Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Mốt - Phẩm Hỏi Về Tướng Hạnh Nguyện

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn  

PHẨM SÁU MƯƠI MỐT

PHẨM HỎI VỀ TƯỚNG HẠNH NGUYỆN  

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, thực hành tam muội không, tam muội vô tướng, tam muội vô nguyện như thế nào?

Nên thể nhập và thực hành như thế nào?

Nên hành và niệm ba mươi bảy phẩm trợ đạo như thế nào?

Phật dạy: Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, quán năm ấm là không, cho đến quán Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới cũng là không, nên quán như vậy mà tâm không tán loạn. Đối với các pháp vì không có chỗ thấy, cho nên không chứng đắc.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đã học thông suốt pháp không, cho nên đạt đến chứng đắc cũng không dừng. Vì các pháp không quyết định, nên đối với các pháp chứng được, cũng không chứng, cũng không thấy pháp này.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, tại sao Bồ Tát chấp lấy chỗ chứng đối với pháp không?

Tại sao lại an trụ pháp không mà lại có chỗ chứng?

Phật bảo Tu Bồ Đề:

Quán không hoàn toàn không thiếu khuyết cũng không nghĩ rằng: Ta sẽ chứng cũng không phải là chứng, pháp của Bồ Tát phụ thuộc vào chỗ thực hành, không lấy chỗ chứng đắc làm thời hạn mà chỉ lấy chỗ thực hành làm thời hạn. Bồ Tát không lệ thuộc vào ý muốn cố định, cũng không lệ thuộc vào sở hữu. Đối với ba mươi bảy phẩm trợ đạo không có lui sụt, cũng không chứng được lậu tận.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát đầy đủ pháp thậm thâm vi diệu và an trụ trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Bồ Tát biết rằng đây là lúc thực hành chứ không phải là lúc chứng đắc.

Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật nên quán như vậy: Nay chính là lúc thực hành năm pháp Ba la mật chứ không phải lúc chứng đắc, nay chính là lúc thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo chứ không phải là lúc chứng đắc. Nay chính là lúc thực hành ba tam muội, mười lực, bốn vô lượng tâm, đại từ, đại bi, đó là lúc thực hành trí nhất thiết chứ không phải là lúc chứng quả Tu Đà Hoàn, A La Hán, Bích Chi Phật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, do thực hành Ba tam muội là không, vô tướng, vô nguyện. Thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, năm căn, năm lực, bảy giác chi cũng không nhận lấy chỗ chứng Thanh Văn.

Này Tu Bồ Đề! Ví như có người đàn ông khôi ngô, cường tráng, giỏi về binh pháp, người ấy được trang bị đầy đủ áo giáp, đao, trượng, hiểu rõ sáu mươi bốn pháp chiến đấu, được mọi người kính phục, làm việc gì cũng được thành tựu. Được mọi người kính phục tráng sĩ lại càng vui vẻ. Nếu có công việc phải đi đến nơi nào đó, đi qua những chỗ ách nạn nguy hiểm, có những kẻ thù mạnh bạo, những người đi theo như Cha Mẹ, người lớn, người nhỏ đều sợ hãi.

Khi ấy, người mạnh mẽ ấy làm cho cha mẹ an ổn và an ủi những người đi theo rằng: Đừng có sợ hãi, ta có phương pháp để trừ bọn giặc và được thoát khỏi ách nạn. Đã được thoát ách nạn còn làm cho bọn giặc hàng phục mà ta không bị hại. Lúc đó, cha mẹ và những người đi theo đều được an ổn và vui vẻ.

Vì sao?

Vì tráng sĩ dũng mãnh này có đầy đủ phương pháp trừ bọn giặc.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát dùng bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả. Vì chúng sinh nên Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật, chưa được lậu tận, mở ra con đường lớn, đưa đến trí nhất thiết để an trụ trong vô tướng, vô nguyện. Cũng không do không, vô tướng, vô nguyện, tùy theo chỗ chứng đầy đủ, không đi vào địa vị La Hán, Bích Chi Phật.

Ví như đàn chim bay trên hư không mà không bị rơi xuống đất, cũng không đứng yên trong hư không. Bồ Tát thực hành không, vô tướng, vô nguyện như vậy, mà không nhận lấy chỗ chứng, vượt qua địa vị La Hán, Bích Chi Phật, đều đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy và mười tám pháp bất cộng của Phật, tuệ trí nhất thiết đều không nhận lấy chỗ chứng.

Ví như tráng sĩ dũng mãnh nhiều sức lực, có tài bắn cung, bắn mũi tên vào hư không, rồi bắn mũi tên sau ghim vào mũi tên trước, hai mũi tên nối nhau đứng yên trong hư không chẳng rơi xuống đất theo ý muốn của tráng sĩ. Mũi tên sau không bắn nữa thì các mũi tên mới rơi xuống đất.

Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật dùng phương tiện quyền xảo giữ gìn, tăng trưởng các công đức, đầy đủ tất cả thiện căn, không hoàn tất từng các việc mà không chứng đắc nửa chừng, cho đến thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Công đức đầy đủ đến tận cùng mới chứng đắc.

Thế nên Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật phải đầy đủ các pháp trên đây.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát học các khổ này rất khó. Người học như vậy là học rốt ráo, đó là học như, học pháp tánh, học bản không, học tự không, học ba giải thoát, học những điều như vậy không từ bỏ giữa chừng.

Bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Vì sao?

Vì Bồ Tát có chí nguyện không xả bỏ tất cả chúng sinh.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào có ý không xả bỏ chúng sinh đều nên độ thoát tất cả chúng sinh ra khỏi các pháp không có đầu mối, sau đó Bồ Tát chứng được ba môn giải thoát, nên biết đó là phương tiện quyền xảo. Bồ Tát cần phải thành tựu tuệ trí nhất thiết, quyết không nhận lấy chỗ chứng chưa rốt ráo.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát muốn quán biết các pháp thâm sâu: Nội không, ngoại không, hữu không, vô không, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và ba môn giải thoát.

Nên suy nghĩ: Tất cả chúng sinh ngày đêm thường có tưởng về ngã, nhân, thọ mạng, tri kiến, ý nghĩ và hành động đều dựa vào các tưởng này. Do thấy chúng sinh có các tưởng này, muốn làm cho chúng sinh trừ các tưởng này để thành tựu vô thượng bồ đề mà Bồ Tát nói pháp cho họ thực hành không, vô tướng, vô nguyện tam muội. Tuy thực hành như vậy nhưng không nên nhận lấy chỗ chứng nửa chừng là La Hán, Bích Chi Phật.

Này Tu Bồ Đề! Do đây, Bồ Tát có nguyện này, công đức đầy đủ cũng không nhận lấy chỗ chứng nửa chừng, không mất bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn không định, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười lực và mười tám pháp Bất cộng, liền được đầy đủ các pháp, cuối cùng đạt đến Chánh Đẳng Giác. Các Bồ Tát được phương tiện quyền xảo hộ trì làm cho đầy đủ công đức, thiện pháp tăng trưởng, các căn thông suốt vượt qua La Hán, Bích Chi Phật.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát thường nghĩ đến chúng sinh sống theo bốn điên đảo, tưởng có thường, lạc, ngã, tịnh, vì hạnh người này ta sẽ hành đạo. Khi thành tựu Phật trí, ta sẽ nói pháp cho họ là nói vô thường, bất tịnh, vô lạc, vô ngã. Bồ Tát có đầy đủ hành động ý nghĩ như vậy, là dùng phương tiện quyền xảo thực hành bát nhã Ba la mật, đầy đủ mười trí lực, bốn vô sở úy, đại bi, bốn tâm vô lượng, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, vô nguyện tam muội, sau đó mới nhập định của Phật chứng đắc rốt ráo.

Bồ Tát nghĩ như vậy: Tất cả chúng sinh thường có chấp trước, chấp vào bản ngã và thọ mạng của mình. Chấp vào năm ấm, sáu trần, mười tám giới, bốn thiền, bốn không định, bốn tâm vô lượng. Khi ta thành Chánh Đẳng Giác và Phật trí, làm cho chúng sinh đều không có bệnh chấp trước này.

Bồ Tát giữ gìn ý nghĩ hành động này dùng phương tiện quyền xảo thực hành bát nhã Ba la mật. Khi Bồ Tát chưa đầy đủ mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, vô nguyện tam muội, đều không chứng đắc nửa chừng, đầy đủ các nguyện rồi mới chứng lấy.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật lại nghĩ rằng: Chúng sinh thường chấp tướng hành hoặc tướng niệm, tướng nam nữ, có sắc, không sắc. Lúc ta siêng năng thực hành thành tựu Chánh Đẳng Giác, làm cho chúng sinh không có bệnh chấp trước này.

Do đầy đủ niệm này, Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo thực hành bát nhã Ba la mật. Lúc chưa đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Phật thì không có nhận lấy chứng đắc. Khi thành tựu các công đức đầy đủ Vô tướng tam muội thì mới chứng đắc.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, học nội không, ngoại không, hữu không, vô không, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng của Phật. Đầy đủ các hạnh này thì không còn trôi lăn trong tam giới.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

Khi thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo rồi, Bồ Tát nên hỏi rằng: Vì sao muốn chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?

Bồ Tát không do pháp không mà chứng, lại do nơi sự hiểu biết rốt ráo mà chứng được Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích chiPhật, cũng không chứng vô tướng, vô nguyện, không chứng Niết Bàn, không chứng sự tạo tác, không chứng sự sinh cũng không chứng không sự có mà nghĩ đến bát nhã Ba la mật.

Này Tu Bồ Đề! Nếu có Bồ Tát nào hỏi các Bồ Tát, bằng như nghe nói không thì sẽ nghĩ không. Nghe vô tướng, vô nguyện thì sẽ nghĩ vô tướng, vô nguyện. Nghe không sự tạo tác sẽ nghĩ không sự tạo tác. Nghe không sự sinh, không sự có, sẽ nghĩ không sự sinh, không sự có, chỉ nên thực hành không, ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà không thực hành vô tướng, vô nguyện, không sự tạo tác cũng không thực hành không sự sinh.

Này Tu Bồ Đề! Nên biết Bồ Tát này chưa thọ ký, chưa được các Đức Phật thọ ký.

Vì sao?

Vì Bồ Tát không thoái chuyển cũng không nghĩ như vậy, không thực hành, không nói, cũng không tưởng như vậy, chỉ thực hành những việc của Bồ Tát không thoái chuyển, chỉ nghĩ, thực hành, nói, tưởng những việc ấy.

Này Tu Bồ Đề! Nên biết Bồ Tát này đã vượt qua các địa vị: Đang ở địa vị không thoái chuyển và vượt qua địa vị ấy.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát này có được không thoái chuyển không?

Phật bảo: Nếu có Bồ Tát nào nghe sáu pháp Ba la mật mà không nghe về sự việc như trên, đúng là Bồ Tát không thoái chuyển.

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Có nhiều người thực hành Phật đạo, mà ít có người thực hành như Bồ Tát không thoái chuyển.

Vì sao?

Vì ít có Bồ Tát được thọ ký địa vị tuệ không thoái chuyển. Bồ Tát không thoái chuyển được thọ ký là đã xa lìa các tưởng chấp trước và các việc không hoàn tất như trên đã nói. Đại Bồ Tát này, Chư Thiên, nhân loại không ai có thể sánh kịp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần