Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Ba - Quán Tướng - Tập Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

QUÁN PHẬT TAM MUỘI HẢI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn  

PHẨM BA

QUÁN TƯỚNG  

TẬP SÁU  

Trên lửa sinh ra một ngọn núi Tu Di vàng ròng, các vì sao, mặt trời, mặt trăng, đều bằng bảy báu trang nghiêm, có các rồng, Dạ Xoa và nước biển lớn. Nhiều núi Tu Di như vậy, bên trái bên phải tất cả đều xuất hiện. Số những núi như vậy nhiều không lường, đỉnh núi có Phật cũng phát ra tướng lưỡi có ánh sáng soi khắp vô lượng Thế Giới ở phương Đông Bắc, chẳng thể cùng tận.

Một luồng ánh sáng chiếu từ cung điện Tứ Thiên Vương ở cõi Diêm Phù Đề, khiến cho Tứ Thiên Vương đều thấy Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, mặt trời của loài người, đang ngồi trên đài bảy báu cùng các đại chúng đi lên Cõi Trời đó. Chư Thiên nhìn thấy đều phát tâm Bồ Đề. Cho đến tất cả Chư Thiên của cõi Vô sắc đều thấy tướng đó rất rõ ràng, lòng không lẫn lộn khiến cho Trời Vô sắc chẳng chê bai Niết Bàn và liền phát tâm Bồ Đề.

Một luồng ánh sáng soi xuống các A Tu La, các Dạ Xoa, các Càn Thát Bà, các Ca Lâu La, các Khẩn Na La, các Ma Hầu La Già, các Rồng, các La Sát, các Phú Đơn Na, các Kim Tỳ La, các quỷ nuốt tinh khí của người, các Cưu Bàn Trà, các Cát Giá, các quỷ đồng trống, các quỷ đói, các quỷ ăn đồ ói ra, các quỷ ăn nước mũi nước dãi, các quỷ ăn mủ máu, các quỷ ăn phân nước tiểu, các thần núi, các thần cây, các thần nước… bao nhiêu trăm ngàn các quỷ thần như vậy… thân của họ trong chốc lát trở thành sắc thân của Trời thư thái, an vui như vị Tỳ Kheo Nhập vào thiền loại ba.

Những quỷ đó đều tùy theo nghiệp hành tự phát ba loại tâm bồ đề. Các quỷ đói khi gặp ánh sáng của tướng lưỡi thì giống như nước lạnh dập tắt lửa nơi các đốt xương. Lửa đã tắt rồi, nước đồng chảy xuống đất, bị vùi lấp thẳng vào đất.

Những quỷ đói đều há miệng kêu lên rằng: Đói! Đói! Ở hàng ngàn vạn năm chẳng từng thấy nước. Hôm nay, chúng thấy nước này thì tiêu trừ hết nóng nảy, trở nên mát mẻ.

Đó là nhờ năng lực của ai?

Trong Hư Không có tiếng nói rằng: Hỡi loài quỷ đói ngu si! Có Đức Phật Thế Tôn phóng ra ánh sáng của lưỡi! Ánh sáng ấy chiếu đến các ngươi khiến cho sự khổ sở độc hại của các ngươi đều được ngưng nghỉ.

Nói lời nói đó rồi thì trước mỗi một quỷ nhìn thấy một người mẹ hiền từ ngồi trên đài hoa sen, giống như mẹ hiền ôm giữ đứa trẻ con cho uống sữa khiến cho quỷ no đủ. No đủ rồi chúng đều phát tâm bồ Đề. Đã phát tâm rồi thì mỗi người mẹ hiền hóa thành một Đức Phật. Mỗi Đức Phật cũng phóng ra tướng lưỡi, cứu các quỷ đói.

Đức Phật bao gồm lấy tướng lưỡi. Ngàn màu sắc ánh sáng này nhiễu quanh Phật một ngàn vòng. Mỗi ánh sáng có một ngàn Đức Phật nhập vào nơi đỉnh đầu của Phật. Vào rồi, thân Phật trang nghiêm hiển hiện ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp phụ đều minh diệu, khắp thân thể phát ánh sáng chói lòa rực rỡ hơn cả trăm ngàn vô số ức mặt trời.

Đức Phật nói với Phụ Vương: Nên quán tướng lưỡi và công đức lưỡi của Như Lai… như vậy. Sau khi Phật diệt độ, người nào có lòng niệm Phật thông lợi, quán lưỡi Phật mà cảnh giới tâm và mắt đúng như vừa nói thì người quán tưởng đó tiêu trừ được tội sinh tử của một trăm ức tám muôn bốn ngàn kiếp.

Khi bỏ thân, sang đời sau họ sẽ gặp được tám mươi ức Đức Phật. Ở chỗ các Đức Phật, họ đều thấy tướng lưỡi rộng dài của Chư Phật phóng ra ánh sáng lớn cũng như vậy. Sau đó, họ được thọ ký đạo Bồ Đề.

Đức Phật bảo A Nan: Ông hãy đem lời nói của Phật, đừng cho quên mất, bảo cho các đệ tử, phải chánh thân, chánh ý ngồi ngay thẳng thiền định quán tưởng tướng lưỡi rộng dài thì như ta còn ở đời không khác.

Nếu có chúng sinh nghe lời nói này mà lòng chẳng kinh sợ nghi ngờ, chẳng sinh ra bài báng, chẳng phiền não, niệm Phật, siêng năng tinh tấn niệm Phật và cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, những người như vậy tuy chẳng niệm Phật do tâm thiện mà vẫn tiêu trừ được nghiệp ác rất nặng của hàng trăm kiếp, vào đời vị lai sẽ được gặp Phật Di Lặc… cho đến Phật Lâu chí, ở chỗ một ngàn Đức Phật nghe Pháp, nhận sự giáo hóa. Họ sẽ được tam muội Quán Phật như vậy.

Đức Phật nói với Vua cha: Người quán như vậy gọi là chánh quán, nếu quán khác đi thì gọi là tà quán.

Sao gọi là quán tưởng tướng cổ của Như Lai?

Tướng xương khuyết bồn đầy đặn, tướng chữ Đức ở ức, tướng chữ Vạn ở ngực. Vùng những chữ ấy phát ra ánh sáng tròn. Tướng cổ tròn như ống lưu ly, màu vàng đẹp. Trên yết hầu có tướng nét chấm rõ ràng giống như chữ Y.

Trong mỗi nét chấm phóng ra hai luồng ánh sáng. Mỗi luồng ánh sáng ấy nhiễu quanh vừng ánh sáng tròn trước đủ bảy vòng tạo thành những luồng sáng phân biệt rõ ràng. Mỗi luồng sáng có hoa sen báu vi diệu. Trên hoa sen ấy có bảy vị Hóa Phật.

Mỗi vị Hóa Phật có bảy vị Bồ Tát làm thị giả. Hai tay của mỗi vị Bồ Tát đều cầm ngọc báu như ý. Ánh sáng vàng của ngọc ấy đầy đủ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng và Ma ni, vây quanh trong những luồng sáng như vậy. Đó gọi là tướng cổ Phật phát ra vầng sáng tròn đầy.

Hoa văn chữ Đức, trong ấn chữ Vạn ở ngực, tướng khuyết bồn đầy đặn, tướng ngọc dưới nách… trong những tướng đó, cứ mỗi tướng thù thắng có năm trăm ánh sáng màu sắc xen lẫn nhau. Những tướng ấy chói sáng đều chẳng trở ngại nhau. Mỗi ánh sáng màu vây quanh ánh sáng cổ đủ năm trăm vòng.

Trong mỗi luồng sáng có năm trăm vị Hóa Phật. Mỗi vị Hóa Phật có năm trăm vị Bồ Tát làm thị giả, năm trăm vị Tỳ Kheo, tay cầm phất trần màu trắng đứng hầu hai bên. Ánh sáng của những vị Hóa Phật, ánh sáng của những hóa Bồ Tát, ánh sáng của những hóa Tỳ Kheo đều hiển hiện trong tất cả các luồng ánh sáng.

Núi Đại Tu Di, cung Tứ Thiên vương, cung điện Chư Thiên, mặt trời, mặt trăng, sao, cung rồng, cung thần, cung A Tu La, thần mười núi báu, thần nước bốn biển và những Càn Thát Bà sống dưới nước… những điều tôn kính của các Bà La Môn, chín mươi lăm loại thần tiên ngoại đạo với những người có nhân duyên thân thuộc, cha mẹ trải nhiều đời… những thần như vậy… đều hiển hiện ở trong ánh sáng của Phật.

Lại có trăm ức vô lượng Quỷ Thần, hình bóng hiện ra vầng ánh sáng vì người cõi Diêm Phù Đề nói về việc hiếu dưỡng cha mẹ.

Bóng hóa nhân này khi thấy mọi người đều tự nói rằng: Ta là cha của ngươi, ta là mẹ của ngươi trong vô lượng đời. Ngươi tên gì đó, ta tên gì đó. Đại chúng như vậy đông nhiều không lường, đều là những việc mà chúng sinh tôn kính.

Việc này ở trong ánh sáng tròn của Phật rõ ràng như bức tranh, như soi gương thấy mặt. Những tướng như vậy gọi là vừng sáng tròn vây quanh cổ Phật, bên trên cũng một tầm, xuống dưới cũng một tầm, bên trái cũng một tầm, bên phải cũng một tầm, đủ đầy tám thước.

Ở trong vừng sáng tròn tuông ra Hóa Phật. Tất cả sự hiếm thấy của chúng sinh đều hiện ở trong đó rất rõ ràng. Trên vừng sáng tròn có màu vàng rực rỡ như ngọc Ma ni, trang nghiêm hiển hiện rất ưa nhìn. Vùng Ma ni rực rỡ ấy hóa sinh ra cây có hoa.

Cây ấy màu vàng, trăm ngàn vạn ức vàng Diêm Phù Đàn chẳng sánh bằng. Dưới mỗi cây, có một hoa sen báu. Trên hoa sen có vị Hóa Phật màu vàng ròng có tán che bằng lưu ly bên trên Đức Phật, làm hiển hiện nét mặt của Phật rất trang nghiêm rõ ràng. Số tượng Hóa Phật như vậy nhiều không lường.

Khi Đức Phật còn tại thế, lúc Đức Thế Tôn đi thì ánh sáng này soi vùng đất phía trước một do tuần biến thành toàn một màu vàng ròng, phía sau một do tuần toàn màu vàng ròng, bên trái một do tuần toàn màu vàng ròng, bên phải một do tuần toàn màu vàng ròng. Có người đi gần bên trái, bên phải Đức Phật thì mùi xú uế của người ấy đều biến mất hết. Người ở xa nhìn họ thấy giống như màu vàng ròng.

Khi Phật ngồi dưới cây thì ánh sáng này rực rỡ như nhiều hoa bằng vàng tung vào vùng vườn cây Kỳ Đà. Có người quan sát kỹ ánh sáng cổ Phật, nếu đi trước xem thì thấy Phật ở trước, từ phía sau xem thì thấy Phật ở sau, ở bên trái xem thì thấy Phật ở bên trái, ở bên phải xem thì thấy Phật ở bên phải.

Người tám phương lại, từ xa thấy ánh sáng cổ Phật đều nói lên rằng: Sa Môn Cù Đàm, ở trong núi vàng, bước đi tự tại, đang hướng đến chỗ của ta. Như vậy mọi người, mỗi mỗi đều thấy khác. Đó gọi là ánh sáng cổ Phật. Khi thấy ánh sáng này, nhục kế ở đỉnh đầu Phật sinh ra muôn ức ánh sáng. Từng ánh sáng, từng ánh sáng tiếp theo nhau cho đến vô lượng Thế Giới ở phương trên.

Chúng Trời, người và hàng Bồ Tát trụ Địa thứ mười cũng chẳng thể thấy tóc Phật xoắn về bên phải hoa văn thượng diệu, màu loài ong xanh biếc và màu lông chim công chẳng thể sánh được. Tóc ấy có hàng ngàn ánh sáng rực rỡ tỏa chiếu lên. Khi ánh sáng này chiếu lên thì xương nhục kế và trong đầu của Phật, tất cả diệu tướng đều ánh hiện lên hết.

Ánh sáng tướng mặt tròn đầy khả ái, phước báo được diệu hoa của cõi nước thanh tịnh người Trời chẳng lấy làm ví dụ được. Ánh sáng mặt Phật lại càng sáng rỡ. Ánh sáng cổ Phật, ngực Phật và tay Phật hơn trước bội phần, lại càng rực rỡ. Đầu gối phát ra ánh sáng.

Ánh sáng ấy màu trắng phân làm bốn chi, theo thân di chuyển lên trên hóa thành hoa trắng nhập vào dưới ánh sáng cổ Phật. Rốn phát ra năm luồng ánh sáng, mỗi ánh sáng có hai tia, mỗi tia có năm màu, nhập vào trong xương hông, ống như ngọc trắng đựng đầy nước nhiều màu từ sau hai vai tự nhiên tuông ra, như từng ánh lửa ma ni vàng chống đỡ nhau. Các ánh sáng ma ni đều có hoa sen vi diệu.

Trên mỗi hoa sen có bảy vị Hóa Phật như vẽ như in, tùy theo thân Phật chuyển đổi chẳng chướng ngại nhau. Nai chúa ngồi xoạc đùi, những vùng xương câu mốc nhau, uốn khúc như Rồng cuộn… giữa những khoảng như vậy phát ra các ánh sáng vàng ròng.

Những ánh sáng này từ một đốt xương phát ra rồi đi vào giữa một đốt xương khác, cứ như vậy mà hòa hợp thành một ánh sáng lớn như ngọc mani vàng ở sau khuỷu tay của Phật làm đẹp đến ánh sáng trên đỉnh. Móng tay màu đồng đỏ, màn lưới của ngón chân… mỗi chỗ đều có ánh sáng.

Ánh sáng ấy sáng rỡ như lưu ly, pha lê đủ màu bảy báu, theo sau bước chân của Phật, xứng đáng gọi thân Phật như ngọc Ma ni. Cũng như ánh sáng trước, những ánh sáng này lên đến vừng sáng tròn. Tướng bánh xe dưới chân và gót chân dài đều sinh ra một bông hoa.

Hoa ấy tuyệt đẹp như hoa Ưu bát la của cõi nước thanh tịnh. Gót chân của Phật sinh ra những ánh sáng vây quanh đầy đủ mười vòng. Từng hoa, từng hoa tiếp theo nhau, trong mỗi hoa có năm vị Hóa Phật. Mỗi vị Hóa Phật có năm mươi Bồ Tát làm thị giả.

Trên đỉnh đầu mỗi vị Bồ Tát phóng ra ánh sáng ngọc ma ni. Khi hiện tướng này thì trong mỗi lỗ chân lông trên thân Phật lại phát ra tám muôn bốn ngàn những ánh sáng nhỏ vi tế để trang nghiêm, khiến cho ánh sáng nơi thân vô cùng đẹp đẽ. Các màu sắc xen lẫn như vậy gọi là ánh sáng thường, gọi là ánh sáng vừa ý, cũng gọi là ánh sáng tùy theo sự ưa nhìn của những chúng sinh, cũng gọi là ánh sáng ban mắt cho chúng sinh.

Tướng ánh sáng một tầm này rất nhiều. Còn như Cù Sư La quan sát Phật, ánh sáng này nhỏ theo. Cho đến các Đại Bồ Tát phương khác khi quan sát Phật thì ánh sáng này lớn theo, như nói trong phần các loại hoa.

Đức Phật nói với Phụ Vương và bảo A Nan rằng: Ta nay vì các ông thị hiện đầy đủ ánh sáng của thân tướng.

Nói lời đó xong, Đức Phật đứng dậy bảo A Nan rằng: Tỳ Kheo các ông cùng những người dòng họ Thích đều hãy đứng dậy, chắp tay hướng về Phật, quan sát thật kỹ Như Lai, từ ánh sáng đỉnh đầu xuống đến ánh sáng dưới chân, từ nhục kế trên đỉnh đầu xuống đến tướng dưới chân bằng phẳng đầy đặn.

Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo: Lại quan sát từ tướng dưới chân bằng phẳng đầy đặn lên đến nhục kế, cũng quan sát ánh sáng cổ, ánh sáng thân của Như Lai.

Lại bảo: Hãy quan sát từ mỗi một lỗ chân lông của Phật đến hết từng phần của thân thể. Mỗi sự quan sát đều phải cho rõ ràng như người cầm gương soi tự quan sát hình nét mặt của mình. Hoặc có người sinh lòng xấu ác, bất thiện, hoặc có người hủy phạm cấm giới của Phật thì thấy tướng Phật toàn một màu đen giống như người bằng than.

Trong những người dòng họ Thích, có năm trăm Thích Tử thấy sắc thân của Đức Phật giống như người bằng than đen. Trong chúng Tỳ Kheo, có một ngàn người thấy sắc thân của Đức Phật giống như người bằng đất đỏ. Trong chúng Ưu Bà Tắc, có mười sáu người thấy sắc thân của Đức Phật như chân voi đen. Trong chúng Ưu Bà Di, có hai mươi bốn người thấy sắc thân Đức Phật giống như mực đen tụ lại.

Như vậy, trong bốn chúng, mỗi người đều thấy khác nhau. Trong chúng Tỳ Kheo Ni, có Tỳ Kheo Ni thấy sắc thân Đức Phật như màu bạc. Trong chúng Ưu Bà Di có Ưu Bà Di thấy sắc thân Đức Phật như màu xanh lam. Như vậy bốn chúng quan sát sắc thân Đức Phật, nhìn thấy chẳng đồng nhau.

Bốn chúng nghe lời nói đó của Đức Phật đều kêu khóc, rơi nước mắt, chắp tay bạch Đức Phật rằng: Hôm nay chúng con chẳng thấy được diệu sắc!

Năm trăm Thích Tử tự giựt tóc trên đầu, toàn thân gieo xuống đất, máu trong mũi tuôn ra, thưa rằng: Đức Phật sinh ra trong gia đình chúng con. Lúc Đức Phật mới sinh, mọi người đều thấy toàn một màu vàng ròng, chỉ có chúng con luôn luôn thấy thân Đức Phật giống như người bằng than đen, cũng giống như các Bà La Môn còm cõi gầy yếu.

Chúng con đời trước có tội lỗi gì?

Nguyện xin đấng mặt trời Phật giảng nói cho chúng con! Nói lời nói đó rồi, lại tự giựt tóc trên đầu, gào khóc như trước, tự đánh đập mình.

Lúc đó, Đức Từ Phụ phát ra Phạm âm an ủi các Thích Tử và bốn chúng rằng: Này các Thiện Nam! mặt trời Phật Như Lai xuất hiện ở thế gian chỉ vì trừ diệt tội lỗi cho các ông.

Các ông hãy đứng dậy đi! Phật tự biết thời sẽ giảng nói cho các ông.

Khi đó, đại chúng đứng dậy, đi nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, làm lễ dưới chân Đức Thế Tôn.

Năm trăm vị Thích Tử đi đến chỗ Ngài A Nan, bạch rằng: Chúng tôi cùng Ngài đều sinh ra trong gia đình họ Thích mà một mình Ngài thông minh, ghi nhớ tất cả những lời Đức Phật giống như rót nước từ đồ đựng này sang đồ đựng khác.

Chúng tôi có tội đời trước nên chẳng thấy thân Đức Phật, huống gì là nghe được pháp?

Nói lời đó xong, họ đối trước Ngài A Nan khóc lóc.

Bấy giờ, Đức Như Lai dùng Phạm âm bảo các Thích Tử và đại chúng rằng: Này các anh em! Các anh em chớ nên khóc lóc! Thuở quá khứ có Đức Phật Hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xuất hiện ở đời, giáo hóa chúng sinh. Hóa độ người xong, sau khi Ngài vào Niết Bàn, trong đời Tượng Pháp, có một vị trưởng giả tên là Nhật Nguyệt Đức.

Ông ấy có năm trăm người con thông minh đa trí, biết tất cả văn chương, nghề khéo của thế gian, tinh tú, lịch số không gì chẳng quán triệt. Vị trưởng giả ấy kính tin Phật Pháp, thường vì các con nói về tâm quán tưởng Phật, cũng nói về ý nghĩa sâu xa của mười hai nhân duyên.

Các con nghe rồi nghi ngờ, chẳng tin, nói rằng: Cha già lẩm cẩm, bị sự lừa dối, mê hoặc của các Sa Môn.

Chúng ta xem các thư tịch đều không có nghĩa đó, nay cha tìm ở đâu ra những thứ này?

Vị trưởng giả thương xót các con nên ẩn giấu Phật Pháp chẳng vì họ tuyên nói nữa. Lúc đó, các con đều bị bệnh nặng, người cha xem thấy mạng các con chẳng còn bao lâu nên đến chỗ các con.

Trước mỗi đứa con, ông đều rơi lệ, chắp tay nói rằng: Các con tà kiến chẳng tin chánh pháp, hôm nay lưỡi dao vô thường sắp cắt đứt thân con.

Lòng con phiền muộn cậy nhờ vào đâu?

Có Đức Phật Thế Tôn tên là Tỳ Bà Thi, con nên xưng niệm danh hiệu Ngài! Các con nghe rồi, kính trọng cha mình nên nói rằng: Nam Mô Phật.

Người cha lại bảo rằng: Con hãy xưng danh Pháp! Con hãy xưng danh Tăng! Chưa kịp xưng danh đủ ba thì những người con ấy đã qua đời. Do xưng danh Phật nên họ được sinh lên Trời, chỗ của Tứ Thiên Vương. Tuổi thọ ở Cõi Trời hết, do nghiệp tà kiến trước kia nên họ rơi vào địa ngục lớn. Ở địa ngục, chịu khổ sở, họ bị ngục tốt La Sát dùng chĩa sắt nóng đâm mù mắt.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần