Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Hai Mươi Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN HAI MƯƠI SÁU  

Lúc ấy, Vô biên Quang Chiếu Như Lai bảo Vua Thiện Tịnh Cảnh Giới: Này Đại Vương! Ông đã xả bỏ tất cả các thứ sở hữu để hiến cúng Như Lai, ông hãy tịnh tín nơi pháp tối thượng của ta mà xuất gia lìa bỏ nơi không phải là nhà.

Vì sao?

Này Đại Vương! Nếu tịnh tín xuất gia ở nơi pháp tối thượng của Như Lai thì có đại oai lực, được nhiều sự tán thán.

Đại Vương nên biết! Bồ Tát xuất gia có hai mươi sự lợi lạc rộng lớn, tức là viên mãn Nhất thiết trí vô thượng, thù thắng.

Những gì là hai mươi?

1. Xả bỏ sự thọ dụng của cải giàu có nơi Vua, được sự lợi ích lớn là vô ngã và ngã sở.

2. Đã thích xuất gia rồi thì được lợi ích lớn là xa lìa phiền não.

3. Mặc áo Ca Sa được sự lợi ích lớn là tâm không tạp nhiễm.

4. Đối với thánh chủng sinh lòng hoan hỷ thì được sự trưởng dưỡng lợi ích là viên mãn.

5. Tu công đức hạnh Đầu Đà, đoạn trừ đa dục thì được sự lợi ích ly nhiễm.

6. Đã thanh tịnh giới uẩn thì được sự lợi ích lớn là sinh trong Cõi Trời, người.

7. Không xả bỏ tâm bồ đề thì được lợi ích lớn viên mãn sáu pháp Ba la mật.

8. Ở nơi chỗ vắng lặng thì được lợi ích là xa lìa sự huyên náo.

9. Tâm không ái trước thì được sự lợi ích là tư duy về pháp lạc.

10. Tu tập thiền định thì được sự lợi ích là tâm luôn thông suốt.

11. Siêng cầu đa văn thì được sự lợi ích là đạt đại tuệ.

12. Xa lìa các kiêu mạn nên được lợi ích là đại trí.

13. Ít cầu, ít việc nên được lợi ích quyết chọn Thánh pháp.

14. Đối với tất cả chúng sinh tâm luôn bình đẳng nên được lợi ích là đại từ.

15. Khởi tâm giải thoát tất cả chúng sinh nên được lợi ích là đại bi.

16. Không tiếc thân mạng nên được lợi ích là hộ trì chánh pháp.

17. Tâm khinh an nên được lợi ích là thần thông.

18. Thường niệm Phật nên được lợi ích là giải thoát tất cả khổ.

19. Thường quán sát pháp thâm sâu nên được lợi ích là đạt pháp nhẫn vô sinh.

20. Tích tập tất cả công đức thù thắng nên được lợi ích là mau chóng thành tựu nhất thiết trí.

Này Đại Vương! Hai mươi pháp này tức là lợi ích của việc xuất gia với công đức thù thắng, các Bồ Tát xuất gia không khó làm được, cho nên Đại Vương, hãy nên tịnh tín xuất gia ở trong pháp Tối thượng.

Này Hải Ý! Lúc ấy, Đức Thế Tôn vì Vua Thiện Tịnh Cảnh Giới mà dẫn dạy các pháp khế hợp. Vua xuất gia rồi liền xả bỏ tất cả sở hữu, ở nơi thắng phước, cho đến cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa thành tướng Bí Sô. Vua ở trong pháp Thế Tôn tịnh tín xuất gia, các cung tần của Vua cũng theo xuất gia, Thái Tử, phi chủ cũng xuất gia.

Cho đến dân chúng trong nước cũng có chín mươi chín câu chi na do tha trăm ngàn người đều theo Vua xuất gia, đều phát tâm tinh tấn, siêng cầu pháp thiện.

Này Hải Ý! Ông nên quán lời thành thật của Chư Phật mà sinh lòng tịnh tín, tất cả phước hạnh sẽ làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh.

Vua Thiện Tịnh Cảnh Giới ấy xuất gia rồi, sau đó các quyến thuộc cũng cùng xuất gia, cùng đến chỗ Như Lai Vô biên Quang Chiếu, đến rồi liền đảnh lễ và bạch Phật: Xin Đức Thế Tôn giáo thọ cho con, con sẽ như lời dạy bảo của Thế Tôn mà tu hành kiên cố, khiến cho trong các Quốc Độ của con không ai là không no đủ.

Đức Như Lai bảo Bí Sô Thiện Tịnh Cảnh Giới: từ nay về sau, ông được gọi là Bí Sô, theo chúng Bí Sô, cần phải làm cho cảnh giới của mình thanh tịnh, quán sát sâu xa về cảnh giới của chính mình và tùy theo sự quán sát mà an trú đúng như lý.

Sao gọi là cảnh giới của chính mình?

Nghĩa là cảnh giới nơi sáu trần đem đến sự chướng ngại. Ngay lúc đó, ông cần phải biết rõ về hiện tiền đúng như thật, quán sâu về bồ đề, phải ở nơi bồ đề khởi tưởng sâu xa, chớ khởi tưởng nghĩ nông cạn.

Bí Sô Thiện Tịnh Cảnh Giới thừa hành theo sự chỉ dạy của Thế Tôn ấy rồi thì ý chí luôn sâu bền, không sinh phóng dật, cầu xa lìa phiền não, tu hành như lý, ở nơi cảnh giới của mình mà quán sát như thật.

Thế nào là quán sát sâu xa?

Nghĩa là cảnh giới của mắt tức là cảnh giới của không. Cảnh giới không tức là cảnh giới cua tất cả chúng sinh. Cảnh giới của tất cả chúng sinh tức cảnh giới của Phật. Cũng vậy, cảnh giới của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là cảnh giới của không.

Cảnh giới không là cảnh giới của tất cả chúng sinh cảnh giới của tất cả chúng sinh, cảnh giới không là cảnh của giới Phật. Lại nữa, cảnh giới của mắt là cảnh giới vô tướng. Cảnh giới vô tướng là cảnh giới của tất cả chúng sinh. Cảnh giới tất cả chúng sinh, cảnh giới vô tướng là cảnh giới của Phật. Cho đến cảnh giới của ý là cảnh giới vô tướng.

Cảnh giới vô tướng tức cảnh giới của tất cả chúng sinh. Cảnh giới của tất cả chúng sinh, cảnh giới của vô tướng là cảnh giới của Phật. Lại nữa, cảnh giới của mắt tức cảnh giới vô nguyện, vô tác, vô sinh, vô khởi. Cảnh giới vô khởi tức là cảnh giới của tất cả chúng sinh. Cảnh giới của tất cả chúng sinh, cảnh giới vô khởi là cảnh giới của Phật.

Này Hải Ý! Bí Sô Thiện Tịnh Cảnh Giới nghe pháp này rồi liền hội nhập vào pháp ấy, thân tâm được thư thái, cho nên tâm tuệ siêng tu bốn thần túc, không lâu thì chứng đắc năm thần thông, một lòng chuyên chú, không hề phóng dật, được nhập vào chỗ thâu tóm chung tất cả ngôn nghĩa của môn Đà La Ni.

Khi ấy, Phật bảo Đại Bồ Tát Hải Ý: Ông chớ nên sinh niệm nghi hoặc: Bí Sô Thiện Tịnh Cảnh Giới thời đó bỏ ngôi vị Chuyển luân vương tối thắng xuất gia tu đạo ở trong Phật Pháp, Vua ấy đâu phải là ai khác mà chính là ông đấy. Còn số người theo Vua xuất gia gồm chín mươi chín câu chi na do tha trăm ngàn Bí Sô thời đó đâu phải là ai khác, chính là chúng Bồ Tát cùng đi theo với ông đến pháp hội này nghe pháp.

Lúc Thế Tôn Giảng nói về nhân duyên thuở trước, trong chúng hội này có một vạn tám ngàn người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, tám ngàn Bồ Tát đắc pháp nhẫn vô sinh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Hải Ý: Này Hải Ý! Nếu chư Bồ Tát muốn chứng đắc đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì cần phải tu học. Các chỗ hành dụng của hàng Đại Sĩ các ông, tức Bồ Tát không cần chỉ tu với lời nói biện tài mà phải hành dụng đúng như lời Chư Phật dạy.

Thế nào là Bồ Tát không hành như chỗ thuyết giảng?

Nghĩa là Bồ Tát tu đầy đủ biện tuệ, nhưng không tích tập các pháp phần bồ đề mà còn nói như vậy: Ta sẽ thành Phật rồi thì mời gọi khắp tất cả chúng sinh đến để rộng hành pháp thí, khiến cho họ đều đắc pháp viên mãn. Nhưng Bồ Tát này không thể siêng hành tu tập về đa văn, cũng không tích tập các pháp phần bồ đề, hư dối đối với tất cả chúng sinh, đó là Bồ Tát không thể hành như chỗ thuyết giảng.

Này Hải Ý! Nếu có Bồ Tát nói như vậy: Ta thành Phật rồi, tức rộng hành pháp thí cho tất cả chúng sinh, khiến họ đắc pháp đầy đủ. Lúc ấy, Bồ Tát có thể siêng hành tu tập đa văn, cũng tích tập các pháp phần bồ đề, đó là thi hành đúng như lời nói.

Này Hải Ý! Người không thể làm như lời nói cũng ví như ở đời có vị Vua hoặc vị quan mời tất cả dân chúng trong nước đến, vì muốn thết đãi một bữa tiệc thịnh soạn, khiến cho tất cả đều no đủ, nhưng lại không chuẩn bị đủ các thức ăn uống cần dùng, dối gạt tất cả dân chúng trong nước, mọi người đã đến lầm nên liền tìm tới nơi khác mà ăn, tâm mang sân hận, trách mắng mà đi ra khỏi chỗ ấy.

Này Hải Ý! Bồ Tát cũng vậy, nguyện vì tất cả chúng sinh chưa độ khiến họ được độ, chúng sinh chưa giải thoát khiến họ được giải thoát, chúng sinh chưa an ổn khiến họ được an ổn, chúng sinh chưa đạt Niết Bàn khiến họ đến Niết Bàn, tuy có nguyện như vậy nhưng Bồ Tát ấy không siêng tu tập đa văn, cũng không tích chứa các pháp phần bồ đề, đó là Bồ Tát không làm như điều đã nói.

Bồ Tát ấy hư dối hàng trời, người, thế gian bị Hiền thánh, chê trách cũng lại hiềm khích, bày ra sự tranh tụng mà không thể làm bậc Đại trí, rốt cùng không thể viên mãn thệ nguyện.

Này Hải Ý! Nếu muốn phát khởi đại trí tối thượng, sự khó đạt được tột bậc cần phải ở trong pháp Đại Thừa vô thượng mà không hề biếng trễ thoái chuyển. Vì thế, nên biết, Bồ Tát không nên dùng lời nói mà dối gạt tất cả hàng trời, người, thế gian.

Lại nữa Hải Ý! Hoặc lúc có người đến cầu xin chư Bồ Tát thuyết pháp, Bồ Tát ấy liền nói: Ta vì các vị mà giảng nói pháp như vậy, dùng pháp như vậy để giáo hóa. Cho đến xả bỏ thân mạng của chính mình cũng không hề hối tiếc. Đó là Bồ Tát không dối gạt tất cả chúng sinh, nhân duyên như vậy ông phải nên biết.

Lại nữa, này Hải Ý! Ta nhớ về thời quá khứ vô lượng vô số A tăng kỳ kiếp về trước có một Sư Tử chúa các loài thú tên là Bất hoại thân, ở trong rừng sâu động vắng, thường hành tâm từ, bảo hộ tất cả chúng sinh, chỉ dùng hoa quả, cỏ cây làm thức ăn.

Lúc ấy trong động có hai con khỉ cái và đực cùng ở, sau đó, chúng sinh ra hai khỉ con, vì muốn đi nơi khác nên mới đem con mình giao cho Sư Tử chúa giữ giúp, gởi rồi cả hai liền đi nơi khác. Khi đó, có một con chim Thứu tên là Lợi kiến đang bay nơi không trung, bỗng nhiên đáp xuống đất bắt hai con khỉ ấy rồi bay lượn trên không.

Sư Tử vương thấy hai khỉ con bị chim tha đi, liền hướng đến chim Thứu chúa nói kệ:

Lạ thay Thứu Vương, ngươi có biết

Nếu buông thả hai khỉ con khỉ này

Ta bảo vệ chúng khiến không sợ

Hãy đem nó về chớ làm hại.

Lúc ấy Thứu Vương liền đáp:

Thú vương nếu bỏ được thân mình

Ta sẽ tha hai con khỉ này

Đây là thức ăn của chỗ ta

Trên không lấy gì làm thức ăn.

Sư Tử vương liền đáp:

Ta thà bỏ thân cho ngươi ăn

Nay ngươi hãy mau thả khỉ con

Ta nguyện gìn giữ đại bồ đề

Kẻ trí không nên nói dối gạt.

Thú vương là Sư Tử nói kệ rồi, thâm tâm kiên cố, xả bỏ thân mình không hề hư dối.

Thứu Vương thấy việc này rồi liền khen ngợi là việc chưa từng có và nói kệ:

Nuôi lớn tánh mạng ở thế gian

Có thể bỏ thân cứu kẻ khác

Nay ta phải thả khỉ con này

Khiến ông tu hành pháp lâu bền.

Này Hải Ý! Ông nên biết, Sư Tử vương Bất hoại thân lúc ấy chính là ta. Khỉ đực là Đại Ca Diếp. Khỉ cái là Bí Sô Ni Hiền Hộ. Hai khỉ con nay là La Hầu La và A Nan, chim Thứu Vương Lợi Kiến là Bí Sô Thiện Ái. Vì vậy nên biết, Đại Bồ Tát thà bỏ thân mình chứ không bỏ sự bảo hộ kẻ khác. Đó là làm đúng như lời nói một cách viên mãn.

Lại nữa, này Hải Ý! Thế nào là tướng biểu hiện của việc có thể hành như lời nói. Đó là bố thí như lời nói, tức xả bỏ tất cả sở hữu như chỗ hiện bày, đó gọi là có thể hành như lời nói.

Bồ Tát trì giới như lời nói, tức thành tựu tất cả giới học và công đức Đầu Đà như chỗ chỉ bày, đó gọi là có thể hành. Bồ Tát nhẫn nhục như lời nói, tức đối với các trường hợp giận dữ khiến có lỗi lầm, thảy đều đoạn trừ, như chỗ hiển bày, đó gọi là chỗ có thể hành.

Bồ Tát hành tinh tấn như lời nói, tức ở nơi các pháp thiện siêng cầu tu tập, như chỗ hiển bày, đó gọi là chỗ có thể hiển bày. Bồ Tát hành thiền định như lời nói, tức phải tu định giải thoát Tam Ma Địa, Tam ma bát để như chỗ hiển bày, đó gọi là có thể hành.

Bồ Tát tu tập trí tuệ như lời nói tức phải phân biệt tất cả chương cú, khởi trí thiện xảo, biện tài quyết định như chỗ hiện bày, đó gọi là có thể hành. Tóm lại, cho đến Bồ Tát đoạn trừ tất cả pháp bất thiện như lời nói, tích tập tất cả pháp thiện, tức phải đoạn trừ mọi pháp bất thiện, siêng năng tu tập tất cả pháp thiện như chỗ hiển bày, đó gọi là có thể hành.

Bồ Tát chất trực như lời nói tức là không quanh co, hư dối, đó gọi là có thể hành. Bồ Tát hành theo phương tiện như lời nói tức mở bày cửa phương tiện, đó gọi là có thể hành. Bồ Tát dũng mãnh như lời nói tức siêng năng xa lìa các sự biếng nhác thoái chuyển, đó gọi là có thể hành.

Bồ Tát có thâm tâm kiên cố như lời nói tức xa lìa sự vướng mắc nơi chỗ hướng tới Thắng đạo, đó gọi là có thể hành. Bồ Tát thệ nguyện như lời nói tức sẽ viên mãn rốt ráo các nguyện, đó gọi là có thể hành.

Bồ Tát nghe thọ trì như lời nói tức đã khéo tu tập như điều đã nghe biết, đó gọi là có thể hành. Bồ Tát tích tập thiện hạnh như lời nói tức thâm tâm thường không biếng trễ, đó là có thể hành. Bồ Tát xa lìa kiêu mạn như lời nói tức phải viên mãn thắng trí, đó gọi là có thể hành. Bồ Tát tích tập giới hạnh như lời nói tức đối với giới không hề thiếu sót, đó gọi là có thể hành.

Bồ Tát mới phát tâm như lời nói tức phải thành tựu thắng hạnh của Bồ Tát, đó gọi là có thể hành Bồ Tát ở quả vị pháp nhẫn vô sinh như lời nói tức phải tăng tiến hướng đến nơi Địa không thoái chuyển, đó là có thể hành.

Bồ Tát ở quả vị Nhất sinh bổ xứ như lời nói, tức phải tăng tiến hướng đến ngồi nơi Đạo Tràng bồ đề, đó gọi là có thể hành. Bồ Tát tích tập kiên cố như lời nói tức phải hiện chứng quả nhất thiết trí, đó gọi là có thể hành.

Này Hải Ý! Các pháp như vậy là Bồ Tát có thể hành đúng như lời nói. Lúc Đức Thế Tôn thuyết pháp có thể đúng như lời nói hành trong pháp hội có năm ngàn Bồ Tát đều đắc pháp nhẫn vô sinh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần