Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Chín - Tâm Kiên Cố Của Bồ Tát Thực Nghĩa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM CHÍN
TÂM KIÊN CỐ
CỦA BỒ TÁT THỰC NGHĨA
Thiện Sinh bạch Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát thực nghĩa làm sao biết mình là Bồ Tát thực nghĩa?
Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ Tát lúc tu khổ hạnh, trước hết phải nên tự giữ tâm mình.
Thiện nam tử! Ta nhớ thuở xưa lúc còn tu hạnh Bồ Tát, trước theo ngoại đạo học pháp khổ hạnh, hết lòng tu tập, tâm không thoái chuyển. Trong vô lượng đời, dùng tro bôi thân, mỗi ngày ăn một hạt mè, hạt đậu. Dùng chông gai, cây đá làm chỗ lót nằm. Lấy phân cùng nước tiểu làm thuốc trị bệnh. Trong mùa hè nóng bức, dùng năm thứ lửa đốt thân.
Trong mùa đông buốt giá, dùng nước đá chà xát vào thân. Hoặc ăn cỏ, rễ, nhành, lá, quả. Hoặc ăn đất, hoặc hớp gió. Lúc tu những sự khổ hạnh như vậy, thân mình thân người đều không lợi ích. Tuy thế, tâm vẫn không thoái sụt, mà còn vượt hơn tất cả khổ hạnh của ngoại đạo.
Thiện nam tử! Ta thuở xưa vì bốn việc mà hy sinh thân mệnh:
Một là vì muốn phá phiền não của chúng sinh.
Hai là vì muốn làm chúng sinh được an vui.
Ba là vì muốn phá trừ sự tham đắm thân thể.
Bốn là vì muốn báo ơn sinh dưỡng của cha mẹ.
Bồ Tát nếu không tiếc thân mệnh, quyết định biết mình là Bồ Tát thực nghĩa.
Thiện nam tử! Trong quá khứ, vì cầu chánh pháp, ta đã khoét thân làm ba ngàn sáu trăm ngọn đèn. Lúc bấy giờ, ta tuy vẫn còn đầy phiền não, thân thể đau đớn, nhưng vì muốn chúng sinh được độ thoát sinh tử, ta tự an ủi khiến lòng kiên quyết, không sinh tâm thoái chuyển.
Lúc đó được đầy đủ ba việc:
Một là rốt ráo không còn thoái chuyển.
Hai là trở thành Bồ Tát thực nghĩa.
Ba là được chúng sinh gọi là bậc không thể nghĩ bàn.
Đây gọi là Bồ Tát không thể nghĩ bàn.
Lại nhớ khi xưa vì cầu chánh pháp, trong một đại kiếp, khắp thân chịu sự thống khổ của hàng ngàn mụt nhọt. Lúc đó, ta tuy vẫn còn đầy phiền não, thân thể đau đớn, nhưng vì muốn chúng sinh đều được độ thoát, ta tự an ủi, khiến lòng kiên quyết, không sinh tâm thoái chuyển.
Đây gọi là Bồ Tát không thể nghĩ bàn. Khi xưa ta vì một con bồ câu mà bố thí thân mệnh của mình. Lúc bấy giờ ta còn đầy phiền não, thân thể đau đớn, nhưng vì muốn chúng sinh được độ thoát, ta tự an ủi, khiến lòng kiên quyết, không sinh tâm thoái chuyển. Đây gọi là Bồ Tát không thể nghĩ bàn.
Thiện nam tử! Tất cả bạn ác, phiền não và nghiệp, chính là người bạn làm trang nghiêm đạo nghiệp của Bồ Tát.
Vì sao?
Vì tất cả phàm phu không có trí tuệ và chánh niệm, nên đem phiền não làm kẻ oán địch. Còn Bồ Tát đầy đủ trí tuệ và chánh niệm, nên đem phiền não làm người bạn đạo. Trường hợp bạn ác và nghiệp cũng tương tự như thế.
Thiện nam tử! Người đã đoạn phiền não, thì không còn phải thọ thân trong các cõi ác. Thế nên, Bồ Tát tuy thị hiện làm nghiệp ác, thực sự không phải do thân khẩu ý làm ra, mà là do sức mạnh của thệ nguyện. Như vì muốn điều phục loài súc sanh, do thệ nguyện mà thọ thân thú dữ.
Bồ Tát tuy thị hiện thọ thân cầm thú, hiểu rõ tiếng người, lời pháp, lời chân thực, lời không thô ác, lời không vô nghĩa. Tâm thường thương xót, tu tập từ bi, lòng không buông lung. Đấy gọi là Bồ Tát không thể nghĩ bàn.
Thiện nam tử! Thuở xưa lúc ta thọ thân gấu, dù vẫn còn đủ phiền não, nhưng ta không còn bị phiền não lay chuyển.
Vì sao?
Vì ta đầy đủ chánh niệm, thương xót chúng sinh, ủng hộ chánh pháp, tu hành pháp hạnh. Thọ thân trâu, chim, thỏ, rắn, Rồng, voi, kim xí điểu, bồ câu, nai, vượn, dê, gà, chim trĩ, khổng tước, anh vũ, các loài cóc nhái. Lúc ta thọ thân chim, thú như vậy, tuy vẫn còn đủ phiền não, nhưng phiền não đối với ta không còn sức tự tại.
Vì sao?
Vì ta đầy đủ chánh niệm, thương xót chúng sinh, ủng hộ chánh pháp, tu hành pháp hạnh.
Thiện nam tử! Trong đời đói khổ, ta lập đại nguyện, do nguyện lực mà thọ thân làm loài cá lớn, làm cho chúng sinh khỏi sự đói khát. Người nào ăn thịt ta, đều tu hành, tư duy chánh đạo, không phạm tội ác.
Trong đời nhiều tật dịch, ta lập đại nguyện, do nguyện lực mà thọ thân làm cây thuốc. Những người bệnh tật thấy, nghe, hoặc chạm đến thân ta, hoặc ăn da, thớ, máu, thịt, xương, tủy của ta thì bệnh hoạn đều lành.
Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ Tát thọ khổ như vậy, tâm không thoái chuyển, gọi là Bồ Tát thực nghĩa.
Lúc Bồ Tát tu hành sáu pháp Ba la mật, chung qui không mong cầu quả báo, chỉ lấy sự lợi ích chúng sinh làm sự nghiệp. Bồ Tát thấy rõ lỗi lầm của sinh tử, nhưng vẫn ưa ở trong sinh tử để làm lợi ích chúng sinh, khiến cho họ được an vui.
Bồ Tát hiểu rõ Niềm vui của giải thoát, sự lỗi lầm của sinh tử, mà vẫn có thể ở trong sinh tử, đây là hạnh không thể nghĩ bàn của họ. Bồ Tát làm việc gì, không cầu báo ơn. Còn đối với người làm ơn cho mình, thì thường nghĩ đến sự trả ơn.
Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh thường cầu tự lợi, Bồ Tát làm việc thường mong lợi người. Đây là hạnh không thể nghĩ bàn của Bồ Tát.
Thiện nam tử! Bọn ngoại đạo lúc giáo hóa chúng sinh, hoặc dùng lời hung ác, đánh đập, nhục mạ, xua đuổi, sau đó mới điều phục. Bồ Tát không phải thế, lúc giáo hóa chúng sinh, không dùng lời thô tục, lời giận dữ, lời vô ích, mà chỉ dùng lời nhỏ nhẹ, lời chân thực mà giáo hóa họ. Chúng sinh nghe rồi, như hoa sen xanh dưới ánh trăng, như hoa sen đỏ dưới ánh Mặt Trời.
Thiện nam tử! Lúc Bồ Tát bố thí, tuy ít tiền của, thấy nhiều người đến xin, không sinh tâm chán ghét. Đây là hạnh không thể nghĩ bàn của Bồ Tát. Dù dạy dỗ người mù, điếc, câm, ngọng, ngu si, hoặc người dã man, hung ác, nhưng tâm vẫn không nhàm chán. Đây là hạnh không thể nghĩ bàn của Bồ Tát.
Thiện nam tử! Bồ Tát có bốn việc không thể nghĩ bàn:
Một là có thể đem vật yêu quí bố thí cho người khác.
Hai là tuy đầy đủ phiền não, mà vẫn nhẫn được việc ác.
Ba là thấy đại chúng chia rẽ, có thể khiến hòa hợp.
Bốn là dù lúc sắp chết, nếu thấy người ác, liền nói pháp để chuyển đổi họ.
Đây là bốn việc không thể nghĩ bàn của Bồ Tát.
Lại có ba việc không thể nghĩ bàn:
Một là thường quở trách tất cả phiền não.
Hai là ở trong phiền não, nhưng vì chúng sinh nên không xả bỏ phiền não.
Ba là dù đầy đủ phiền não và phiền não nghiệp mà vẫn không dám buông lung.
Đây là ba việc không thể nghĩ bàn của Bồ Tát.
Lại có ba việc không thể nghĩ bàn:
Một là lúc muốn bố thí, tâm sinh vui mừng.
Hai là lúc bố thí, chỉ vì người mà không cầu quả báo.
Ba là lúc bố thí xong, tâm thường an vui, không sinh nuối tiếc.
Đây là ba việc không thể nghĩ bàn của Bồ Tát.
Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ Tát lúc tu hạnh như vậy, nên tự quán sát tâm mình: Tôi là Bồ Tát giả danh hay Bồ Tát thực nghĩa?
Chúng sinh nếu làm được những việc như vậy, nên biết đó là Bồ Tát thực nghĩa.
Thiện nam tử! Bồ Tát có hai hạng:
Một là tại gia.
Hai là xuất gia.
Bồ Tát xuất gia làm những việc ấy, điều này không khó.
Bồ Tát tại gia làm những việc ấy, điều này mới khó.
Vì sao?
Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Thấp Ba Thệ
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chiên đà Việt Quốc Vương
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - QUYỂN THƯỢNG ( Phẩm thứ nhất)
Phật Thuyết Kinh đại Sự Nhân Duyên Lợi ích Của Danh Hiệu Phật Vô Lượng Thọ