Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Mười Hai - Phẩm Không Hành
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI HAI
PHẨM KHÔNG HÀNH
Tôn Giả Tu Bồ Đề bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát không có phương tiện quyền xảo mà hành bát nhã Ba la mật, đối với năm ấm bị rơi vào hành tướng. Cho năm ấm là thường, năm ấm là vô thường, năm ấm là khổ, năm ấm là của ta, hay nói năm ấm là tịch tĩnh đều bị rơi vào hành tướng cho đến học ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng cũng bị rơi vào hành tướng.
Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật mà tự nghĩ: Ta hành bát nhã Ba la mật, giả sử vị ấy muốn được sự thủ đắc thì cũng chỉ là hành tướng.
Nếu Bồ Tát nghĩ: Người học như vậy là học bát nhã Ba la mật thì cũng chỉ là hành tướng. Nếu cho người học như vậy thì nên biết vị ấy chưa có phương tiện quyền xảo.
Tu Bồ Đề nói với Xá Lợi Phất: Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật vì trụ vào sắc, vì phân biệt sắc nên ràng buộc vào sắc. Vì phân biệt sắc nên tạo tác nghiệp về sắc. Do cầu về sắc nên không thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết.
Bồ Tát lại không dùng phương tiện quyền xảo hành bát nhã Ba la mật nên căn cứ nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý phân biệt sáu căn, mười tám giới. Lại trụ ở ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng đều tính toán phân biệt, tìm cầu về sắc thì vị ấy cũng không thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết.
Bồ Tát này không thể chứng quả vị của Thanh Văn, Bích Chi Phật, huống gì cầu mong được Chánh Đẳng Giác, điều ấy không thể được. Vì vậy ta nên biết đó là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không có phương tiện quyền xảo.
Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Làm thế nào để biết Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật có phương tiện quyền xảo?
Tu Bồ Đề đáp: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức không chấp vào tướng hành, cũng không cho năm ấm là thường hay không thường. Không rơi vào khổ, lạc, thọ. Không chấp rằng của ta hay không phải của ta. Không vướng vào không, vô tướng, vô nguyện hay tịch tĩnh.
Xá Lợi Phất! Vì năm ấm là năm ấm. Năm ấm không ngoài không, không không lìa năm ấm. Năm ấm chính là không, không chính là năm ấm… cho đến sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng đều không.
Giả sử cho rằng Không, thì Không cũng không lìa mười tám pháp, mười tám pháp cũng không rời Không. Như vậy gọi là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật có phương tiện quyền xảo. Vị ấy là Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật sẽ thành tựu Chánh Đẳng Giác. Người hành bát nhã Ba la mật không thấy mình hành bát nhã Ba la mật, cũng không thấy người khác có hành hay không hành.
Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Vì sao Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật mà không thấy mình hành bát nhã Ba la mật?
Tu Bồ Đề đáp: Vì tướng trạng của bát nhã Ba la mật quả thật là không thể thấy được.
Vì sao?
Vì sự có ấy tức là không thật có, nên hành bát nhã Ba la mật không có điều gì để thấy. Bởi vì Bồ Tát đều biết các pháp có tức là không thật có.
Tu Bồ Đề nói tiếp: Có tam muội tên là Ư chư pháp vô sở sinh, đó chính là diệu dụng rộng lớn vô lượng, vô biên của Đại Bồ Tát. Nó không phải là hiểu biết của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Đại Bồ Tát trụ nơi tam muội này mới mau thành tựu Chánh Đẳng Giác.
Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Chỉ có tam muội này mới giúp cho Bồ Tát mau thành Chánh Đẳng Giác thôi sao, hay còn có tam muội nào khác?
Tu Bồ Đề đáp: Cũng còn có những tam muội khác làm cho Bồ Tát mau chóng thành Phật.
Xá Lợi Phất hỏi: Đó là tam muội nào?
Tu Bồ Đề đáp: Có tam muội tên là Thủ Lăng Nghiêm Bồ Tát hạnh, trụ tam muội ấy cũng mau thành Phật.
Lại có tam muội Bảo Ấn, tam muội Sư tử du bộ, tam muội Nguyệt, tam muội Tác nguyệt tràng, tam muội Chư pháp ấn, tam muội Chiếu đảnh, tam muội Chân pháp tánh, tam muội Tất tạo tràng, tam muội Kim cang, tam muội Chư pháp sở nhập ấn, tam muội tam muội vương sở nhập, tam muội Vương ấn, tam muội Lực tấn, tam muội Bảo khí, tam muội Tất nhập biện tài. Tất cả các tam muội như thế Đại Bồ Tát đều học hết sẽ mau thành Phật.
Xá Lợi Phất! Còn có vô số tam muội không thể tính hết, Bồ Tát cần phải học, nó cũng giúp cho vị ấy mau thành Phật.
Khi ấy, nương oai thần của Phật, Tu Bồ Đề nói: Nếu Đại Bồ Tát hành tam muội này thì vị ấy đã được Chư Phật trong quá khứ thọ ký và Chư Phật hiện tại thọ ký. Vị ấy cũng không có tam muội, không nghĩ tam muội, cũng không tự cao cho rằng ta đắc tam muội này, trụ tam muội này, mà hoàn toàn không có tưởng về tam muội.
Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Các vị trụ những tam muội này đã được Chư Phật trong quá khứ thọ ký rồi ư?
Tu Bồ Đề đáp: Xá Lợi Phất! Không phải vậy, vì bát nhã Ba la mật, tam muội và Bồ Tát không có gì khác. Bồ Tát tức là tam muội, tam muội chính là Bồ Tát, bát nhã Ba la mật cũng vậy không có gì khác. Những vị ấy không biết các pháp đều là tam muội.
Vì sao không biết?
Vì Bồ Tát không thấy đâu là tam muội nên không biết.
Đức Phật khen Tu Bồ Đề: Hay thay, hay thay! Như ta từng ngợi khen ông là người giải không đứng đầu. Đại Bồ Tát phải phát tâm học sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng như vậy.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát phải phát tâm học bát nhã Ba la mật như thế nào?
Đức Phật nói: Đúng vậy, Đại Bồ Tát phải phát tâm học sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng nhưng không nghĩ rằng ta được, ta thấy.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Những gì là được, là thấy?
Đức Phật nói: Đối với ta và chúng sinh trong ngoài đều không, không có gì để thấy. Đối với năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới, mười hai nhân duyên không thể thấy, vì nó thường tịnh. Khổ, tập, diệt, đạo không thể thấy vì nó thường tịnh. Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới… ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, sáu pháp Ba la mật… Tu Đà Hoàn cho đến quả vị Phật đều không thể thấy vì nó thường tịnh.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Những gì là tịnh?
Đức Phật nói: Vì nó vô sinh, không có nên không thể thấy, không tạo tác nên gọi là tịnh.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát phát tâm học như vậy là học pháp nào?
Phật bảo: Bồ Tát học ở đây là học các pháp không có gì để học.
Vì sao?
Vì pháp không giống như sự hiểu biết của phàm phu.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp đó thế nào?
Phật nói: Cái có của pháp không thật có tác dụng, vì không tác dụng nên gọi là không thật có.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Những gì không thật có mà lại có?
Đức Phật nói: Năm ấm không có vì trong và ngoài của nó. Có và không có đều không đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng cũng vậy… hàng phàm phu từ si sinh ái, rồi từ nơi ái tạo nghiệp si, bị rơi vào hai bên nên cho rằng có và không. Không biết, không thấy được pháp không nên chấp vào danh sắc. Lục nhập…, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng. Tuy nhập vào trong ấy, nhưng pháp vốn là không, nên dù có suy nghĩ cũng không thấy và không biết.
Hỏi: Không biết, không thấy những gì?
Đức Phật đáp: Không biết, không thấy năm ấm, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng, bởi thế nên rơi vào hàng phàm phu, không ra khỏi tham, không thoát khỏi cảnh Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, không ra khỏi pháp của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, chẳng những thế mà họ còn không tin.
Họ không tin những gì?
Họ không tin năm ấm, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám bất cộng là Không.
Và họ lại không trụ, không trụ vào đâu?
Không trụ vào sáu pháp Ba la mật, không thoái chuyển cho đến mười tám pháp bất cộng. Vì vậy nên gọi là phàm phu ngu muội, nên rơi vào sáu căn, năm ấm, sáu xứ, mười tám giới, dâm, nộ, si, các kiến chấp, cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng và rơi vào đạo.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát học như vậy mà không học bát nhã Ba la mật thì không thành tựu tuệ trí nhất thiết chăng?
Phật nói: Đúng vậy, học như thế mà không học bát nhã Ba la mật thì không sinh tuệ trí nhất thiết.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Vì sao Bồ Tát không học bát nhã Ba la mật thì không sinh tuệ trí nhất thiết?
Phật nói: Vì Đại Bồ Tát không có phương tiện quyền xảo mà dùng tưởng niệm đi vào sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, bằng tưởng niệm đi vào trí nhất thiết. Vì thế nên Bồ Tát nếu không học bát nhã Ba la mật thì không thể sinh tuệ trí nhất thiết.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Để thành tuệ trí nhất thiết Bồ Tát phải học bát nhã Ba la mật như thế nào?
Phật nói: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không thấy bát nhã Ba la mật, chính là Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật. Vả lại, học như thế mới sinh tuệ trí nhất thiết, nhưng phải không có chỗ thấy, không có chỗ được.
Xá Lợi Phất thưa: Những gì là không có chỗ thấy, không có chỗ được?
Phật nói: Không thấy vì tất cả các pháp đều không.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba