Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

PHẬT LÊN TRỜI ĐAO LỢI

THUYẾT PHÁP CHO THÂN MẪU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BA  

Tâm không tưởng nơi không

Không mạn, không chỗ nghĩ

Không tướng, không chỗ nguyện

Không thể tính hạn lượng.

Biết việc chúng sinh làm

Tùy theo đó mở bày

Tự tại mà ban cho

Thuyết pháp kẻ đói nghèo.

Ban cho chúng sinh

Không nói ta giúp

Với giới không cao

Không quên nhẫn nhục.

Không mạn tinh tấn

Không chấp thiền định

Mà với trí tuệ

Không chỗ keo kiệt.

Thường thích ban cho

Giảng luận các giới

Tu hành, khiêm nhường

Thường hành dũng mãnh.

Tuy nghĩ theo thiền

Nhưng không chỗ chấp

Hưng phát trí tuệ

Mà dùng ban cho.

Ở nơi Duyên Giác

Và trong Thanh Văn

Bồ Tát Đại Sĩ

Du hóa trong đó.

Giả sử trong ấy

Mà có tạo nghiệp

Đại Sĩ mắt sáng

Không thích hạnh ấy.

Nhờ hay tạo dựng

Những pháp như vậy

Mới có thể gọi

Là hạnh Bồ Tát.

Hiểu rõ quyền biến

Không thể nghĩ bàn

Đã lấy tuệ cho

Thật không hạn lượng.

Đức Phật bảo Thiên Tử: Bồ Tát có bốn việc pháp. Tất cả các pháp dùng làm một nghĩa, nhập vào một vị, đưa đến bình đẳng, nhập vào một tuệ nên nói bình đẳng.

Những gì là bốn?

1. Hiểu rõ pháp giới không có chỗ phá hoại.

2. Hiểu các pháp không nên du hóa khắp cả.

3. Với nghĩa các pháp, hình tượng khác nhau, bình đẳng giữa mình ta cùng với người khác.

4. Hiểu rõ các pháp thảy đều đáng sợ.

Hiểu rõ tuệ này, mới thấy như vậy. Với pháp thế tục và pháp xuất thế, thảy đều thông đạt, không tạo thành hai sự xem xét. Hoặc tội, hoặc phước, có chướng ngại hay không chướng ngại.

Hoặc nghe hay không nghe, hữu vi hay vô vi. Đối với các pháp ấy, không tạo, không quán. Không thấy các pháp có sự thọ nhận, không pháp phàm phu, không pháp La Hán, không có để xem xét.

Vì pháp phàm phu thì không thanh tịnh, không xét kỹ pháp La Hán, một mình hiểu rõ, không cao không thấp, phân biệt một nghĩa, vượt qua sự sợ hãi, diễn xướng giảng nói. Tung rải tất cả pháp, mà đối với tất cả pháp, không thấy sự tán mất. Tu hành một nhẫn, vĩnh viễn không hai. Nhờ nhập một nghĩa, nên nhập hết các pháp. Vì cái nhập ấy, không từ đâu sinh.

Cho nên, này Thiên Tử! Bồ Tát Đại Sĩ được gần kề đạo vô thượng chánh chân, thành bậc Chánh Giác cao tột, cũng không nghĩ rằng: Ta đã đến gần hay là còn xa?

Vì sao như vậy?

Vì không dùng lấy một nghĩa để thấy có sự khác, đối với quần sinh, để xem xét thấy người cùng đạo có sự khác biệt.

Lại nữa, người suy nghĩ mà không nắm bắt được mới chính là đạo.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài tụng:

Đối với pháp giới

Không chỗ phá hoại

Lại pháp giới ấy

Không thể tan nát.

Kể như pháp giới

Các người như vậy

Chỉ giả có tên

Chẳng có gì cả.

Rõ các pháp không

Chỉ như tiếng vang

Hoặc trong hoặc ngoài

Hữu vi, vô vi.

Quán sát pháp ấy

Đều không sở hữu

Phân biệt một nghĩa

Đều biết là không.

Các pháp đã hiện

Hình tượng không đồng

Không chấp thân mình

Cùng với người khác.

Nếu không chấp niệm

Có tôi, ta, người

Hành động chưa từng

Có bao nhiêu tưởng.

Tu hành lặng yên

Chí luôn lo sợ

Khắp xem tất cả

Các pháp tồn tại.

Với tất cả pháp

Im lặng không nhớ

Ở trong lo sợ

Mà không chỗ chấp.

Giảng thuyết hiện tại

Để cứu việc đời

Họ không hưng khởi

Tạo tận, diệt tận.

Hoặc phước hoặc tội

Hoặc nghe, không nghe

Không nhớ nơi pháp

Không giữ âm thanh.

Không ở hữu vi

Cũng không vô vi

Bình đẳng, nhất quán

Không thích hai việc.

Không thấy các pháp

Có chỗ lãnh thọ

Không được phàm phu

Và A La Hán.

Không nói phàm phu

Si, uế không sạch

Cái đó gọi là

Pháp A La Hán.

Cũng không nâng cao

Cũng không hạ thấp

Phân biệt một nghĩa

Thảy đều lặng yên.

Hiểu rõ các pháp

Đều không chỗ hoại

Cũng không tan rã

Tất cả pháp giới.

Không khác với nhẫn

Lẽ nào khác không!

Biết chắc các pháp

Tất cả đều không.

Không chấp nơi không

Không dựa nơi nhẫn

Nhờ vào một nghĩa

Đều rõ tất cả.

Nó không khởi lên

Vì vốn trong sạch

Tu hành như vậy

Mau thành Phật Đạo.

Sớm được gần kề

Vô lượng Chánh Giác

Không chấp có thân

Không nhớ tâm đạo.

Tất cả các pháp

Tôi, ta và người

Đều không chỗ chấp

Được giác bình đẳng.

Đức Phật bảo Thiên Tử: Bồ Tát có bốn việc pháp để phụng trì cấm giới sâu dày và thực hành không buông lung.

Những gì là bốn?

Bồ Tát Đại Sĩ nên tự nghĩ rằng: Sao gọi là cấm giới?

Để tùy thuận xem xét, suy nghĩ nghĩa ấy?

Hoặc thân làm điều lành, lời nói chí thành, tâm nhớ nghĩ dịu dàng thuận thảo. Đó là cấm giới.

Lại nghĩ như vậy: Sao là thân làm điều lành?

Sao là lời nói chí thành?

Sao là tâm dịu dàng?

Đó là vì thân không phạm các việc của thân, nên không sát sinh, trộm cướp, dâm dật. Đó là thân làm điều lành.

Miệng không nói lời lỗi lầm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời hung ác, sàm tấu. Đó là miệng nói lời thành thật.

Tâm không nghĩ những điều sai quấy, nghĩ những việc sân hận, tà kiến. Đó gọi là tâm dịu dàng.

Bồ Tát ấy quán sát kỹ, nên tự nghĩ rằng: Giả sử, có người không phạm thân, miệng và tâm, nhưng không thể phân biệt về nơi chỗ. Những màu xanh, vàng, đỏ, trắng, tía, hồng đang tồn tại, lại chấp nơi con mắt không biết phân biệt. Đối với tai, mũi, miệng và tâm, cũng giống như vậy. Cũng không biết phân biệt.

Vì sao như vậy?

Vì nó cũng chẳng sinh, cũng là không sinh. Cũng không khởi là cũng chẳng không khởi. Giả sử không có sinh, không bị sinh. Cũng không có khởi, không bị khởi, thì sẽ không thể đảm nhận sự phân biệt pháp thức.

Họ lại nghĩ rằng: Trong khi xem xét sẽ không có sở hữu, cũng không có giới nên không có chỗ hành, đã không chỗ hành nên không thể biết. Vì không thể biết, đối với nó, lẽ ra không nên có sự chấp dựa. Nếu tạo hành động ấy, thì không chỗ để thấy. Ngay vào lúc ấy, không thấy có giới, đã không thấy giới mà khuyên người giữ giới cũng là vô sở kiến.

Vì vậy, cho nên này Thiên Tử! Đó gọi là Bồ Tát Đại Sĩ phụng trì cấm giới sâu dày.

Lại nữa, này Thiên Tử! Cũng có Bồ Tát hiểu rõ không tham đắm bản thân, không có thấy thân, cũng không thấy cái thấy, tu sự trì giới, cũng không phạm giới, cũng không chỗ chấp.

Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát Đại Sĩ nhập sâu vào tạng pháp, để giữ giới cấm, oai nghi lễ tiết, đi đứng, tới lui, an nhiên rõ ràng, thuận theo lời dạy, nên gọi là giới. Không tự thấy mình có sự khởi hạnh, không thấy lỗi lầm của người khác, cho nên gọi là giới sâu xa tốt đẹp.

Này Thiên Tử! Bồ Tát không phạm giới cũng không hủy giới, lại càng không khinh lờn giới. Ai chống lại mình là chống lại giới. Nếu không chống lại mình, thì không chống lại giới. Nếu không chống lại giới, thì không phạm giới.

Nếu không phạm giới sẽ không khinh lờn giới, liền không có gì để độ. Sở dĩ không khinh lờn, không vượt qua giới, nên hiểu rõ tất cả pháp đều được độ thoát. Nhờ độ thoát, nên không có ngã, cũng không vô ngã. Đã không có người, thì ai được độ. Đó là bốn pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài tụng:

Thân họ thanh tịnh

Lời không lỗi lầm

Tâm niệm trong sáng

Hành động không dơ.

Thường tự gìn giữ

Cẩn thận khi làm

Vị Bồ Tát ấy

Mới là thờ giới.

Tùy thuận phụng hành

Đối với mười lành

Bồ Tát thông minh

Mới bảo vệ được.

Nên thân miệng ý

Không bị phạm lỗi

Như vậy mới gọi

Phụng giới sáng suốt.

Không chỗ họ tạo

Không khởi, không sinh

Nó không hình sắc

Không có nơi chốn.

Đã không tướng mạo

Nên không chỗ trụ

Liền không thể được

Chỗ nào quay về.

Giới không có tạo

Thường như vô tri

Nên không thể lấy

Khi mắt xem xét.

Tai không thể nghe

Không mũi, không lưỡi

Thân không tách rời

Và tâm nhớ nghĩ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần