gió thơm thổi đến, các loài chim quý lạ như Phượng Hoàng, Khổng Tước, Phỉ Thúy, Oan Ương… đều bay về tụ tập, hót lên những âm thanh êm ái.
Tất cả điều lành đều như hội tụ nơi thành Vương Xá. Sau khi vào thành, Đức Phật cùng Vua Tần Tỳ Sa La đến Vườn Trúc.
Lúc ấy Chư Thiên vân tập đầy khắp trên không, Đức Vua tay nâng một chiếc bình quý chứa đầy nước thơm đến trước Như Lai thưa: Nay con xin hiến cúng Vườn Trúc này cho Như Lai và Chư Tỳ Kheo Tăng. Xin Thế Tôn thương xót nhận cho. Nói xong, Vua lấy nước trong bình rưới lên đất.
Lúc đó Đức Phật yên lặng chấp nhận, nói kệ chú nguyện:
Người nào siêng bố thí
Sẽ trừ được tâm tham
Người nào thường nhẫn nhục
Sẽ mãi lìa giận dữ
Nếu ai luôn làm lành
Ngu si sẽ xa lánh
Có đủ được ba hạnh
Mau đạt được Niết Bàn
Nếu có người nghèo khổ
Không của để bố thí
Thấy người khác bố thí
Mà sinh tâm vui theo
Phước báu người tùy hỷ
Cũng bằng người bố thí.
Chúng hội Bà La Môn, các quan Đại Thần cùng dân chúng thấy Vua phụng cúng tinh xá cho Đức Phật đều hớn hở sinh niệm hoan hỷ theo Vua. Sau khi cúng dường tinh xá cho Đức Phật và Chư Tăng xong, Vua Tần Tỳ Sa La vô cùng vui sướng, cung kính lễ xuống chân Phật rồi trở về cung.
Trong các vị quốc Vương ở Cõi Diêm Phù Đề từng được diện kiến Đức Phật, Vua Tần Tỳ Sa La là đứng đầu. Trong tất cả các ngôi Tinh Xá thì Trúc Viên là ngôi Tinh Xá đầu tiên.
Vào lúc Đức Phật và Chư Tăng ngự tại Vườn Trúc, có hai vị Bà La Môn ở trong thành Vương Xá, là người thông minh, linh lợi có trí tuệ lớn, thông đạt tất cả các luận thư, tài tranh biện không ai qua được.
Một người họ Câu Lật tên Ưu Bà Thất Sa, do có người mẹ tên là nên mọi người thường gọi ông là Xá Lợi Phất, người thứ hai họ Mục Kiền Liên tên là Mục Kiền La Dạ Na.
Mỗi người có một trăm đệ tử đều được dân chúng trong nước kính trọng, ngưỡng mộ. Hai người kết bạn, rất thân yêu và kính trọng nhau, đã giao ước với nhau nếu ai gặp được pháp môn kỳ diệu trước thì phải khai ngộ cho nhau, không được giấu giếm.
Một hôm, Tỳ Kheo A Xả Bà Kỳ khoác y ôm bát vào làng khất thực. Vị Tỳ Kheo khéo giữ các căn, oai nghi nghiêm chỉnh, người đi đường trông thấy ai cũng cung kính.
Lúc ấy trên đường đi, Xá Lợi Phất bỗng thấy oai nghi Phạm tướng của Tỳ Kheo A Xả Bà Kỳ.
Do thiện căn đã tròn đủ nên vừa gặp vị Tỳ Kheo, lòng Xá Lợi Phất đột nhiên vui mừng vô hạn, toàn thân rung động, đứng lại chăm chú nhìn, và vội hỏi: Theo ý tôi thì thầy chắc là mới xuất gia nhưng sao đã thu nhiếp được các căn nên tôi muốn hỏi, xin thầy cho biết Bổn Sư của thầy là ai?
Có những lời dạy nào?
Thường nói những pháp gì?
A Xả Bà Kỳ nghiêm trang đáp: Thầy tôi là bậc đã đạt nhất thiết chủng trí, thuộc dòng họ Cam Giá, là thầy của cả Trời người, có tướng tốt, trí tuệ và thần thông không ai bì kịp. Tôi tuổi còn nhỏ, học đạo còn nông cạn đâu dám tuyên nói diệu pháp của Như Lai, nhưng theo chỗ tôi hiểu, xin nói lại cho ông.
Vị Tỳ Kheo liền nói kệ: Cội nguồn tất cả pháp nhân duyên sinh, vô chủ nếu rõ được điều đó. Sẽ đạt đạo chân thật.
Vừa nghe xong bài kệ của Tỳ Kheo A Xả Bà Kỳ, Xá Lợi Phất lập tức xa lìa mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, thấy được chân lý, nội tâm vô cùng phấn chấn, các căn trong thân rung động, vui sướng tột độ.
Tự nghĩ: Tất cả chúng sinh đều do chấp ngã nên bị luân hồi trong vòng sinh tử, nếu trừ được ngã tưởng thì ngã sở tưởng cũng sẽ không còn, giống như ánh sáng mặt trời có thể phá tan mọi bóng tối, tâm vô ngã cũng như thế, có thể phá tan hoàn toàn mọi ngăn che của ngã kiến.
Những gì ta tu học từ trước đến nay đều là tà kiến, điều ta sở đắc hôm nay mới thật là đạo lý chân thật.
Nghĩ thế xong, Xá Lợi Phất liền lễ xuống chân A Xả Bà Kỳ, trở về nơi cư trú. Tỳ Kheo A Xả Bà Kỳ tiếp tục đi khất thực xong liền quay về Vườn Trúc.
Khi Xá Lợi Phất về đến chỗ ở, Mục Kiền Liên do thiện căn đã đầy đủ, vừa nhìn thấy Xá Lợi Phất các căn yên tịnh, oai nghi trang nghiêm, khuôn mặt có vẻ vui mừng khác với ngày thường, liền hỏi: Tôi xem anh hôm nay mọi dáng vẻ đều khác với ngày thường, phải chăng đã nghe được pháp Cam Lộ vi diệu?
Trước đây, chúng ta đã giao ước với nhau, hễ người nào nghe được pháp vi diệu thì phải khai ngộ cho người kia, nay anh nghe được pháp gì hãy đọc lại cho tôi nghe với.
Xá Lợi Phất đáp: Đúng là hôm nay tôi đã được nghe pháp cam lộ.
Mục Kiền La Dạ Na nghe nói, lòng mừng vui tột độ liền cất lời khen: Hay thay! Hãy nói cho tôi nghe với.
Xá Lợi Phất thuật lại: Hôm nay trên đường tôi gặp một vị Tỳ Kheo khoác y ôm bát vào làng khất thực.
Vị ấy các căn vắng lặng an tỉnh, dáng vẻ nghiêm trang, tôi vừa gặp đã sinh lòng cung kính liền đến gần hỏi theo chỗ tôi thấy thì vị ấy dường như mới xuất gia mà sao đã thu nhiếp được các căn như thế, và tôi đã hỏi Bổn Sư của vị ấy là ai?
Đã dạy những pháp gì?
Lúc đó vị Tỳ Kheo A Xả Bà Kỳ ấy đã ung dung trả lời tôi: Thầy tôi đã đạt nhất thiết chủng trí, thuộc dòng họ Cam Giá, là thầy cả Trời người, tướng tốt, trí tuệ và thần thông không ai sánh bằng.
Tuổi tôi còn trẻ, học đạo còn cạn, đâu có thể nói hết diệu pháp của thầy nhưng theo chỗ tôi hiểu xin nói cho ông nghe rồi vị ấy nói kệ:
Cội nguồn tất cả pháp nhân duyên sinh, vô chủ
Nếu hiểu rõ điều đó sẽ đạt đạo chân thật.
Mục Kiền La Dạ Na vừa nghe xong những lời ấy của Xá Lợi Phất cũng lập tức lìa được mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh.
Sau khi đắc pháp hai người bàn với nhau: Hai chúng ta đều nhờ Pháp Phật mà được lợi ích lớn, nay nên cùng nhau đến chỗ Phật xin xuất gia.
Bàn tính xong, mỗi người đều gọi các đệ tử của mình đến bảo: Ta nay đã được vị Cam Lộ của Phật Pháp, chỉ có giáo pháp đó mới là con đường xuất thế.
Nay ta muốn đến xin Phật xuất gia, ý các người thế nào?
Các đệ tử thưa: Nhờ thầy mà chúng con có tri kiến, nay thầy xuất gia, ch úng con cũng nguyện xin đi theo. Khi ấy hai người và hai trăm đệ tử cùng nhau thẳng đến Vườn Trúc. Vừa bước vào cửa, thấy thân tướng Như Lai vô vàn tốt đẹp, trang nghiêm, chúng Tỳ Kheo trước sau vây quanh, lòng hai người rất vui mừng, toàn thân phấn chấn.
Đức Thế Tôn thấy Xá Lợi Phất và Mục Kiền La Dạ Na cùng các đệ tử đến liền nói với các Tỳ Kheo: Các thầy nên biết, hai vị kia đưa các đệ tử đến nơi này để xin xuất gia. Một vị tên là Xá Lợi Phất, một vị tên là Mục Kiền La Dạ Na, họ sẽ là đệ tử hàng đầu trong pháp của ta. Xá Lợi Phất là vị đứng đầu về Trí tuệ, Mục Kiền La Dạ Na là vị đứng đầu về thần thông.
Sau khi đến trước Phật, hai người liền cúi đầu sát đất lạy Đức Phật và thưa: Chúng con đã thấy được chân lý trong giáo pháp của Phật nên ham muốn xuất gia. Cúi xin Thế Tôn chấp thuận.
Đức Thế Tôn nói lớn: Thiện Lai Tỳ Kheo! Râu tóc của hai người tự rụng, khoác y Cà Sa, trở thành Sa Môn.
Lúc đó hai trăm người đệ tử thấy thầy mình đã thành Sa Môn bèn thưa với Phật: Chúng con cũng muốn xuất gia theo thầy, xin Đức Thế Tôn thương xót chấp nhận.
Đức Thế Tôn lại xướng: Thiện Lai Tỳ Kheo! Râu tóc họ cũng tự rụng, vận y Cà Sa, thành Sa Môn. Lúc ấy Đức Phật bèn giảng dạy chi tiết pháp Tứ Đế cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền La Dạ Na.
Sau thời pháp, cả hai vị ấy đều đắc quả A La Hán. Phật cũng giảng pháp Tứ Đế cho hai trăm vị tân Tỳ Kheo khiến họ lìa được trần câu, đắc pháp nhãn tịnh rồi tu tập dần dần đều đạt quả A La Hán.
Thuở ấy Đức Thế Tôn và một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo đều là bậc Đại A La Hán ở nước Ma Kiệt Đề đem lại lợi ích lớn cho chúng sinh.
Trong chúng Tỳ Kheo có nhiều vị mang tên Mục Kiền La Dạ Na nên Thế Tôn đã đổi tên của Tôn Giả Mục Kiền La Dạ Na thành Đại Mục Kiền La Dạ Na.
Bấy giờ tại nước có một vị Bà La Môn tên là Ca Diếp có ba mươi hai tướng tốt, thông minh trí tuệ, thường tụng đọc bốn Bộ Kinh Vệ Đà, hầu hết Kinh Luận Bà La Môn không Kinh nào không thông suốt.
Nhà vị ấy lại rất giàu, thường hay bố thí, người vợ rất đoan chính, cả nước không ai bằng. Hai vợ chồng tự nhiên không có ý dục, đêm không ngủ cùng phòng.
Do đã nhiều đời luôn trồng thiện căn nên vị ấy không vui thích với đời sống gia đình hưởng thụ thú vui năm dục, ngày đêm luôn luôn suy nghĩ muôn lìa bỏ đời sống thế tục, hết lòng cầu tìm phương pháp xuất gia.
Suy tầm mãi không được, vị ấy liền bỏ hết việc nhà đi vào rừng, tâm nghĩ miệng nói: Chư Phật Như Lai đã xuất gia tu hành, nay ta cũng theo Phật xuất gia. Vị ấy liền cởi bỏ hết y phục bằng gấm lụa trị giá ngàn lượng vàng mà tự cạo bỏ râu tóc, mặc y bá nạp hoại sắc.
Bấy giờ trong không trung, Chư Thiên thấy Ca Diếp đã tự xuất gia liền nói: Này thiện nam tử, con Vua Bạch Tịnh thuộc dòng họ Cam Giá tên là Tát Bà Tất Đạt xuất gia tu tập đã thành bậc nhất thiết chủng trí.
Cả thế gian tôn xưng Ngài là Thích Ca Mâu Ni Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị A La Hán hiện đang ở tại Vườn Trúc thuộc thành Vương Xá.
Ca Diếp vừa nghe lời Chư Thiên nói xong, lòng vui mừng phấn chấn, toàn thân nổi gai, vội vàng đi đến Tinh Xá Trúc Viên.
Lúc đó Đức Thế Tôn biết Ca Diếp đang tới nên suy nghĩ: Vị ấy vốn có căn lành, ta nên đến độ cho ông ta. Nghĩ xong, Thế Tôn liền đi ngược đường về xứ Đâu Bà gặp Ca Diếp trên đường.
Khi ấy Ca Diếp đang đi bỗng thấy một vị dáng tôn kính, có tướng tốt chói sáng, oai nghi đặc biệt liền chắp tay thưa: Thế Tôn đúng là bậc nhất thiết chủng trí, đúng là Bậc từ bi, là Đấng cứu độ chúng sinh, là nơi để mọi người quy ngưỡng.
Nói xong Ca Diếp liền cúi năm vóc sát đất lạy xuống, đầu mặt trên chân Phật, thưa tiếp: Bạch Thế Tôn, nay Ngài là thầy của con, con là đệ tử.
Ca Diếp lập lại ba lần như thế.
Phật dạy: Đúng thế Ca Diếp, ta là thầy của ông, ông là đệ tử của ta.
Phật lại nói: Này Ca Diếp, ông nên biết, nếu có người không phải là bậc nhất thiết chủng trí mà muốn nhận ông làm đệ tử thì đầu người ấy sẽ bể ra làm bảy phần.
Phật lại nói tiếp: Lành thay Ca Diếp! Vui thay Ca Diếp!
Ông nên biết thân ngũ thọ ấm ngũ thủ uẩn là nơi tập hợp những nỗi khổ lớn. Ca Diếp vừa nghe xong lập tức ngộ được chân lý, suy tư và chứng quả A La Hán. Khi ấy Thế Tôn và Ca Diếp trở về Vườn Trúc. Vì Ca Diếp có uy đức lớn, có trí tuệ thông minh nên được tôn xưng là Đại Ca Diếp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Khi Đức Phật Phổ Quang ra Đời thì Tiên Nhân Thiện Tuệ đâu phải ai khác mà chính là tiền thân của ta.
Trên đường đi gặp năm trăm ngoại đạo rồi cùng nhau bàn luận mà tùy hỷ, nay chính là anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp cùng các quyến thuộc của ông hiện đang có mặt trong đại chúng đây. Người con gái bán hoa chính là Da Du Đà La.
Khi Tiên Nhân Thiện Tuệ rải tóc trên đất để Phật đi qua, có hai người quét đất và hai trăm người cùng vui vẻ làm theo chính là Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền La Dạ Na cùng với hai trăm đệ tử Tỳ Kheo hiện ở trong chúng pháp này.
Chư Thiên trong Hư Không lúc ấy thấy Tiên Nhân Thiện Tuệ dùng tóc trải lên đất để Phật đi qua đều tùy hỷ khen ngợi chính là tám vạn vị Thiên Vương, tám vạn na do tha vị quyến thuộc của Vua Tần Tỳ Sa La, và chín mươi sáu vạn na do tha Thiên Tử có mặt khi ta lần đầu tiên sau khi thành đạo, chuyển pháp luân tại Vườn Lộc Dã.
Các ông phải biết, gây nhân trong quá khứ trải qua vô lượng kiếp, cuối cùng vẫn không mất. Ta trong quá khứ, nhiều kiếp tinh cần tu tập tất cả nghiệp lành và phát nguyện lớn, do tâm không hề thoái chuyển nên nay mới thành tựu nhất thiết chủng trí. Vậy các ông cần phải siêng năng tu tập đạo hạnh, không nên biếng lười.
Lúc ấy các vị Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ nhận lãnh rồi đảnh lễ lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Mốt - Pháp Hội Tự Tại Vương Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi Năm - Phẩm đàn Di Ly
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Bảy - Phẩm Nhân Duyên Của đại Ca Diếp - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sakuludayi - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Tám - Phẩm Vô Tận