Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Năm Mươi - Phẩm Vấn Tướng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn  

PHẨM NĂM MƯƠI

PHẨM VẤN TƯỚNG  

Lúc bấy giờ, các vị Trời ở Cõi Dục, Cõi Sắc khắp tam thiên đại thiên Thế Giới đều rưới hương hoa tán thán cúng dường và đảnh lễ Phật rồi đứng lui một bên bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật của Ngài dạy thật sâu xa.

Vậy, tướng bát nhã Ba la mật là gì?

Phật bảo các vị Trời: Bát nhã Ba la mật sâu xa này không là tướng của vô tướng, là tướng vô nguyện, tướng vô hành, tướng vô sinh diệt, tướng vô thường, vô đoạn, tướng không của vô sở hữu, tướng của vô sở y, tướng của hư không.

Này Chư Thiên! Tướng của bát nhã sâu xa là như vậy. Như Lai vì thế gian cho nên thuyết cũng không vì đạo, không vì diệt tận.

Này Chư Thiên! Tướng đó là tướng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, nhân loại trong thế gian không thể làm được, không thể trưởng dưỡng được.

Vì sao?

Vì Trời, Rồng, Quỷ, Thần và nhân loại trong thế gian này cũng là tướng này.

Này Chư Thiên! Các tướng đó không thể trưởng dưỡng cho nhau, các tướng đó không thể biết nhau, tướng cũng không thể biết vô tướng, vô tướng cũng không thể biết tướng. Tướng với vô tướng cả hai đều không, không thể thành tựu được, không thể hòa hợp, không thể hiểu được.

Này Chư Thiên! Tướng ấy chẳng phải năm ấm làm ra, chẳng phải sáu pháp Ba la mật tạo thành, chẳng phải nội ngoại không và hữu vô không, chẳng phải trí nhất thiết tạo thành.

Tướng ấy chẳng phải người, chẳng phải phi nhân, chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu, chẳng phải đạo, chẳng phải tục, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi.

Khi ấy, Phật hỏi Chư Thiên: Nếu có người hỏi tướng của hư không là gì.

Ý của Chư Thiên thế nào?

Người hỏi như vậy có đúng hay không?

Chư Thiên đáp: Bạch Thế Tôn! Không đúng. Vì hư không không có tướng, không tạo thành tướng.

Phật bảo Chư Thiên: Có Phật hay không có Phật thể tánh của các tướng vẫn thường trụ. Vì Như Lai đã như thật đạt đến thể tánh các tướng, cho nên gọi là Như Lai.

Như Lai đạt đến tướng giác ngộ sâu xa nhờ trí tuệ vô ngại của Vô Thượng Chánh Đẳng Giác mà an trú nơi tướng đó tụ hợp nơi bát nhã Ba la mật sâu xa.

Chư Thiên thưa: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật sâu xa này là kho tàng của Chư Phật Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác. Ở nơi kho tàng đó thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Trong kho tàng đó mà thực hành thấu đạt tướng của các pháp, tướng của năm ấm, tướng của trí nhất thiết.

Phật bảo Chư Thiên: Sắc là tướng của hình, xúc là tướng của cảm giác, thọ là tướng của tưởng, thiện ác là tướng của hành, sự biết là tướng của thức. Như Lai không chấp trước các tướng cho nên thành Chánh Giác.

Không luyến tiếc là tướng bố thí Ba la mật, không bại hoại là tướng của trì giới Ba la mật, không sân hận là tướng của nhẫn nhục Ba la mật, không thoái chuyển là tướng của tinh tấn Ba la mật, tập trung là tướng của thiền định Ba la mật, nghe liền giác ngộ liền hiểu biết là tướng của bát nhã Ba la mật. Như Lai không chấp trước tướng đó nên thành Chánh Giác.

Bốn thiền, bốn đẳng, bốn không định là tướng của không sân hận. Như Lai không chấp trước tướng đó mà thành Chánh Giác.

Làm cho ra khỏi ba cõi là tướng của ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Như Lai không chấp thủ tướng đó mà thành Chánh Giác. Tướng khổ là tướng của vô nguyện giải thoát môn, tướng tịch là tướng của không giải thoát môn, tướng tịnh là tướng của vô tướng giải thoát môn, Như Lai không chấp thủ tướng đó mà thành Chánh Giác.

Tướng tịch là tướng không sinh khởi, tướng không chung nhau là mười tám pháp bất cộng. Như Lai không chấp thủ các tướng đó mà thành Chánh Giác.

Tướng hiển lộ là tướng trí nhất thiết. Như Lai không chấp thủ các tướng đó mà thành Chánh Giác.

Như vậy, các Thiên Tử, Như Lai không chấp thủ các tướng của các pháp mà thành Chánh Giác, cho nên Như Lai gọi là bậc trí tuệ vô ngại.

Lúc đó, Phật bảo Tu Bồ Đề: Bát nhã Ba la mật là mẹ của Chư Phật Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác. Bát nhã Ba la mật là ánh sáng lớn của Chư Phật, Như Lai trong thế gian.

Như Lai nương vào pháp này mà thành tựu. Vì vậy các Như Lai đều tôn trọng, cung kính, lễ bái, phụng sự bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì Chư Phật Như Lai đều từ bát nhã Ba la mật sâu xa mà sinh ra. Đó là nơi Như Lai báo ân. Tu Bồ Đề, không có ai báo ân hơn Như Lai cả.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai tri ân và báo ân như thế nào?

Như Lai đi bằng pháp có thể đi được này nên chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, cho nên phải giữ gìn pháp đã đi bằng cách cung kính, phụng sự, làm lễ nó. Tu Bồ Đề, đó là cách tri ân và báo ân của Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Pháp mà Như Lai chứng đắc không tác giả, người làm không thể thấy. Như Lai thấy rõ và chứng đắc pháp đó, được pháp không tác giả là pháp không còn tranh cãi.

Tu Bồ Đề! Như Lai biết tri ân và báo ân là nhờ bát nhã Ba la mật, từ nơi các pháp không tác giả mà giác ngộ được các pháp.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thực hành bát nhã Ba la mật đạt các thiện pháp mà không có sự đạt, cho nên nói bát nhã Ba la mật là mẹ của Chư Phật, là Đạo Sư soi sáng cho thế gian.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các pháp vốn không, không chỗ biết, không chỗ thấy, không chỗ sinh ra.

Tại sao nói bát nhã Ba la mật là mẹ của Chư Phật?

Sao lại sinh ra Như Lai?

Sao lại làm Đạo Sư soi sáng cho thế gian?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Đúng vậy, đúng vậy! Tất cả các pháp không biết, không thấy.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều không, không sở hữu, không vững chắc, không chỗ sinh. Cho nên các pháp không chỗ sinh.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Các pháp không biết, không thấy.

Vì sao?

Vì các pháp không có chỗ vào, không có chỗ lệ thuộc, cho nên bát nhã Ba la mật là mẹ của Như Lai, là Đạo Sư sáng suốt của thế gian.

Không thấy năm ấm cho nên làm Đạo Sư, cho đến trí nhất thiết cũng không thấy cho nên làm Đạo Sư. Vì vậy bát nhã Ba la mật là mẹ của Chư Phật, là Đạo Sư sáng suốt của thế gian.

Tu Bồ Đề hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao không thấy năm ấm lại làm Đạo Sư sáng suốt cho thế gian?

Phật dạy: Tu Bồ Đề! Không dựa nhân duyên của năm ấm để phân biệt đó là không thấy năm ấm. Không dùng trí nhất thiết để khởi vọng tưởng, đó là không thấy trí nhất thiết. Vì vậy, bát nhã Ba la mật là mẹ của Như Lai, là Đạo Sư sáng suốt của thế gian.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Vì sao bát nhã Ba la mật là mẹ của Như Lai, là Đạo Sư sáng suốt của thế gian?

Tu Bồ Đề, bát nhã Ba la mật chỉ bày không của thế gian, vì sao chỉ bày không của thế gian, chỉ bày không của năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới, chỉ bày mười pháp ác của thế gian?

Từ si có ái do mười hai nhân duyên là pháp căn bản của ngã và ngã sở, sáu mươi hai tà kiến biểu thị không của thế gian, bốn thiền, bốn đẳng và bốn không định biểu thị không của thế gian, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu pháp Ba la mật, nội không, ngoại không và hữu vô không, biểu thị không của thế gian. Tánh hữu vi, vô vi, mười lực của Phật, mười tám pháp Bất cộng, cho đến trí nhất thiết cũng biểu thị không của thế gian.

Tu Bồ Đề, vì vậy, bát nhã Ba la mật là mẹ của Chư Phật, là Đạo Sư sáng suốt cho thế gian.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai lấy không chỉ bày cho thế gian, lấy không niệm thế gian, biết không của thế gian. Vì vậy bát nhã Ba la mật là mẹ của Chư Phật, là Đạo Sư sáng suốt của thế gian.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật chỉ bày Như Lai, chỉ bày không của thế gian, chỉ bày những không gì?

Chỉ bày không của năm ấm, không của mười hai suy, không của mười tám giới, chỉ bày không của trí nhất thiết. Vì vậy, bát nhã Ba la mật là mẹ của Chư Phật, là Đạo Sư sáng suốt của thế gian.

Thế nên, Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật chỉ bày Như Lai, chỉ bày chẳng thể nghĩ bàn của thế gian, cho đến chỉ bày trí nhất thiết, chỉ bày chẳng thể nghĩ bàn của thế gian.

Lại nữa Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật sâu xa chỉ bày tịch tĩnh của Như Lai, của thế gian.

Chỉ bày những tịch tĩnh gì?

Chỉ bày tịch tĩnh của năm ấm và chỉ bày tịch tĩnh của trí nhất thiết. Cho nên bát nhã Ba la mật chỉ bày tịch tĩnh của Như Lai, của thế gian.

Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật chỉ bày Như Lai, thế gian thường không.

Chỉ bày những gì?

Từ năm ấm cho đến trí nhất thiết chỉ bày thế gian thường không.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật chỉ bày tất cả không của Như Lai, thế gian.

Chỉ bày những không gì?

Từ năm ấm cho đến trí nhất thiết chỉ bày tất cả không của thế gian.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật chỉ bày tất cả không của Như Lai, thế gian.

Chỉ bày những gì?

Từ năm ấm cho đến trí nhất thiết chỉ bày không của thế gian.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật chỉ bày không của sở hữu, vô sở hữu của Như Lai, từ năm ấm cho đến trí nhất thiết chỉ bày không của sở hữu, không của vô sở hữu.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật chỉ bày diệt của Như Lai, thế gian.

Chỉ bày những diệt gì?

Từ năm ấm cho đến trí nhất thiết là diệt của thế gian.

Vì vậy, bát nhã Ba la mật là mẹ của Như Lai, là Đạo Sư sáng suốt của thế gian. Bát nhã Ba la mật thị hiện thế gian, không có tướng đời này đời sau.

Vì sao?

Vì pháp này không có tướng đời này đời sau.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật vì việc lớn mà xuất hiện, vì việc chẳng thể nghĩ bàn mà xuất hiện, vì việc không thể tính kể mà xuất hiện, vì việc không thể giới hạn mà xuất hiện, vì việc không gì sánh bằng mà xuất hiện.

Phật dạy: Đúng vậy, Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật vì việc lớn, vì việc chẳng thể nghĩ bàn mà xuất hiện.

Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Vì sao bát nhã Ba la mật vì việc lớn mà xuất hiện?

Phật đáp: Tu Bồ Đề! Các Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác vì cứu độ tất cả chúng sinh cho nên không bỏ chúng sinh.

Tu Bồ Đề hỏi: Vì sao bát nhã Ba la mật vì sự chẳng thể nghĩ bàn mà xuất hiện?

Phật đáp: Phật sự, tự nhiên và trí nhất thiết đều chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy bát nhã Ba la mật vì sự việc chẳng thể nghĩ bàn mà xuất hiện.

Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Vì sao bát nhã Ba la mật vì sự việc không thể tính kể mà xuất hiện?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Tất cả chúng sinh thọ thân đều có thức, không thể biết được hay tính kể Phật sự, tự nhiên và trí nhất thiết.

Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Vì sao bát nhã Ba la mật vì việc không giới hạn mà xuất hiện?

Phật đáp: Tu Bồ Đề! Phật sự không có giới hạn, Như Lai sự cũng không có giới hạn, tất cả chúng sinh không có ai sánh bằng Phật huống chi muốn vượt hơn Như Lai. Vì vậy, bát nhã Ba la mật vì sự việc không giới hạn của Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác mà xuất hiện.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phật sự, Như Lai sự, tự nhiên sự, trí nhất thiết sự, là chẳng thể nghĩ bàn không thể tính kể, không thể giới hạn chăng?

Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Tu Bồ Đề, Phật sự, tự nhiên sự, Như Lai sự, trí nhất thiết sự là chẳng thể nghĩ bàn không thể tính kể, không thể giới hạn.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Năm ấm, trí nhất thiết chẳng thể nghĩ bàn, không thể tính kể, không có giới hạn.

Này Tu Bồ Đề! Pháp của các pháp lấy tướng lấy tưởng làm tác ý cũng không thể thủ đắc.

Phật dạy: Năm ấm chẳng thể nghĩ bàn, không thể tính kể, không có giới hạn, cho đến trí nhất thiết cũng chẳng thể nghĩ bàn.

Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Vì sao?

Thế Tôn đáp: Vì năm ấm chẳng thể nghĩ bàn không gì sánh bằng. Năm ấm không có giới hạn, cho đến trí nhất thiết cũng không có giới hạn.

Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Vì sao năm ấm, trí nhất thiết không có giới hạn?

Phật đáp: Vì năm ấm cho đến trí nhất thiết chẳng thể nghĩ bàn cho nên không có giới hạn.

Tu Bồ Đề, ý ông nghĩ sao?

Trong chẳng thể nghĩ bàn không có giới hạn đó, có thể tìm được năm ấm và đạo không?

Tu Bồ Đề nói: Bạch Thế Tôn! Không thể được.

Phật dạy: Thế nên, Tu Bồ Đề! Các pháp chẳng thể nghĩ bàn, không có giới hạn. Pháp của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, không gì sánh bằng, không có giới hạn cũng không tính kể, đó là chẳng thể nghĩ bàn cho nên lời dạy cũng chẳng thể nghĩ bàn, hư không chẳng thể nghĩ bàn, cũng không gì sánh bằng.

Tu Bồ Đề, pháp của Như Lai chẳng phải thế gian, Người, Chư Thiên và A Tu La có thể nghĩ bàn.

Khi Phật Thuyết Phẩm Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, không thể tính, không thể giới hạn, không gì sánh bằng, năm trăm Tỳ Kheo và hai ngàn Tỳ Kheo Ni, các lậu tận được giải thoát, tâm giải thoát, sáu vạn Ưu Bà Tắc, ba vạn Ưu Bà Di xa lìa trần cấu đắc pháp nhãn tịnh, hai ngàn Bồ Tát chứng đắc vô sinh pháp nhẫn, tất cả đều sẽ làm Phật trong hiền kiếp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần