Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Mười Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN MƯỜI MỘT  

Lại nữa, bản tế vốn không có bờ bến, giống như hư không, không hề có biên giới, cũng không có cái không có. Bồ Tát dùng điều đó để vào hội nhập cảnh giới của Như Lai. Giống như các loài chúng sinh không có hạn lượng, không có bờ mé, cảnh giới của Như Lai cũng như vậy.

Vì sao?

Vì chỗ tư niệm của chúng sinh không thể tư lường, Như Lai dùng vô lượng tuệ mà khai hóa họ. Như Long Vương Tôn nhiếp thâu gồm vô lượng nước ấy mà được tự tại, tùy thời tuôn mưa không thể tính đếm, nước ấy không từ trong ra, cũng không từ ngoài vào.

Cảnh giới của Như Lai cũng như vậy, tùy theo ý muốn của chúng sinh mà tạo dựng và liền tự thành tựu. Như Lai không có thầy, cũng không có nơi tham vấn. Như nước trong biển lớn, không có hạn lượng, chỉ tùy theo niệm khởi của Long Vương. Cũng như vậy, vô lượng Thánh đạt đến các thông tuệ, hành như biển pháp, được tạo ra từ hạnh nguyện của Chư Bồ Tát đã phát tâm từ quá khứ xa xưa.

Nhưng vì làm theo sự sai quấy mà có sự sai biệt.

Bồ Tát hỏi: Sao gọi vô lượng?

Là biển lớn.

Sao gọi là vô hạn?

Là biển thông tuệ.

Đức Phật đáp: Có nhiều sự giải thuyết khó nghĩ bàn về biển lớn. Nay chỉ nêu lên chỗ then chốt để phân bi.

Các ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Trong cõi Diêm Phù Đề này có năm trăm dòng sông đổ vào biển lớn. Cõi Câu Da Ni có năm trăm dòng sông đổ vào biển lớn. Cõi Phất vu đãi có bốn ngàn dòng sông chảy vào biển lớn. Cõi Uất Đan Việt có một vạn dòng sông chảy vào biển lớn.

Ý ông thế nào?

Nước ấy tụ hội lại chảy vào biển lớn thì nước trong biển có tăng lên nhiều không?

Bồ Tát thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Đức Phật dạy: Nước mưa của Thập Quang Long Vương thì nhiều hơn nước chảy trong các dòng sông. Lại nữa, tất cả nước của bốn đại vực và nước của Thập Quang Long Vương chảy vào biển lớn không bằng nước mưa của Bách Quang Long Vương rơi vào biển lớn.

Lại nữa, nước của bốn đại vực, nước của Thập quang Long Vương, Bách quang Long Vương đổ vào biển lớn so với nước từ trong thân của Đại du Long Vương đổ vào biển lớn nhiều gấp bội phần. Nói tóm lại, nước mưa của Ma nại tư Long Vương thì còn nhiều gấp bội thế.

Nước mưa của Nan Đầu, Hòa Nan, Vô Lượng Quang, Diệu Quần Long Vương, Đại Diệm Long Vương, Đại Tần Thân Long Vương cũng là như thế. Mười Đại Long Vương ấy cùng Lập Ý Long Vương, mỗi một đều giáng mưa không thể suy lường. Nước của biển lớn ở bốn đại vực cùng nước mưa của mười Long Vương và tám mươi ức Long Vương đều chảy về biển lớn thì không bằng nước biển ở cõi Diêm Phù Đề.

Tất cả nước ở các con sông lớn cùng nước của các mưa lớn của Trưởng Tử Long Vương không bằng nước chảy ra từ Cung Điện của Thập quang đại Long Vương. Tất cả sông suối ở bốn đại vực cùng mưa của các Long Vương như đã nói ở trên và nước chảy ra từ Cung Điện của Thập Quang Long Vương, Bách Quang Long Vương đều không bằng nước chảy ra từ Cung Điện của Đại Nghiêm Tịnh Long Vương.

Nói chung, nước của các Long Vương: Ma Nại Tư, Lôi Chấn, Nan Đầu, Hòa Nan, Vô Lượng Quang Minh, Đại Diệu Quần và Đại Minh Diệm Long Vương đều không bằng nước chảy ra từ Cung Điện của mười Long Vương cùng Cung Điện của tám mươi ức Long Vương. Nước từ cung mười Long Vương, từ tám mươi ức Long Vương cũng không bằng nước chảy ra từ Cung Điện của Trưởng Tử Hải Long Vương.

Như vậy, nước của tất cả các Long Vương chảy về biển lớn so với nước mưa không hoại của Đại hải Long Vương là nhiều vô cùng tận. Nước của cõi Nam Diêm Phù Đề cùng nước mưa từ các Cõi Câu Da Ni, Phất Vu Đãi, Uất Đan Việt, Thập Quang Long Vương, nước mưa từ Cung Điện Bách Quang Long Vương, Đại Lưu Ly Long Vương, cùng nước mưa chảy ra từ các Cung Điện Ma Nại Tư Long Vương, Lôi Chấn, Nan Đầu, Hòa Nan.

Vô lượng ánh sáng, Diệu Quần Long Vương, Đại Diệm Long Vương, Đại Tần Thân Long Vương, nước chảy ra của tám mươi ức dòng họ Long Vương cùng nước của nhiều cơn mưa lớn không bị hư hoại của Hải Long Vương và nước của Trưởng Tử Long Vương ở biển bốn đại vực đều không bằng nước chảy ra từ ngọc Thanh lưu ly của Đại hải Long Vương tràn đầy khắp biển lớn.

Nước trong biển lớn như vậy không có hạn lượng, nên các chủng loại báu vật cũng không hạn lượng, Thế Giới chúng sinh cũng không hạn lượng. Quán đến đại thân không thể suy lường, nước trong biển cả không thể tính lường, các phẩm loại báu vật cũng không thể suy lường.

Này Phật Tử! Ý ông thế nào?

Nước trong biển lớn ấy thật không hạn lượng sao?

Bồ Tát thưa: Bạch Thế Tôn! Thật không hạn lượng. Như đức của biển cả không thể suy lường. Cũng vậy, trí tuệ của Như Lai không thể đo lường. Nhân bội trăm lần, ngàn vạn ức lần cũng không thể ví dụ được về trí tuệ và công đức của Như Lai. Không thể nương vào ngôn từ và theo chỗ kiến giải của chúng sinh mà dẫn dụ về biển lớn.

Đại đạo của Chư Phật còn hơn thế nữa. Nhờ vào ánh sáng tam muội vô biên, tức trí tuệ của Như Lai thấu đạt lồng lộng giống như biển lớn. Trí ấy vô hạn từ lúc mới phát tâm cho đến thành Nhất thiết trí của Bồ Tát không bao giờ đoạn mất. Tất cả đạo phẩm vô lượng, vô lượng đạo pháp của Tam Bảo cũng không thể cùng tận.

Khuyến hóa chúng sinh hàng Hữu Học, Vô Học của Duyên Giác thừa phải quán biết điều ấy, thấy được điều ấy tức là được tế độ. Dùng Vô cực đế, chí Vô sở trú thì đều thấy biết vô lượng, trú ở quả vị an lạc Đệ nhất. Bồ Tát mới phát tâm liền có thể đạt đến phần vị không quái ngại, hóa độ Chư Bồ Tát này đến chỗ không thoái chuyển.

Này Phật Tử! Đó là chúng Bồ Tát có thể hội nhập cảnh giới của Chư Phật, cũng có thể hiện hữu khắp tất cả nơi chốn, cũng không thể nghĩ bàn.

Rồi nói kệ tụng:

Chứa các phẩm thanh tịnh

Vô số không thể lường

Cảnh giới của các niệm

Tất cả không bờ mé.

Ngang giới hạn như ý

Tâm ấy không cùng khắp

Tất cả bậc mười lực

Phải cầu cảnh giới ấy

Giống như chỗ Rồng chúa

Chưa từng có rời bỏ

Theo sở niệm tâm ấy

Mà giáng mưa tuôn trào.

Giả sử tâm có đến

Nhưng có thể trở về

Rồng ấy không hề nghĩ

Ta đang cho mưa xuống.

Bậc mười lực cũng vậy

Chưa từng có đi, đến

Cũng không có trở về

Tịch mặc bất khả đắc

Không có chỗ tạo tác

Huống tâm có khởi niệm

Pháp giới không hạn lượng

Giống như nước sông biển

Biển ấy không bờ mé.

Nước, vật báu cũng vậy

Chỗ ở mọi sinh vật

Tất cả không giới hạn

Nước ấy cùng một vị

Chúng sinh đều hưởng nhờ

Nếu ở trong chỗ ấy

Không uống nước nghiệp khác.

Đại Thánh cũng như vậy

Diệu tuệ không bờ cõi

Tam Bảo không hạn ngại

Yếu đạo không thể bàn

Hàng Hữu Học, Vô Học

Muôn dân nhiều vô số

Chúng sinh không thể lường

Đạo tuệ chí nguyện Phật.

Này Phật Tử! Sao gọi là Bồ Tát hội nhập nơi chốn hành hóa thuộc Thánh tuệ của Như Lai không hề ngăn ngại?

Oai nghi lễ tiết, đến gốc Vô sinh đều giống Như Lai. Ở đời vị lai không chỗ tạo tác, tùy thời tùy duyên tự nhiên thành tựu. Hạnh Như Lai ấy không sinh không diệt, chẳng có chẳng không, cũng không vào ra ở hữu vi, vô vi. Ví như pháp giới không có hạn lượng, cũng không có cái không hạn lượng.

Vì sao?

Vì không có tự nhiên, cũng không có thân nên gọi là pháp giới. Đại Thánh cũng như vậy, hành không hạn lượng, cũng không cái không hạn lượng, hội nhập vô thân, cũng không tự nhiên, ấy gọi là Như Lai. Giống như chim bay trong hư không, bay trong trăm ngàn năm, dường như có chỗ đến mà không có chỗ đến. Quán trước xem sau như vậy thì thấy hư không ấy không có ngằn mé.

Hạnh của Như Lai cũng như vậy, ở trong trăm ngàn ức kiếp thuyết giảng vô lượng, vô biên mà sự tán thán thì hữu hạn. Giả như vô sở thuyết thì hạnh Như Lai vẫn không hạn lượng, Như Lai đã trú hạnh không quái ngại, cũng không chỗ trụ mà vì chúng sinh nên hiển bày vô số hạnh nguyện, đi qua tất cả vết tích chướng ngại.

Như chim Sí điểu vương bay trên hư không dùng mắt thanh tịnh quán sát Cung Điện loài rồng thấy hình dáng có đổi khác thì biết loài rồng sắp mạng chung nên nó vỗ cánh bay lên, rẽ tung nước biển, sóng nước cạn kiệt rồi vồ lấy các rồng và thê thiếp của chúng mà ăn. Như Lai cũng vậy, trí tuệ không ngăn ngại, trú vô sở hành.

Ở trong pháp giới, quán khắp chúng sinh các căn thuần thục, tùy theo các gốc đức đã gieo trồng đời trước, dùng mười lực của Như Lai vô cực vô biên thị hiện thân vào biển thủy chung, rẽ vực sâu sinh tử, khai đạo chúng sinh, có thể làm thuyền pháp đưa chúng sinh thoát khỏi biển sinh tử.

Nghĩa là kiến lập chí nguyện đưa chúng sinh vào nơi chánh pháp Phật Đạo, đoạn trừ hết thảy ngôn hành, đạt đến chỗ không tưởng nghĩ của Như Lai. Lấy chỗ không tưởng nghĩ, trí tuệ không ngăn ngại mà làm chỗ trú, tức trú nơi vô sở trú vậy.

Như ánh nhật nguyệt chiếu khắp thiên hạ, một mình bước đi mà không bạn bè, tức không chỗ đứng, đi trong hư không, mọi người đều có thể ngưỡng nhìn mà nhật nguyệt chẳng hề tưởng nghĩ: Ta có đi và có quay về.

Như Lai cũng vậy, đi trong Niết Bàn, vào pháp thanh tịnh mà cũng không hề tưởng nghĩ. Ở nơi các pháp giới mà thị hiện khắp tất cả các hành, quần sinh của năm cõi, không có kẻ thuần tín mà cũng không hề lười bỏ. Thông đạt và xiển dương tất cả Phật sự, cũng không hề có đến, đi.

Này Phật Tử! Chư Bồ Tát đi vào tuệ hành của Như Lai không hạn lượng cũng không cái không hạn lượng, chẳng dứt các duyên sự.

Rồi nói kệ tụng:

Vô bản không cùng tận

Chưa từng có sinh diệt

Bàn về vô bản ấy

Không chỗ, không thể thấy

Đấng Đại bi cũng vậy

Hạnh ấy không hạn lượng

Vô bản là tự nhiên pháp tánh

Tức không có hai việc.

Giống như các loại ấy

Pháp giới không xứ sở

Cũng không hề hạn lượng

Không cái không hạn lượng

Đạo hạnh cũng như vậy

Thánh đạt không bờ mé

Chỗ phân minh vô cực.

Các vị không thân tướng

Như có chim du hành

Bay ức kiếp trên không

Trước sau cũng như vậy

Hư không giới bình đẳng.

Bậc Tối thắng ngàn kiếp

Giảng thuyết chỗ nên hành

Phương tiện tùy chúng sinh

Thành tựu công đức thiện.

Chim Sí điểu trên không

Xa nhìn thấy trong nước

Biết rồng sắp mạng chung

Bắt thê thiếp nó ăn.

Trí mười lực tự tại

Đốt sạch các phiền não

Khéo tạo các gốc đức

Kéo ra dòng sinh tử.

Ví như ánh nhật nguyệt

Du hành giữa hư không

Chúng sinh nhờ an ổn

Ánh sáng không tưởng nghĩ.

Thế Tôn cũng như vậy

Do pháp chúng vô ngại

Khai hóa vô số chúng

Không khởi các tưởng nghĩ.

Này Phật Tử! Sao gọi là Bồ Tát hội nhập vào sự khai đạo của Như Lai?

Đối với các Bồ Tát này đã biết vượt qua tất cả các hành chấp trước mà không nghi lầm do dự, pháp vị bình đẳng, tỏ ngộ nẻo vào là bất nhị. Chỗ xiển dương của Như Lai, tức sự hội nhập vào vô tưởng giác, vô hành giác, vô xứ sở giác, vô hạn trung giác, vô biên tế giác, bỏ đi sự không thành tựu và sự chấp trước vào trung gian. Nghĩa là quán tất cả âm Thanh Văn tự đều vô xứ sở.

Ở trong ngôn ngữ mà không hề ngôn giáo, phụng hành bình Đẳng Giác, hành nghiệp của chúng sinh tận cùng rốt ráo, chí tánh các căn, phiền não ái dục đều thanh tịnh, đạo nhãn Như Lai đều bình đẳng nơi tất cả ba đời. Giống như biển lớn, tất cả chúng sinh đều được bao dung nên gọi là biển lớn. Đạo của Như Lai cũng như vậy, thấy tâm tánh và chỗ về của tất cả chúng sinh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần