Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Phẫn Nộ - Thí Dụ Năm Mươi Mốt

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Cự, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI BẢY

PHẨM PHẪN NỘ  

THÍ DỤ NĂM MƯƠI MỐT  

Thuở xưa, Đức Phật trú trong núi Kỳ Xà Quật tại thành La Duyệt Kỳ.

Lúc đó Điều Đạt và Vua A Xà Thế bàn nhau tìm cách hại Phật và chúng Tăng. Vua lệnh cho dân chúng không phụng thờ Đức Phật. Chúng Tăng khất thực không được cúng dường.

Lúc ấy, các vị Trưởng Lão như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Tu Bồ Đề… và các Trưởng Lão Ni như Ba Hòa Đề… đều dẫn đệ tử đi đến các nước khác, chỉ còn Đức Phật và năm trăm vị A La Hán trú tại núi Kỳ Xà Quật.

Ông Điều Đạt đến chỗ Vua A Xà Thế bàn: Các đệ tử của Phật nay đã tản đi cả, chỉ còn năm trăm vị gần kề. Xin Vua ngày mai mời Phật vào thành, tôi sẽ cho năm trăm thớt voi lớn uống rượu say, rồi thả ra để đạp chết Phật và đệ tử, dứt tuyệt mầm mống. Tôi sẽ làm Phật Giáo hóa thế gian.

Vua A Xà Thế nghe nói vui mừng đồng ý, liền đến chỗ Đức Phật cúi đều làm lễ thưa: Ngày mai tôi có sắp đặt buổi cúng dường đạm bạc, thỉnh Phật và chúng đệ tử hoan hỷ vào thọ thực trong cung.

Đức Phật tuy biết rõ âm mưu vẫn đáp: Lành thay! Sáng mai ta sẽ đến. Vua chào ra về, nói lại với Điều Đạt rằng Đức Phật đã nhận lời mời, nên sắp đặt trước cho voi uống rượu say chờ cơ hội ra tay.

Hôm sau, vào giờ thọ thực Đức Phật cùng năm trăm vị A La Hán đi vào thành. Bỗng một bầy voi say năm trăm con gầm rống cất vòi xông đến, tường vách bị húc đổ, cây cối gãy rạp, người đi đường hãi sợ, cả thành hỗn loạn kinh hoàng.

Lúc ấy năm trăm vị A La Hán liền bay lên Hư Không, chỉ có A Nan đứng bên cạnh Đức Phật. Bầy voi say xông đến chỗ Phật.

Ngài liền giơ bàn tay lên, năm ngón tay tức thời hóa thành năm trăm sư tử chúa, đồng thanh rống lớn chấn động khắp đất Trời. Đàn voi say chợt khựng lại, quỳ xuống sát đất không dám ngẩng đầu, cơn say dứt hẳn rơi lệ ăn năn.

Trước hiện trạng này Vua và thần dân vô cùng kinh ngạc, thán phục.

Đức Thế Tôn khoan thai bước vào cung điện, cùng các vị A La Hán thọ trai. Thọ trai xong Đức Phật vì Vua mà ban lời chú nguyện.

Nhà Vua lúc đó mới bạch Phật: Con vì tâm tánh u tối mới tin nghe theo lời sàm báng, gây tạo nghịch ác, mưu đồ bất chánh. Xin Ngài hãy rủ lòng từ bi tha thứ cho sự ngu mê của con.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với Vua A Xà Thế và đại chúng: Trên đời có tám việc gây ra phỉ báng. Xét ra, nó đều do ham danh dự và tham lợi dưỡng mà gây đại tội, muôn kiếp không dứt.

Thế nào là tám?

Đó là: Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Từ xưa đến nay ít ai không mê hoặc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Bị người nói xấu

Xưa nay vẫn vậy

Nói nhiều bị chê

Trì độn bị chê

Vừa phải cũng chê

Không ai tránh khỏi.

Phàm phu tham dục

Không thể công minh

Chê đó, khen đó

Chỉ do danh lợi

Chỉ bậc Minh triết

Khen đúng hiền tài.

Người trí giữ giới

Không chỗ gièm chê

Như La Hán tịnh

Không ai vu báng

Chư Thiên tán thán

Phạm, Thích kính tôn.

Đức Phật nói kệ xong, lại kể với Vua: Thuở xưa có một vị Vua thích ăn thịt chim nhạn. Ông sai thợ săn mỗi ngày giăng lưới bắt nhạn, cung cấp một con cho Vua ăn.

Một hôm, có con chim nhạn chúa dẫn theo năm trăm con khác bay xuống kiếm ăn. Nhạn chúa vướng lưới, cả đàn hoảng kinh bay vọt trở lên.

Song trông thấy nhạn chúa bị bắt, cả đàn cứ bay lượn trên không bịn rịn không chịu bỏ đi. Trong đó có một con bay sát theo nhạn chúa, bất kể cung tên nguy hiểm, thốt ra tiếng kêu bi thương, mồm tứa máu tươi, ngày đêm không ngừng.

Thấy tình nghĩa của chim nhạn như vậy, người thợ săn cảm động bèn thả nhạn chúa ra.

Thấy nhạn chúa được thả, cả đàn vô cùng mừng rỡ bay lượn vòng quanh nó.

Lúc ấy người thợ săn tâu lên Vua mọi việc. Vua nghe xong rất cảm động, đã từ bỏ ý định ăn thịt nhạn.

Đức Phật kể xong, bảo với A Xà Thế: Con chim nhạn chúa thuở đó, chính là Ta ngày nay. Con nhạn bay theo là A Nan. Còn đàn nhạn năm trăm con là năm trăm vị A  La Hán hiện giờ.

Ông Vua thích ăn thịt chim nhạn chính là Vua, còn người thợ săn là Điều Đạt vậy. Ông ấy từ nhiều đời đến nay luôn tìm cách hại ta. Ta nhờ sức đại từ nên được an ổn. Ta không chấp kẻ oán nên được thành Phật. Nghe Đức Phật dạy xong, Vua và Quần Thần ai cũng khai ngộ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần