Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Một - Phẩm Quang Tán - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MỘT

QUANG TÁN  

TẬP HAI  

Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật thì tự đầy đủ bốn ý chỉ. Phát sinh cái không phát sinh sẽ được đầy đủ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo đều khiến đầy đủ.

Tam muội không, tam muội vô tướng, tam muội vô nguyện nhất định đầy đủ. Bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn tam muội vô sắc và tám môn giải thoát dần dần đầy đủ. Khi tu chánh định thì dùng những pháp này để giải thoát, không nghĩ tưởng gì khác, không tưởng trong.

Hoặc tưởng cúng dường, hoặc tưởng ánh sáng, không tưởng sắc đỏ, không tưởng mục nát, không tưởng màu xanh, không tưởng cắn xé lở lói, cũng không tưởng lẫn lộn, không tưởng xương khô, không tưởng phân tán, không tưởng nơi chốn, lìa bỏ hết các tưởng, luôn luôn niệm Phật, niệm Kinh Điển, niệm Chúng Tăng, niệm giới cấm, niệm bố thí, niệm Chư Thiên, niệm hơi thở ra vào, niệm tử vong.

Tưởng vô thường, tưởng khổ vui, tưởng vô ngã, tưởng chung thủy, tưởng tất cả Thế Giới đều không an vui, tưởng các tập khởi, tưởng sự diệt tận, tuệ đạo, tuệ tận, tuệ thanh lương, tuệ không chỗ khởi, tuệ pháp, đối với các Kinh Pháp cũng không có tuệ thuộc về ngã, không có tuệ ngã, không có tuệ bên trong, chỉ có tuệ ý vi diệu hiểu rõ các tuệ.

Như cái gọi là tuệ là đều dùng tam muội tư niệm sở hành. Không tưởng, không niệm, không hành định thì không có gì khác. Các căn thì khác, mà căn khác thì hành khác.

Lại nữa, hễ có hành thì khó đạt được mười lực Như Lai, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của Chư Phật, đại từ, đại bi. Muốn hiểu rõ tất cả duyên này thì Đại Bồ Tát nên hành bát nhã Ba la mật.

Muốn có đầy đủ các đạo tuệ thì Đại Bồ Tát nên hành bát nhã Ba la mật. Muốn hiểu rõ các tuệ, đầy đủ trọn vẹn các thông tuệ thì nên hành bát nhã Ba la mật. Các Đại Bồ Tát nếu muốn tiếp cận được và dứt trừ tất cả phiền não thì Đại Bồ Tát nên hành bát nhã Ba la mật.

Này Xá Lợi Phất! Như vậy, các Bồ Tát phải tu học bát nhã Ba la mật.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Nếu Đại Bồ Tát nào muốn vào tĩnh lặng thì nên học bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát nào muốn vượt qua địa Thanh Văn, Bích Chi Phật, an trú địa vị không thoái chuyển thì nên học bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát muốn có sáu thần thông thì nên học bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát muốn biết ý hướng của tất cả chúng sinh hữu tình thì nên học bát nhã Ba la mật.

Đại Bồ Tát muốn vượt trí tuệ các Thanh Văn, Bích Chi Phật thì nên học bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát muốn đắc môn đại tổng trì, khuyến giúp Thiện Nam Tử bố thí, siêu vượt Thanh Văn, Bích Chi Phật thì nên học bát nhã Ba la mật.

Đại Bồ Tát muốn vượt qua tâm ý khuyến trợ cấm giới của Thanh Văn, Bích Chi Phật thì nên học bát nhã Ba la mật. Nếu muốn đầy đủ tam muội, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến thì Đại Bồ Tát nên học bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát muốn thành tựu thiền định tam muội, khuyến trợ, tập hợp, hiểu rõ tâm niệm thì nên học bát nhã Ba la mật.

Đại Bồ Tát nếu muốn khuyến trợ bố thí, phân biệt sự thành tựu công đức là vô hạn, vô lượng thì nên học bát nhã Ba la mật. Nếu muốn thành tựu đầy đủ vô hạn vô lượng, giới, nhẫn, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ thì nên học bát nhã Ba la mật.

Đức Phật lại nói với Xá Lợi Phất: Nếu có Đại Bồ Tát nào kiến lập đầy đủ các hạnh thí Ba la mật, giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật, trí tuệ Ba la mật, sinh ra bất cứ chỗ nào cũng được gặp Phật, tự đạt thành Phật thì nên học bát nhã Ba la mật.

Muốn thành tựu ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, đầy đủ tánh Bồ Tát, hoặc muốn làm bậc đồng chân, ngay tức khắc không rời Chư Phật Thế Tôn, hoặc tâm ý muốn đem các căn lành công đức cúng dường Như Lai.

Phụng trì giáo huấn của Ngài và muốn nguyện thành tựu hoặc muốn đáp ứng đầy đủ tâm mong cầu của tất cả chúng sinh như ăn uống, y phục, xe cộ, hương hoa, hương tạp, hương xoa, giường nằm, đèn lửa, khăn tay, giày vớ… và muốn có được đầy đủ của cải đó thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu có Đại Bồ Tát nào muốn khuyến hóa an lập trọn vẹn hằng hà chúng sinh vào thí Ba la mật, giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát nào muốn dùng một gốc thiện, thuận với đức của Như Lai không có hao tổn, cũng không khuyết giảm cho đến khi thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát học bát nhã Ba la mật thì Chư Phật Thiên Trung Thiên ở tám phương trên dưới đều cùng ca tụng công đức của vị ấy. Trong khoảng một niệm, nếu muốn du hành đến hằng hà sa Cõi Phật ở phương Đông và đến mười phương thì nên học bát nhã Ba la mật. Muốn dùng tất cả âm thanh nói với Chư Phật ở hằng hà sa cõi nước phương Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía trên dưới thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát muốn kiến lập cõi nước của Chư Phật để không đoạn tuyệt, muốn an trú pháp nội không, hoặc ngoại không, hoặc nội ngoại không, hoặc không không.

Hoặc pháp đại không, hoặc cứu cánh không, sở hữu không, vô hữu không, hữu vi không, vô vi không, chân như không, pháp chân không, pháp vô từ tự không, pháp vô nhân duyên không, pháp nhân duyên không, tự nhiên tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô sở hữu không, tự nhiên không, vô hình tự nhiên không, pháp oai thần nhân duyên không. Nếu muốn đạt đến các hành tướng này thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn được gần gũi tất cả Đức Như Lai, muốn quán rõ tất cả các pháp, muốn hiểu tận nguồn gốc của các pháp, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Này Xá Lợi Phất! Như thế, Đại Bồ Tát muốn thành tựu bát nhã Ba la mật nên trụ như thế.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn tính toán biết số cát, đá, cây, hoa, tất cả các bụi trần, những nghi ngờ không quyết chắc của tam thiên đại thiên Thế Giới thì nên học bát nhã Ba la mật. Muốn biết số lượng ít nhiều, bao nhiêu giọt nước của biển lớn, sông ngòi, dòng nước, suối nguồn trong tam thiên đại thiên Thế Giới mà không làm thương tổn đến loài trùng sống trong đó thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Giả sử lửa có trong tam thiên đại thiên Thế Giới nhất thời bùng cháy như kiếp thiêu, nếu muốn nhất thời dập tắt, làm cho hết cháy thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Giả sử các loại gió trong tam thiên đại thiên Thế Giới thổi bay cả Quốc Độ trong đó, làm ngã đổ tan nát các núi Tu Di không còn gì, giống như tro bụi, tan biến hết, như đốt các thứ cỏ dại, nếu Đại Bồ Tát muốn dùng một ngón tay, một ngón chân khiến lửa trong ba cõi diệt hết, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Hư không của cả tam thiên đại thiên Thế Giới, nếu Đại Bồ Tát muốn dùng thân ngồi trùm khắp cả hư không ấy thì nên học bát nhã Ba la mật. Nếu muốn biến hóa tự tại, không gần, không xa, không lớn, không nhỏ thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát muốn nắm lấy các núi Tu Di trong tam thiên đại thiên Thế Giới, rồi dùng một tay nâng chúng đặt vào vô lượng Thế Giới Chư Phật khác biệt mà không khởi tưởng tới lui, không tăng không giảm, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát muốn trong cùng một lúc tập hợp Chư Phật Thiên Trung Thiên, Thanh Văn, Bích Chi Phật trong hằng hà sa Thế Giới Chư Phật ở phương Đông để cúng dường, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nếu muốn cùng lúc tập hợp chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và chúng Thanh Văn để cúng dường y phục, hoa hương, hương bột, hương xoa, lọng lụa, cờ phướn và quy y phụng sự thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nếu muốn an lập chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới ở giới Ba la mật, tam muội, trí tuệ, giải thoát tri kiến, quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm cho đến trụ Niết Bàn vô dư để nhập Niết Bàn, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, nếu bố thí thì bố thí Ba la mật, nên học như thế. Bố thí như vậy thì đạt được quả báo lớn. bố thí như vậy thì sinh vào nhà dòng họ quân tử, dòng họ lớn Phạm chí, Trưởng Giả. bố thí như thế thì sinh lên Cõi Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Đâu Thuật, Trời Ni Ma, Trời Ba La Ni Mật.

Người bố thí như thế nương vào bố thí này mà tư duy thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba đến thiền thứ tư, định Hư Không vô lượng, định ý thức vô lượng, định vô sở hữu, định vô tưởng hữu tưởng. Bố thí như thế thì hưng khởi tám con đường Thánh, đắc quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, quả Bích Chi Phật. Nếu hiểu rõ như thế thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật thường dùng trí tuệ phương tiện trong việc bố thí nên đầy đủ thí Ba la mật, giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật, Tuệ Ba la mật.

Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ sáu pháp Ba la mật?

Đáp: Vị thí chủ nào mà không chấp trước việc bố thí người nhận, cũng không quên ân đó là thí Ba la mật. Không có gì trái phạm, không dùng cấm giới mà tự làm đẹp, đó là giới Ba la mật.

Thường giữ tâm nhẫn nhục, không có tâm sân hận hướng đến chúng sinh, đó là nhẫn Ba la mật Đa. tinh tấn chẳng biếng lười, muốn độ tất cả, đó là tinh tấn Ba la mật. Nhất tâm tĩnh lặng, không rối loạn, đó là thiền Ba la mật. Trí tuệ rõ ràng, không chấp tôi, chấp ta, đó là trí tuệ Ba la mật. Nói tóm lại, giải thích lại lần nữa, đối với tội, vô tội cũng không tội, đó là giới Ba la mật.

Không có sân hận, đó là nhẫn Ba la mật. Thân tâm tinh tấn không mệt mỏi, đó là tinh tấn Ba la mật. Làm phát khởi sự tĩnh lặng, không tưởng việc gì, đó gọi là thiền Ba la mật. Hiểu rõ tất cả pháp nhưng không chấp trước, đó là trí tuệ Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát muốn thành tựu ý nghĩa công đức của Chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại thì nên học bát nhã Ba la mật. Muốn siêu vượt các pháp hành hữu vi, vô vi, pháp quá khứ, vị lai, hiện tại cho đến vô thủy, đối với sự hưng khởi của các pháp không khởi bản tế, muốn đạt những pháp này, tất cả pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật, các Bồ Tát.

Muốn theo Chư Phật Thế Tôn để cúng dường, muốn được đầy đủ quyến thuộc, vô lượng người tháp tùng của Chư Phật, muốn có được bạn hữu của Bồ Tát, muốn được phước đức rốt ráo thanh tịnh của Thế Tôn, muốn đạt sự bố thí tâm không chấp thọ, không khởi tưởng phạm giới, tâm không sân nhuế, tâm không lười biếng, không muốn phát khởi tâm tán loạn, lại không khởi tâm ngu si thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn an lập chúng sinh ở đức bố thí, trì giới, trí tuệ, để khuyên họ tu hành và làm phát khởi phước đức đã thọ hưởng thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn làm phát khởi năm nhãn thì nên học bát nhã Ba la mật.

Những gì là năm nhãn?

Đó là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn thấy Chư Phật Thế Tôn trong hằng hà sa cõi nước ở phương Đông và tám hướng, trên dưới và muốn dùng thiên nhĩ nghe Kinh Pháp đã thuyết, lại muốn biết được tâm niệm của Chư Phật Thế Tôn, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát muốn liên tục nghe Chư Phật Thế Tôn ở khắp mười phương thuyết pháp cho đến khi đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát muốn thấy chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ, muốn thấy cõi nước của Chư Phật vị lai, muốn thấy cõi nước của Chư Phật trong hiện tại ở mười phương Thế Giới, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Mười hai thể loại Kinh mà Như Lai đã nói là Kinh Văn, Kinh Phân Biệt, Kinh Tụng, Kinh Thi Ca, Kinh Sơ, Kinh Thử Ứng, Kinh Sinh, Kinh Thọ, Kinh Phương, Kinh Vị Tằng Hữu Pháp, Kinh thí Dụ, Kinh Chú Giải Chương Cú là những Kinh mà Thanh Văn chẳng nghe được Đại Bồ Tát muốn biết, muốn tụng đọc, học tập, nghiền ngẫm thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn nghe Kinh Pháp mà Như Lai tám phương, trên dưới đã thuyết, ghi nhớ không quên mất và muốn chấp trì, đã được chấp trì và vì chúng hội khác thuyết giảng thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn thưa hỏi Phật ý nghĩa Kinh đã nói trong quá khứ và sẽ nói trong vị lai, đã được nghe rồi, nói lại cho người khác thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn dùng ánh sáng chiếu soi nơi mịt mù tăm tối không thấy ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng trong hằng hà sa Thế Giới Chư Phật ở phương Đông và Thế Giới ở mười phương thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn được khai hóa cho kẻ ngu si mê muội, chưa từng nghe danh hiệu Phật, chưa được nghe Kinh và chưa gặp Chúng Tăng trong hằng hà sa Thế Giới Chư Phật ở phương Đông và Thế Giới ở mười phương, muốn khai hóa các loài chúng sinh, đưa họ vào chánh kiến, khiến cho gặp Phật, được nghe Kinh Pháp và gặp Thánh Chúng thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn khiến chúng sinh trong hằng hà sa Thế Giới Chư Phật ở phương Đông và Thế Giới Chư Phật mười phương, những người mù được thấy hình sắc, người điếc nghe được, người điên tỉnh trí, người không có y phục có y phục, người đói được ăn, khát được uống và nguyện cho họ có sức để nhận ân này, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn gia ân khiến cho các loài chúng sinh trong các đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ở trong tam thiên đại thiên Thế Giới được giải thoát và hằng hà sa Thế Giới ở tám phương, trên dưới cũng như vậy, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn an lập chúng sinh trong hằng hà sa Thế Giới Chư Phật vào cấm giới, tam muội, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tuệ tri kiến, chứng quả Tu Đà Hoàn, quả Tu Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, Bích Chi Phật cho đến thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, lại muốn họ tu oai nghi lễ tiết của Như Lai thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên quán thế này: Giả sử cái mà thân ta không thấy được mà muốn quán sát nó, thì nên học bát nhã Ba la mật. Giả sử thân ta dùng chân đi cách đất bốn tấc, không đâu là chẳng khắp từ Cõi Trời bốn Thiên vương, Cõi Dục, Cõi Sắc, Trời A Ca Nị Tra và có vô số ức trăm ngàn cai quyến thuộc vây quanh, đi đến cây Bồ Đề, ngồi ở Đạo Tràng, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hoặc ngồi dưới cội Bồ Đề, trên Cõi Trời Tứ Thiên Vương, trên chỗ Chư Thiên, loài người cho đến Cõi Trời Tịnh Cư cũng đều đầy đủ bố thí không gì sai khác, hoặc sẽ thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, đến đâu, hoặc đứng lại, ngồi, nằm thì đất nơi đó tự nhiên thành kim cương, muốn được như vậy thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, quán thế này: Ngày nào ta sẽ bỏ nước bỏ nhà ra đi thì ngay ngày ấy sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đắc thành quả Phật và tức khắc chuyển pháp luân.

Do chuyển pháp luân nên các loài chúng sinh vô số không thể kể xiết xa trần, lìa cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, vô lượng, vô hạn loài chúng sinh đắc ý giải, lậu tận, không còn khởi nữa, vô lượng vô hạn hữu tình thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác không thoái chuyển, thì Đại Bồ Tát ấy nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tâm niệm: Ta muốn khi đắc thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, có vô số Thánh Chúng Tỳ Kheo, Thanh Văn, học giả, chỉ một lần nghe diễn nói Kinh Pháp là chứng đắc A La Hán, có các Đại Bồ Tát đều đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không thoái chuyển, có vô số các chúng Bồ Tát không thể hạn lượng, không thể kể xiết, thọ mạng vô lượng, ánh sáng chiếu xa không biên giới, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thành quả Phật, muốn làm cho Quốc Độ của Phật đó không có danh từ dâm, nộ, si, khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt được cảnh tượng như thế, thành tựu đầy đủ bát nhã Ba la mật, bố thí trọn vẹn, điều thuận thông suốt, trí tuệ vi diệu, khéo tu phạm hạnh, thuận hành Thánh Đạo, không ở trong chúng sinh, được an lạc, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nào nguyện: Khi ta đạt thành quả Phật viên mãn rồi, sẽ dùng tài sản chánh pháp làm giàu thiền định tịch tĩnh, thì nên học bát nhã Ba la mật.

Nếu Bồ Tát nguyện: Ta làm thanh tịnh Thanh Văn khiến cho các loài chúng sinh trong hằng hà sa Thế Giới đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thì nên học bát nhã Ba la mật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần