Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Chín - Phẩm An Dưỡng Quốc
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẨM CHÍN
PHẨM AN DƯỠNG QUỐC
Lúc bấy giờ, trong bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di có một vị đồng nữ tên là Sư Tử cùng năm trăm đồng nữ khác bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người nữ đọc tụng Kinh này, lại giải thích, giảng nói cho người khác nghe thì người nữ ấy được phước gì?
Phật bảo đồng nữ Sư Tử: Nếu có người nữ, an trụ trên đường tiến đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thọ trì đọc Kinh Điển như vậy, lại giảng nói cho người khác nghe, thì nên biết rằng những người ấy đang mang thân nữ sau cùng, không còn thân nữ nữa.
Vì sao?
Vì những người ấy chẳng những thọ trì, đọc tụng Kinh này, mà còn giảng nói cho người khác nghe, tâm không tán loạn, tất cả phiền não đều được dứt bỏ, nếu có người nữ muốn sinh phiền não thì cũng không sinh được.
Đồng nữ Sư Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao tướng người nữ này có thể sinh ra phiền não?
Phật dạy: Này đồng nữ Sư Tử! Nếu có người nữ thấy cô gái khác xinh đẹp, trang sức bằng những xâu chuỗi quý giá làm bằng ngọc Ma ni và các thứ châu báu khác, thấy như vậy thì rất thích thú, phát khởi tâm tham đắm chứ không biết quan sát, ví như chiếc bình vẽ cảnh trí bên ngoài đẹp đẽ, nhưng bên trong đều là một khối chứa đầy những thứ bất tịnh phân dãi nhơ nhớp, kẻ phàm phu ngu si hôi thối cũng giống như thế.
Bị chất bất tịnh xông ướp, phẩn tiểu đầy dẫy, không biết quán sát. Các tướng như thế lại sinh ưa đắm mà khởi tâm nhuốm bẩn vì nhân duyên ấy nên thường phải làm thân nữ.
Phật bảo đồng nữ Sư Tử: Tất cả người nữ thường sinh tâm ganh ghét, lừa gạt, nói dối, ý nghĩ và lời nói trái nhau, hoặc đối diện trò chuyện thì thường xin xỏ, đến chỗ Tỳ Kheo không phải vì pháp, sinh tâm giận tức và tâm thích ngủ nghỉ, hoặc đến những nơi ồn ào náo nhiệt, gần gũi chuyện thế tục.
Đối với Kinh này hay làm những việc không lợi ích, không chịu nghe nhận, không giảng nói, không đọc tụng, ngày đêm thường khởi các tâm phiền não, xa lìa giải thoát. Vì có những thứ tâm như vậy mà phải mang lấy thân nữ, khó lìa bỏ được.
Này đồng nữ Sư Tử! Tất cả người nữ đều phải nên quán sát như thế rằng, ta phải làm thế nào để dứt bỏ các phiền não, không cho chúng sinh khởi trở lại. Người nữ như thế không có việc lợi ích, phải nghe Kinh này, thọ trì đọc tụng, lại giảng nói cho người khác nghe.
Vì sao?
Vì nếu được nghe Kinh này, lần lượt lãnh hội thì chắc chắn sẽ dứt bỏ được tất cả phiền não.
Đồng nữ Sư Tử bạch Phật: Nếu có người nữ, đọc tụng Kinh này, lại giải thích cho người khác nghe, nếu muốn xả bỏ thân nữ thì có thể được chăng?
Đức Phật đáp: Này đồng nữ Sư Tử! Nếu có người thọ trì, đọc tụng Kinh này, thì đó là người mang thân nữ sau cùng, sẽ không còn trở lại làm thân nữ nữa, trừ trường hợp phương tiện thần thông biến hóa thị hiện thân nữ.
Này đồng nữ Sư Tử! Ví như có người đốt một đống lửa lớn rồi tự nhảy vào đó, đã nhảy vào lửa rồi mà còn bảo chớ để lửa đốt cháy thân tôi, cũng đừng khiến cho thân tôi bị nám đen, này đồng nữ, theo ý đồng nữ thì thế nào?
Người ấy tuy nói như vậy mà có được như lời mình nói hay không?
Đồng nữ thưa: Bạch Thế Tôn! Không thể được.
Vì sao?
Vì tánh chất của đống lửa ấy là đốt cháy các vật cũng như hủy diệt thân sắc.
Đức Phật dạy: Này đồng nữ Sư Tử! Kinh này cũng giống như thế, có công năng đốt cháy tất cả các thứ củi phiền não hiện hành. Nếu muốn xả bỏ thân tướng người nữ thì phải dứt trừ tham dục, thành tựu Phật Pháp, muốn thấy vô lượng vô số A tăng kỳ các Đức Phật, được biện tài vô ngại, muốn phát khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh… thì cũng phải thọ trì, đọc tụng, biên chép Kinh này.
Bấy giờ, đồng nữ Sư Tử và năm trăm đồng nữ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con từ thời Phật Định Quang đã được nghe Kinh này và thọ trì đọc tụng. Hôm nay chúng con lại vì vô số chúng sinh mà nêu bày lại.
Lúc này, Tôn Giả A Nan liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay đồng nữ Sư Tử ấy và năm trăm vị đồng nữ kia vì sao chưa chuyển thân nữ?
Phật bảo A Nan: Nay Tôn Giả cho rằng đồng nữ Sư Tử và năm trăm đồng nữ kia thật là nữ chăng?
Bạch Thế Tôn, đúng vậy!
Phật bảo A Nan: Chớ nói như thế.
Vì sao?
Vì đồng nữ Sư Tử này và năm trăm đồng nữ kia đều là thị hiện làm thân người nữ, chứ chẳng phải thật là thân nữ chỉ vì đối với chúng sinh đời vị lai mà thị hiện biến hóa, vì thương xót tất cả các người nữ mà hiện làm người nữ, giúp cho họ điều kiện để chán ghét lìa bỏ thân nữ, vì nếu làm thân người nam thì khó có thể tiếp xúc đi đến tất cả các nơi chốn.
Này Tôn Giả A Nan! Đồng nữ Sư Tử này và những đồng nữ kia chẳng phải là nam, cũng chẳng phải là nữ.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp đều là chẳng phải nam chẳng phải nữ, vượt ngoài tất cả pháp tướng không thật có, đó mới thật sự là thông đạt. Các vị đồng nữ ấy đều thuận theo các pháp thế gian nên làm thân người nữ để hóa độ những người nữ khác tu học theo.
Khi ấy có năm trăm vị Tỳ Kheo Ni, đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật và bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con xin nguyện từ nay về sau sẽ thọ trì, đọc tụng, sao chép Kinh này, giảng nói cho người khác nghe.
Vì sao?
Vì chúng con làm thân nữ này không có lợi ích gì, phải mau nhàm chán, lìa bỏ. Chúng con xin nguyện kể từ hôm nay, đối với những người chưa hiểu Kinh này thì sẽ khiến cho họ được hiểu, những người chưa nghe thì sẽ khiến cho họ được nghe, vào đầu hôm, nửa đêm hay gần sáng, ngoài việc ngủ nghỉ phải chuyên tâm suy nghĩ, quán tưởng.
Đức Phật dạy: Lành thay, lành thay! Các Tỳ Kheo Ni, các vị đã phát tâm đại trang nghiêm để tự trang nghiêm, phát tâm tinh tấn mạnh mẽ bậc nhất, thảy đều nhàm lìa, muốn xả bỏ thân nữ, vì muốn lợi ích đối với tất cả Phật Pháp mà thọ trì, đọc tụng, sao chép Kinh này, giảng nói cho người khác nghe. Các vị đều mang thân nữ này là thân nữ sau cùng.
Các vị Tỳ Kheo Ni nghe Phật nói như vậy, hớn hở vui mừng, liền cởi thượng y dâng lên cúng dường Phật và cùng nói kệ:
Chúng con mong an ủi
Mong được thân người nam
Như Lai không hai lời
Lời trên hết trong đời.
Bấy giờ, trong bốn bộ chúng có năm trăm vị phu nhân của các trưởng giả, đứng dậy, sửa sang lại y phục, gối bên phải sát đất, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kể từ hôm nay chúng con cũng thọ trì, đọc tụng, biên chép Kinh này, giải thích cho người khác hiểu.
Chúng con chỉ vì mang thân nữ nên luôn bị người khác ràng buộc, chẳng được tự tại. Lại như phải mười tháng mang thai, làm sao tránh khỏi nỗi khổ cực. Cho dù được sinh trong chốn vương giả nhưng vẫn bị trăm mối hệ lụy, hoặc bị ràng buộc bởi cha mẹ, con cái… kể từ hôm nay trở đi, sẽ dốc tinh tấn siêng năng tu tập, cho đến khi qua đời vẫn thọ trì chánh pháp.
Đức Thế Tôn liền khen ngợi năm trăm vị phu nhân của các trưởng giả: Lành thay! Như lời các vị đã nói, từ hôm nay các vị sẽ được bỏ hẳn thân nữ, không còn phải chịu sự chi phối của người khác, cũng không còn chịu nỗi khổ của mười tháng mang thai, sẽ lìa bỏ dâm dục và các bào thai, đời đời thường sinh về Cõi Phật thanh tịnh.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các vị phu nhân này lìa bỏ được thân gái và sinh về cõi thanh tịnh nào?
Đức Phật nói: Các vị phu nhân này sẽ được sinh về Thế Giới Bảo tạng liên hoa quang.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đức Phật ở Thế Giới ấy tôn hiệu là gì?
Đức Phật đáp: Ở Thế Giới ấy có Đức Phật Hiệu là Nhất Thiết Bảo Như Ý Vương Quang Minh Như Lai Chí Chân Đẳng, Chánh Giác, hiện đang nói pháp bằng mọi cách để giáo hóa chúng sinh ở đấy. Như vậy các vị nữ trong dòng họ của Như Lai ấy đều được sinh về Cõi Phật ấy, để được nghe Kinh này.
Bấy giờ, các vị phu nhân nghe Phật dạy, trong tâm vui mừng hớn hở, liền cởi những xâu chuỗi anh lạc giá trị bằng trăm ngàn lượng vàng dâng lên cúng dường Phật, cúng dường xong cùng nói kệ:
Chúng con được ân sâu
Lìa bỏ thân nữ này
Như Lai không hai lời
Nói ra đều chân thật.
Thân nữ xấu xa nhất
Nên mong sớm lìa bỏ
Kẻ phàm ngu mê lầm
Chẳng rõ tướng chân thật.
Thai sinh thân nữ khổ
Nguyện chẳng làm nữ nữa
Lìa được thai nữ rồi
Giác ngộ là vô thượng.
Bấy giờ, các vị phu nhân của các trưởng giả cùng kính chiêm ngưỡng Như Lai mắt không tạm rời.
Thích Đề Hoàn Nhân tung rải hoa Trời Mạn Đà La lên cho Phật để cúng dường và bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ thọ trì Kinh này.
Đức Phật nói: Này Kiều Thi Ca! Nếu khi ông chiến đấu với A Tu La thì thường được chiến thắng, không bị thất bại.
Bấy giờ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, và trăm ngàn ức chúng sinh đều phát khởi nhân duyên căn lành, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Lúc Như Lai chưa phát tâm Bồ Đề, thì con đã quay bánh xe pháp không thoái chuyển này.
Đức Phật nói: Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vô lượng ức các vị Bồ Tát trong muời phương thảy đều phát ra ánh sáng rực rỡ giống như vầng mặt Trời, mặt đất rung chuyển sáu cách, các vị Trời tung rải, vô số các loại hoa ngập tới gối.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà mặt đất rung chuyển sáu cách, các vị Trời rải hoa xuống như mưa như vậy?
Đức Phật nói: Đó là do vô lượng trăm ngàn ức vị Trời nghe lời dạy của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, tâm sinh vui mừng, nên tung rải hoa ấy và cùng nói: Chúng tôi đều sẽ thọ trì, sao chép đọc tụng Kinh này, cũng nguyện sẽ được như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giảng nói Kinh Pháp như thế, được nghe Kinh rồi, tâm sinh vui mừng, mặt đất tất cả đều rung chuyển, các vị Trời rải hoa như mưa.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này có công năng thành tựu những công đức lớn lao, Kinh này rất sâu xa, ít có nhất. Nếu có chúng sinh nào được nghe Kinh này, dù chỉ một lần thì nên biết công đức người ấy không phải nhỏ.
Đức Phật dạy: Đúng thế! A Nan nên biết, các vị nam, nữ trong dòng họ của Như Lai đều đã cúng dường các Đức Phật đời quá khứ, vì vậy mà hôm nay trong chúng hội này được nghe Kinh này, sinh tâm kính tin, hiểu rõ, cho đến thọ trì, đọc tụng, giải thích.
Nên biết rằng chỗ nào có Kinh này thì nơi đó chính là ngôi tháp của tất cả Trời, người, lợi ích vô lượng, phước đức chẳng luống mất. Nếu nơi nào cất giữ Kinh Điển này và thọ trì cho đến sao chép thì đều nên cúng dường tưởng như cúng dường Thế Tôn.
Người được nghe Kinh này, khi chết đi không bị rơi vào đường ác, người ấy hàng phục được các loài ma, dựng lên ngọn cờ chánh pháp, thường đốt ngọn đuốc chánh pháp, soi sáng những nơi tối tăm, thổi được ốc pháp, đến tận coi Bồ Đề, gióng lên tiếng trống pháp, khai mở các cửa pháp, tuôn xuống trận mưa pháp lớn, giúp cho những người cầu pháp đều được đầy đủ pháp vị.
Kinh này hiển bày pháp giới, mở hết các kho báu tiềm ẩn của các Đức Phật thời quá khứ, thấu rõ tất cả các pháp, dứt bỏ các tưởng về năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, xa lìa các tưởng về sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, lìa các tưởng về tất cả pháp cho đến tưởng về Phật. Nếu người được nghe Kinh này kính tin, hiểu rõ, thọ trì, đọc tụng thì người ấy là đệ tử Phật chân chánh, đều từ pháp sinh ra.
Này A Nan! Nếu có vị Thiện Nam nào muốn ăn được pháp vị, ngồi dưới cội Bồ Đề trong Đạo Tràng như ta không khác thì phải thọ trì, đọc tụng Kinh này, giảng nói cho người khác nghe, cho đến tay cầm quyển Kinh, cung kính cúng dường.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vào thời kỳ mạt pháp, sẽ có người có khả năng thọ trì đọc tụng, tay cầm Kinh này, cung kính cúng dường không?
Phật dạy: Nếu hiện giờ nghe Kinh mà kính tin và hiểu rõ, thì đời tương lai cũng dốc lòng thọ trì đọc tụng, giảng nói cho người khác nghe, tay cầm Kinh này, lễ bái cúng dường. Nếu có Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Người, A Tu La, hiện giờ nghe Kinh này mà ở đời vị lai lại chẳng được nghe. Điều ấy không thể có được.
Vì sao?
Vì nhờ năng lực nhân duyên nghe pháp hiện tại, nên ở đời vị lai cũng được nghe pháp, sẽ kính tin, hiểu rõ.
Ví như có vị trưởng giả sinh nhiều người con, gia đình giàu có hết mực, của cải châu báu vô kể, nào vàng bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, ngọc trai… đủ thứ ngọc quý giá, còn có cả voi ngựa, xe cộ, tôi trai tớ gái… tất cả những tài sản ấy đều được sắp đặt cất giấu có nơi có chỗ, rồi ông ta đi dạo chơi qua những nơi chốn khác, khi trở về quê cũ mình thì có thể tìm lại được những cua cải quý giá ấy không?
Bạch Thế Tôn! Tìm lại được.
Vì sao?
Vì những của cải quý giá ấy ông ta đã biết rõ nơi cất giấu chúng.
Đức Phật nói: Này A Nan! Pháp bảo cũng như vậy, hiện nay được nghe thì đó chính là pháp của mình, đời sau lại được nghe. Nay ta dùng mắt Phật thấy đời hiện tại, những người đã thọ trì đọc tụng Kinh này, thì đời sau cũng sẽ được như vậy không khác.
Nếu ở đời vị lai có các chúng sinh thọ trì Kinh này, nếu dùng mắt Phật xem xét thì thấy cũng như hiện nay không khác. Nếu có kẻ phỉ báng Kinh Điển này, ta dùng mắt Phật thấy rõ những người ấy cũng như hiện nay.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu người không tin, không hiểu, lại phỉ báng Kinh này thì sẽ đến nơi nào?
Đức Phật bảo: Hãy thôi, A Nan! Ông đừng nên hỏi như thế!
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn hãy nói rõ về điều ấy, để giúp chúng sinh ở đời vị lai, nếu có kẻ không tin Kinh này nghe thấy quả báo như vậy sẽ khiến họ sợ hãi mà phát tâm kính tin, thấu hiểu.
Phật dạy: Nếu có kẻ phỉ báng không tin Kinh này thì phải chịu quả báo rất đau khổ, tội ấy đồng như năm tội nghịch.
Nếu có người dùng dao bén giết hại chúng sinh đầy khắp tam thiên Đại Thiên Thế Giới, thì theo ý của Tôn Giả, tội báo của người ấy phải bị đọa lạc vào đường nào?
Tôn Giả A Nan thưa: Nghiệp báo của người ấy sẽ bị đọa vào đường ác.
Phật dạy: Này A Nan! Nay ông nên biết. Nếu sau khi hằng hà sa Đức Phật nhập Niết Bàn, vì cúng dường Xá Lợi các Đức Phật mà xây dựng các tháp miếu tôn thờ, lại có kẻ phát khởi tâm ác thiêu đốt hủy hoại các tháp miếu ấy, thì theo ý của Tôn Giả, người đó phải chịu lấy tội báo như thế nào?
Tôn Giả A Nan thưa: Hạng người như vậy sẽ chịu quả báo rất đau khổ không thể nói hết, cũng không thể nghe hết, nếu phỉ báng Kinh này, mà nói về tội lỗi của việc phỉ báng ấy và tội báo phải chịu thì cũng như thế, không thể nói hết hay nghe hết được.
Vì sao?
Vì người ấy đã hủy hoại tất cả Pháp nhãn của các Đức Phật đời quá khứ, hiện tại, vị lai.
Đức Phật dạy: Nếu thấy có người thọ trì, đọc tụng Kinh này mà sinh tâm phỉ báng, khinh cười, chê bai, xúi người không tin, khiến cho họ không được đọc tụng, đúng như pháp thọ trì, thì nên biết tội ác của người ấy rất nặng nề, còn hơn trường hợp trước.
A Nan bạch Phật: Nếu chúng sinh trong khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, đều tu tập đầy đủ mười điều lành, an trụ trong đạo Bồ Đề.
Nếu có người hủy hoại đôi mắt của những người ấy, thì tội ác của kẻ ấy như thế nào?
Đức Phật nói: Trong vô số A tăng kỳ kiếp, người ấy hễ làm thân người thì thường bị mù, ở trong địa ngục chịu khổ không ngừng, thường bị móc mắt.
Phật dạy: Nếu có người đối với Kinh này tâm hủy báng, không kính tin thì ta nói tội của người ấy cũng giống như trường hợp trên.
A Nan thưa: Nếu có vị Bồ Tát, trụ đạo giác ngộ, kính tin, thấu hiểu Kinh này, thọ trì không nghi ngờ, thì vị ấy sẽ sinh về cõi nào?
Phật dạy: Đó gọi là tùy thuận cúng dường các Đức Phật không hề sai khác.
A Nan bạch Phật: Nếu lại có người chẳng tin Kinh này, tự mình phỉ báng lại xúi người khác phỉ báng theo những kẻ như thế sẽ thọ thân như thế nào, chịu quả báo đau khổ như thế nào?
Đức Phật dạy: Hãy thôi, A Nan! Ông chớ nên hỏi điều ấy.
A Nan bạch Phật: Kính mong Thế Tôn hãy giải thích, giúp cho bốn chúng đệ tử ở đây, nếu có vị nào nghi ngờ chẳng tin, thì sau khi nghe Phật chỉ dạy như vậy thì sẽ tự hối cải về những lỗi lầm của mình mà sinh tâm kính tin trở lại.
Phật bảo: Nếu có kẻ chẳng tin Kinh này mà còn phỉ báng, thì sẽ chịu quả báo có thân hình cao đến mười ngàn do tuần, phải chịu thân hình cao lớn như vậy và chịu vô lượng sự đau khổ.
A Nan bạch Phật: Kẻ đó còn chịu quả báo về lưỡi như thế nào?
Đức Phật nói: Tội báo của người đó, lưỡi dài rộng mỗi bề một ngàn do tuần, lại bị năm trăm ức chiếc lưỡi cày bằng sắt nung đỏ rực cày xới trên lưỡi người ấy, lại còn có năm trăm ức viên sắt nóng lên tuôn xuống như mưa trên lưỡi người đó.
Vì sao?
Vì người đó không biết ngăn ngừa nghiệp ác, tội lỗi phỉ báng nên phải chịu khổ như thế.
Lúc bấy giờ, bốn chúng nghe Phật nói như vậy, khắp mình đều nổi ốc, buồn bã khóc lóc, ngã lăn ra đất, rồi cùng một lời bày tỏ với Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu như những vị nam, nữ trong dòng họ của Như Lai mà phỉ báng Kinh này sẽ phải chịu tội báo như thế. Vì vậy mà chúng con hôm nay xin thay họ sám hoi, khiến cho các tội lỗi được tiêu trừ, chẳng phải chịu lấy quả báo xấu xa cực ác như thế.
Hôm nay, trước Thế Tôn và trước vô lượng các Đức Phật trong mười phương, chúng con là những kẻ ngu si mê tối, không tự biết toi lỗi của mình, chỉ có mắt Phật thì mới thật thấy thật chứng, chúng con thảy đều xin sám hối, từ nay về sau không dám gây tạo những tội ấy nữa.
Ví như đứa trẻ chưa hiểu biết gì, không thể hiểu rõ, phân biệt căn lành. Hôm nay chúng con chí thành thống trách về tội lỗi của mình, kính mong Thế Tôn rủ lòng thương xót nhận cho chúng con sám hối.
Phật dạy: Lành thay, lành thay!
Bấy giờ bốn chúng đệ tử cùng thưa: Hôm nay chúng con thành tâm tự quy y, tất cả các tội lỗi đều sám hối, không dám che giấu.
Đức Phật nói: Các vị đã chí tâm sám hối như vậy, tất cả các pháp lành đều được tăng trưởng.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hiện nay trong chúng hội này, có người sinh tâm nghi ngờ thì tội ác nghiệp chướng cũng như thế không?
Đức Phật nói: Nếu trong chúng hội này có người sinh tâm nghi ngờ liền sám hối thì tất cả những tội khác và chịu quả báo cũng giảm nhẹ.
A Nan thưa: Thế nào là chịu tội giảm nhẹ?
Đức Phật nói: Lúc người ấy sắp chết, trong các lỗ chân lông trên thân mình đều chịu khổ, giống như đang ở trong địa ngục không khác.
Vì sao?
Vì người ấy kính tin lời dạy của Như Lai và kính tin vô lượng a tăngkỳ các Đức Phật, cũng như đã tự sám hối.
Này A Nan! Các vị nam, nữ trong dòng họ của Như Lai không rời bỏ tất cả mắt Phật đời quá khứ, hiện tại, vị lai, nếu những người ấy muốn thấy vô lượng A tăng kỳ các Đức Phật và thấy vô lượng đóa hoa sen có cánh bằng kim cang với ánh sáng chiếu khắp nơi, tốt đẹp nhiệm mầu.
Bấy giờ, Thích Đề hoàn Nhân hiện thân thành một vị trưởng giả, rải các thứ hoa khắp bốn chung trong chúng hội, rồi nói: Sẽ dùng các thứ hoa này để cúng dường Phật, cho đến cúng dường Kinh này.
Tức thì bốn chúng đệ tử liền tung rải những thứ hoa đó lên chỗ Phật, tạo thành một lọng hoa, cùng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà hiện ra điềm lành này?
Hiện giờ ở trước Thế Tôn, có đóa hoa sen ấy, cũng như ở trước các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng cũng đều có hoa sen như vậy?
Đức Phật dạy: Nhờ công đức uy lực do giảng nói Kinh này mà có điềm lành ấy. Nên biết các điềm lành ấy đều được năng lực thần thông giữ gìn.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Năng lực uy thần của Phật có thể giữ gìn được pháp này không?
Đức Phật dạy: Này A Nan! Chính là thần lực của ta giữ gìn pháp ấy, cho đến hằng hà sa Đức Phật cũng đều giữ gìn.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này sẽ được gọi là Kinh gì và thọ trì bằng cách nào?
Đức Phật dạy: Kinh này tên là Vô Trước Quả Vô Hữu Chủng Chủng Chư Tạp Ác Báo, nên thọ trì như thế. Đối với các pháp tín hành, Pháp hành, tám bậc, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Thanh Văn, Bích Chi Phật hiểu đó là giả danh, không chân thật, cứ theo ý nghĩa đó mà thọ trì. Gọi là lìa bỏ các thứ ma, nên thọ trì như thế. Kinh này cũng gọi là Xả Ma, nên thọ trì như thế. Cũng gọi là Lục Ba la mật, nên thọ trì như thế.
Vì sao?
Này A Nan! Nếu có người kính tin, thấu hiểu thọ trì, đọc tụng, biên chép Kinh này, giảng nói cho người khác nghe, nên biết Thiện Nam, Thiện Nữ ấy đã đầy đủ sáu pháp Ba la mật.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Làm cách nào thọ trì, đọc tụng, biên chép Kinh này, giảng nói cho người khác nghe thì liền được đầy đủ sáu pháp Ba la mật?
Đức Phật dạy: Nếu các thiện nam, thiện nữ đã kính tin, thấu hiểu Kinh này thì liền đầy đủ Đàn Ba la mật. Đối với pháp này, tâm không phạm giới, đó gọi là Thi Ba la mật. Nếu đọc tụng Kinh này, tâm nhẫn không lui sụt tức là đầy đủ Sằn đề Ba la mật.
Đối với Kinh này, tâm không lui sụt, đó gọi là đầy đủ Tỳ lê da Ba la mật. Kính tin, ưa thích Kinh này, tâm không tán loạn, đó gọi là đầy đủ Thiền Ba la mật.
Hiểu rõ diệu lý Kinh này, dứt các vọng tưởng phân biệt, đó gọi là đầy đủ Bát Nhã Ba la mật. Cho nên Kinh này tương ứng với sáu pháp Ba la mật. Cũng gọi là Nhất Thiết Chư Phật Sở Thuyết Bất Thoái Pháp Luân Quảng Bác Nghiêm Tịnh.
A Nan bạch Phật: Tên gọi Kinh này, được nghe đã là khó rồi huống chi là được thấy Kinh và vào đầu hôm, nửa đêm, gần sáng lại thọ trì đầy đủ.
Đức Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông vừa nói.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người được nghe Kinh này sẽ vượt khỏi bao nhiêu kiếp sinh tử?
Phật dạy: Nếu người được nghe tên Kinh Bất Thoái Pháp Luân Quảng Bác Nghiêm Tịnh Phương Đẳng này, thì người ấy sẽ thoát ngàn kiếp sinh tử.
A Nan bạch Phật: Nếu có người nghe tên Kinh này, kính tin, hiểu rõ và phát tâm Bồ Đề thì công đức người ấy sẽ được trụ ở giai vị nào?
Phật nói: Nếu có người nghe tên Kinh này thì được thọ ký thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, được địa vị không thoái chuyển.
Bấy giờ, ở trước bốn chúng đều có các tòa hoa sen với nhiều màu sắc, mỗi hoa có trăm ngàn muôn ức cánh hoa. Bốn chúng đệ tử vui mừng hớn hở, liền dâng rải những hoa ấy lên để cúng dường Đức Phật và cùng bạch: Bạch Thế Tôn! Chúng con đều sẽ vì mọi người mà giảng nói rộng khắp Kinh này, giải thích hiển bày khiến cho Kinh không bị dứt mất.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười. Tức thì vang lên nhạc Trời, gió thơm thổi tới xông tỏa múi hương ngạt ngào.
Trong hư không, rất nhiều vị Trời cũng trổi vô số các thứ nhạc Trời, lại tuôn xuống như mưa các thứ hương Trời bột mịn màng, các thứ hương Chiên Đàn, trầm thủy, giao lương, mạt vàng Diêm phù đàn và các loại mạt bạc.
Lưới báu ma ni phủ khắp phía trên và năm thứ hoa năm màu: Hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hoa Mạn Thù Sa, hoa Ma Ha Mạn Thù Sa, hoa Ca Ca La, hoa Ma Ha Ca Ca La, và tất cả các thứ hoa Ưu Bát La, Câu Vật Đầu, Phân Đà Lợi. Rồi nào hương anh lạc, hương xoa, hương bột… tất cả vật cúng dường của các vị Trời đều đầy khắp cả hư không.
Trên mặt đất thì có vô số chúng dân cũng sửa sang y phục, hoa cúng dường. Lại có các chúng sinh khác đều cởi vô số những vòng ngọc, xuyến vàng, chuỗi ngọc, mũ mão quý giá dâng lên Đức Thế Tôn. Lại có các chúng sinh khác rải vàng bạc lên chỗ Phật để cúng dường.
Lại có các chúng sinh khác vui mừng hớn hở cùng nhau hô to: Lành thay, lành thay! Và các voi ngựa cũng kêu lên những tiếng êm tai.
Trên không trung muôn ngàn những loài chim chóc hót vang, để cúng dường Phật. Chúng sinh ở địa ngục được tạm vui do ngừng hình phạt. Các loài súc sanh thì tỏ ra thân ái, tưởng như cha mẹ, tất cả chúng sinh ở cõi Vua Diêm la cũng tạm được vui. Chúng sinh ở cõi ngạ quỷ thảy đều dứt hết mọi đói khát khổ não. Tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, … cũng đều cảm thấy vui sướng, phát khởi lòng thương yêu lẫn nhau, xem nhau như cha con.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì hôm nay Đức Như Lai mỉm cười?
Phật bảo A Nan: Hiện nay, bốn chúng đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, cùng tám bộ chúng là Trời, Rồng, Dạ Xoa… nếu trong đời này, đời sau được nghe Kinh này, thì đều được không thoái chuyển trên đường tiến đến đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, có khả năng nói rộng Kinh này cho người khác nghe, không hề tổn giảm, cũng như ta hôm nay phân biệt, giảng nói, … không có sai khác.
Này A Nan! Những người nghe Kinh này rồi, sinh tâm kính tin, hiểu rõ tức là gieo trồng hạt giống Phật, huống chi là thọ trì, đọc tụng, tu lành. Nên biết người này sẽ bỏ tất cả mọi trí thức thông thường và chẳng bao lâu sẽ đạt đến nhất thiết trí, tự nhiên trí.
Do đó Kinh này còn có tên là Bất Thoái Chuyển Pháp Luân Chi Ấn, Kinh này có công năng đem lại những lợi ích lớn lao cho các vị Bồ Tát, cũng như tạo nhân duyên phát tâm đạo vô thượng cho tất cả chúng sinh. Đã phát tâm rồi thì sẽ thành tựu đầy đủ Kinh này.
Này A Nan! Như Lai chỉ bày cho các chúng sinh nhất thiết trí. Nếu như có người nào, tuy lìa trí tuệ Phật, nhưng nghe Kinh này thì được tự nhiên trí và Phật trí, cũng được Phật thọ ký. Do vậy, Kinh này còn có tên là Bất Thoái Chuyển Pháp Luân Quảng Bác Nghiêm Tịnh cũng gọi là Thành Tựu Cụ Túc Thiện Căn Trang Nghiêm Phương Tiện Vi Tác Lợi Ích Hành Đại Thừa Giả, A Nan nên ghi nhớ.
Bấy giờ, khi Đức Như Lai nói rộng Kinh này thì có vô số các vị Bồ Tát đều được thành tựu pháp nhẫn vô sinh. Cùng với vô lượng, vô biên A tăng kỳ ức số chúng sinh đều được an trụ không lui sụt trên đường tiến đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Đức Thế Tôn nói Kinh này xong, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Xá Lợi Phất, A Nan… cùng với bốn chúng đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và tám bộ chúng là Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân đều rất vui mừng, cung kính thực hành, lễ Phật rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba