Phật Thuyết Kinh Phật Bát Nê Hoàn - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bạch Pháp Tổ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bạch Pháp Tổ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BỐN  

Đức Phật dạy: Hãy để cho ông ấy vào.

Tôn Giả A Nan liền đưa Tu Bạt vào. Biết mình được vào gặp Phật, ông ta vô cùng sung sướng, toàn thân rung động, bước đến trước Đức Phật, cung kính đảnh lễ. Đức Phật thấy Tu Bạt tuổi cao, hơi thở yếu ớt, bèn chỉ ghế bảo ngồi.

Đức Phật hỏi Tu Bạt: Ông có những nghi ngờ gì?

Thưa: Đức Phật là vị Trời trên các Trời trong ba cõi, Thần Thánh không thể lường được, là đấng Chí Tôn không gì sánh bằng. Đã khai thị giáo hóa, dẫn dắt muôn loài trong bốn mươi chín năm, Tiên Thánh, Phạm Vương, Đế Thích không ai là không kính lễ.

Con có tám người đồng chí hướng, đó là Cố Quy Thị, Vô Tiên Thị, Chí Hành Thị, Bạch Lộ Tử Thị, Diên Thọ Thị, Kế Kim Phàn Thị, Đa Tích Nguyện Thị và Ni Kiền Tử.

Đó là tám người thuộc loại có trí tuệ, nhưng đấy chỉ là thứ ánh sáng yếu ớt, khéo che đậy cuộc sống sung mãn, râu tóc tuy mượt mà nhưng trong lòng chứa đầy ba độc, bên ngoài thì chạy theo dục lạc, ngồi lại thì bàn toàn chuyện xa vời, thư tịch hư dối, nói điều không thật, chẳng đưa đến chánh đạo, vậy đó là duyên gì?

Đức Phật bảo Tu Bạt: Ý nghĩa nơi Kinh của họ trái với Kinh của Phật. Đó là con đường sanh tử, chỉ là để mong cầu phú quý. Chí của đạo ta là dứt mong cầu, niệm không, không dua theo vinh hoa của thế gian, thanh tịnh vô vi, lấy điều ấy làm vui.

Tu Bạt thưa: Sao gọi là đạo vô vi?

Đức Phật dạy: Diệt trừ mọi hệ lụy của sinh tử trở về cội nguồn, không còn bị sanh tử nữa, đó là vô vi. Chí hướng của những người kia đều có tám thứ ác.

Những gì là tám?

Đó là thờ cúng quỷ thần, bói quẻ, dối trá giết hại, đó là một. Đối với những người trong gia đình thì tham lam keo kiệt, không phụng thờ đạo hiếu, tham ái đủ thứ một cách tà vạy mà dục vọng vẫn chưa dừng. Đó là thứ hai.

Nói hai lưỡi. Nói lời ác độc, mắng nhiếc. Nói dối, nói thêu dệt, chưa từng nêu bày điều thiện khiến cho kẻ ngu si bỏ điều ác. Đó là thứ ba.

Sát sanh, trộm cắp, dâm dật. Đó là thứ tư.

Thường ôm lòng oán hận, bất hiếu với cha mẹ, khinh mạn anh em, vợ con, dòng họ, tâm tà vạy làm điều ô uế, không khéo giáo hóa, dẫn dắt, thường tự kiêu, tự đại muốn cho người ta sợ mình, kính mình. Đó là thứ năm.

Ngày đêm ôm lòng tà, không sợ pháp luật, khinh chê Bậc Hiền thiện, tôn quý kẻ ô trược, xa lìa người chân chánh, giao thiệp với người ác. Đó là thứ sáu.

Nghe nói có Bậc Hiền trí, Sa Môn, Phạm chí hiểu Kinh thì hoài nghi, ganh ghét, hủy báng một cách hư ngụy. Đó là thứ bảy.

Không tôn kính tiên tổ và hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Không tôn kính Bậc Hiền minh mà dua theo kẻ phản tặc. Hủy bỏ điều nhân từ chân chánh. Mê muội chạy theo thế tục ô trược, đáng xấu hổ. Đó là điều ác thứ tám.

Ông tự nói rõ ra rằng Đức Thế Tôn thuyết giảng Kinh bốn mươi chín năm, mà tám người ấy không đến để mong được giáo hóa.

Họ là những người ôm giữ tám điều ác này, há lại thích được giáo hóa theo con đường thanh tịnh sao?

Nếu họ có chính thức đến thì Phật cũng nhổ sạch tám sự xấu ác ấy trong tâm của ông. Vậy hãy thận trọng chớ có hỏi Phật.

Nếu giữ tám giới này thì có thể chứng được bốn đạo Câu Cảng, Tần Lai, Bất Hoàn, Ứng Chân. Thực hành tám giới này thì tâm mình phải chân chánh, đó mới là Phật Tử.

Nếu có kẻ phàm phu chuyên làm bậc thầy dẫn đường, đứng đầu việc giáo hóa mà phạm tám giới này thì đều là kẻ yêu tinh, độc hại, hãy nên xa lánh, từ bỏ, cẩn thận chớ nghe lời dụ dỗ.

Đức Thế Tôn bảo: Nay ta ở trong ba cõi, chỉ một mình, giảng nói và hành hóa chánh pháp không có người thứ hai sánh bằng. Nếu có điều gì còn nghi ngờ cứ hỏi, đừng ngại.

Tu Bạt quỳ mọp, cúi đầu, bạch: Đúng như Phật nói. Con gần như để mất thân mình, lại còn rơi vào nẻo ngu si, cuồng loạn.

Đức Thế Tôn lại nói: Ông đã hiểu tám giới này chưa?

Thưa: Đã hiểu.

Ông lại cúi đầu thưa: Con muốn từ bỏ cái chí thấp kém của mình để xin giữ lấy hạnh thanh tịnh của hàng Sa Môn.

Đức Thế Tôn lại nói: Ông thành tâm chăng?

Thưa: Mong Phật rũ lòng thương xót, cho con được làm Sa Môn.

Râu tóc Tu Bạt liền tự rụng xuống đất, mình đắp Ca Sa, tâm dốc suy tư về điều Phật dạy, bỗng nhiên dứt hết mọi tưởng niệm, nhất tâm thanh tịnh, giống như hạt ngọc minh nguyệt, liền đạt đạo quả Ứng Chân.

Ông lại tự suy nghĩ: Ta không nên để thầy ta nhập Niết Bàn trước. Ngay khi đó ông liền nhập Niết Bàn.

Đức Phật gọi các Tỳ Kheo vào nói: Sau khi ta diệt độ, nếu có người thế tục bỏ nhà, dứt trừ mọi cấu nhiễm, muốn làm Sa Môn, gia nhập vào hàng ngũ Tỳ Kheo Tăng, trước hết phải thử thách trong ba tháng để biết chí nguyện của kẻ ấy cao hay thấp.

Ở thế gian có bốn loại người: Một hạng nghèo khổ không thể tự sinh sống được, nên muốn làm Tỳ Kheo. Một hạng bị nợ nần không thể trả được cho nên muốn làm Tỳ Kheo. Một hạng đang ở trong quân đội, nhưng lúc đó không cần thiết nữa, cho nên muốn làm Tỳ Kheo.

Một hạng là bậc cao sĩ đức hạnh thanh tịnh, nghe rằng trong vô số đời mới có một Đức Phật xuất hiện, lại được xem Kinh Điển của Phật, vô cùng vui mừng, tâm đã thức tỉnh, bỏ nhà, bỏ dục, không ham sự vinh hoa của thế gian, để làm Tỳ Kheo.

Sau khi ta nhập Niết Bàn rồi, hễ có người đến xin xuất gia tu tập hãy xem chí hướng của người ấy, nhìn xem lúc ngồi lúc đứng, để ý về lời nói, quán sát lúc đi bộ, biết được hành động kẻ ấy hướng về thiện hay ác, dụng tâm cầu đạo có thích tinh tấn không?

Xét kỹ trong ba tháng, nếu thấy kẻ ấy chí cao, hạnh thanh tịnh, có thể thưa chúng cho làm Tỳ Kheo.

Thân đã làm Tỳ Kheo rồi phải chọn bậc kỳ cựu thông tỏ giới luật để làm thầy.

Thọ trì mười giới, tuân giữ giới trong ba năm, siêng năng không biếng trễ, các Bậc Hiền thiện đều có thể chấp nhận trao cho vị ấy hai trăm năm mươi giới, mười giới là căn bản, hai trăm bốn mươi giới là lễ nghi.

Nếu ở Đời sau này dốc thi hành pháp ấy thì Trời, thần các bậc đều luôn cung kính, hoan hỷ.

Đối với Giới Pháp của Phật, các Tỳ Kheo phải suy tư thật kỹ, không được cho là Phật đã nhập Niết Bàn rồi thì sinh lười biếng, làm điều trái với pháp. Những việc làm của Đức Phật, các đệ tử phải nên nhớ nghĩ, lãnh hội, kẻ lớn người nhỏ kính nhường lẫn nhau, không được làm trái đạo nghĩa.

Nếu ai không ưa thích đắc đạo, ham chuộng sự tôn vinh thì nên đọc Kinh này. Ai muốn cầu sống lâu, muốn sanh lên Cõi Trời hãy đọc Kinh này. Nhưng chủ đích quan trọng nhất của Đức Phật là hướng về đạo giải thoát.

Sau khi ta nhập Nê Hoàn, đừng để vì Phật mất rồi mà nói là không có chỗ nương tựa. Hãy nương tựa vào giới, Kinh.

Sau khi ta nhập Nê Hoàn rồi, hãy tôn kính cúng dường lẫn nhau. Hãy xem Kinh, thờ giới, giữ hai trăm năm mươi giới, nên thay nhau cung kính phụng trì, giống như con hiếu thảo phụng sự cha mẹ.

Những Tỳ Kheo trưởng thượng phải dạy cho kẻ hậu học, giống như lúc ta còn tại thế. Hàng Tỳ Kheo đi sau nếu bị bệnh tật thì các Tỳ Kheo kỳ cựu phải lưu tâm săn sóc, thăm hỏi tin tức.

Người đọc giáo lý, hiểu giáo lý, hãy dạy bảo trong sự hòa thuận, nên dốc thọ trì giới của Phật, để đạo ta được trụ thế lâu dài.

Ta nhập Nê Hoàn rồi, hàng vợ con của các Bậc Hiền thiện, tìm hiểu, sau đấy thì nhớ nghĩ: Đời của ta có Phật, có Kinh Điển vi diệu. Đức Phật ở thế gian vừa mới nhập Niết Bàn. Chúng ta đều có lòng chí hiếu đối với Đức Phật, hết lòng đối với Kinh. Những người ấy đến lúc mạng chung đều được sanh lên Trời.

Các ngươi đừng cho là ta đã mất rồi thì không phụng hành Kinh giới. Cẩn thận chớ có biếng trễ, kiêu mạn.

Này các Tỳ Kheo, các ngươi hãy nhìn kỹ dung mạo của Phật. Phật không dễ gặp được. Sau này mười lăm ức bảy ngàn sáu mươi vạn năm mới lại có Phật ra Đời.

Ở Đời khó gặp Phật, Kinh Pháp khó được lãnh hội, Chúng Tăng khó được nghe biết. Chỉ có Phật là khó thấy.

Trong Cõi Diêm Phù Đề có loại cây được tôn quý tên là Ưu Đàm Bát, có quả mà không hoa. Cây Ưu Đàm Bát hễ có hoa vàng thì thế gian mới có Phật ra đời.

Ngay bây giờ ta sẽ Bát Nê Hoàn, các ngươi đối với Kinh nếu có điều nghi ngờ gì thì đang lúc Phật còn tại thế sẽ giải thích cho.

Nay các mối nghi không được giải tỏa thì về sau sẽ gây tranh cãi kéo dài. Đang lúc ta còn, hãy mau hỏi những chỗ còn hồ nghi.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan ở phía sau Đức Phật, cúi đầu thưa: Từ lúc Đức Phật chỉ dạy đến giờ, các Tỳ Kheo Tăng không có nghi ngờ gì cả.

Đệ tử tự nói: Chúng con không có nghi ngờ gì đối với Đấng Thiên Trung Thiên.

Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Đã gần nửa đêm, chớ nên gây tiếng động. Đức Phật liền đứng dậy, ngồi thẳng, suy tư một cách sâu xa về nguồn đạo, bỏ mọi thiện ác cả trong Ba cõi.

Ta nay tuổi đã hơn bảy mươi chín, chỉ đoạn trừ sanh tử, hố thẳm của nẻo luân hồi, tư duy quán sát một cách sâu xa, từ Tứ Thiên Vương, lên đến bất tưởng nhập, từ bất tưởng chuyển trở về nơi thân, tự suy tư về thân bốn đại hiện rõ sự xấu ác, chẳng có gì là quý giá.

Đầu Đức Phật quay về hướng Bắc, co tay làm gối, nằm nghiêng về hông bên hữu, hai gối chồng lên nhau, liền nhập Bát Nê Hoàn. Đất Trời chấn động mạnh.

Chư Thiên rải hương hoa, than khóc thương tiếc: Đấng Pháp Vương đã diệt độ, chúng ta biết nương tựa vào ai?

Quốc Vương cùng bốn mươi vạn dân chúng nghe tin hầu như đều ngất xỉu, hướng về chỗ Phật mà than khóc: Chúng sanh bị suy tổn lớn, sao mà đau đớn đến nỗi này! Có người chết giấc rồi sau mới tỉnh lại.

Vua Đế Thích thứ hai bảo Chư Thiên: Đức Phật thường dạy đã sanh ra thì không ai là không chết!

Các vị hãy nhớ nghĩ đến chân lý: Vô thường khổ không vô ngã, đừng có than khóc nữa.

Vị Thiên Vương thứ bảy cũng hiện xuống bảo: Hào quang của Phật đã tắt.

Đức Phật còn phải xả bỏ thân, các vị thì mong cầu cái gì?

Khóc thương thảm thiết như vậy cũng chẳng được chi cả.

Các Tỳ Kheo thì vật vã trên mặt đất gào khóc cùng nói: Con mắt của ba cõi sao mà tắt nhanh thế?

Từ nay về sau, thế gian sẽ tăm tối mãi.

Người thì đứng khóc, có người không dám nhìn vào thi thể của Đức Phật, có người suy nghĩ một cách sâu xa: Lúc Phật còn tại thế thường dạy: Hễ có sanh thì có tử, khóc lóc cực thân như vậy đâu có lợi gì cho việc hiểu rõ giáo pháp.

Tỳ Kheo A Na Luật  bảo Tôn Giả A Nan: Thôi đi! Này các Tỳ Kheo, không ai bảo các vị phải than khóc. Cả nhà Vua và trăm quan, dân chúng, cả Chư Thiên trên Trời, xin hết thảy chư vị đừng quá buồn sầu xúc động nữa.

Tôn Giả A Nan thưa: Hãy nhìn Chư Thiên trên Trời xem thử có bao nhiêu vị?

Tôn Giả A Na Luật nói: Trong chu vi bốn trăm tám mươi dặm, trước sau nối tiếp nhau đều là các vị Chư Thiên tôn quý. Nếu dùng một cây kim nhỏ ném lên Trời thì cây kim ấy cũng không có chỗ để rơi xuống đất.

Tôn Giả A Na Luật khuyên Chư Thiên đừng sầu não nữa, nhưng Chư Thiên càng đau lòng gấp bội.

Tôn Giả A Na Luật nói với Tôn Giả A Nan: Đức Phật không bảo chúng ta làm công việc khâm liệm.

Tôn Giả hãy đến báo cho các Thệ tâm, Lý gia biết: Chúng ta có thể tẩm liệm nhục thân của Đức Thế Tôn được, nhưng Đức Thế Tôn có bảo hãy để các thệ tâm, lý gia lo liệu công việc đó, sau này khỏi phải ân hận.

Tôn Giả A Nan liền đến chỗ các Thệ tâm, Lý gia thuật lại sự việc như vậy.

Các Thệ tâm, Lý gia khóc lóc thưa: Đức Thế Tôn diệt độ, chúng con hầu như bơ vơ, hàng hiểu biết lúc nào cũng một lòng gắn bó với Đức Thế Tôn.

Có năm trăm người đến chỗ Đức Vua tâu: Xin cho chúng tôi được quyền an táng trọng thể Đức Thế Tôn.

Nhà Vua nói: Đức Phật mất rồi, chúng sanh cô độc! Nên giữ tâm hòa thuận, đừng tranh chấp, hãy giữ lòng hiếu thảo. Đức Phật luôn thương xót các người con của Ngài. Luôn khiến cho tất cả được hưởng phước vô lượng.

Nhà Vua nói như vậy, khiến ai cũng nghẹn ngào nức nở. Các Lý gia và dân khiêng kim sàng của Phật vào thành Vua. Chư Thiên dùng lọng báu trang nghiêm che phía trên giường.

Cờ phướn dẫn đường, hương hoa xen lẫn các thứ báu vật rơi xuống như tuyết. Mười hai loại nhạc đều cùng tấu lên, Trời, người, rồng, quỷ chẳng ai là chẳng thương tiếc.

Lý gia thưa: Lúc còn tại thế, Đức Thế Tôn có bảo cách thức khâm liệm thi thể của Ngài như thế nào?

A Nan đáp: Lúc Phật còn tại thế đã dạy: Nên khâm liệm nhục thân của Ngài theo cách thức an táng Hoàng Đế Phi Hành. Đối với Đức Phật còn hơn thế nữa.

Lý gia thưa: Phương pháp khâm liệm Hoàng Đế Phi Hành thì như thế nào?

Đáp: Dùng dạ mới quấn chặt quanh thân.

Dùng vải kiếp ba mới quấn thêm một lớp nữa, rồi đặt vào trong quan tài bằng bạc.

Dùng dầu thơm rảy lên thân, lấy lọng báu che ở trên.

Dùng hương Chiên Đàn, củi Mật Hương, củi Cây Tử, củi Cây Chương Chất ở phía trên dưới quan tài, bốn mặt cao rộng đều ba mươi trượng, rồi đốt lửa lên để trà tỳ. Mười hai thứ âm nhạc cùng lúc hòa tấu, dùng hoa thơm tươi tốt tung rải trên cao.

Trà tỳ xong, thu lấy Xá Lợi, loại bỏ tro tàn, dùng nước hoa thơm rửa thật sạch, bỏ trong bát vàng, để bát ấy trên giường bằng vàng.

Nên đặt trong cung, trai giới trên điện, xong chín mươi ngày thì chọn nơi ngã tư đường, dựng Tháp, lập Đàn Tràng, treo cờ phướn, hoa hương, âm nhạc để cúng dường.

Đó là phương thức an táng Hoàng Đế Phi Hành. Đối với Đức Phật thì phải hơn thế.

Các Thệ tâm, Lý gia rơi nước mắt, thưa: Dạ vâng, chúng con sẽ làm đúng như lời dạy bảo sáng suốt ấy. Xin để trong bảy ngày.

Các Lý gia đồng thưa với Vua: Chúng thần muốn khâm liệm Thánh thể của đức Thiên Tôn, kính mong Vua chiếu cố.

Vua đáp: Được. 

Lý gia rước cái giường vàng trên đặt kim quan của Phật, trở lại từ cửa thành phía Tây đi vào, để giữa thành trong bảy ngày. Lúc khâm liệm Ngài có đến ba mươi vạn dân chúng.

Dân chúng dùng mười hai bộ nhạc tấu lên, ngày đêm thắp đèn sáng trưng khắp cả thành chu vi mười hai dặm, mỗi bước mỗi bước đều có đèn.

Vua Đế Thích thứ hai đem theo mười vạn Chư Thiên, mang theo mười hai bộ danh nhạc của Trời từ Cõi Trời Đao Lợi đến viếng Đức Phật. Hoa hương, các thứ châu báu treo ở không trung, cách mặt đất ba dặm.

Chỉ có một mình Trời Đế Thích đi đến hỏi Tôn Giả A Na Luật: Đức Phật có dạy bảo gì không?

Tôn Giả A Na Luật thuật lại đầy đủ những lời Đức Phật dạy cho Đế Thích.

Trời Đế Thích thưa: Đã có đầy đủ các vật báu, kỹ nhạc, hoa hương để dùng cho việc liệm.

Tôi muốn đứng ra lo việc an táng cho Đức Phật, vậy có được không?

Đáp: Để tôi hỏi lại đã.

A Na Luật đem ý của Trời Đế Thích nói với Tôn Giả A Nan.

Tôn Giả A Nan đáp: Khi Phật còn tại thế, Ngài không nói tới trường hợp Chư Thiên và Quốc Vương lo công việc khâm liệm. Ngài chỉ dành sự việc đó cho các Thệ tâm, Lý gia thôi.

Vậy xin cám ơn các vị Phạm Thiên, Đế Thích. Mong chư vị hiểu rõ ý Phật. Trời Đế Thích bèn cho Chư Thiên biết ý kiến của Tôn Giả A Nan.

Chư Thiên thưa: Bậc Vua Trời tôn quý của ta lo liệu công việc ấy một cách chu đáo, há không bằng người thế gian sao?

Đáp: Không nên nói như vậy?

Phải tuân giữ theo lời dạy của Đức Thế Tôn, cẩn thận chớ làm điều không hay.

Các Thệ tâm, Lý gia liền thưa: Chúng con tính nâng cái giường Xá Lợi của Đức Phật lên để đưa ra theo lối vào cửa thành phía Tây, nhưng cái giường ấy vẫn không nhúc nhích.

Các Lý gia đồng thưa: Nếu cái giường không nhấc lên được thì làm sao đưa ra khỏi thành?

Tôn Giả A Nan hỏi Tôn Giả A Na Luật: Cái giường vì sao lại không nâng lên được?

Đáp: Chư Thiên vì muốn được làm công việc khâm liệm nhục thân của Đức Phật nên đã khiến cho cái giường không thể lay động.

Tôn Giả A Na Luật nói: Tôi sẽ nói cho Phạm, Thích cùng Chư Thiên biết.

Tức thì Tôn Giả A Na Luật liền lên nói với Phạm, Thích: Tôn Giả A Nan xin cám ơn ý muốn lo việc tống táng của Chư Thiên, nhưng việc này chính là ý của Đức Phật.

Phạm, Thích và Chư Thiên thưa: Chúng tôi đã mang theo dụng cụ cho việc tống táng đến đây, nên để cho chúng tôi lo việc phía phải, còn Quốc Vương và dân chúng thì ở phía bên trái kim sàng của Đức Thế Tôn, dùng nhạc Trời, hoa hương để tiễn đưa được không?

Đáp: Tôi sẽ trở về báo lại.

Tôn Giả A Na Luật trở về, đem ý của Chư Thiên nói lại đầy đủ cho Tôn Giả A Nan.

Tôn Giả A Nan nói: Nếu họ muốn làm công việc khâm liệm thì rõ ràng là trái với lời dạy của Đức Phật, nhưng vì lòng hiếu mà tiễn đưa thì được.

Tôn Giả A Na Luật liền báo cho Phạm, Thích biết ý kiến của Tôn Giả A Nan. Chư Thiên đều hoan hỷ, liền hạ xuống đứng nơi phía bên phải kim sàng của Đức Phật.

Nhà Vua và dân chúng thì đứng ở phía bên trái.

Lý gia thưa: Có thể khiêng kim sàng của Đức Phật ra cửa thành phía Tây không?

Tôn Giả A Nan đáp: Được! Thế là, phía bên phải, trước là Đế Thích, sau là Phạm Vương.

Phía trái thì trước là Tôn Giả A Nan, sau là Quốc Vương sở tại. Tất cả cùng đưa tay nắm lấy chân của kim sàng. Các thệ tâm, lý gia thì dùng lụa quấn nơi hai chân trước của kim sàng.

Trời người cảm động xót thương cùng tiễn đưa. Chư Thiên, Rồng, Quỷ Thần rải hoa, các thứ báu, danh hương, kỹ nhạc, cờ phướn, lọng hoa tất cả đều đi theo sau.

Vua và dân chúng cũng cúng dường đủ thứ như vậy. Bên trên thì Trời người thương tiếc, ca ngợi công đức của Phật, dưới thì dân chúng tiếp tục hát những bài hát buồn.

Trời, Rồng, quỷ, thần, Vua quan, dân chúng cùng một lúc bi ai, xúc động, đau lòng than: Đức Phật diệt độ như vậy, chúng sanh biết nương cậy vào đâu?

Đoàn tiễn đưa đi ra theo cửa thành phía Tây, đến Điện Châu Lê Ba Đàn có giảng đường lớn, họ để kim sàng của Đức Phật ở trên giảng đường.

Các Thệ tâm, Lý gia, như lời chỉ dạy để lại của Đức Phật, dùng gấm mới quấn quanh nhục thân, lấy vải kiếp ba một ngàn tấm quấn chéo nhau ở phía trên, rồi bỏ vào trong cái quan bằng bạc, dùng dầu thơm rảy khắp thân Ngài, dùng lọng Trời che ở trên.

Các Lý gia cùng đưa kim quan xuống khỏi điện, để ở giữa sân, lấy củi Chiên Đàn Hương, củi Mật Hương, Tử Chương và củi Chiên chất cao rộng ba mươi trượng.

Trời, thần, quỷ, rồng, các Vua quan, dân chúng đều lấy hoa hương tung rải trên củi.

Lý gia đốt củi, lửa vẫn không cháy.

Họ hỏi Tôn Giả A Na Luật: Vì cớ gì mà lửa đốt không cháy?

Đáp: Có bậc đệ tử kỳ cựu của Đức Phật là Tôn Giả Đại Ca Diếp, đi khắp nơi để giáo hóa, nay đang trên đường trở về.

Tôn Giả Đại Ca Diếp dẫn hai ngàn đệ tử cùng với Chư Thiên nhiều vô số, tất cả đều muốn được nhìn thấy Đức Phật một cách trọn vẹn, vì vậy nên khiến lửa không cháy.

Lý gia thưa: Xin vâng theo lời dạy, chờ Tôn Giả Đại Ca Diếp.

Lúc này, Đại Ca Diếp đang cùng bốn chúng đệ tử, mỗi chúng là năm trăm người, tạm nghỉ mệt trên con đường trở về.

Có kẻ dị học tên là Ưu vi, từ chỗ Đức Phật đi đến, tay cầm một cành hoa Trời, tên là Mạn Đà Lặc, thấy Tôn Giả Đại Ca Diếp cùng với hai ngàn đệ tử theo sau. Ưu vi đến trước Tôn Giả Đại Ca Diếp đảnh lễ, chào hỏi.

Tôn Giả Đại Ca Diếp hỏi: Ông từ đâu đi đến đây?

Thưa rằng: Tôi từ nước Na Kiệt đến.

Tôn Giả Đại Ca Diếp hỏi: Ông có biết Đức Phật là bậc Đại Sư của tôi chăng?

Vâng, tôi có biết. Ngài đã diệt độ cách nay bảy ngày. Tôi ở chỗ đó nên có được cành hoa Trời này.

Bấy giờ, các đệ tử có người chưa thấy được chân lý, nghe Đức Phật diệt độ thảy đều kinh ngạc, hết sức đau buồn than: Tại sao lại như vậy?

Chúng sanh biết nương cậy vào ai?

Có người đã thấy được chân lý, đã hiểu một cách sâu xa lời dạy của Đức Phật, thì nói: Thế gian đều là vô thường, mọi sự thương yêu đều như huyễn mộng, có ai sống mãi đâu!

Trong chúng Tỳ Kheo có một vị Tỳ Kheo tuổi cao nhưng tâm trí lại tối tăm, không đạt được Thánh ý, thấy chúng Tỳ Kheo đau lòng, xúc động như vậy thì đứng lại và nói: Xin chớ buồn sầu nữa!

Lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, lúc nào cũng răn dạy cấm đoán: Đây là điều phi pháp, kia là điều phi nghĩa. Thọ trì cái này, làm như vậy là không trái phạm.

Nay Thế Tôn đã qua Đời thì chúng ta được tự do, há lại không thích thú sao?

Chúng Tỳ Kheo đều cho lời nói như vậy là sai, nên cùng nhau thưa với Trời. Trời bèn nắm Tỳ Kheo già ấy bỏ ra ngoài chúng.

Tôn Giả Đại Ca Diếp bảo các Tỳ Kheo: Hãy lên đường gấp.

Bốn chúng đệ tử, vô số Trời, người đều buồn khóc mà đi, cùng đến chỗ Đức Phật, nhiễu quanh điện ba vòng, cung kính đảnh lễ, đau đớn thương tiếc.

Tôn Giả Đại Ca Diếp nhìn thật kỹ vào kim quan của Đức Phật, trong lòng tự nghĩ: Ta trở về trễ, không thấy được thầy ta.

Chẳng biết đầu, chân của Đức Thế Tôn ở chỗ nào?

Đức Phật bèn đáp lại bằng cách duỗi hai chân ra ngoài.

Tôn Giả Đại Ca Diếp liền áp nhẹ đầu mặt mình vào chân Đức Phật, ca ngợi công đức của Đức Phật bằng bài kệ:

Ngài vì không sanh, già,

Và cũng không già, chết.

Ngài vì không tụ hội,

Không cùng kẻ ghét chung.

Ngài cũng vì không để

Yêu thương mà ly biệt.

Nên mới cầu phương tiện,

Để đạt đến chỗ này.

Ngài vì năm ấm này,

Rốt ráo không tái thọ.

Cũng không còn tạo tác,

Để thọ năm ấm ấy.

Vì chấm dứt khổ đau,

Và trừ luôn gốc hữu.

Nên mới cầu phương tiện,

Khiến đạt được như vậy.

Phật vì đoạn thế gian,

Ái dục đã trừ sạch.

Nên gọi là nhẫn nhục,

Bỏ phiền não thế gian.

Phật vì tự an lạc,

Cùng an ổn thế gian.

Cho nên con chấp tay,

Cung kính đảnh lễ Phật.

Pháp Phật đã giảng nói,

Là nguồn sáng thế gian.

Phật Chí Tôn chỉ nẻo,

An ổn không chướng ngại.

Cũng hóa độ muôn loài,

Khiến không còn già, chết.

Vì sao người thế gian,

Lại không thọ ân Phật?

Trăng sáng trên bầu Trời,

Để phá tan đêm tối.

Mặt trời chiếu trên không,

Để soi sáng ban ngày.

Điện xẹt trên Trời cao,

Để chiếu soi mây sáng.

Hào quang Phật chiếu ra,

Để sáng soi ba cõi.

Tất cả các sông ngòi,

Sông Côn Lôn hơn hết.

Tất cả vùng nước lớn,

Biển cả là lớn nhất.

Tất cả ngôi sao sáng,

Mặt trăng là sáng nhất.

Phật là mắt thế gian,

Tối tôn trong Trời Đất.

Phật vì cứu độ đời,

Vì ban bố phước đức.

Phật chỉ dạy, giáo hóa,

Đến nay đã phân minh.

Do vậy mà hôm nay,

Đệ tử Phật thọ, hành.

Tất cả Trời và người,

Cung kính cùng đảnh lễ.

Tôn Giả Đại Ca Diếp tán thán Đức Phật xong, thì Trời, Thần, Quỷ Rồng, Vua quan, dân chúng đều đảnh lễ nơi chân Phật. Sau đấy thì hai chân Phật thu vào kim quan trở lại.

Trời, Người, Quỷ, Rồng thấy vậy thảy đều nức nở, thương tiếc. Tôn Giả Đại Ca Diếp và các Tỳ Kheo cùng nhau thăm hỏi, chia buồn.

Các Thệ tâm, Lý gia bèn đốt lửa trà tỳ.

Chư Thiên tung rải hương hoa, đều nói rằng: Vì sao chúng sanh lại cùng khốn như thế này?

Hào quang của Đức Phật thường chiếu thẳng lên Cõi Trời thứ bảy là Cõi Phạm Thiên.

Những chỗ tối tăm, khuất kín trong mười phương, nơi mà chúng sanh không nhìn thấy nhau được, nhờ hào quang của Đức Phật cùng lúc sáng rực nên hân hoan nói: Ánh sáng ở đâu thế?

Các Lý gia bàn bạc, khi nhục thân của Đức Phật đã cháy xong, họ liền lấy nước hoa rưới lên cho lửa tắt, rửa sạch Xá Lợi, đựng đầy trong bát bằng vàng.

Y trong và ngoài của Đức Phật vẫn còn nguyên như cũ. Trong khi vải kiếp ba quấn quanh thân Ngài đều cháy hết.

Họ lấy bát chứa Xá Lợi để trên kim sàng rồi đưa vào cung, đặt trên chánh điện. Trời người tung rải hoa, ca nhạc, đốt đèn đi bộ quanh thành, đèn thắp sáng trên mặt đất đến mười hai dặm.

Tôn Giả A Nan nói với Tôn Giả A Na Luật: Cám ơn các vị Trời, Rồng, xin chư vị hãy trở về nơi chốn của mình.

Trời, Rồng, Quỷ, Thần đều rơi nước mắt, thưa: Mặt Trời, Mặt Trăng của ba cõi đã mất. Thế gian sẽ mãi bị tăm tối.

Lễ an táng sắp dứt hay còn kéo dài trong bao lâu nữa?

Dân chúng đông đảo như muốn đuổi gấp chúng ta đi.

Vậy chúng ta làm gì bây giờ?

Đáp: Dân chúng nhao nhao muốn dâng hoa hương, vậy chư vị nên tạm thời trở về, để dân chúng được giải bày tấm lòng của mình.

Đế Thích hỏi Tôn Giả A Na Luật: Ngày nào thì sẽ dựng Tháp của Đức Thế Tôn?

Tôn Giả A Na Luật hỏi Tôn Giả A Nan.

Tôn Giả A Nan thưa: Sau chín mươi ngày, sẽ chọn ở giữa ngã tư đường dựng Tháp, lập Đàn Tràng.

Chư Thiên đồng nói: Vì duyên cớ gì chờ đến chín mươi ngày?

Tôn Giả A Na Luật đáp: Bốn chúng đệ tử còn ở xa, họ đang vội vã trở về để mong được nhìn thấy Xá Lợi của Đức Phật.

Bấy giờ, Chư Thiên cùng một lúc cung kính lễ bái. Đế Thích đi trước, Chư Thiên theo sau, nhiễu quanh chánh điện ba vòng, buồn khóc trở về.

Hai vạn Tỳ Kheo lo việc gìn giữ Xá Lợi của Phật. Lại cảm tạ Quốc Vương, xin Vua trở lại cung. Vua và các quan lễ bái lần nữa buồn bã nhiễu quanh chánh điện ba vòng rồi trở về cung.

Nhà Vua bảo các phu nhân, thể nữ đều phải phụng trì giới cấm trong suốt chín mươi ngày.

Các Thệ tâm, Lý gia cũng thực hành trai giới trong thời gian ấy. Dân chúng khắp bốn phương xa đều nghe Đức Phật đã diệt độ.

Bốn chúng đệ tử ở nước Cưu Di, đều mang theo hương hoa để cúng dường. Ai nấy đều khóc thương sầu thảm, chật ních đường xá.

Họ nhiễu quanh chánh điện ba lần, cúi lạy dưới đất, giậm chân thương tiếc, than thở: Tại sao lại như thế này?

Các vị Vua ở cách xa trong vòng ngàn dặm thì cùng đi với Thái Tử.

Các vị Vua ở ngoài ngàn dặm thì sai Thái Tử đốc suất dân chúng cùng đi đến chỗ Đức Phật, nhiễu quanh chánh điện, tiếc thương, dâng hoa hương cúng dường.

Ai đến trước thì về trước, ai đến sau thì về sau.

Các Tỳ Kheo đồng hỏi Tôn Giả A Nan: Phương pháp an táng cúng dường Xá Lợi như thế nào?

Tôn Giả A Nan đáp: Nên đi về hướng Đông, cách thành ba mươi dặm, ở đấy có thôn Vệ Trí, sẽ đến chỗ ngã tư đường trống trải lập Tháp, dựng Đàn Tràng, lấy ngọc làm ngói, viên ngói mỗi bề rộng ba thước, Tháp cao rộng mười lăm thước, Xá Lợi đựng trong bát vàng để ngay chính giữa.

Dựng Tháp xong thì lập đàn, treo cờ phướn trên cao, thắp hương đốt đèn, quét sạch, rải hoa, dùng mười hai bộ nhạc, sáng tối tấu lên để cúng dường.

Các Thệ tâm, Lý gia hãy cùng nhau lo hoàn thành Bảo Tháp để Phạm Vương, Đế Thích, Quỷ, Rồng, Vua quan và dân chúng tiễn đưa Xá Lợi Phật.

Lý gia cung kính vâng lời, làm đúng như lời chỉ dẫn của Tôn Giả A Nan.

Tôn Giả Đại Ca Diếp, các bậc A La Hán và Tôn Giả A Na Luật cùng nhau bàn luận: Ba mươi vạn dân chúng, Vua và các quan hiện tại khi mạng chung sẽ được sanh lên chỗ của Ngài Di Lặc tại Trời Đâu thuật.

Khi Đức Di Lặc thành Phật, thuyết giảng Kinh lần thứ nhất, có chín mươi sáu ức Tỳ Kheo chứng quả A La Hán.

Ngài Di Lặc sẽ thuyết giảng Kinh cho các chúng sanh rằng: Các thần thông này đều là của Đức Phật Thích Ca Văn!

Bây giờ làm Tháp thì hãy treo cờ phướn, thắp hương, đốt đèn, thực hành đúng theo giới pháp của Phật, công việc này đều giao cho Thanh Tín Sĩ và Thanh Tín Nữ vậy.

Tôn Giả Đại Ca Diếp và A Nan cùng các vị A La Hán luận bàn tiếp: Vua nước Cưu Di sau khi mạng chung sẽ sanh về đâu?

Tôn Giả Đại Ca Diếp nói: Vua nước ấy mạng chung sẽ sanh lên Cõi Trời thứ mười hai là Thủy Vi.

Sau khi Đức Di Lặc Hạ Sanh, thành Phật, ông ấy sẽ có tên là Tu Đạt, tạo dựng cung điện cho Phật Di Lặc, nhà giảng dạy đạo, như Tinh Xá Văn Vật, vườn Cấp Cô Độc.

Y phục, thức ăn uống, thuốc men chữa bệnh luôn cúng dường đầy đủ cho Tỳ Kheo Tăng.

Tôn Giả A Nan hỏi Tôn Giả Đại Ca Diếp: Quốc Vương nước Cưu Di tại sao không ở chỗ Đức Phật Di Lặc mà chứng đạo quả Ứng Chân?

Tôn Giả Đại Ca Diếp đáp: Tâm dục của Vua ấy chưa nhàm chán đối với các khổ của sanh, lão, bệnh, tử, buồn sầu cho nên không đạt được đạo quả Ứng Chân vậy.

Tôn Giả Đại Ca Diếp nói với A Nan: Ai không nhàm chán đối với bao nỗi khổ, lo của sanh tử thì rốt cuộc chẳng chứng đắc đạo.

Tôn Giả A Nan nói: Tôi đã nhàm chán nó từ lâu rồi, tại sao không đắc đạo?

Tôn Giả Đại Ca Diếp đáp: Tôn Giả chỉ vâng giữ giới luật mà không tư duy về trong, ngoài thân, tư duy về sự ô uế của thân chuyển biến theo dòng sanh tử nên chưa đạt được.

Có tám nước ở ngoài biên giới nước Cưu Di nghe tin Đức Phật đã diệt độ, Xá Lợi hiện đang được lưu giữ tại nước Cưu Di, tức thì họ đều huy động quân binh kéo đến đòi chia phần Xá Lợi.

Vua nước Cưu Di nói: Đức Phật đã ngự tại nước tôi, nay Ngài đã diệt độ, thì tôi sẽ lo việc cúng dường. Các vị từ chốn xa xôi khổ nhọc tới đây mong được chia phần Xá Lợi, điều đó không thể được.

Tám vị Vua kia đáp: Chúng tôi thành thật mong muốn được chia phần Xá Lợi. Nếu ông không chia cho chúng tôi, chắc chắn chúng tôi phải ra lệnh cho quân binh chống cự để đoạt lấy.

Trời Đế Thích thấy tám vị Vua cùng nhau tranh cãi để được phần Xá Lợi đem về nước cúng dường, liền hóa thành một vị Phạm chí tên là Truân Khuất, chấp tay đến trước chỗ tám vị Vua để giải thích:

Xin cho tôi nói một lời: Lúc Đức Phật còn tại thế, các Vua luôn phụng hành, tôn kính lời dạy của Ngài là phải luôn từ bi.

Phàm là bậc chủ của muôn dân thì không nên tranh chấp mà nên thực hành bốn sự bình đẳng, chia đều Xá Lợi của Phật ra, khiến cho các nước đều có Bảo Tháp, để khai mở sự tối tăm của dân chúng, giúp họ được biết có Phật, lấy đó làm giềng mối ngõ hầu đạt được phước đức lớn lao.

Trời, thần, quỷ, rồng, các Vua và dân chúng cùng nhau khen ngợi: Lành thay, Truân Khuất! Ngài đã rộng thí phước điền cho chúng sanh.

Vậy là họ cùng nhau nhờ Truân Khuất chia Xá Lợi ra làm tám phần bằng nhau. Truân Khuất tự lấy bát vàng của Cõi Trời, bên trong bát dùng đường mía bôi lên để chứa Xá Lợi, mỗi Vua một phần.

Các Vua được Xá Lợi rồi thì buồn vui lẫn lộn, đều lấy hương hoa, cờ phướn bằng tơ năm sắc, thắp hương đốt đèn, sáng tối tấu nhạc.

Truân Khuất cung kính xin số mật Xá Lợi còn lại ở trong bình để đem về lập Tháp thờ.

Các Vua đồng ý cho, ông liền bỏ Xá Lợi vào bình. Bấy giờ có một đạo sĩ tên là Hoàn Vi cũng đến chỗ Vua để xin Xá Lợi.

Vua bảo: Đã phân chia hết cả rồi, hiện chỉ còn số cháy thành than, nên tự mình đến đó mà lấy.

Ông đạo sĩ liền đến chỗ trà tỳ lấy phần cháy thành than xong thì dùng hương hoa cúng dường. Lại có người ở vùng Già Ca Kiệt cũng tới để xin Xá Lợi.

Nhà Vua bảo là đã phân hết rồi, chỉ còn có phần tro thôi. Người ấy liền đến lấy phần tro kia thờ cúng trong chín mươi ngày.

Tôn Giả Đại Ca Diếp, A Na Luật, Ca Chiên Diên cùng nhau bàn bạc: A Nan theo hầu Phật rất lâu, riêng được gần gũi với Đức Phật. Những gì Đức Phật đã giáo hóa, nêu giảng, chỉ dạy rộng khắp, A Nan Đều ghi nhớ kỹ trong tâm, không chỗ nào là không hiểu rõ.

Chúng ta hãy nhờ A Nan đọc tụng lại pháp luật để đại chúng dựa theo đấy mà lãnh hội, ghi chép.

Tỳ Kheo Tăng cũng cùng nhau bàn luận: A Nan chưa chứng đạo quả sợ còn có tâm tham, che giấu những chỗ ý nghĩa vi diệu, không chịu nói hết.

Có những Tỳ Kheo Tăng thì bảo: Nên tạm lập ra một tòa cao, Chư Thánh vân tập, các vị Tỳ Kheo Tăng Nhân đó nêu câu hỏi, trên dưới ba lần, hỏi về chỗ cốt yếu của Kinh thì mới có thể biết được sự thành thật.

Vua nước Cưu Di lập Bảo Tháp để thờ Phật, lại xây phòng ốc, thiền thất rộng rãi đẹp đẽ để chứa ba ngàn Tỳ Kheo ở trong đó tụng Kinh, Tọa Thiền.

Nhà Vua sai vị Đại Thần tên là Ma Nam đem ba ngàn binh lính luân phiên lo canh gác Bảo Tháp. Tôn Giả Đại Ca Diếp và Tôn Giả A Na Luật cùng báo cho các Tỳ Kheo Tăng là sẽ kết tập Kinh Luật của Phật là bốn bộ A Hàm.

Tôn Giả A Nan theo hầu Phật, một mình luôn được gần gũi với Đức Phật. Đức Phật vì sự phóng túng không biết kiềm chế của chúng sanh nên tạo ra một bộ A Hàm.

Vì những người hung dữ nóng giận, bội nghịch, nên tạo ra một bộ A Hàm. Vì hạng người ngu si tăm tối, xa lìa đường chánh nên tạo ra một bộ A Hàm.

Vì những người bất hiếu với cha mẹ, xa lìa các Bậc Hiền thiện, không ghi nhớ ân sâu của Phật nên không lo báo đền, do đó tạo thành một bộ A Hàm.

Chúng Sa Môn thưa: Chỉ có Tôn Giả A Nan là bậc biết rõ về bốn bộ A Hàm, cho nên phải nhờ Tôn Giả đọc tụng.

Tôn Giả Đại Ca Diếp nói: Tôn Giả A Nan chưa chứng đạo quả, sợ còn có ý tham không nói hết các Kinh.

Chúng Tỳ Kheo thưa: Hãy đem việc trước đây để chất vấn Tôn Giả A Nan. Nên mời Tôn Giả A Nan lên chỗ ngồi cao, các Bậc Hiền thiện ở dưới nêu hỏi về Kinh.

Mọi người đều nói: Lành thay! Rất hợp với việc lớn.

Các Sa Môn trị sự liền họp Thánh chúng giục Tôn Giả A Nan ra mắt. Thánh Chúng đều an tọa, mời Tôn Giả A Nan tiến lên mau. A Nan bước lên, cung kính đảnh lễ Thánh Chúng.

Người nào được quả Ứng Chân Sa Môn thì vẫn ngồi như cũ. Người nào chưa đắc quả Ứng Chân thì hãy đứng dậy. Sa Môn trị sự mời Tôn Giả A Nan lên ngồi trên tòa cao ở chính giữa.

A Nan từ chối, nói: Đó không phải là chỗ ngồi của tôi.

Thánh Chúng đều nói: Vì để đọc tụng Kinh Phật nên mời Tôn Giả ngồi ở chỗ ấy, nhằm nói lại giáo pháp tối thượng của Đức Phật mà Ngài được lãnh hội cho Chúng Tăng nghe. A Nan liền ngồi.

Chúng Hiền thiện hỏi: Tôn Giả có bảy điều lỗi lầm, vậy Tôn Giả có biết chăng?

Đức Thế Tôn lúc còn tại thế đã bảo: An vui thay trong Cõi Diêm Phù Đề! Vậy mà Ngài vẫn cứ làm thanh không đáp.

Vị Sa Môn trị sự gọi A Nan.

A Nan liền đáp: Phật là bậc Thánh tôn vô lượng Chánh Đẳng Giác, há lại không được tự tại hay sao mà phải chờ tôi nói?

Giả sử Đức Phật còn trụ thế trong một kiếp, thì đức Di Lặc Chí Tôn làm sao mà sớm được thành Phật?

Thánh Chúng im lặng. A Nan thì không sợ hãi.

Thánh Chúng cùng nói: Xin ngồi lại chỗ cũ để biết giáo pháp mà Ngài tuyên đọc tụng cùng với chánh pháp mà đại chúng được lãnh hội là giống nhau, không gì hơn là xin mời Ngài ba lần lên tòa đọc tụng chánh pháp.

Tôn Giả A Nan ba lần xuống tòa, rồi lại lên tòa nói: Y diệm ma tu đàn.

Y diệm ma tu đàn là: Tôi nghe từ Phật.

Các Tỳ Kheo Tăng nghe lời nói mở đầu của Tôn Giả A Nan:

Y diệm ma tu đàn, tôi nghe từ Phật, tất cả đều nghẹn ngào nức nở, nói: Biết làm sao đây?

Đức Phật mới đây vẫn còn tại thế mà nay lại nói: Tôi từ Phật nghe như vậy.

Trời, Thần, Quỷ, Rồng, Đế Quan và muôn dân, bốn chúng đệ tử, không ai là không thương tiếc.

Tôn Giả Đại Ca Diếp tuyển chọn trong chúng Hiền Thánh được bốn mươi vị A La Hán, theo Tôn Giả A Nan để nghe tụng đọc về bốn bộ A Hàm: Mỗi bộ A Hàm sáu mươi xấp lụa.

Chép Kinh chưa xong, ở trong Miếu thờ Phật tự nhiên sanh ra bốn cây danh mộc. Một cây tên là Ca Chiên, một cây tên là Ca Tỉ Diên, một cây tên là A Hóa, một cây tên là Ni Câu Loại.

Các Tỳ Kheo Tăng nói: Chúng ta đem tâm từ bi chép bốn bộ A Hàm, tự nhiên sanh ra bốn cây thần diệu.

Bốn bộ A Hàm chính là cây đạo của Đức Phật.

Do đó phải cùng nhau hết lòng giữ gìn.

Giới của Tỳ Kheo Tăng gồm có hai trăm năm mươi giới thanh tịnh.

Giới của Tỳ Kheo Ni gồm có năm trăm sự.

Giới của Ưu Bà Tắc gồm có năm.

Giới của Ưu Bà Di gồm có mười. Khi chép Kinh xong, các Tỳ Kheo Tăng mỗi người phải tự thực hành Kinh Giới, cùng nhau trao truyền giáo hóa cho đến ngàn năm.

Trong ngàn năm ấy, có người giữ đúng giới nên được ở chỗ của Phật Di Lặc là Cõi Trời thứ tư.

Đức Thế Tôn Di Lặc sẽ vì Chư Thiên giảng nói Kinh Pháp. Nay, trong chúng hội đều là những người trì giới của Đức Phật Thích Ca Văn, tương lai sẽ sanh đến cõi ấy.

Đức Phật Di Lặc nói: Các vị hãy siêng năng tinh tấn thực hành đầy đủ những điều khó làm, nhiều ít cũng phải thọ trì giới luật. Sau khi Phật đã Nê Hoàn hãy tạo tám Miếu thờ.

Cái thứ chín là Tháp thờ cái bình chứa Xá Lợi. Cái thứ mười là Tháp thờ phần Xá Lợi vụn thành than, Tháp mười một là Tháp thờ tro dư.

Kinh nói: Đức Phật đản sinh là ngày mồng tám tháng tư, ngày mồng tám xuất gia, ngày mồng tám đắc đạo, ngày mồng tám diệt độ.

Ngài xuất gia học đạo, vào tháng sao Phất. Ngài thành đạo vào tháng sao Phất. Ngài Bát Nê Hoàn, vào tháng sao Phất. Cỏ cây đều sanh hoa lá, cây cối khắp cả nước đều lại xanh tốt um tùm.

Đức Phật đã Bát Nê Hoàn rồi, vị Thiên Trung Thiên của ba cõi, ánh hào quang đã tắt, tất cả muôn loài trong mười phương đều tự quy y Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần