Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bảy - Bảy Pháp - Phẩm Sáu - Phẩm Không Tuyên Bố - Phần Bốn - Bảy Pháp
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG CHI BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
CHƯƠNG BẢY
BẢY PHÁP
PHẨM SÁU
PHẨM KHÔNG TUYÊN BỐ
PHẦN BỐN
BẢY PHÁP
Này các Tỳ Kheo, thành tựu bảy pháp, Tỳ Kheo không bao lâu diệt tận các lậu hoặc chứng ngộ, chứng đạt và an trú.
Thế nào là bảy?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo có lòng tin, có giữ giới, có nghe nhiều, sống thiền tịnh, tinh cần tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ. Thành tựu bảy pháp này, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo không bao lâu, do diệt tận các lậu hoặc chứng ngộ, chứng đạt và an trú.
NGỦ GỤC
Tôi nghe như vậy!
Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Sumsumàra, tại vườn Nai.
Lúc bấy giờ, Tôn Giả Mahàmoggallàna đang ngồi ngủ gục, trong làng Kallavàlamutta, giữa dân chúng Magadha.
Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy Tôn Giả Mahàmoggallàna đang ngồi ngủ gục, trong làng Kallavàlamutta, giữa dân chúng Magadha.
Thấy vậy, như nhà lực sĩ duỗi bàn tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra. Cũng vậy, Thế Tôn biến mất giữa dân chúng Bhagga, tại núi Sumsumàra, rừng Bhesakalà, ở vườn Nai, rồi hiện ra trước mặt Tôn Giả Mahàmoggallàna, tại làng Kallavàlamutta, giữa dân chúng Magadha.
Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn Giả Mahàmoggallàna:
Này Moggallàna, có phải thầy ngủ gục?
Này Moggallàna, có phải thầy ngủ gục?
Thưa phải, bạch Thế Tôn.
Do vậy, này Moggallàna, khi nào thầy trú có tưởng và thụy miên xâm nhập thầy, chớ có tác ý đến nó, chớ có tưởng nhiều đến nó.
Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallàna, với tâm của thầy, hãy tùy tâm, tùy tứ, với ý hãy tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng.
Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallàna thầy hãy đọc tụng pháp một cách rộng rãi, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng.
Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallàna thầy hãy kéo hai lỗ tai của thầy, và lấy tay xoa bóp tay chân.
Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallàna thầy hãy từ chỗ ngồi, đứng dậy lấy nước chùi mắt, nhìn về phía chân Trời và nhìn lên các sao lấp lánh.
Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallàna thầy hãy tác ý đến quang tưởng và an trú vào tưởng ban ngày.
Như ban ngày, ban đêm cũng vậy. Như ban đêm, ban ngày cũng vậy. Như vậy, với tâm rộng mở, không có hạn chế. Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt.
Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallàna thầy hãy trú tâm trên chỗ Kinh hành, với tưởng trước mặt và sau lưng, với căn hướng nội, với ý không hướng ngoại. Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt.
Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallàna thầy hãy nằm như dáng nằm con sư tử, về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý với tưởng thức dậy.
Và khi thức dậy, này Moggallàna, thầy hãy thức dậy thật mau, nghĩ rằng: Ta sẽ trú, không có chú tâm đến lạc nằm ngủ, lạc nằm xuống một bên, lạc thụy miên. Như vậy, này Moggallàna, thầy cần phải học tập.
Do vậy, này Moggallàna, hãy học tập như sau: Không say sưa trong cao mạn, ta sẽ đi đến thăm các gia đình. Này Moggallàna, như vậy các thầy sẽ học tập. Này Moggallàna, nếu Tỳ Kheo say sưa trong cao mạn đi đến thăm các gia đình.
Trong các gia đình, này Moggallàna, người ta có nhiều công việc phải làm. Do vậy, người ta không có tác ý đến Tỳ Kheo đã đi đến.
Ở đây, Tỳ Kheo ấy có thể suy nghĩ: Nay, ai đã chia rẽ ta với gia đình này. Các người này không ưa thích gì ta. Như vậy, do không được gì, vị ấy nản chí, vị ấy giao động. Do giao động, vị ấy không phòng hộ, do không phòng hộ, tâm rời xa Thiền định.
Do vậy, này Moggallàna, hãy học tập như sau: Ta sẽ không nói lời khiêu khích. Như vậy, này Moggallàna, thầy cần phải học tập. Khi nào có lời khiêu khích, này Moggallàna, thời chờ đợi là nhiều lời qua tiếng lại, khi nào có nhiều lời qua tiếng lại, thời có dao động.
Với người có dao động, thời không có phòng hộ. Với người không có phòng hộ, tâm rời xa Thiền định. Này Moggallàna, ta không tán thán tất cả sự liên hệ, nhưng không phải ta không tán thán tất cả sự liên hệ. Thật vậy, này Moggallàna, ta không tán thán các vị xuất gia có sự liên hệ, với các gia chủ.
Nhưng với các trú xứ ít tiếng ồn, ít tiếng động, thoát khỏi hơi thở của nhiều người, những chỗ ở cô độc xa vắng loài người, thích hợp cho đời sống thiền tịnh, ta tán thán sự liên hệ với những trú xứ như vậy.
Ðược nghe nói như vậy, Tôn Giả Mahàmoggallàna bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào, tóm tắt lại, một Tỳ Kheo được giải thoát nhờ sự đoạn diệt khát ái, đạt đến cứu cánh mục đích, đạt đến cứu cánh an ổn khỏi ách nạn, đạt đến cứu cánh phạm hạnh, đạt đến cứu cánh của cứu cánh, trở thành tối thượng giữa Chư Thiên và loài người?
Này Moggallàna, ở đây, Tỳ Kheo được nghe như sau: Không nên thiên chấp tất cả pháp.
Này Moggallàna, và Tỳ Kheo được nghe như sau: Không nên thiên chấp tất cả pháp.
Vị ấy thắng tri tất cả pháp, do thắng tri tất cả pháp, vị ấy liễu tri tất cả pháp. Do liễu tri tất cả pháp, phàm có cảm thọ gì được cảm giác, lạc, khổ hay không khổ, không lạc, vị ấy trú tùy quán vô thường đối với các cảm thọ ấy.
Vị ấy trú tùy quán ly tham.
Vị ấy trú tùy quán đoạn diệt.
Vị ấy trú tùy quán từ bỏ. Do vị ấy trú tùy quán vô thường trong các cảm thọ, do vị ấy trú tùy quán ly tham, do vị ấy tùy quán đoạn diệt.
Vị ấy trú tùy quán từ bỏ, nên không chấp thủ một cái gì ở đời. Do không chấp thủ nên không lo âu. Do không tham đắm nên tự mình nhập Niết Bàn.
Vị ấy biết rõ: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trong trạng thái này nữa.
Này Moggallàna, cho đến như vậy, tóm tắt lại, một Tỳ Kheo được giải thoát nhờ sự đoạn diệt khát ái, đạt đến mục đích cứu cánh, đạt đến cứu cánh an ổn khỏi các ách nạn, đạt đến cứu cánh phạm hạnh, đạt đến cứu cánh của cứu cánh, trở thành tối thượng giữa Chư Thiên và loài người.
Này các Tỳ Kheo, chớ có sợ hãi các công đức.
Này các Tỳ Kheo, đồng nghĩa với an lạc chính là các công đức. Ta thắng tri rằng, này các Tỳ Kheo, các công đức được làm lâu ngày có quả dị thục, có sự hình thành khả ái, khả hỷ, khả ý lâu ngày.
Trong bảy năm ta tu tập từ tâm, sau khi tu tập từ tâm bảy năm, trong bảy thành kiếp hoại kiếp, ta không trở lui lại Thế Giới này.
Khi Thế Giới ở trong thành kiếp, này các Tỳ Kheo, ta đi đến Thế Giới Quang Âm Thiên. Khi Thế Giới ở trong kiếp đấy, này các Tỳ Kheo, ta là Phạm Thiên, là Đại Phạm Thiên, vị Chiến thắng, vị Vô năng thắng, vị Biến tri, vị Tự tại.
Ba mươi sáu lần, này các Tỳ Kheo, ta là Thiên Chủ Sakka. Nhiều lần bảy lần, ta là vị Chuyển Luân Vương theo Chánh Pháp, là vị Pháp Vương, bậc Chiến thắng bốn phương, đạt được sự thanh bình cho Quốc Độ, đầy đủ bảy món báu.
Này các Tỳ Kheo, ta có bảy loại châu báu này, như là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, Gia Chủ báu và Cư Sĩ báu là thứ bảy.
Ta có hơn một ngàn người con trai, này các Tỳ Kheo, là những bậc anh hùng, dõng mãnh, đánh tan địch quân. Và khi ta chiến thắng quả đất này, xa cho đến bờ biển, ta trị vì quả đất này không dùng trượng, không dùng đao, đúng với chánh pháp.
Hãy xem quả dị thục,
Của các việc công đức,
Của các việc hiền thiện,
Với kẻ tìm an lạc.
Này Tỳ Kheo, ta tu,
Từ tâm trong bảy năm,
Trong bảy thành hoại kiếp,
Không trở lại thành kiếp,
Ta đạt Quang Âm Thiên,
Khi Thế Giới hoại kiếp
Sanh Phạm Cung trống rỗng.
Bảy lần, ta đóng vai,
Ðại Phạm Thiên, Tự tại,
Trong ba mươi sáu lần,
Làm Thiên Chủ Thiên Giới.
Ta làm Vua Chuyển Luân,
Chủ tể cõi Diêm Phù.
Bậc Sát Ly quán đảnh,
Bậc chủ tể loài người,
Ta chiến thắng đất này,
Không với trượng, với kiếm,
Không bạo lực, đúng pháp,
Ðối mọi người bình đẳng,
Ta trị vì đúng pháp,
Trên cõi đất tròn này.
Ta khiến các gia đình,
Giàu lớn, tài sản lớn,
Họ hưởng mọi dục lạc,
Ta đầy đủ bảy báu,
Chư Phật thương tưởng đời,
Khéo dạy điều như vậy.
Ðấy là nhân đại sự,
Ðược gọi là Ðịa Vương.
Ta là vua, huy hoàng,
Bảo vệ nhiều tài sản,
Có thần lực, danh xưng,
Vương chủ rừng Diêm Phù,
Ai nghe, không tịnh tín?
Trừ các loại ác sanh,
Do vậy muốn lợi ích,
Cầu vọng sự lớn mạnh,
Hãy kính trọng diệu pháp,
Hãy nhớ lời Phật dạy.
CÁC NGƯỜI VỢ
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn đắp y, vào buổi sáng, cầm y bát, đi đến trú xứ của Anàthapindika. Sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
Lúc bấy giờ, trong trú xứ của Gia Chủ Anàthapindika có nhiều người nói cao tiếng, nói lớn tiếng. Rồi Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi một bên.
Thế Tôn nói với Gia Chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên: Này Gia Chủ, vì sao trong nhà của ông lại có nhiều người nói cao tiếng, nói lớn tiếng như những người đánh cá đang giành giựt cá?
Bạch Thế Tôn, có nàng dâu Sujàtà giàu có đến đây từ một gia đình giàu có. Nàng không vâng lời mẹ chồng, không vâng lời cha chồng, không vâng lời chồng, cũng không cung kính, không tôn trọng, không lễ bái, không cúng dường Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn cho gọi nàng dâu Sujàtà: Hãy đến đây Sujàtà!
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Nàng dâu Sujàtà vâng đáp Thế Tôn, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với nàng dâu Sujàtà đang ngồi một bên: Này Sujàtà có bảy loại vợ này cho người đàn ông.
Thế nào là bảy?
Vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ. Này Sujàtà, có bảy loại vợ cho người đàn ông.
Và con thuộc loại vợ nào?
Bạch Thế Tôn, lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn, con không hiểu rõ ý nghĩa một cách rộng rãi. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn, nếu Thế Tôn Thuyết Pháp cho con để con có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn.
Vậy này Sujàtà, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, ta sẽ nói. Thưa vâng Sujàtà vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
Ai tâm bị uế nhiễm,
Không từ mẫn thương người,
Thích thú những người khác,
Khinh rẻ người chồng mình,
Bị mua chuộc bằng tiền,
Hăng say giết hại người,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ sát nhân.
Còn hạng nữ nhân nào,
Tiêu xài tài sản chồng,
Do công nghiệp đem lại,
Hay thương nghiệp, nông nghiệp,
Do vậy, nếu muốn trộm,
Dầu có ít đi nữa,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ ăn trộm.
Không ưa thích làm việc,
Biếng nhác, nhưng ăn nhiều,
Ác khẩu và bạo ác,
Phát ngôn lời khó chịu,
Mọi cố gắng của chồng,
Ðàn áp và chỉ huy,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi là vợ chủ nhân.
Ai luôn luôn từ mẫn,
Có lòng thương xót người,
Săn sóc giúp đỡ chồng,
Như mẹ chăm sóc con,
Tài sản chồng cất chứa,
Biết hộ trì gìn giữ,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ như mẹ,
Ai như người em gái,
Ðối xử với chị lớn,
Biết cung kính tôn trọng,
Ðối với người chồng mình,
Với tâm biết tàm quí,
Tùy thuận phục vụ chồng,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ như chị.
Ai ở đời thấy chồng,
Tâm hoan hỷ vui vẻ,
Như người bạn tốt lành,
Ðã lâu từ xa về,
Sanh gia đình hiền đức,
Giữ giới, dạ trung thành,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ như bạn.
Không tức giận, an tịnh,
Không sợ hình phạt, trượng,
Tâm tư không hiềm hận,
Nhẫn nhục đối với chồng,
Không phẫn nộ tức giận,
Tùy thuận lời chồng dạy,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ nữ tỳ.
Ở đời các hạng vợ,
Ðược gọi vợ sát nhân,
Kể cả vợ ăn trộm,
Và cả vợ chủ nhân,
Vợ ấy không giữ giới,
Ác khẩu và vô lễ
Khi thân hoại mạng chung,
Bị sanh vào địa ngục.
Ở đời các hạng vợ,
Như mẹ, chị và bạn,
Và người vợ được gọi,
Là vợ như nữ tỳ,
An trú trên giới đức,
Khéo phòng hộ lâu ngày,
Khi thân hoại mạng chung,
Ðược sanh lên thiện thú.
Này Sujàtà, có bảy loại vợ này đối với người đàn ông.
Con thuộc hạng người nào?
Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, Thế Tôn hãy xem con là người vợ đối với chồng như người vợ nữ tỳ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp