Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Chín - Phẩm Thiền định Ba La Mật đa - Tập Bốn
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường
PHẨM CHÍN
PHẨM THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT ĐA
TẬP BỐN
Này Từ Thị! Đại Bồ Tát tu hành thiền định Ba la mật đa phải tu tập như thế nào để đạt được đại hỷ vô lượng?
Nghĩa là nhớ nghĩ, ưa thích và cung kính tất cả Phật Pháp, không chạy theo sinh tử, không phá hoại tâm hỷ, diệt trừ các tà kiến, xa lìa năm dục triền cái, có thể làm cho hữu tình an trụ trong Niết Bàn, luôn cầu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Như Lai, nghe chánh pháp khế hợp với Đệ nhất nghĩa đế, luôn luôn thích tu hành để đạt đến bờ kia Niết Bàn, tâm sinh hoan hỷ đủ đầy viên mãn.
Giống như ngày Tết thế gian, tất cả dòng họ, bạn bè đều hội họp hưởng khoái lạc năm dục, vui chơi thích thú. Bồ Tát cũng vậy, khi khởi thần thông biến hóa thì an trú vào đó, làm cho tất cả Bát Bộ, Rồng, Thần, bốn chúng đều tụ họp vào giới, định, tuệ, giải thoát tri kiến, trong lòng vui thích. Đó là đại hỷ.
đại hỷ này không có tâm làm tổn hại các hữu tình, siêng cầu tất cả diệu pháp Chư Phật. Dù đã đạt được hay chưa tâm cũng không rời bỏ, luôn hiểu rõ pháp đại thừa một cách chân chánh, không chấp lấy pháp nhị thừa, xả bỏ tánh xan tham, làm tăng trưởng bố thí. Thấy người đến xin thì đem cho với tâm hoan hỷ. Đối với người trì giới thì phải có lòng tin thanh tịnh.
Thấy người phá giới thì phải thương xót, với tịnh giới của mình thì giữ gìn thanh tịnh viên mãn, không còn lo sợ ba đường ác mà được hướng đến pháp thân.
Nếu bị ai mắng nhiếc thì nhẫn nhục mà nhận.
Với thầy gương mẫu nên cung kính, tôn trọng, siêng năng thực hành theo lời dạy của thầy.
Với hữu tình thì nói lời hòa nhã, mỉm cười, không nhăn nhó, cau mày. Ý đầu tiên là thăm hỏi, trụ trong định tịch tĩnh, không dua nịnh, không hư dối, không thô thiển, không tà vạy, luôn khen điều tốt của người, không nói lỗi người, thích hòa đồng chung với mọi người, thực hành sáu hòa kính, tôn trọng Đại Pháp Sư, khai mở Niết Bàn và hiển bày tướng chân thật.
Đối với bậc Tôn trưởng thì tưởng như cha mẹ, xem tất cả chúng sinh như con một, tôn trọng Thân giáo sư như Phật.
Đối với người tu hành xem như người dẫn đường đi vào biển bảo châu vô giá của các Ba la mật đa. Coi người nói pháp như châu như ý, dạo chơi tự tại trong rừng pháp vô lậu.
Ai dạy bảo ta phải vui mừng, nghe nói lỗi sai của mình giống như người thầy thuốc chỉ bệnh mình, nghe nói chánh pháp như bệnh được thuốc. Đó gọi là hỷ.
Hiểu rõ khổ, vô thường, vô ngã, bất tịnh, tùy thuận thường, lạc, ngã, tịnh của Niết Bàn là một tướng một vị, nên gọi là hỷ. Thể tánh của đại hỷ là chân thật thù thắng, tánh không sinh diệt, không trầm, không bổng, không đi, không đến, luôn nhất tâm, đó gọi là hỷ chân thật.
Đại Hỷ: Như nghe nói điều thiện, thân tâm vui thích, an trú bất động giống như núi Tu Di.
Đại Hỷ: Sáng suốt hiểu rõ nhân quả không sai lầm.
Đại Hỷ: Như đất làm chỗ nương tựa, không lay động.
Đại Hỷ: Như người có oai đức, không ai có thể địch lại.
Đại Hỷ: Như Thắng nghĩa đế không thể hủy hoại.
Đại Hỷ: Như Phật, Pháp, Tăng công đức viên mãn, cầu không chán.
Từ Thị nên biết! Đây gọi là đại hỷ vô lượng.
Này Từ Thị! Đại Bồ Tát tu tập thiền định Ba la mật đa phải tu tập đại xả vô lượng như thế nào?
Đại Bồ Tát tu tập xả vô lượng nói chung có ba:
1. Xả phiền não.
2. Xả sự giữ gìn giữa mình và người.
3. Xả đúng thời, không đúng thời.
Thế nào là xả phiền não?
Nghĩa là gặp được cung kính không tự cao, gặp khinh mạn không nhu nhược ti tiện, được lợi không vui mừng, mất lợi không buồn, bị mắng chửi không sân giận, được khen cũng không mừng, được đề cao không phấn khởi, nghe chê bai không tức giận.
Khi gặp khổ nạn thì quán không, vô ngã, gặp việc vừa lòng đến luôn quán vô thường, tâm không tham đắm cảnh yêu thích. Nếu bị hiềm khích không sân giận, với người oán, thân, người giữ giới, phá giới có tâm bình đẳng. Đối với thiện ác, yêu ghét đều không có hai tướng. Nghe lời nói thiện ác, chánh hay bất chánh cũng như vậy. Đem tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh. Đối với thân mạng, tài lợi không tham tiếc. Đó gọi là Đại xả phiền não.
xả sự giữ gìn mình và người là thế nào?
Nghĩa là nếu có người đến cắt chẻ từng khúc thịt của mình, Đại Bồ Tát không những không sân giận mà cả thân và lời nói cũng không biến đổi. Đó gọi là xả.
Khất xoa đa nghĩa là đôi và cũng nghĩa là vết thương.
Nghĩa là mắt và sắc giống như có hai người đến chỗ Bồ Tát: Một người đánh đập gây vết thương, một người xoa hương thơm trên mình, nhưng Bồ Tát quán hai việc ấy với tâm bình đẳng, không thấy có hai. Bồ Tát quán vết thương trong Đệ nhất nghĩa thì người đánh gây vết thương là ai và ai là người xoa bóp, Bồ Tát không hề thấy tổn hại hoặc lợi ích, cũng không thấy có mình và người, không hại mình và người. Đó gọi là xả.
Hai nghĩa của nhãn căn và sắc cảnh cũng thế. Nhĩ căn với âm thanh, tỷ căn với hương, thiệt căn với mùi vị, thân căn với xúc chạm, ý căn với pháp. Tất cả cũng đều tịch tĩnh bình đẳng như thế.
Người hủy báng, người khen ngợi, đối với sáu căn của ta trong Đệ nhất nghĩa không có tổn thương, không gây hại nên gọi là xả. Giả sử bị người làm tổn hại, cũng không làm tổn hại lại họ. Đó gọi là xả.
Hoặc giữ gìn mình và người, không cho thương tổn, đó gọi là xả.
Xem lợi hay bất lợi như nhau, luôn nhất tâm không làm hại mình và người, đó gọi là xả.
Thường tự xem xét, hỗ trợ tâm người khác, xa lìa các sự tranh cãi, kiện tụng, gọi đó là xả.
Quán sát thật kỹ, không còn thị phi, gọi là xả.
xả như vậy gọi là xả sự giữ gìn mình và người.
Thế nào gọi là xả đúng thời và phi thời?
Nếu các hữu tình không nhận những sự dạy dỗ, chẳng phải là bậc pháp khí thì Bồ Tát không nên sân giận, đó gọi là xả phi thời.
Đối với hàng Thanh Văn, quán bốn Thánh đế đạt được pháp nhẫn về sự khổ, hướng đến quả A La Hán, nhưng Bồ Tát không chướng ngại. Đó gọi là xả phi thời.
Khi hành bố thí thì dừng lại trì giới, khi giữ giới thanh tịnh thì dừng lại để bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ cũng như vậy. Đó gọi là xả phi thời.
Nếu đối với các pháp cần phải thành tựu, việc quyết định phải làm thì tinh tấn dũng mãnh không bao giờ mệt mỏi, không nghỉ ngơi, không thoái lui, không nề hà khổ nhọc, đến khi làm xong công việc mới thôi. Đó là xả đúng thời.
Như vậy gọi là xả đúng thời, xả phi thời.
Tu tập từ, bi, hỷ, xả như vậy chỉ gọi là thiền định, chứ không được gọi là Ba la mật đa.
Khi ấy Từ Thị bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Lấy việc tu tập thiền định như vậy làm nhân, có thể được đầy đủ trí tuệ thần thông.
Thế nào là trí tuệ thần thông?
Đức Thế Tôn dạy Từ Thị: Này thiện nam! Thần thông là dùng năng lực thần thông có thể thấy sắc cực vi. Dùng mắt pháp thanh tịnh biết tánh của sắc là không, nhưng không đắm trước, thì gọi là trí tuệ.
Lại nữa, có thể nghe các loại âm thanh rất nhỏ trong thế gian, gọi là thần thông. Biết rõ các thứ âm thanh ấy không có ngôn thuyết, lìa xa các thí dụ, gọi là trí tuệ.
Lại có thể biết tâm hành của các hữu tình, đó là thần thông. Hiểu rõ vọng tâm, phi tâm của hữu tình, đó gọi là trí tuệ.
Nhớ biết tất cả những gì ở quá khứ, vị lai, gọi là thần thông. Hiểu rõ Cõi Phật chân không là trí tuệ.
Hiểu biết rõ ràng tướng sai biệt của căn tánh hữu tình, là thần thông. Hiểu rõ thắng nghĩa là không, đó gọi là trí tuệ.
Thấu biết các pháp là thần thông. Hiểu rõ thế tục như huyễn, đó là trí tuệ.
Năng lực vượt qua Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên vương là thần thông. Vượt qua Thanh Văn, Độc Giác là trí tuệ.
Từ Thị nên biết! Đó gọi là Đại Bồ Tát tu tập chân thiền định được quả báo thần thông không thể nghĩ bàn.
Này Từ Thị! Tất cả chúng sinh luôn bị vô lượng phiền não quấy nhiễu tâm mình, còn các Đại Bồ Tát thì được chân tam muội, rồi tùy theo từng loại phiền não của hữu tình mà hiện các môn tam muội để độ cho họ được giải thoát.
Đại Bồ Tát càng siêng năng tinh tấn trụ trong tam muội ấy để cho các hữu tình an trụ trong pháp bình đẳng như vậy, nghĩa là tâm bình đẳng, hành bình đẳng, tương ưng bình đẳng. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ đều bình đẳng, tức là tất cả các pháp thảy đều bình đẳng. Đó gọi là Pháp tánh tam muội.
Này Từ Thị! Tam muội bình đẳng này là bồ đề bình đẳng, bồ đề bình đẳng là tất cả hữu tình bình đẳng, tất cả hữu tình bình đẳng là tất cả các pháp bình đẳng. Được pháp bình đẳng như vậy rồi, đó gọi là trụ vào chân tam muội.
Này Từ Thị! bồ đề bình đẳng tức là hư không bình đẳng, hư không bình đẳng tức là tất cả hữu tình bình đẳng, tất cả hữu tình bình đẳng tức là tất cả các pháp bình đẳng. Được tất cả các pháp bình đẳng như vậy gọi là trụ trong chân tam muội.
Này Từ Thị! Tánh của tất cả thế gian bình đẳng, tức là tánh thanh tịnh bình đẳng, tánh thanh tịnh bình đẳng tức là tất cả hữu tình bình đẳng, tánh của hữu tình bình đẳng tức là tất cả các pháp bình đẳng. Đạt được tất cả các pháp bình đẳng thì gọi là trụ trong chân tam muội.
Này Từ Thị! Nếu tâm chính mình bình đẳng tức là biết tâm của hữu tình bình đẳng, đó gọi là trụ trong chân tam muội.
Này Từ Thị! Đối với thân ta, các hữu tình dầu có làm lợi ích hay không lợi ích, thì ta đối với tâm của hữu tình như đại địa, đều bình đẳng với tâm bất động.
Vì sao?
Vì trụ trong tánh bình đẳng của tam muội này. Do trụ trong tam muội nên không có lời nói tán loạn và không có những lời vô ý thức. Thông đạt các pháp, hiểu rõ Đệ nhất nghĩa, biết rõ thời tiết tùy thuận để mà nói, không bị tám loại gió làm lay động. Bồ Tát trụ trong pháp tánh bình đẳng như vậy, không xả bỏ tam muội, không lìa thế gian, được tự tại vô ngại. Đó gọi là Đại Bồ Tát dùng phương tiện trí tuệ thiền định Bala mật đa.
Này Từ Thị! Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành phương tiện trí tuệ xuất thế?
Nghĩa là khi tu thiền định, Bồ Tát khởi lòng từ bi với tất cả chúng sinh, đó gọi là phương tiện, quán các pháp tịch diệt là trí tuệ.
Khi tu thiền định, quy y Phật là phương tiện, hiểu rõ không chấp thủ là trí tuệ.
Cầu tất cả các pháp là phương tiện, hiểu rõ tánh của các pháp là không, đó là trí tuệ.
Quán sắc thân Phật là phương tiện, quán thân Phật là không, gọi là trí tuệ.
Quán Phạm âm của Phật là phương tiện, hiểu rõ không có ngôn thuyết là trí tuệ.
Khi chánh quán là phương tiện, sự quán chiếu cũng không, là trí tuệ.
Cứu vớt hữu tình là phương tiện, biết rõ chúng sinh là không, gọi là trí tuệ.
Biết căn tánh của chúng sinh là phương tiện, biết rõ căn tánh cũng không, là trí tuệ.
Quán cõi Tịnh độ của Phật là phương tiện, biết rõ Cõi Phật là không, gọi là trí tuệ.
Chứng đắc bồ đề là phương tiện, biết rõ bồ đề vốn tịch tĩnh là trí tuệ.
Thỉnh chuyển pháp luân là phương tiện, biết pháp không có tướng chuyển, là trí tuệ.
Quán bảy giác chi là phương tiện, biết rõ đó là chân bản giác, là trí tuệ.
Đại Bồ Tát tương ưng tu tập thiền định Ba la mật đa như vậy làm cho tất cả Thiên Ma không hại được và sẽ thành tựu vô thượng bồ đề.
Khi Đức Thế Tôn nói thiền định Ba la mật đa này có ba vạn hai ngàn Bồ Tát trong hội chứng Nhật đăng tam muội. Nhật đăng tam muội này cũng gọi là nhất trang nghiêm tam muội.
Nhật đăng tam muội là gì?
Giống như khi Mặt Trời mọc thì tất cả ánh sáng của đèn đuốc, sao, trăng bị che lấp. Bồ Tát được tam muội này cũng như vậy, sẽ che khuất ánh sáng của hàng Hữu Học, Vô Học Thanh Văn, Độc Giác và các hữu tình, cho nên gọi là Nhật đăng tam muội.
Sao gọi là Nhất trang nghiêm tam muội?
Nhất tức là vô sinh, vô sinh là pháp không. Nhất nghĩa là ở khắp tất cả mọi nơi, giống như dầu mè có khắp trong mè. Pháp vô sinh cũng vậy, thể tánh của nó biến khắp tất cả nên gọi là Nhất trang nghiêm tam muội.
Nhất trang nghiêm tam muội này cũng gọi là Nhất tăng trưởng tam muội. Nhất tức là A, A là pháp giới, nghĩa là Khế Kinh làm cho pháp giới được hiện tiền. pháp giới hiện tiền rồi thì tất cả các pháp thần thông trong pháp giới tăng trưởng, sáng rõ hiện tiền, cho nên gọi là Nhất tăng trưởng tam muội.
Nhất tăng trưởng tam muội này cũng gọi là nhất pháp giới tam muội. Nhất là pháp giới, pháp giới cũng là không. Do có định lực cho nên cái không ấy hiển bày. Đó gọi là nhất pháp giới trang nghiêm tam muội.
Nhất pháp giới này cũng gọi là Nhất không tam muội. Nhất giống như hư không, tất cả vạn vật sinh trưởng trong hư không, khi Bồ Tát đạt được chân không thì các pháp như tín,… đều tăng trưởng, cho nên gọi là Nhất không tam muội.
Này Từ Thị! Đại Bồ Tát trụ vào thiền định Ba la mật đa có thể nhập trăm ngàn câu chi na do tha tam muội.
Nay ta nói cho ông một số tên tam muội, đó là: Điện Quang tam muội, Nguyệt Quang tam muội, Thiện Tăng Trưởng tam muội, Tỳ Lô Giá Na tam muội, Tăng Trưởng Chẳng Nghĩ Bàn tam muội, Như Như Quang Chiếu tam muội, Vô Cấu tam muội, Hải Đức tam muội.
Năng Tự Tại Chuyển Nhất Thiết Pháp Luân tam muội, Thành Tựu Cấm Giới tam muội, Vô Ưu tam muội, Kiên Cố tam muội, Tô Mê Lô tam muội, Pháp Cự tam muội, Pháp Dũng tam muội, Chuyển Pháp Trí Tự Tại tam muội, Tán Tích Tụ Pháp tam muội, Trì Nhất Thiết Pháp Tam Muội.
Trì Bạch Pháp tam muội, Tri Tha Tâm tam muội, Trang Nghiêm Bảo Tràng tam muội, Diệt Phiền Não tam muội, Hoại Tứ Ma tam muội, Phát Khởi Thập Lực tam muội, Vô Trước tam muội, Đoạn Phược Trước tam muội.
Đăng Thủ tam muội, Văn Thí Danh tam muội, Trì Địa tam muội, An Trụ Tâm tam muội, Tu Di Đăng tam muội, Tồi Phục Oán Địch tam muội, Trí Cự tam muội, Phát Sinh Trí tam muội, Giáo Thọ tam muội, Tự Tại Chuyển Vô Biên Pháp Môn tam muội, Linh Tâm Kham Nhậm tam muội.
Tri Thắng Diệu Thiện tam muội, Chấn Nhật Nguyệt Âm tam muội, Vô Sở Hành tam muội, Hoại Ma tam muội, Vô Chủng Chủng Tưởng tam muội, Thiện Điều Phục Tâm tam muội, Thích Sư Tử tam muội, Niệm Phật tam muội, Niệm Pháp tam muội, Niệm Tăng tam muội.
Bất Thoái Chuyển tam muội, Bất Cụ tam muội, Tối Thắng Vô Ngã tam muội, Tợ Không Xứ tam muội, Thường Giác Ngộ tam muội, Trừ Phiền Não Duyên tam muội, Như Hư Không tam muội, Nhập Công Năng tam muội, Niệm Tuệ Giác tam muội, Vô Tận Biện tam muội.
Đại Bi Thanh tam muội, Hiện Chân Đế tam muội, Bất Hủy Hoại tam muội, Thiện Hạnh tam muội, Hữu Tình Hoan Hỷ tam muội, Tri Ái Lạc tam muội, Sinh Thọ Lạc tam muội, Thắng Từ tam muội, Tánh Tịnh tam muội, Đại Bi tam muội, Đại Thiện tam muội, Vô Sở Xả Trước tam muội.
Pháp Nghĩa tam muội, Pháp Bi tam muội, Tuệ Cự tam muội, Trí Hải tam muội, Vô Động tam muội, Thiện Điều Phục Thân tam muội, Giải Thoát Trí Tự Tại tam muội, Kim Cang Tràng tam muội, Thắng Liên Hoa Đạo Tràng tam muội.
Ly Thế Gian Pháp tam muội, Thắng Trí tam muội, Phật Quán Hành tam muội, Oai Quang tam muội, Oai Diễm tam muội, Dữ Giải Thoát Trí tam muội, Phật Thân Trang Nghiêm tam muội, Quang Minh Phổ Biến tam muội, Sát Độ Biến Tịnh tam muội.
Nhập Hữu Tính Tánh tam muội, Mãn Nhất Thiết Nguyện tam muội, Thuận bồ đề Lộ tam muội, Ba la mật Trang Nghiêm tam muội, Bảo Kế tam muội, Giác Hoa tam muội, Dữ Giải Thoát Quả tam muội, Cam Lộ Âm tam muội, Vô Đới tam muội, Tật Phong Hành tam muội.
Bảo Quang tam muội, Tài Hải Lưu tam muội, Kim Cang Phong tam muội, Đại Thần Thông tam muội, Xuất Sinh Nghĩa tam muội, Kiến Vô Biên Phật tam muội, Ức Trì Nhất Thiết Sở Văn tam muội, Dữ Sát Na Trí tam muội, Thanh Tịnh Vô Biên Công Đức tam muội…
Vô lượng câu chi tam muội như vậy, nếu Đại Bồ Tát đạt được các tam muội ấy thì gọi là thiền định Ba la mật đa.
Khi Đức Phật Thế Tôn nói thiền định Ba la mật đa này, trong hội có bảy mươi tám na do tha Trời, người phát tâm vô thượng bồ đề, ba vạn hai ngàn Bồ Tát chứng vô sinh pháp nhẫn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp