Phật Thuyết Kinh Như Lai Trí ấn - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI TRÍ ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Cự, Đời Tây Tấn  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại Vườn Trúc Ca Lan Đà, thuộc thành Vương Xá, cùng đông đủ chúng Đại Tỳ Kheo, một ngàn hai trăm năm mươi vị và ba vạn ức Bồ Tát đều đắc Đà La Ni, trụ nơi tam muội không, vô tướng, vô nguyện, không dính mắc vào các pháp môn, đắc Đà La Ni môn, biết được các căn đầy đủ và không đầy đủ của tất cả chúng sinh và biết tất cả hành của chúng sinh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nhập tam muội cảnh giới Phật, không màu sắc, không chấp, không hiện rõ, không hình tướng, không hiển bày, không gốc rễ, không biến, không đắc, không ngã, không chủ, không tạo tác.

Không phải không tạo tác, không đến, không đi, không trụ, không phan duyên, vô vi, chẳng phải vô vi, chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng, không tâm, chẳng tâm hành, chẳng thật, chẳng phải không thật, chẳng tự tại, chẳng gần, chẳng lìa các pháp.

Khi nhập tam muội ấy không thấy thân của Như Lai và tướng của thân, không thấy tâm và tướng của tâm, không thấy y, không thấy ngồi, không thấy chỗ ngồi, không thấy đi. Như vậy, tam muội phát sinh những công đức như vậy, đó là cảnh giới Phật.

Tức thời, từ định này, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới. Ở Thế Giới này, ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, các vì sao, các diệu bảo thần châu, các lửa điện ở cung trời, cung Thích cho đến cung Phạm đều không phát sáng.

Nhờ năng lực của Như Lai tam muội mà ba ngàn Thế Giới đều nghe được hương thơm vi diệu. Trời Vô hữu dư, nghe được hương thơm trước. Trong tất cả Thế Giới, những nơi tối tăm, như núi Chước Ca La, núi Đại Chước Ca La, núi chúa Tu Di và các núi danh tiếng. Chúng sinh ở trong ấy, không thấy được hình dạng chính mình, nhờ ánh sáng của Đức Phật chiếu đến làm sáng rực khắp.

Khi ấy, màn lưới bằng bảy báu, bao phủ cả tam thiên đại thiên Thế Giới ấy lại hiện ra tướng hiếm có. Tất cả Thế Giới đều mọc lên những loại hoa đẹp đẽ lạ thường. Vườn Trúc Ca Lan Đà và núi Kỳ Xà Quật thông thành một hôi.

Mặt đất bằng phẳng, mọc lên hoa sen ngàn cánh, lớn như bánh xe. Trên mỗi hoa, đều có màn lưới bằng bảy báu, trang nghiêm lọng lẫy, rũ xuống như mây. Cõi nước Ma Kiệt Đề mịn màng như bộ lông chim Ca Lăng Già.

Bấy giờ, các Đức Phật ở hằng sa Thế Giới phương Đông, bảo hàng vạn A tăng kỳ Bồ Tát thuộc hàng Nhất sinh bổ xứ: Các ông hãy đến Thế Giới Ta Bà, cõi nước ấy có Đức Phật Hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, sắp vào tất cả cảnh giới Phật, nói tam muội tên là Như Lai Trí Ấn.

Hiện giờ Phật nhập định này. Nếu có Bồ Tát nghe tam muội này, thì hơn hẳn trăm ngàn kiếp thực hành sáu pháp Ba La Mật, các ông nên đến đó nghe.

Những Bồ Tát này vận dụng thần lực, trong thời gian khoảnh khắc co duỗi cánh tay, đã đến vườn trúc Ca Lan Đà, thuộc Thế Giới Ta Bà. Các vị đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh Phật bảy vòng, rồi ngồi trên tòa sen. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía, trên, dưới cũng lại như thế.

Lúc đó, ở tam thiên đại thiên Thế Giới này, có các vị Thanh Văn, Duyên Giác và những người phát tâm rộng lớn đều cũng đã tập họp đông đủ, đến chỗ Đức Phật, trong vườn trúc. Ở Thế Giới này, lại có tám mươi ức Bồ Tát, chỉ trong khoảng thời gian một niệm, cũng đều tập họp đến. Bốn bộ chúng ngồi theo thứ lớp. Lại có ba mươi vạn Thanh Văn, nương thiền định của Đức Phật cũng đều ở cả trong hội.

Trong tam thiên đại thiên Thế Giới này, Thích Đề Hoàn Nhân, Hộ Thế Tứ Vương, cho đến Trời Đại Tự Tại, Trời Tịnh Cư…

Tất cả các Vua: Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Ca Lầu La, Tu Hòa Na… cùng vô số quyến thuộc vây quanh đều đã đến nhóm hội, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, theo thứ lớp vào chỗ ngồi. Lúc ấy, ở tam thiên đại thiên Thế Giới này, những vị đại oai đức, cũng đều đến tập họp, trên đến Trời Phạm Thế, không trống thiếu chỗ nào.

Bấy giờ, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Đại Câu Hy La, Đại Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề, Bân Nậu Văn Đà Ni Tử, hỏi Văn Thù Sư Lợi: Thưa Hiền Giả! Hiện nay Như Lai ở đâu?

Dùng hình sắc gì để thấy Như Lai?

Như Lai buộc niệm, tướng ấy như thế nào?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Thanh Văn các vị, có trí tuệ lớn, thành tựu tam muội tự tại, các vị hãy dùng sức định, quán sát thân và nơi buộc niệm của Đức Phật, để biết Phật ở đâu?

Các đại Thanh Văn liền nhập tam muội, quán sát, nhưng không thấy thân và nơi buộc niệm của Đức Phật.

Lúc đó, các đại Thanh Văn, quán sát khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới này, nhưng cũng không thấy thân Phật và tướng của thân Phật, các vị mới thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Chúng tôi không thấy thân và nơi buộc niệm của Như Lai.

Nay chúng tôi phải làm thế nào để thấy được thân Phật?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Hãy đợi một tý! Tự các vị sẽ thấy Đức Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xuất định, cả tam thiên Thế Giới liền chấn động mạnh. Thân Phật thù thắng đặc biệt, uy nghiêm, sáng chói.

Lúc đó, Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! tam muội Như Lai đã nhập ấy, lấy gì làm tướng?

Tuệ nhãn của các đại Thanh Văn, quán sát đều không thể thấy được.

Tam Muội này lấy cảnh giới gì?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Tam muội này là không duyên, không xứ, là cảnh giới Phật thì chẳng phải là chỗ hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Cảnh giới của Như Lai là không thể nghĩ bàn, là thần lực của Phật.

Này Xá Lợi Phất! Thân Phật chân thật. Chẳng phải thân, chẳng tạo tác. Chẳng khởi, chẳng diệt. Chẳng cao lớn, chẳng hóa, chẳng tín. Là Niết Bàn vô vi, chẳng dấu vết, chẳng đi. Không đây, không kia, bản tánh thanh tịnh, không có một pháp, chẳng thọ nhận, chẳng nguyện, chẳng sinh mạng, chẳng báo ứng.

Chẳng thấy, chẳng nghe. Chẳng hiểu biết, chẳng trình bày. Chẳng ngửi, chẳng nếm. Chẳng xúc chạm, chẳng não, bức, chẳng lường tính, chẳng đối đãi. Chẳng tâm, chẳng nhớ. Chẳng suy nghĩ, chẳng không suy nghĩ. Chẳng vào, chẳng lại, chẳng qua. Đến, đi dứt bặt. Chẳng ảnh, chẳng tỳ vết. Chẳng đoạn dứt, chẳng phải vật. Chẳng phải thật, chẳng tạo tác.

Chẳng phải tạo, chẳng thành tựu. Chẳng lấy, chẳng che phủ. Chẳng hiện, chẳng nương. Chẳng sáng, chẳng tối. Vắng lặng, chẳng vắng lặng. Thường trú vắng lặng. Tịnh, chẳng phải tịnh. Bản tánh thanh tịnh, không có một pháp.

Chẳng sinh, chẳng khởi. Chẳng thích ở yên. Chẳng nơi chốn. Chẳng động, chẳng hoạn. Chẳng lời nói, chẳng pháp, chẳng phi pháp. Chẳng ruộng phước, chẳng không ruộng phước. Chẳng hết, chẳng không hết. Xả bỏ các dính mắc, gọi là không. Chẳng chống trái. Chẳng âm thanh. Lìa danh tự, xả bỏ nhớ tưởng. Chẳng tương ưng, chẳng không tương ưng, chẳng diệt, chẳng không diệt.

Chẳng lượng, chẳng không lượng. Chẳng đến, chẳng đi. Chẳng hai, chẳng không hai. Chẳng phải bờ bên đây, chẳng phải bờ bên kia. Chẳng phải giữa dòng. Chẳng phân, chẳng không phân. Chẳng nghiệp, chẳng báo. Chẳng nghe, chẳng nghĩ.

Chẳng lường, chẳng chướng ngại. Chẳng tướng, chẳng không tướng. Chẳng môn, chẳng lìa, chẳng chấp. Ưa thực hành các pháp, pháp pháp giống nhau. Như chân thật. Vì độ thoát chúng sinh, thật không có chỗ độ. Giải cho người chưa giải thoát, điều phục người chưa điều phục. Cứu giúp người chưa được cứu giúp. Chỉ dạy pháp không hai. Chẳng bằng, chẳng không bằng.

Chẳng giống nhau, chẳng không giống nhau. Vô đẳng cam lồ đẳng. Dữ không đẳng. Vô xứ đẳng, vô đắc đẳng. Tịch diệt tận diệt, khéo điều phục hành xứ. Chuyển bánh xe không thoái. Quyết định không nghi. Chẳng lìa pháp, chẳng lìa hai pháp.

Chỗ tập bản hạnh thanh tịnh, đầy đủ oai nghi giải thoát. Chẳng cao, chẳng thấp. Chẳng vuông, chẳng tròn. Chẳng tướng thân, chẳng tướng ấm. Chẳng tướng nhập, chẳng tướng giới. Chẳng khởi hữu vi, chẳng khởi vô vi. Chẳng phải chân thật vô vi.

Chẳng mạng, chẳng phi mạng. Chẳng sinh, chẳng hiện. Chẳng có người thấy. Chẳng thật sinh, chẳng nói năng, chẳng chịu đựng. Tướng của thân không động. Chẳng đảo ngược, chẳng dao động, chẳng thật, chẳng nhớ, chẳng hòa hợp. Chẳng tạo tác, chẳng không tạo tác. Chẳng rõ ràng, chẳng tướng. Chẳng Niết Bàn, không vào Niết Bàn. Chẳng định, chẳng phi định.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đó là tướng thân của Như Lai, tất cả chúng sinh đều nương tướng ấy.

Ai có khả năng biết được tam muội này không?

Xá Lợi Phất thưa: Dạ vâng! Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Trong tất cả tướng, không có thân Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm rộng thêm Như Lai tam muội Trí ấn, nên mới nói bài kệ:

Như thân, phi thân, thân giải thoát

Không hoại, không tạo, cũng không được

Pháp chẳng tương ưng, không tương ưng

Đó là hiện rõ thân Thiện Thệ.

Chẳng hợp, không hợp, không dính mắc

Chẳng chấp, chẳng xả, chẳng cao bằng

Chẳng tạo, chẳng nơi, chẳng không nơi

Thân này, chẳng rõ, không chỗ muốn.

Chẳng chấp, chẳng tạo, không chỗ có

Chẳng sắc, chẳng tâm, chẳng hai một

Không phân, chẳng phân, không khởi diệt

Chân thật, không ngã, hiện thân Phật.

Chẳng mạnh, chẳng yếu, cũng không đoạn

Chẳng im, chẳng nguyện, chẳng tận cùng

Chẳng được, chẳng định, chẳng nương dựa

Thân thật, không nhiễm, hiện như thế.

Chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng ngửi chạm

Chẳng nương, chẳng bày, hiện hình bóng

Nếu có người thấy, tâm vui vẻ

Như vậy, diễn nói pháp thành tựu.

Chẳng ấm, chẳng giới, chẳng hư thật

Các căn chẳng sinh, chẳng nhơ sạch

Chẳng bền, không bền, trăng in nước

Muốn quán thân Thiện Thệ như thế.

Từ nhân duyên sinh, chẳng chân thật

Chẳng khởi, chẳng diệt, chẳng động, đi

Chẳng hiện, hiện ba, như huyễn sư

Quán Phật không chỗ nương, như vậy.

Chẳng lặng, không lặng, chẳng tương ưng

Chẳng buộc, chẳng dục, chẳng hợp tan

Như đánh hư không, thật trống rỗng

Quán Phật như thế, chân cúng dường.

Mười phương Thế Giới, ngàn ức cõi

Chứa nhóm trân bảo đến Phạm Thế

Cúng tất cả Phật vô lượng kiếp

Nếu có ghi chép phước hơn kia.

Nếu có tội ở hằng sa kiếp

Tu tập bốn đẳng khắp thế gian

Giữ trọn tịnh giới không gì sánh

Tin hiểu Kinh này phước cao tột.

Xa xưa sinh tử đến thân này

Khắp nơi chúng sinh hành nhẫn nhục

Nếu có tạm tin Trí Ấn Kinh

Ví như Tu Di cạnh hạt cải.

Ba cõi chúng sinh vô số loài

Ở vô lượng kiếp mang vác đi

Thân không lười mỏi, không hối hận

Hay nhẫn Kinh này phước vô song.

Trăm Thế Giới số cát chúng sinh

Ở vô lượng kiếp tu thiền định

Một ngày, một đêm trì Kinh này

Công đức hơn kia không thể đếm.

Trí bỏ hai bên hành trung đạo

Hơn hẳn vô lượng trần số kiếp

Nếu với Kinh này nói cho hiểu

Ví như giọt nước trong biển cả.

Không nên dùng sắc, quán sắc tướng

Chớ như người ngu, nghĩ xem Phật

Thấy thật ta là Tu Bồ Đề

Ruộng phước ba cõi rất thanh tịnh.

Nói kệ xong, Đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất: Đó là Như Lai trí ấn tam muội, có khả năng bao trùm khắp tất cả mười phương Thế Giới, là trí tuệ vô ngại của Bồ Tát.

Này Xá Lợi Phất! Nếu muốn mau thấy Chư Phật và chư Bồ Tát khắp mười phương, thì sớm tối phải siêng năng tu tam muội này, sẽ thấy được tất cả.

Này Xá Lợi Phất! tam muội này là vô lượng môn của Bồ Tát, thực hành cùng khắp các hạnh Đà La Ni có khả năng giữ gìn pháp giới, khiến không đoạn tuyệt. Đà La Ni này giữ gìn các pháp môn.

Nếu ai thành tựu được tướng này thì đó gọi là Bồ Tát, có khả năng thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đầy đủ hạnh tương ưng, nghiệp hạnh thanh tịnh, ra khỏi cảnh giới ma, không động, không xuất, giống như thực hành hạnh Phật.

Ba nghiệp thân, miệng, ý đều được thanh tịnh. Muốn rõ pháp bí mật thanh tịnh của Như Lai, thì phải nên tu học tam muội ấy. Muốn lần lượt nói pháp, thì cũng học tam muội này. Muốn biết khắp các pháp.

Muốn như chân đế. Muốn thoát khỏi vạn ức sinh tử, tạo sự chứng ngộ. Muốn hiểu rõ mười hai nhân duyên. Muốn biết rõ tâm ý, sở hành hướng đến của tất cả chúng sinh. Muốn có được Cõi Phật thanh tịnh vi diệu thì phải học tam muội này.

Muốn được ánh sáng vi diệu, muốn thành tựu quyến thuộc, muốn làm chỗ nương tựa cho chúng sinh, muốn thành tựu tướng tốt, muốn thành tựu nhạo thuyết biện tài, muốn biết các pháp thì nên học tam muội này.

Vì sao?

Này Xá Lợi Phất! Giống như châu báu như ý, nó đáp ứng tất cả mong cầu của mọi người.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Tam muội này là tất cả việc làm tốt đẹp của Bồ Tát, có khả năng thành tựu đầy đủ tất cả hạnh nguyện.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần