Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
PHẬT LÊN TRỜI ĐAO LỢI
THUYẾT PHÁP CHO THÂN MẪU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN TÁM
Nhân dân tại đó, không có đui điếc, cũng không bị què quặt, cũng không bị nạn sắc xấu, nhơ bẩn, không bị nghèo khổ. Chúng Bồ Tát tại đó, có ba mươi hai tướng tốt, để trang nghiêm thân mình, không có thú vui nào khác, chỉ lấy pháp làm niềm vui. Cũng không ăn uống, lấy món ăn thiền định để cúng dường. Tại đó không có tám nạn xứ và đường ác. Nếu lúc mạng đã hết, họ chẳng về đâu cả, chỉ trở về con đường của Phật.
Đức Phật nói: Này Mục Liên! Ý ông thế nào?
Đức Như Lai Thích Hiền Quang Minh ấy, chính là thân của ta vậy. Đức Như Lai ở tại đó đã biến hóa cảm động, chẳng phải là chỗ cho tất cả Thanh Văn và Duyên Giác có thể biết được.
Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Tại tam thiên đại thiên Thế Giới này, về phía Đông Bắc, cách xa bốn mươi hai lần, bốn phương cõi lớn, đặc biệt có một cõi lớn tên là Chí nguy.
Nhân dân tại đó rất dâm, nộ, si, nhiều tệ ác, bỏn sẻn, tham lam, tay cầm dao gậy, không có niềm tin, ganh ghét, phạm giới, sân hận, đa phần cậy thế, biếng lười, cao ngạo, buông lung tâm ý, mà chẳng an lành, chấp có tôi, ta, tham người và thọ mạng, lại không có trí tuệ.
Chẳng biết thời tiết, không biết hổ thẹn, chí tánh thô bạo, chẳng biết kính nhường. Chúng sinh tại đó, hình dáng xấu ác, nhỏ mọn, thấp hèn, bươi móc chuyện tốt xấu của nhau, muốn làm hại nhau, thích mắng chửi, chê bai lẫn nhau.
Mưa gió không đúng thời, đem lời tà ác dạy cho nhau. Mặt đất cứng rắn, thô ác, gai cỏ dơ bẩn lan khắp mặt đất. Nhan sắc hình thể của nhân dân tại đó in như dầu mè, cây cỏ có màu xám tro, y phục thô xấu, đồ ăn uống thô lậu, bần cùng, khốn ách, đất ở đó gọi là Thất hung, nhân dân có ý nghĩ kiêu căng, là bè đảng của nhân dân cung điện Trời.
Nếu họ được tiền tài châu báu, đều bị tịch thu bỏ vào kho tàng của Vua. Nhân dân ở đó, gặp các thứ khổ ách trừng phạt, bị gậy phan đau đớn, chỉ thuần như vậy mà thôi.
Đức Phật nói: Này Mục Liên! Nhân dân cõi ấy hiện đang khổ sở, hoạn nạn như vậy. Nếu lúc mạng hết phải đọa vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Đức Phật ở cõi đó, hiệu là Tâm Niệm Mẫn Ai Như Lai, là bậc Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc giảng nói Kinh Pháp, thì hiện ra mười tám cách biến hóa, để dạy chúng sinh. Suốt trong bảy trăm năm vẫn không có một người thọ học giáo pháp. Nhưng Đức Phật Thế Tôn ấy, vẫn không lười biếng, chán nản, Đức Phật ấy phát khởi lòng thương lớn, càng diễn giảng Kinh Điển nhiều hơn.
Những lúc Đức Phật vào huyện, ấp, xóm làng, các cõi trong nước, nhân dân nhìn thấy Đức Phật, thảy đều chửi mắng, chê bai, làm nhục, thóa mạ, liệng đá, ném gạch, đánh Đức Phật. Đức Như Lai tôn kính ấy, vì muốn khai hóa cho họ, nên chẳng lui bước.
Đức Phật lại diễn nói Kinh Điển trong suốt bảy trăm năm nữa. Có tám mươi bốn na do tha người được chứng quả La Hán. Quả Tư Đà Hàm, Tu Đà Hoàn, quả nào cũng có tám mươi bốn na do tha người chứng đắc. Chỉ trong một ngày, mà họ đều làm Sa Môn, thành tựu việc thọ giới. Tất cả hàng Hữu học và Vô học, suốt trong ba tháng không thích đàm luận những việc khác, mà chỉ trong một ngày đều vui Niết Bàn.
Tiếp theo, Đức Như Lai vẫn còn tại thế, lại có năm người học Bồ Tát thừa. Có những người, kiếp trước đã từng gần gũi với các bậc giác ngộ khác, sinh vào Cõi Phật ấy, nhờ gặp sự khổ não, nên được nghe Phật giảng nói Kinh Pháp.
Tôn Giả Mục Liên bạch Đức Phật: Bồ Tát ở cõi đó vì tội gì mà phải sinh vào cõi tệ ác ấy?
Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Bồ Tát vì bốn việc, nên phải sinh vào cõi tệ ác, để chịu sự khổ hoạn.
Những gì là bốn?
1. Giả sử Bồ Tát chỉ thích lợi dưỡng cúng dường, không học đạo pháp, phải sinh vào chỗ ác ấy.
2. Bồ Tát lại thích việc chê bai chánh pháp, tự mình đã không chịu học, lại còn khiến cho người khác không được thọ trì.
3. Bồ Tát la mắng, đánh đập kẻ khác vì không chịu cùng mình phỉ báng chê bai.
4. Bồ Tát không biết giữ gìn thân, khẩu, ý.
Vì bốn pháp ấy, nên phải sinh vào chỗ ác, chịu sự khổ não.
Đức Phật nói: Đức Phật giảng nói Kinh Pháp tại Thế Giới ấy, chính là thân của ta vậy. Với oai thần hiện ra biến hóa cảm động của Như Lai, chẳng phải tất cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác là có thể biết được!
Tôn Giả Mục Liên bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Chí Chân chỉ ở tam thiên đại thiên Thế Giới này, hiện ra làm việc Phật, hay còn ở các Cõi Phật nước khác nữa?
Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Nay ông đã thấy Đức Thế Tôn thị hiện nói pháp cho hàng Thanh Văn. Ta lại còn đối với tam thiên đại thiên Thế Giới, trăm ngàn ức bốn cõi lớn, tùy theo sự ưa thích của từng người, xem xét kỹ cái gốc của tâm họ mà thuyết pháp.
Lại nữa, Đức Phật đối với tam thiên đại thiên Thế Giới này và bốn cõi phương lớn này. Hoặc đã dùng sắc tướng của Phạm thiên mà thuyết pháp. Hoặc là hình tướng của Như Lai mà hiện thân giáo hóa. Hoặc hiện thân bạch y, không đắp Ca Sa. Hoặc hiện thân Đế Thích mà thuyết pháp. Hoặc hiện bốn Vua Chuyển Luân Thánh Vương.
Như vậy, là đã làm tất cả mọi phương tiện quyền biến, để nói Kinh Điển. Đức Như Lai ở tam thiên đại thiên Thế Giới này, đều tùy theo tâm ưa thích của những loại chúng sinh đang được hóa độ mà thuyết pháp, mà khai hóa cho họ và ở vô lượng Cõi Phật những phương khác cũng vậy. Tất cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác thừa, không thể nào biết được.
Giống như mặt trời, mặt trăng, tuy không di động, mà ánh sáng hiện khắp ở huyện ấp, làng mạc, thôn xóm, gò đống, hải đảo, cảnh giới trong nước. Đức Như Lai cũng vậy, tự ở Cõi Phật, không có lay động, đều hóa hiện ở vô số cõi nước của Chư Phật, tùy theo tâm nguyện chúng sinh mà hiện thân giảng nói Kinh Điển.
Tôn Giả Mục Liên bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Đức Phật hiện nay, làm sao để biết là thật, là đang ở trên Trời Đao Lợi, ở cõi Diêm Phù Đề, ở trong cung Chư Thiên, ở cõi tam thiên đại thiên Thế Giới, hay tại Thế Giới của Phật khác, phương khác để thuyết pháp chăng?
Thưa đấng Thiên Trung Thiên!
Làm sao để biết đó là chân Phật, ban cho những phước hựu to lớn không thể có hạn lượng của Phật?
Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Nay ta hỏi ngươi, tùy ý mà trả lời.
Ý ông thế nào?
Nếu như huyễn sư, hóa làm một người hóa, vậy người hóa đó là nam hay nữ, làm sao để biết cho đúng?
Tôn Giả Mục Liên đáp: Người đó không có thật, thưa Thiên Trung Thiên: Vì sao vậy?
Vì do sức chú thuật biến ra, thật ra không có, không thể phân biệt để biết được.
Lại hỏi: Này Mục Liên! Điều được giáo hóa ấy, vậy có thể biện được chăng?
Thưa rằng: Biện được, thưa Thiên Trung Thiên!
Đức Phật nói: Như vậy, tất cả các pháp cũng như huyễn hóa, không thể phân biệt để biết, hoàn toàn không có sai khác, cũng không làm ra, giống như huyễn sư, do sức chú thuật biến hóa đủ thứ, đã biến hóa ra, thì hoàn toàn không có sai khác. Oai sức Phật cũng như vậy, dùng Thánh trí tuệ, hiện ra cùng khắp các cõi nước của Phật, tạo những việc làm bình đẳng, không có sai khác, đều là việc Phật.
Nếu ai cúng dường cho các Đức Phật ấy, để xây dựng ruộng phước, thì số lượng phước đức như nhau, Chư Phật Thế Tôn không có sai khác. Tất cả pháp đều không chỗ sinh, cũng không thật có, giống như huyễn hóa, các pháp khác cũng không có sai khác.
Đức Phật bảo: Này Mục Liên! Đức Như Lai chỉ mới khởi ý, thì trong mỗi lỗ chân lông, hiện ra hằng hà sa Đức Như Lai Chí Chân, đủ ba mươi hai tướng tốt, hình dáng tự nhiên, đầy đủ sự tốt đẹp, tùy hình mà hóa, thuyết pháp cùng khắp. Miệng Phật nói ra đủ sáu mươi âm thanh. Tất cả Như Lai đều hiểu rõ tâm hạnh của chúng sinh.
Nếu tâm ý chúng sinh mà tốt, thì Phật tất sẽ biết được cội nguồn, thuận theo các chúng sinh mà thuyết pháp. Khi Phật thuyết pháp, chúng sinh mà thọ trì thì đều trừ được khổ hoạn. Các Đức Như Lai ấy, đều dùng ba phẩm, để cảm động, biến hóa, nói các Kinh pháp. Các Ngài đều dùng bốn biện phân biệt tuệ, để hiện oai đức của Đức Phật.
Này Mục Liên! Ý ông thế nào?
Vì sao, Đức Như Lai có oai dung, hình tượng, tôn quý bậc nhất, bước đầu rất tối thắng?
Đó là Hóa Phật chăng?
Hay là Đức Phật đã hóa Như Lai?
Tôn Giả Mục Liên đáp: Bạch Thiên Trung Thiên! Không có sự cao thấp.
Vì sao?
Vì đã có sự biến động, thì hoàn toàn không có sai khác. Cho nên không khác nhau về nhan sắc hình dạng, oai dung, biện tài, thánh đạt, thần túc, thuyết pháp, sự độ thoát, không thể phân biệt để nói là có khác nhau.
Đức Phật dạy: Cho nên, này Mục Liên! Phải quán như vậy: Nếu có pháp tự nhiên hóa hiện thì không có sai khác, không thể biết riêng biệt.
Đức Phật nói: Này Mục Liên! Giả sử hiểu được các pháp tự nhiên hóa ra, thì không phân biệt, nói là khác với phàm phu, huống chi là Phật Pháp!
Vì sao?
Tất cả các pháp đều vốn trong sạch, các pháp đều là không. Vì người mê hoặc, nên mới trụ nơi các tưởng, rồi cho là đúng, hay không đúng, theo sự vui thích, rồi chạy theo nó. Mà pháp giới ấy, thì không có chỗ khởi, cũng không có chỗ diệt, pháp giới bình đẳng, Như Lai khéo biết.
Nếu ai hiểu nó, đều có thể đứng trước chúng sinh ở Diêm Phù Đề, hóa hiện hình tượng tướng tốt của Chư Phật và các Tỳ Kheo, khiến cho nhân dân không hiểu biết được rõ biết.
Này Mục Liên! Chúng sinh đó là người Diêm Phù Đề vậy. Các Như Lai khiến cho nhân dân, Chư Thiên và các chúng sinh, bạn bè họ, hiện nhập vào một lỗ chân lông. Biến hóa, thị hiện ở trong loài người và các Thánh Chúng. Mà loài người thì không ai có thể thấy được, biết được là nhập vào nơi đâu.
Này Mục Liên! Giả sử các loài chúng sinh, ở tam thiên đại thiên Thế Giới này, làm cho dần dần đều được thân người. Tất cả chúng sinh, Tỳ Kheo, Thánh Chúng, nhân dân và các bè đảng, được Đức Như Lai khiến cho hiện ở trong một lỗ chân lông, không thể biết nhau, vì sao mà nhập vào được.
Này Mục Liên! Hằng hà sa số các cõi nước của Phật ở phương Đông và Thế Giới của các loài chúng sinh trong mười phương Chư Phật. Với vô lượng Thế Giới đó, tất cả đều biến để được làm thân người, Đức Như Lai làm cho tất cả nhân dân và các Thánh Chúng nhập vào trong một lỗ chân lông và khiến cho chúng sinh biết chỗ nhập vào, các loài chúng sinh ở mười phương, trong hằng hà sa cõi nước của các Đức Phật, cũng vậy.
Đức Phật nói: Này Mục Liên! Hiện tại, Đức Phật với cặp mắt không bị trở ngại đều thấy cõi nước các Đức Phật ấy, Phật cũng hay dùng Phật Nhãn Thánh đạt đầy đủ, chỉ bày bao nhiêu là thần biến, để làm thí dụ, cho dù trong trăm ngàn kiếp, nói về cõi nước của Chư Phật, cũng không thể nói hết. Vì các cõi nước của Phật là không có hạn lượng.
Lại nữa, tất cả chúng sinh trong các cõi nước ấy, Phật đều khiến cho được đắc đạo, giống như Duyên Giác mà không thể biết được số lượng bao nhiêu.
Huống chi là hàng Thanh Văn! Chỉ có Đức Như Lai, mới có thể biết được, cõi nước ấy nhiều hay ít, rộng hay hẹp, lớn hay nhỏ, xa hay gần, sâu hay cạn, từng phần nhỏ lông, tóc, phân rõ từng vi trần.
Phật khiến cho vô lượng vô số, hội chúng, nhiều không thể kể được, như cát của sông ngòi trong tam thiên đại thiên Thế Giới, chứa đầy vi trần. Nhưng với Phật Nhãn thì không cùng tận, vì dùng thánh đạt không chướng ngại nên đều thấy tất cả. Các cõi nước Chư Phật, còn nhiều hơn thế nữa. Các chúng sinh, trong các Cõi Phật này, không có hạn lượng.
Cõi người như vậy, chúng sinh rất nhiều, nhiều hơn cả đất đai. Nếu các chúng sinh ấy, dần dần được làm thân người, tất cả đều được làm Chuyển Luân Thánh Vương, mỗi một vị Thánh Vương, với số quyến thuộc như số chúng sinh, cũng lại như vậy.
Tất cả Thánh vương các quan và quyến thuộc họ. Như Lai đều có thể hiện nhập họ vào từng lỗ chân lông, cùng các Thánh Chúng, mà họ đều không hay, không biết đã bị nhập vào, nhưng đều thấy tất cả lỗ chân lông của Như Lai hiện khắp thân Phật, cùng với Thánh Chúng.
Đức Như Lai đã biến hiện oai thần, nhưng họ hoàn toàn không bị hao tổn. Chính vì tất cả số kiếp không thể tính được, sự hiện thần biến trong số kiếp là vô hạn lượng. Ánh sáng, oai thánh, đạo đức của Như Lai là không thể kể hết, do oai thần cao đẹp vời vợi của Phật, mới làm được như vậy.
Ý ông thế nào?
Các Chuyển luân vương cùng với bảy báu, công đức họ đạt được, có tăng nhiều không?
Thưa rằng: Bạch Thiên Trung Thiên! Thật nhiều, thật nhiều, điều ấy an trụ vô lượng.
Đức Phật nói: Này Mục Liên! Nay ta nói cho ngươi biết, giả như tất cả loại chúng sinh kia, đều là Chuyển Luân Thánh Vương, cùng với phước bảy báu tập hợp lại, cũng không bằng phước của một sợi lông Như Lai đã thành tựu tròn đầy, niềm vui phước lành của Ngài còn vượt xa hơn nữa, không thể ví dụ được.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Của Vua đảnh Sinh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Thập địa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Mười - Phẩm Thi Tài Nghệ