Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BỐN

PHẨM BUÔNG LUNG  

TẬP BỐN  

Tỳ Kheo cẩn thận, vui

Buông lung nhiều tội, lo

Mỗi người theo thứ lớp

Dứt hết các kết sử.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong hang Thạch Thất, vườn Cam Lê, nước Ma Kiệt.

Bấy giờ, có rất đông Tỳ Kheo ngày đêm hành đạo. Đến giờ, các thầy vào thành khất thực. Giữa đường, các thầy gặp lúc vua thu thuế, lấy lời đem vào kho vua.

Thấy vậy, các thầy Tỳ Kheo nghĩ: Vua ra lệnh thì nhân dân đều phải tuân hành.

Huống chi nay Như Lai có kho tàng vô lượng của báu, đó là những gì?

Đó gọi là bốn ý ngăn, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám trực hành. Có các đạo pháp ấy thì các kết sử bị dứt trừ. Đạo ấy tốt đẹp không có gì cao hơn.

Cho nên nói:

Mỗi người theo thứ lớp

Dứt hết các kết sử.

Tỳ Kheo cẩn thận vui

Buông lung nhiều tội, lo

Hiểu thấu nghĩa từng câu

Hành dứt, an ổn mãi.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong hang Thạch Thất, vườn Cam Lê, nước Ma Kiệt.

Lúc ấy, đến giờ, có rất đông Tỳ Kheo đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Các thầy thấy các vương tử, con trưởng giả đông đến mấy mươi vị. Họ đang cùng học bắn tên, đánh xe, quất roi.

Những mũi tên lớp lớp cắm phập vào nhau, không bay lọt ra ngoài.

Thấy vậy, các Tỳ Kheo bèn nghĩ rằng: Các vương tử con nhà quý tộc học bắn cung mong được tiếng khen, để khi có giặc thì ngăn chặn, không để chúng lọt vào đất nước. Dù học nghề ấy, nhưng nếu không rành giỏi thì khả năng chỉ bằng tơ tóc. Phân tích suy nghĩ về Tứ Đế thì phải buộc nó vào lòng, đó mới là học thuật.

Các Tỳ Kheo sau khi khất thực, ra khỏi thành, trở về Tinh Xá, rửa tay chân, trải đồ ngồi, ngồi kiết già, buộc niệm trước mặt, ngày đêm không nghỉ ngơi, liền thấy được Tứ Đế.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn trong suốt, không chút tì vết, Ngài thấy các Tỳ Kheo khuyến tấn lẫn nhau với tâm tha thiết. Rồi mỗi vị tìm nơi thanh vắng suy nghĩ để dứt bỏ ái dục Cõi Dục, ái dục Cõi Sắc, ái dục Cõi Vô Sắc.

Khi ấy Đức Thế Tôn muốn cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian và muốn làm ngọn đuốc sáng lớn cho chúng sinh đời sau, mở mang đại giáo cho xa gần đều được nghe, nên Đức Phật ở trước đại chúng, nói bài kệ này:

Tỳ Kheo cẩn thận, vui

Buông lung nhiều tội, lo

Hiểu thấu nghĩa từng câu

Hành dứt, an ổn mãi.

Tỳ Kheo cẩn thận, vui

Buông lung nhiều tội, lo

Gây chuyện bé xé to

Chứa ác vào hố lửa.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ đệ tử Phật là Câu Đề đối với quả vị A La Hán thì chứng đắc rồi lui sụt đến sáu lần, đến lần thứ bảy khi biết mình đã chứng. Ông liền tìm gươm bén tự sát vì sợ bị lui sụt lần nữa.

Bấy giờ ác ma Ba Tuần chạy khắp nơi tìm kiếm thầy Tỳ Kheo này, vì chúng không biết thần thức thầy ở đâu, không biết thần thức sinh nơi nào, chúng đến hỏi Phật, đã tìm kiếm thần thức thầy ấy khắp nơi, nhưng không biết ở chỗ nào, tìm kiếm Câu Đề cũng không thấy thầy ấy ở đâu.

Đức Thế Tôn bảo: Tỳ Kheo Câu Đề đã diệt độ, thần thức thầy ở trong không và hợp thể với không.

Nghe vậy, ác ma sinh tâm uất hận độc ác, cất mình nhảy xuống ao tắm Thanh liên hương. Nước trong ao sôi lên dữ dội, các loài như ba ba, cá đã đều chết hết. Lúc ấy Tỳ Kheo Câu Đề với đạo quả thì chứng đắc rồi lui sụt đến sáu lần. Các vị A La Hán thấy Câu Đề lui sụt đạo quả cũng sợ mình bị lui sụt như thế. Do đó, suốt đêm ngày các vị hết sức siêng năng tu đạo Hiền Thánh, hiện ở trước mắt.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn trong suốt, không chút tì vết, Ngài thấy các Tỳ Kheo đắc đạo mỗi vị tự siêng năng tinh tấn đối với quả chứng sợ sẽ lui sụt.

Và muốn cho đại pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, cũng muốn làm ngọn đuốc sáng lớn cho chúng sinh đời sau, nên ở trước đại chúng, Đức Thế Tôn nói bài kệ này:

Tỳ Kheo cẩn thận, vui

Buông lung nhiều tội, lo

Gây chuyện bé xé to

Chứa ác vào hố lửa.

Giận dữ bừng bừng

Nước lạnh bùng sôi

Ác đến, tội kéo

Chịu báo vô cùng.

Ngày đêm phải tinh tấn

Giữ giới cấm cho bền

Được bạn lành kính trọng

Bạn ác không nhớ nghĩ.

Ngày đêm phải tinh tấn: Vì sao?

Vì nói tinh tấn xa lìa tướng mạo phi pháp, xa lìa pháp bất thiện, tinh tấn đối với pháp lành, tinh tấn để diệt hữu lậu tà kiến, mọi điên đảo, nghi ngờ, do dự cũng đều dứt bỏ hết. Lại tìm cách dứt bỏ các tập khí kết sử.

Cho nên nói: Ngày đêm phải tinh tấn.

Giữ giới cấm cho bền: Khéo nhớ nghĩ tu tập các oai nghi của thân, miệng, ý. Tâm như kim cang không gì phá vỡ được. Giữ cấm giới bền chắc thì ngoại tà không được dịp làm hại. Giới cấm là hai trăm năm mươi giới, giữ gìn bền bỉ, không nên biếng trễ. Phòng ngừa, kiêng dè, phải cố gắng không một lần bỏ quên pháp. Nếu dâm, nộ, si nổi lên thì phải dứt trừ không cho chúng sinh khởi.

Cho nên nói: Giữ giới cấm cho bền.

Được bạn lành kính trọng, bạn ác không nhớ nghĩ: Bạn lành là người có chánh kiến, tu hành các pháp chân chánh đều thành tựu. Được mọi người kính trọng hết lòng, nhớ nghĩ không sống buông lung.

Cho nên nói: Được bạn lành kính trọng. Bạn ác là bạn xấu. Họ bỏ lành, theo ác, khi thấy người hiền, người tu đạo đức thì tâm ganh ghét, không muốn nghe nhìn.

Cho nên nói:

Bạn ác, không nhớ nghĩ.

Không nhớ nghĩ, buông lung

Cũng không luyện pháp tu

Ngủ nghỉ không biết thức

Đó là vào vực sâu.

Không nhớ nghĩ, buông lung: Vui nhiều thì lầm quên tánh ý, tâm lầm loạn, sự bố thí không còn. Ý nghĩ lành tàn rụi, ý nghĩ ác gia tăng. Ý nghĩ ác đã sinh thì rơi vào đường ác, bị mọi người ghét bỏ. Người buông lung thì ngày đêm suy nghĩ ta phải bỏ cái này, lấy cái kia, hoặc sinh tâm hãm hại kẻ khác, khởi lên bao ý niệm.

Cho nên nói: Không nhớ nghĩ, buông lung.

Không nhớ nghĩ đến tu hành thì ý thường biếng nhác. Đã có tâm biếng nhác thì bị đạo lẫn tục đều bỏ đi.

Thế nào là thế tục bỏ đi?

Như trong Khế Kinh của Phật có nói: Con ông trưởng giả là người lười biếng, mắc sáu pháp phi nghĩa bị tội với luật pháp.

Sáu pháp phi nghĩa ấy là:

1. Việc phải làm ngay mà không chịu làm.

2. Việc làm hưỡn đãi mà không làm vì cho là mới ăn no.

3. Việc nên làm mà không làm vì lấy cớ đang quá đói.

4. Việc nên làm mà không làm vì lấy cớ đang nóng quá.

5. Việc nên làm mà không làm vì lấy cớ đang lạnh quá.

6. Việc nên làm mà không làm…

Đó gọi là con ông trưởng giả là người lười nhác, mắc sáu pháp phi nghĩa bị tội đối với luật pháp, không đến được con đường vô thượng chân chánh.

Cho nên nói: Thế tục bỏ đi.

Thế nào là đạo pháp bỏ đi?

Đó là Tỳ Kheo không đọc tụng Khế Kinh, Luật, A Tỳ Đàm và Tạp Tạng, không ngồi thiền, tụng Kinh, làm việc giúp chúng. Đối với pháp hiện tại, không đến chỗ rốt ráo, không chịu tu tập. Đối với việc đời, việc đạo không hoàn toàn tu tập.

Sao gọi là không tu tập đối với việc đời?

Ý không gấp rút tạo dựng mệnh tài và phi mệnh tài.

Mệnh tài là: Voi ngựa trâu dê, đày tớ, kẻ hầu, người sai khiến. Phi mệnh tài là tiền của vang bạc, bảy báu, lúa thóc, ruộng vườn, các vật nuôi sống. Những tài sản ấy cất giấu không chắc nên bị trộm cướp. Đó gọi là không lo liệu việc đời.

Không tu tập đối với đạo pháp là không giữ gìn các giác quan của mình. Niệm trước được niệm sau, các niệm nối nhau, niệm ác theo ngay, không dung niệm lành. Như nước trên núi chảy xuống, có người muốn cắt đứt giữa chừng, không cho chảy nữa, thì không bao giờ làm được.

Người buông lung cũng lại như vậy. Các niệm ác nối theo nhau không dứt. Có người muốn làm phát sinh niệm lành ở khoảng giữa hai niệm trước và sau, cũng không bao giờ được.

Vì sao?

Vì các niệm ác nối nhau không bao giờ dứt.

Cho nên nói: Cũng không luyện pháp tu.

Ngủ nghỉ không biết thức: Giống như có người thỉnh thoảng đang nghe pháp giữa đại chúng, thì bị ngủ gục. Có khi đang nói chuyện với người thì ngủ thiếp đi. Chỉ có người hiểu biết mới biết cách khuyên bảo. Hoặc hết lòng can ngăn, hoặc dùng lời mắng nhiếc, hoặc dùng phương cách là trước nổi giận sau ngọt ngào.

Cho nên, Đức Thế Tôn xuất hiện trên cõi đời sôi bỏng giảng nói cho mọi người nghe về pháp sinh tử như lửa nóng cháy hừng. Nếu biết rõ được cội nguồn của khổ thì không còn các tai hoạn này. Nếu không có phương pháp khéo léo cầu các pháp lành thì mỗi ngày một suy hao, mà hữu lậu thì lại thêm nhiều.

Cho nên nói: Ngủ nghỉ không biết thức.

Mạn nọa là lười biếng trễ, nhác, không hàm nghĩa phách lối.

Đó là vào vực sâu: Giới có hai nghiệp: Một là hai trăm năm mươi giới thanh tịnh như vàng vòng, hai là đối với các pháp lành, không tu học tất cả, không cầu hết hữu lậu, chứng được vô lậu, cũng không cầu Tu Đà Hoàn hướng, chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm hướng, chứng quả Tư Đà Hàm, A Na Hàm hướng, chứng quả A Na Hàm, A La Hán hướng, chứng quả A La Hán.

Đối với các pháp ấy, không chịu tu tập, đó là tự mình rớt xuống vực sâu, không đến chỗ rốt ráo. Đó là kẻ tu hành rơi vào vực sâu.

Còn kẻ tục rơi vào vực sâu là sao?

Đó là những người sống ở thế tục mà không tập cưỡi voi, phi ngựa, cầm móc câu, nắm dây cương chiến đấu với kẻ thù, nên tiến, nên lui ra sao, đều không chịu rèn luyện. Tự mình làm chìm mất tên tuổi tiếng tăm, không thành tựu gia nghiệp.

Cho nên nói:

Đó là vào vực sâu.

Thường dứt bỏ tội trước

Khiến không mất chánh niệm

Không khởi tâm kiêu ngạo

Ưa tu những pháp lành

Pháp lành khéo ngủ yên

Đời này như đời sau.

Thường dứt bỏ tội trước: Như người từng xuống biển, họ biết rõ mọi ngõ ngách hố sâu của những chỗ phải đi qua. Chỗ này, chỗ nọ…, chỗ rượu chè, nơi đánh bạc chơi bời, nhà bán dâm. Các nơi đó, phải lo xa lánh. Nếu ra biển gặp trái Ma đàn na cũng chớ ăn, nếu ăn trái ấy thì không thể thu lượm được châu báu. Người giữ giới luật cũng như thế. Phải chỉ rõ đường thẳng cho mọi người.

Thường xa lánh những nơi phi pháp. Nếu vào những nơi phi pháp thì không thể đón nhận được pháp sâu xa. Như người vốn không rành đường sá mà muốn đi qua đó thì chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại, mất mát của cải. Ai đi theo đường lớn, không theo lối tắt cong quẹo thì được về nhà bình yên.

Nội pháp cũng như vậy, nếu giữ gìn pháp lành thì điều ác từ bên ngoài không xâm nhập được. Thường nhớ nghĩ, tư duy, không bao giờ lãng quên niệm bên trong.

Cho nên nói: Thường dứt bỏ tội trước, khiến không mất chánh niệm.

Thế nào là không khởi tâm kiêu ngạo?

Lúc nào cũng thường giữ gìn chánh niệm, không khởi tâm ganh ghét, phách lối. Thường giữ tâm mạnh mẽ, không biếng trễ. Tâm chí không buông lung, tu tập các pháp, đầy đủ mọi điều lành.

Như người dũng sĩ mặc áo giáp, cầm gậy có khả năng lướt qua mọi hoạn nạn bên ngoài. Tâm không yếu hèn, tay cầm cung tên chân không lùi bước, thì không còn lo sợ bất cứ kẻ địch nào. Thầy Tỳ Kheo cũng như vậy, phải giữ tâm bền chặt, phát thệ nguyện rộng lớn, tự kiềm chế mình, giết giặc kết sử, không còn ngờ vực.

Cho nên nói: Không khởi tâm kiêu ngạo.

Thế nào gọi là ưa tu những pháp lành?

Pháp thì gồm pháp lành, không lành, vô ký.

Đức Thế Tôn nói: Phải nhớ dứt bỏ bất thiện, vô ký mà lo tu pháp lành.

Vì sao?

Vì pháp ác đưa người ta vào chỗ ác, pháp vô ký khiến người ta rơi vào ngu si mê lầm, pháp lành đưa người ta sinh vào Cõi Trời, cõi người, hoặc vào cảnh giới vô vi Niết Bàn.

Cho nên nói: Ưa tu những pháp lành.

Thế nào là pháp lành khéo ngủ yên?

Không còn sợ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nếu bị ai làm nhục cũng không sợ hãi. Ngủ thì lặng yên, thức dậy thanh thản.

Cho nên nói: Pháp lành khéo ngủ yên.

Đời này như đời sau: Đời này không còn lo âu khổ não.

Vì sao?

Vì khéo tu pháp lành đó thôi! Đời sau sinh ra được gặp Hiền Thánh, không xa lìa các chỗ lành. Đó là bởi đời đời nối tiếp nhau khéo tu các pháp lành mà có được như vậy.

Cho nên nói:

Đời này như đời sau.

Suy nghĩ không buông lung

Làm nhân, học theo nhân

Nhờ đó hết lo buồn

Thường nhớ nghĩ diệt ý.

Suy nghĩ không buông lung: Lìa bỏ năm thứ ràng buộc, không ở trong năm đường, suốt ngày suy nghĩ pháp dẫn dắt Tỳ Kheo, tu giữ giới cấm. Giới có hai nghiệp là hai trăm năm mươi giới và nhu thuận giới, tức phải ăn nói mềm mỏng, không có tâm hại người.

Nhận lãnh những lời răn dạy của các vị phạm hạnh, những lời dạy nghe được phải vâng giữ. Không đánh mất con đường xuất ly sinh tử của Bậc Thánh.

Cho nên nói: Suy nghĩ không buông lung.

Làm nhân, học theo nhân, nhờ đó hết lo buồn: Định tâm không loạn, bên trong có lòng nhân từ che chở chúng sinh. Không quen theo thói ái dục, giận dữ, ngu si, chỉ nghĩ cách dứt bỏ ái dục để bước vào ngồi nhà tịch tĩnh.

Cho nên nói: Học và làm theo nhân, nhờ đó hết lo buồn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần